Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 75

 

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

          Dư luận, rất có ích cho những kẻ còn phải cần một kiềm chế, một xiềng xích để sống đừng sa ngã trụy lạc, đừng làm hại đến xã hội chung quanh. Nhưng nô lệ nó, đến mất cả tinh thần sáng tạo, tê liệt cả lòng tự tin, tự trọng, thì nó là quân thù số một phải lo trừ khử một cách khẩn cấp mới được.

          Quá sợ dư luận bên ngoài, sao ta không quá sợ dư luận bên trong? Ai biết ta bằng ta? Ai hiểu ta bằng ta? Người quân tử sợ mình hơn sợ người, sợ dư luận của mình hơn sợ dư luận của người.  Nếu tự mình có điều đáng khinh, thì thiên hạ dẫu có tôn sùng bấy nhiêu, cũng vẫn tự xem là xấu hổ. Tự mình biết có điều đáng khen, mà thiên hạ có ruồng bỏ, khinh miệt thế nào, cũng vẫn tự xem là quý trọng. 

            Người biết tự trọng, không bao giờ chịu đem tâm hồn mình mà phó thác cho kẻ qua đường. Chỉ có những kẻ, tự mình thấy có nhiều thiếu thốn bên trong, mới tìm cách phô trương, ra dáng khoe để "bù" những nghèo nàn của tâm hồn mình. Cũng như kẻ hèn nhát, thường hay làm dáng điệu kẻ anh hùng. Họ làm ra vẻ người thông thái, ra điều kẻ có tiền... để cho chung quanh hiểu lầm mà tôn kính họ. Họ tìm sự tôn trọng là vì họ sợ bị khinh bỉ. Theo tâm lý học, người ta gọi đó là những người "tự ti mặc cảm".

(Cái dũng của thánh nhân – Thu Giang, Nguyễn Duy Cần)

1. Văn bản trên đã nêu ra sự tồn tại của những kiểu người nào? Khi sợ dư luận, những kiểu người ấy đã làm gì?

2. Từ nội dung của đoạn văn bản trên, anh/chị hãy viết đoạn văn ngắn nêu cách để mỗi người không bị ảnh hưởng tiêu cực từ dư luận.

-----------------------------
CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN HAY HÀNG TUẦN SỐ 75:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN CỦA BẠN ĐẠT GIẢI NHẤT: Nguyễn Tuyết Mai

Câu 1:

* Văn bản trên nêu ra sự tồn tại của những kiểu người:

- Những người biết kiềm chế, tôn trọng ý kiến, quan điểm của bản thân, có lập trường rõ ràng.

- Những người "tự ti mặc cảm", tìm đến sự tôn trọng vì họ sợ bị khinh bỉ, hay khoe khoang, phô trương bản thân để bù những nghèo nàn tâm hồn của mình. 

* Khi sợ dư luận, họ có những cách khác nhau để giải quyết vấn đề:

- Những người ở nhóm 1 thường hành động cẩn trọng, có suy nghĩ trước sau, không bị những tin đồn làm ảnh hưởng đến bản thân.

- Những người ở nhóm 2 thì lại luôn bị cuốn theo vòng xoáy dư luận, mất đi tinh thần sáng tạo, tê liệt lòng tin, tự trọng đến nỗi quỵ lụy làm nô lệ cho nó.

Câu 2:

