Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 79

Viết bài văn nghị luận với tiêu đề: "THIÊN NHIÊN ĐANG NỔI GIẬN" nêu suy nghĩ của em về vấn đề bảo vệ môi trường và những sự kiện xảy ra gần đây: băng tan, cháy rừng, siêu bão, lũ lụt,...

-----------------------------

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 79:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: alibaba

     Trái đất của chúng ta đã từng có những dòng sông băng tuyệt đẹp, đa dạng sinh vật dưới đại dương bao la và cả trong những khu rừng rậm xanh mướt. Dòng nước uốn quanh từ sông chảy ra biển trong lành. Đất mẹ hiền hoà nuôi những mầm cây khôn lớn. Bầu không khí không vương khói bụi từ dòng xe đông đúc hay từ những nhà máy xả khói ngút ngàn. Nhưng tất cả dường như chỉ là cái nét đẹp để chúng ta hồi tưởng. Mẹ thiên nhiên đã nuôi dưỡng con người nhưng bây giờ bà đang thực sự giận giữ bởi vì chính con người đang tàn phá thiên nhiên, tàn phá chính ngôi nhà của mình.

     Trong cuộc sống hối hả của thế kỉ 21 chắc chắn ai cũng biết và hiểu rõ đến cụm từ "ô nhiễm môi trường" đang là vấn đề nóng đáng báo động. Để các sinh vật trong đó có cả loài người có thể sống được chúng ta cần những môi trường cơ bản đó là đất, không khí và nước. Vậy, con người đã và đang đối xử với nguồn sống của sinh vật và của chính chúng ta như thế nào? Sự ô nhiễm trong môi trường sống hiện nay của mỗi người dễ dàng nhìn thấy nhất ở thói quen bước ra đường là phải đeo khẩu trang. Khói bụi từ các phương tiện giao thông cùng những khí thải nhà máy ngút ngàn ở trên bầu trời cao khiến cho chính con người không thể hít thở theo cách thông thường nữa. Ngay trong chính từng bữa ăn, ta vẫn thường xuyên phải dè chừng xem thực phẩm này có hoá chất không? Trong quá trình trồng, người ta có dùng thuốc trừ sâu hay kích thích tăng trưởng quá liều hay không? Điều đó chứng tỏ điều gì? Con người can thiệp lên những dưỡng chất dưới mặt đất và điều đó ảnh hưởng tiêu cực lên đất mẹ và các loài sinh vật sống. Đi một đoạn ra khỏi nhà, rác ngập từng đống ven đường. Hình ảnh này quen không? Đối với nhiều nơi, nhiều người là quá quen thuộc. Cũng trên con đường đó dẫn ra dòng sông, từng bao tải đen đỏ, rác thải nhựa trôi lềnh bềnh cùng xác sinh vật với màu nước đen kịt. Những khu công nghiệp xếp san sát nhau đều trên "cuộc đua" thi thố xem ai xả được nhiều nước thải ra sông, xuống biển nhất.

     Những điều đó là những điều quen thuộc mắt thấy tai nghe được nhưng chưa phải là tất cả đâu. Hãy điểm qua những con số biết "khóc" mà giới khoa học đã thống kê. Chỉ riêng trong năm nay, vào tháng 7, 197 tỷ tấn băng trên bề mặt của Greenland tan vào Đại Tây Dương. Ngày băng tan nhiều nhất là 31/7 với khối lượng lên đến 10 tỷ tấn. Dễ dàng để mỗi người trong chúng ta nhận thấy được mùa hè năm nay nóng đến mức nào, tháng 6 năm nay là tháng 6 nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử. Sự ấm lên toàn cầu diễn ra đồng thời với việc mức CO2 trong khí quyển tăng mạnh, chạm ngưỡng chưa từng thấy trong 800.000 năm qua. Ngay cả một nơi xa xôi hẻo lánh nhất Bắc Cực, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy sự xuất hiện của các hạt vi nhựa với mật độ cực cao. Hiện tượng cháy rừng xảy ra liên miên với hàng trăm ngàn hecta rừng bị tàn phá, tiêu biểu như lá phổi xanh của thế giới chính là rừng Amazon mới đây đã ngập chìm trong biển lửa, Amazon cháy chưa dập được thì rừng Châu Phi cũng cháy hàng trăm kilômét. Rồi thì hàng ngàn loài sinh vật dần mất đi, Bắc Cực nổi bão, các rặng san hô chết dần, trái đất xanh hoá hoang mạc cằn khô.