       Từ cổ chí kim, dư luận xã hội đã giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển ý thức cộng đồng về chủ đề nào đó được quan tâm. Chính vì tầm ảnh hưởng của nó mà nhiều người trở thành con nghiện thiếu thốn "heroin quan tâm". Vậy làm thế nào chúng ta có thể dung hòa giữa cuộc sống cá nhân và tư tưởng của cộng đồng để không bị tác động tiêu cực từ nó? Chúng ta sẽ cùng nhau bàn luận. Mỗi người hẳn sẽ có những cách định nghĩa khác nhau về dư luận, nhưng có thể hiểu nôm na dư luận là ý kiến chung của nhiều người, thể hiện thái độ, nhận thức về các vấn đề liên quan đến lợi ích hay mối quan tâm của họ. Đặc biệt, chúng ta nên có cái nhìn rõ ràng về ranh giới mập mờ giữa tin đồn và dư luận. Dẫu vậy, bởi những tin đồn biến tính đó mà ta thấy được bản chất của con người khi đối diện với dư luận: Kẻ làm chủ và người làm nô lệ cho nó. Người mạnh mẽ không bị những lời đàm tiếu làm cho gục ngã bởi họ luôn giữ cho mình những chính kiến, có đức tin mãnh liệt vào quyết định của bản thân và luôn đấu tranh theo đuổi lẽ sống của mình. Điển hình như công cụ tìm kiếm google, những ngày đầu đứng trước khó khăn, nếu như không vì cái "dư luận bên trong" liệu hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin có còn phát triển nó thành gã khổng lồ công nghệ hay là một ứng dụng bị rơi vào quên lãng được nhà điều hành Excite mua lại với giá 750 000$? Ngược lại, có những người sống lệ thuộc vào danh dự, tiếng tăm, sự tôn trọng, muốn được người đời chấp nhận và sẵn sàng chết vì điều này. Vì lẽ đó mà dư luận như dung môi tác động đến tâm lí, hòa tan khả năng phán đoán của họ. Trước những biến cố, họ thường rơi vào trạng thái "mặc cảm tự ti" và dẫn đến những hành động sai lầm. Một trường hợp cho vấn đề này là người mẫu Ngọc Trinh, khi cô tạo ra những scandal đánh bóng tên tuổi mà không lo gây dựng sự nghiệp của mình. Dư luận chính là con dao, kẻ khôn tận dụng được nó sẽ đạt được mục tiêu của bản thân, kẻ xuẩn ngốc cầm ngay lưỡi dao sẽ bị đau đớn giày vò. Chính vì thế ta cần có những giải pháp nhằm hạn chế thực trạng trên. Trước hết, hãy kiểm soát hành động của mình. Đặc biệt là giới trẻ không nên lệ thuộc vào mạng xã hội, cẩn trọng với mọi phát ngôn của mình. Thứ hai, khi nghe những lời đàm tiếu không hay về bản thân, hãy kiên trung với quan điểm của mình bởi họ "nắm người có tóc chớ không nắm kẻ trọc đầu". Tóm lại, vấn đề nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, chúng ta cần nhận thức vai trò của dư luận trong xã hội, lắng nghe những góp ý chân thành từ người khác để sửa chữa và hoàn thiện bản thân. Đồng thời cũng phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mình để có cái tôi kiên định biết phán đoán. Khi gặp khó khăn, hãy nhắc nhở bản thân rằng: "Sinh ra như một bản thể, đừng chết như một bản sao".

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN CỦA BẠN ĐẠT GIẢI NHÌ: Lisa

1. Văn bản trên đã nêu ra sự tồn tại của những kiểu người nào? Khi sợ dư luận, những kiểu người ấy đã làm gì?

- Văn bản trên đã nêu ra sự tồn tại của những kiểu người tự ti mặc cảm.

- Khi sợ dư luận, những kiểu người ấy đã phô trương để người khác thấy mình là người thông thái, có học thức, có điều kiện, đạo đức tốt, vv..

2. Từ nội dung của đoạn văn bản trên, anh/chị hãy viết đoạn văn ngắn nêu cách để mỗi người không bị ảnh hưởng tiêu cực từ dư luận.