     Nguyên nhân chính của ô nhiễm là do ý thức của con người. Ăn xong đồ ăn trên tay còn cái vỏ vứt ngay giữa đường mặc dù có thùng rác ngay bên cạnh, đi du lịch đặc biệt là đến sông nước đem theo rất nhiều đồ và cuối cùng thì về nhà tay không vì đã có thùng rác công cộng là sông với biển rồi. Một nhà máy, một xí nghiệp xả thải cũng là do con người chỉ đạo mà thôi. Họ có biết hậu quả từ những việc nhỏ mình gây ra không. Tất nhiên là có, thậm chí hiểu rõ nhưng vẫn làm vì hậu quả còn lâu sau mới đến, nó không đến ngay bây giờ đâu nên họ thờ ơ. Một nguyên nhân gây ô nhiễm nữa đó là lạm dụng các chất hoá học trong nông nghiệp gây hại lên đất mẹ. Con người đã và đang đua nhau hối hả trên con đường phát triển kinh tế mà quên đi mối nguy hại đối với môi trường như chuyện rừng Amazon bị cháy cũng là do con người thiếu hiểu biết trong việc mong muốn phát triển kinh tế gây nên. Rồi thì những hành động gây ô nhiễm môi trường tràn lan nhưng chế tài xử phạt thì hầu như không có hoặc quá ít. Thời sự đã từng công bố những nghiên cứu về việc các nhà máy nhởn nhơ đua nhau xả thải mà vẫn nộp phạt bình thường ở Việt Nam. Vì sao? Vì tiền nộp phạt ít hơn việc phải đầu tư lọc khí thải trước khi đưa ra môi trường. Đó cũng là lỗ hổng lớn trong pháp luật của Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung.

     Sau những hành động tàn phá môi trường sống của chính chúng ta có thể dẫn tới điều gì? Đầu tiên, hệ lụy do ô nhiễm môi trường thì chính chúng ta là kẻ gánh chịu chưa đủ đã vậy còn kéo theo hầu hết các loài sinh vật trong trái đất này. Môi trường bẩn dẫn tới bệnh tật, hàng loạt những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến vấn đề hô hấp như lao phổi nay đã trở thành căn bệnh quen thuộc, tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư ngày càng cao, hàng loạt các loài siêu khuẩn mới được tìm thấy nhưng y học chưa theo kịp được với sự biến đổi khủng khiếp này. Rồi con người sẽ sống ra sao khi lương thực dần dần cạn kiệt đi? Thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng làm sao bù lại những loài cây cối và sinh vật mất đi do ô nhiễm. Trong vòng ba tháng qua, Brazil đang mất đi hơn 500 triệu con ong và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là lạm dụng thuốc trừ sâu. Hại đất mẹ vì cái lợi trước mắt, hậu quả về lâu về dài chúng ta trực tiếp gánh. Nguồn nước ô nhiễm, con người uống vào càng thêm bệnh tật. Dòng sông ô nhiễm chảy ra biển làm ô nhiễm biển, sinh vật nhiễm độc, con người ăn sinh vật. Quanh đi quẩn lại vẫn là tự hại chúng ta. Nhưng hại chúng ta chưa đủ đâu. Những sinh vật vô tội ngoài kia đang trả giá thay chúng ta đấy. Để kể ra thì có hàng trăm nghìn con số khủng khiếp. Mới đây, chú bò biển đáng yêu lạc đàn đã thu hút được sự chú ý từ dư luận vừa qua đời vì trong bụng chứa rác thải nhựa. Con cá voi sát thủ vừa mới được tận hưởng niềm vui làm mẹ trong 1,5 giờ thì nó đã phải ôm xác con mình liên tiếp ngoi lên bờ để cho cái xác đó hít thở. Nó đã ôm cái xác bé bỏng ấy với tình cảm vô bờ của người mẹ dọc suốt đại dương 17 ngày mặc cho thiếu thức ăn hay bị đàn bỏ xa. Cái khoảnh khắc chú cá voi bất lực buông xác con mình bơi theo đàn thực sự đau lòng khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Những bức hình chụp được những loài sinh vật chìm đắm trong biển lửa và biển máu đau đớn đến nhường nào. Sinh vật như vậy chúng ta có vui vẻ nổi không? Tất nhiên là không dù con người có trái tim sắt đá cũng không vì quanh đi quẩn lại chúng ta sống cũng nhờ vào lương thực do các sinh vật cung cấp mà thôi. Rồi đi một vòng lớn, kẻ bị hại lại là sinh vật có trí tuệ nhưng ích kỉ đó là con người. Chúng ta không làm được gì cho các sinh vật ngoài kia xin đừng hại chúng nữa. Hại chúng chính là hại chúng ta mà thôi. Mẹ thiên nhiên cũng đang thực sự nổi cơn thịnh nộ với chúng ta rồi. Băng tan, nước biển dâng nhấn chìm nhiều thành phố. Hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra như trái đất nóng lên, mưa tuyết trên chảo lửa thế giới - sa mạc Sahara. Những siêu bão hình thành có sức hủy diệt khủng khiếp như cơn bão Dorian mới đây với thang báo động cấp cao nhất cấp 5. Bão tan băng hình thành trên vùng đất Bắc Cực. Sa mạc hoá xảy ra càng nhiều. Rừng Amazon cháy, thành phố cách đó không xa ban ngày bầu trời bỗng dưng tối sầm. Đó là sự phẫn nộ của thiên nhiên đấy... Sẽ đến một lúc nào đó mẹ thiên nhiên sẽ hủy diệt con người như cách mà chúng ta đối xử với môi trường thôi. Rốt cuộc là thiên tai hay nhân tai đây? Năm 1959, Gagarin nhà du hành vũ trụ đầu tiên của thế giới đã được nhìn trái đất từ vũ trụ ông đã thốt lên rằng "từ vũ trụ, tôi không nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu". Trái đất là của chung thưa toàn thể nhân loại trên thế giới này. Không phân biệt chủng tộc hay biên giới mà nó là của "chúng ta". Đến sau này, có hay không những con người trên vũ trụ nhìn xuống mà nói trái đất màu xanh hay màu xám đây? Nó không vĩnh cửu đâu, màu xanh đó không hề vĩnh cửu, nó đang dần dần biến mất trước tầm mắt chúng ta rồi.

     Ngay bây giờ, đừng nói cao sang rằng cứu trái đất hay nói xa xôi là cứu vớt lấy những loài sinh vật tội nghiệp ngoài kia. Tự cứu lấy mình đi, cứu lấy cuộc sống của chính bản thân mình đấy. Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối nhất của ô nhiễm môi trường, nó mất hàng trăm năm để phân hủy, thứ nhựa mà bạn dùng một lần sẽ dày vò đại dương mãi mãi vì vậy ngưng xả rác lại đi. Pháp luật hãy càng mạng mẽ hơn trong việc phạt những hành động làm ô nhiễm môi trường. Hãy đứng lên và hành động đi thưa các bạn, sáng ra đường tập thể dục hay đi làm đi học tranh thủ nhặt rác xung quanh. Hãy cùng nhau chung tay sử dụng những thứ thân thiện với môi trường như những đồ bằng gỗ hay gì đó có thể phân hủy thân thiện với môi trường. Dùng những công cụ tốt giúp ích với môi trường như ứng dụng Ecosia để gián tiếp trồng cây xanh từ đằng xa. Cùng nhau hình thành các tổ chức thiện nguyện để bảo vệ môi trường. Tuyên truyền để cùng nhau đứng lên hành động. Trái đất này là của chung, cầm tay nhau, 9 tỷ người trên thế giới có thể cùng thay đổi thì trái đất của chúng ta cũng sẽ tốt hơn cả tỷ lần. Trẻ em là tương lai của đất nước, hệ thống giáo dục hãy đưa vấn đề môi trường vào để tạo cho các em những hiểu biết và hình thành nên ý thức tốt từ khi còn nhỏ. Trái đất của chúng ta có thể khôi phục không? Dù không thể hoàn toàn nhưng một điều khẳng định là sẽ có và tốt hơn bây giờ nếu chúng ta hành động. Một nhà môi trường học Nhật Bản đã một mình dùng kiến thức mà bản thân học được để biến con sông quê từ đen thành trong xanh. Con Sông Tô Lịch của Việt Nam mới đây cũng đã sạch trở lại nhờ bàn tay con người. Trong quá khứ, đã từng có hai nhà khoa học khôi phục một cánh rừng lớn chỉ nhờ việc đổ vỏ cam lên đó, 21 năm sau quay lại cả hai người đã bất ngờ đến xúc động vì khu rừng trọc năm xưa đã xanh rì những tán cây. Một khi con người hành động, trái đất sẽ khôi phục được. Chúng ta sẽ không phải hứng chịu thiên tai với những hiện tượng cực đoan hàng năm cuớp đi sinh mạng của trăm ngàn người trên trái đất, bệnh tật giảm sút. Trái đất rồi sẽ vẫn xanh một màu xanh vĩnh cửu. Xin đừng chỉ nói suông, đừng chỉ lên mạng share những bài viết cảnh tỉnh. Tự cứu lấy cuộc sống của mình, đứng lên và làm ngay đi.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Tống Linh Thảo