     Dư luận là hiện tượng tâm lí bắt nguồn từ một nhóm người, những bình luận, phán xét, quan điểm của họ đến cá nhân hay nhóm người nào đó. Trong cuộc sống của chúng ta, không ít lần sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ dư luận, những lời đàm tiếu xung quanh ta. Dư luận ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến mình, không phải do dư luận mà là do mình. Người biết kiềm chế, khiêm tốn, nội tâm phóng khoáng, mạnh mẽ sẽ không sợ dư luận, dám dũng cảm đối mặt với sự thật, dám nghe lời khuyên đúng người, đúng chỗ và tu sửa lại bản thân. Còn người "tự ti mặc cảm", nội tâm yếu đuối thì khác, sợ bị chỉ trích, sợ người khác nghĩ không hay về mình, cố gắng tỏ ra mình thề này, thế nọ hay phô trương tâm hồn mình cho mọi người. Những người như vậy không có can đảm để đối mặt với sự thật, sống trong lời nói của người khác, hôm được khen thì vui vẻ, bị chê trách lại buồn bực. Để mỗi người không bị ảnh hưởng từ dư luận thì bắt buộc mỗi người phải có tinh thần độc lập, có lập trường riêng, có lòng tự tôn riêng, không màng hư danh, làm việc không nghĩ đến người khác hài lòng hay không vì việc mình làm đâu phải cho họ, cuộc sống của mình đâu phải để họ sống? Hà tất phải quan tâm, để ý đến lời dè bỉu, nịnh nọt từ những người ngoài kia? Khi làm việc gì, đầu tiên là phải nghĩ xem mình thấy việc này đáng làm không, có ích không, luôn đặt tư tưởng, suy nghĩ của mình lên hàng đầu còn về phía dư luận luôn để ý sau cùng, xem việc mình làm có thiếu sót không.

      Để ta không bị ảnh hưởng tiêu cực tới dư luận, những suy nghĩ và dự định của của ta sẽ không phô ra hết cho thiên hạ mà chỉ đơn giản là "tự mình biết mình".  Ước mơ, dự định hay hoài bão hoặc những việc ta làm không cần đến sự ủng hộ hay ngăn cản của những người xung quanh. Nói thế không có nghĩa là mình bảo thủ, ngạo mạn không coi trọng lời nói của người khác, mà là ta nên coi trọng lời nói của người đáng coi trọng, nghe và tiếp thu lời nói của những người nên nghe, nói trắng ra là những có kinh nghiệm hơn mình trong một lĩnh vực hoặc việc nào đó. Khi ta quyết định làm một việc mà người có kinh nghiệm hơn ta nhận xét vài ba câu tiêu cực không nên lung lay lập trường, quyết định không bền chặt, nên mang trong mình sự tự tin nhất định và vừa đủ. Việc này là tự mình làm, tự mình nghĩ chứ không phải họ, có lời khuyên thì nghĩ cho kĩ nên tiếp nhận không, có lời khen chê thì cũng chẳng cần quan tâm, nên tiếp tục làm việc. Đừng vì lời chê bai chỉ trích của người khác mà đánh mất mình nhảy vào cãi cọ với họ, bởi vì người chỉ biết chê bai, chỉ trích người bạn là người không đáng để bạn mở mồm ra nói chuyện với người ta. Thay vì để ý đến những loại người đó, hãy học cách nói chuyện, thảo luận với những người thành đạt hơn mình hay người đem ra lời góp ý chứ không khen chê gì về việc ta làm. Vì đơn giản khen hay chê không giúp ích gì cho người khác, chỉ có lời khuyên mới đáng để họ thấm vào đầu.  
     Nói chung, để không bị ảnh hưởng tiêu cực từ dư luận mỗi người phải có tư tưởng độc lập, nội tâm mạnh mẽ, không màng hư danh, trầm tĩnh, điềm đạm, không phô trương và nên nhớ: giữ cho tâm yên bình, dư luận chỉ là hạt cát, bởi vì tất cả mọi ưu phiền đến với bạn chỉ vì tâm thiếu bình an.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN CỦA BẠN ĐẠT GIẢI BA: Nguyễn Thị Ninh

1) Văn bản trên đã nêu ra sự tồn tại của hai kiểu người. Kiểu người thứ nhất là kiểu người quân tử, biết tự trọng. Còn kiểu người thứ hai là kiểu người hèn nhát theo tâm lý học gọi là kiểu người "tự ti mặc cảm". Khi sợ dư luận, kiểu người quân tử sợ dư luận ở bên trong chính bản thân mình. Nếu tự mình có điều đáng khinh thì dù thiên hạ có tôn sùng bao nhiêu thì vẫn tự xem là xấu hổ còn nếu tự mình biết có điểm đáng khen thì dù thiên hạ có ruồng bỏ, khinh miệt thì vẫn thực xem là quý trọng. Còn kiểu người thứ hai lại sợ dư luận bên ngoài, khi sợ dư luận thì họ tìm cách phô trương bản thân, làm ra vẻ thông thái, nhiều tiền,... để mọi người khen ngợi, tôn sùng họ và cũng là để che đậy đi cái tự ti mặc cảm của chính bản thân họ.