     Khi nói về sự phát triển của nhân loại và toàn thể xã hội chúng ta không thể nào không nhắc đến một yếu tố quan trọng đã góp phần xây dựng nên cuộc sống xanh-sạch-đẹp của mỗi con người trong chúng ta. Với hai tiếng ''môi trường'' - đã bao quát lên một hàm nghĩa rộng, khái quát chung về những mặt trong thiên nhiên và trong sự phát triển của xã hội. Để từ đó chúng ta nói lên lời cảm ơn tới'' môi trường''. Thế nhưng ngày nay môi trường đang bị phá hủy một cách nghiêm trọng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt nhất vẫn là do ý thức của con người còn quá kém đã gây ra những hậu họa khôn lường đã khiến ''thiên nhiên nổi giận''. Bởi thế chúng ta phải có những giải pháp để khắc phục hậu quả này và nâng cao nhận thức của người dân. Vậy môi trường là gì? Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự phát triển và sự sống của toàn thể nhân. Nó bao gồm tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, sinh vật, ánh sáng,…Bên cạnh đó, môi trường còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp của cải và tài sản vô giá cho người. Môi trường cung cấp cho chúng ta những liều thuốc quý hiếm, những vật dụng hằng ngày trong sinh hoạt, đảm bảo chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho con người, nó còn tác động tới xã hội và cuộc sống con người. Thế nhưng, ngày nay con người đã và đang làm gì để đền đáp và bảo vệ cho môi trường? Câu hỏi này tưởng chừng như đơn giản nhưng đã làm chúng ta phải giật mình khi trả lời. Thế hệ ngày nay đang phá hủy môi trường để kiếm nguồn lợi cho bản thân. Họ ích kỉ, tham lam, luôn nghĩ đến lợi ích của bản thân mà quên đi tầm quan trọng của môi trường trong cuộc sống xa hoa, đầy đủ tiện nghi hiện tại. Đã có ai nghe thấy tiếng khóc của các loài động vật, sự nghẹn ngào của biển cả, sự tuyệt vọng của rừng cây? Những sự vật đó đã từng là nguồn cảm hứng bất tận của thi, ca, nhạc, họa và là báu vật của tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta.Thế nhưng, những báu vật đó đã và đang bị con người phá hoại một cách nghiêm trọng. Họ vứt rác bừa bải, gây ô nhiểm biển cả, phá rừng làm nương rẫy, giết hại những loại động vật,… Những chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, công nghiệp và sự gia tăng của phương tiện giao thông. Từ đó đã dẫn lên những căn bệnh, những hiện tượng như cháy rừng, lũ lụt, băng tan, siêu bão,.. Một trong những hiện tượng đáng chú ý của ngày nay là nạn cháy rừng Amzon - nơi được coi là khu rừng lớn nhất thế giới với nhiều hệ thực vật và sinh vật đa dạng. Nhà khoa học khí hậu Brazil, ông Carlos Nobre, tin rằng có tới 15-17% toàn bộ diện tích rừng Amazon đã bị phá hủy.  Điều đó đã thay đổi cùng với tình trạng nhiệt độ trái đất tăng lên, nhiệt độ tại khu vực Amazon cũng tăng lên, kèm theo đó là số vụ cháy rừng cũng tăng. Ở một số nơi trong năm nay cũng đã xảy ra nhiều vụ chay rừng kéo dài 1-2 ngày. Hiện tượng băng tan cũng xảy ra sớm hơn dự kiến do khí hậu cũng dần nóng lên ở Bắc Cực. Vì vậy chúng ta phải bảo vệ rừng, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Rừng còn là lá phổi xanh của trái đất. Từ những hậu quả nghiêm trọng đó thì cũng có nhiều phong trào xuất hiện ngày nay như ''giờ trái đất'' , ''vẽ tranh bảo vệ môi trường'', tuyên truyền mọi người có ý thức bảo vệ môi trường. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần tích cực rèn luyện và nâng cao nhận thức quan trọng của môi trường, làm những việc vừa sức với bản thân để góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp. Hãy yêu và bảo vệ môi trường nhé các bạn!

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Dương

     Kính thưa toàn thể loài người!

     Xưa kia thì có Thủy Tinh, hô mưa gọi gió trả hờn Sơn Tinh. Ngày nay hận thù đã tàn, cớ sao dòng nước vẫn hoàn dâng cao? Chuyện này phải hỏi loài người, môi trường có tội tình chi, mà sao tàn phá không hề nể nang. Thiên tai diễn tiến triền miên, phải chăng thiên nhiên đang giận đang hờn các ngươi? Môi trường không phải là thù, chung tay góp sức vì hành tinh xanh! Tôi đây là cây thông non, mất cha mất mẹ, chẳng còn anh em. Bởi vì lâm tặc phá rừng, giờ thì bơ vơ ngoài cảnh gió sương, gió qua bão đến mưa rơi, thân tôi lá rụng tả tơi, phải rời mảnh đất cỗi cằn bay đi. Bác đất lên tiếng vọng theo: "Hỏi người cớ sao lấy hết cây rừng, nước mưa nặng hạt rửa trôi đất mòn. Đất ta vụn vỡ ê hề, ông đá sàng sê rủ nhau xuống đường, họa ta lại đến Lai Châu, 6 người thiệt mạng uổng oan, khóc than inh ỏi tan hoang cửa nhà". Cuốn theo dòng suối ả ê, hỏi ra mới biết chất thải tràn trề, tôm cua cá ốc lả lơi phơi càng, điển hình miền Trung hàng loạt cá ôi trên dòng. Dạt dào sóng vỗ vào bờ, gặp lại anh tùng đồng hương trên rừng. Hỏi sao anh lại ở đây, nghẹn ngào rưng rưng mắt lệ xin thưa: "Người dân đốt rừng làm nương, khói bay mù mụt hỡi ơi cây rừng! Chị công chị cút bay đi, chẳng còn chỗ ở lại vào sổ sách đỏ đen. Đất rừng phòng hộ ngày càng mất đi, tạo nên điều kiện lũ lụt hoành hành, lại thêm khí hậu biến đổi không ngừng, hiệu ứng nhà kính nóng lên toàn cầu, con người mất mát đau thương, thiệt hại cơ sở hạ tầng vô kể, há chẳng phải người hại người hay sao? Tôi là phận cối phận cây, làm sao làm lại loài người xấu xa?". Niềm tin rất thực ủi an: "Anh ơi loài người kẻ tốt kẻ xấu. Thay mặt môi trường thiên nhiên, em thưa với họ để coi thế nào. Anh cứ mọc tốt xanh tươi, điều hòa khí hậu, giữ đất giữ nước, mẹ thiên nhiên vui lòng". Gió luồng qua khóm trúc, cỏ dựng thành rạp, ùng ùng kéo đến đám mây, mẹ thiên nhiên hiền hậu ló dạng, mỉm cười: "Sở dĩ ta giận loài người là do, ý thức thì thiếu ích kỷ thì nhiều. Những con người đó, nhìn lợi trước mắt mà quên đi hậu quả sau này. Thêm phần là do, lỗ hổng của Nhà nước trong việc quản lý rừng, chế độ xả chất thải, khí thải của các nhà máy... Vì thế Nhà nước cần xử lý nghiêm khắc những hành vi phá hoại môi trường, đưa ra những chính sách thiết thực đồng thời áp dụng khoa học kĩ thuật để cùng chung tay bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân. Bản thân con người phải trồng cây gây rừng, bỏ rác đúng nơi quy định, xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường,tố cáo những hành vi trái phép... thì rừng mới phát huy vai trò là lá phổi xanh của Trái Đất, thiên tai hạn chế xảy ra, con người không phải chịu cảnh người ra đi kẻ ở lại...". Nghe xong dòng tâm sự đầy tâm tình, tôi đây lấy làm dòng thư, gửi đến loài người "thân mến", hy vọng thiên nhiên và con người mãi mãi là bạn tốt của nhau!

     Vấn đề môi trường bao giờ cũng nóng sốt, như Trái Đất nóng lên từng ngày, liệu con người có tự hủy diệt hành tinh này? Hãy hành động ngay hôm nay từ những việc nhỏ nhất. Bởi vì, nhiều hành động nhỏ sẽ thành một hành động lớn, từ đó lan tỏa khắp nơi, hành tinh xanh vẫn hoàn hành tinh xanh!