2) Trong cuộc sống của chúng ta có lẽ bất cứ điều xảy ra xung quanh đều có hai mặt rõ rệt của nó, mặt tốt và mặt xấu. Và dư luận cũng là một trường hợp không ngoại lệ. Đối với những người còn xốc nổi, thiếu ý thức trách nhiệm và gây ra những tác hại xấu cho xã hội thì dư luận sẽ trở nên rất có ích giúp họ rất nhiều trong quá trình sửa đổi và rèn luyện tính cách, nhân cách. Nhưng việc nhờ dư luận mà ta biết được những lỗi sai, những khiếm khuyết của bản thân mà sửa đổi hoàn toàn khác với việc bạn trở thành nô lệ của nó, biến dư luận trở thành ngọn lửa thiêu đốt toàn bộ sự tự tin, lòng tự trọng và cả khả năng của bản thân mình thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bạn biết không? Mỗi người được sinh ra trong chúng ta đều đã là một cá thể độc lập và tốt đẹp nhất theo cách riêng của chính bạn rồi. Mỗi người  sẽ có những khả năng riêng, sở thích và tính cách riêng nên không việc gì chúng ta phải tự ti hay mặc cảm với bản thân mình cả. Và cũng không có bất cứ ai có quyền được bẻ gãy ước mơ hay vùi dập sở thích, cá tính của bạn cả. Tất nhiên bạn vẫn chưa hoàn hảo và vốn dĩ cũng không có một ai hoàn hảo cả. Sẽ có những lúc bạn phạm phải sai lầm, bạn có những khuyết điểm không tốt và bạn cần phải sửa đổi nó để bản thân của mình trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Thế nhưng không phải khi nào, dư luận cũng tạo ra những điều tốt đẹp như vậy. Đôi khi sẽ có những lúc dư luận quay lưng lại với bạn và chửi rủa, miệt thị bạn hay là có lúc ước mơ của bạn bị mọi người cười chê, cho rằng bạn mơ mộng hão huyền. Vào chính những thời điểm đó, bạn có chắc là khi mà bạn gục ngã, bạn nhận thua với dư luận và tìm hướng đi khác, hay bạn tìm cách phô trương bản thân, làm ra vẻ thông thái, giàu có... để mọi người hiểu lầm và rồi  ngưỡng mộ bạn thì sự thật sẽ thay đổi, tất cả những sai lầm, khuyết điểm của bạn sẽ hoàn toàn biến mất, bạn sẽ trở nên hoàn hảo và toàn diện? Không, không hề và vào ngay thời điểm đó bạn sẽ nhận ra rằng: "Bạn đã và đang là nô lệ của dư luận và bạn đang hoàn toàn phó thác cuộc sống riêng của bạn cho họ điều khiển rồi". Vậy vào những thời điểm đó đó bạn nên làm gì? Phải chăng là đỗ lỗi cho người khác và than trách cho số phận của bản thân? Không, đừng như vậy bởi vì nó sẽ không khiến tất cả mọi chuyện tốt lên được và cuộc sống mà bạn đang sống vốn dĩ là của bạn, bạn chính là biên đạo của cuộc đời mình nhưng nếu như những điều xảy ra với bạn là lỗi của người khác thì liệu đó có còn là cuộc sống của bạn nữa không? Bởi vậy, khi đứng trước dư luận hãy luôn luôn là một người tự tin, tỉnh táo và nắm vững lập trường cũng như cuộc sống của chính bạn. Nhưng bạn cũng đừng vội bác bỏ tất cả mọi thứ từ dư luận. Hãy tiếp thu những ý kiến tốt và đúng đắn để góp phần làm cho con người của bạn trở nên hoàn thiện hơn và đối với những ý kiến mang ảnh hưởng  tiêu cực đến bạn hay là những ý kiến chỉ mang tính chất khinh miệt và chửi rủa bạn mà thôi thì hãy mỉm cười thật tươi và lấy nó làm động lực để bước tiếp trên đường đời.