Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 78

Tháng một là tiết mưa xuân
Tháng hai mưa bụi dần dần mưa ra
Đàn bà như hạt mưa sa
Mưa đâu mát đấy biết là đâu hơn
Tháng năm tháng sáu trong trận mưa cơn
Bước sang tháng bảy rợp rờn mưa ngâu
Thương thay cho vợ chồng Ngâu
Cả năm chỉ mới gặp nhau một lần
Nữa là ta ở dưới trần
Cũng mong kết nghĩa Tấn Tần cùng nhau
Nữa là mưa nắng dãi dầu
Cũng mong cho vợ chồng Ngâu hợp hòa
Gặp nhau từ ngày mồng ba
Đến ngày mồng bảy là ra bơ phờ
Đã đành kết tóc xe tơ
Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời
Mưa thì em đã họa rồi
Nắng đâu anh họa một bài cùng nghe.

(Ca dao)

Bài ca dao trên nhắc đến sự tích nào? Dựa vào những hiểu biết của em, hãy kể lại sáng tạo sự tích ấy? (Có thể viết cái kết khác hoặc những tưởng tượng của em về sự tích gốc mà em biết)

-----------------------------

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN SỐ 78.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Nhi Nguyễn

1. Bài ca dao nhắc đến sự tích Ngưu Lang Chức Nữ 

2. Kể sáng tạo, tưởng tượng về cái kết của sự tích Ngưu Lang Chức Nữ 

     Sau khi biết chuyện, Thiên Hậu đã rất tức giận vì một kẻ tầm thường lại dám cưới một nàng tiên đẹp. Bà buộc Chức nữ phải về trời rồi rút cái kẹp tóc của nàng ra và vạch ra một con sông rộng trên bầu trời gọi là sông Ngân để chia cắt đôi tình lang mãi mãi. Chức Nữ phải vĩnh viễn ngồi trên một bờ sông, buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang chỉ nhìn thấy vợ mình từ xa và phải chịu trách nhiệm nuôi hai con. Thời gian dần trôi, Ngưu Lang ngày ngày ủ dột, hai đứa trẻ không có sự chăm sóc ân cần từ mẹ cũng rất buồn, nhớ mẹ và thường xuyên quấy khóc. Thiên hậu sau khi biết vậy nghĩ thầm mặc dù chúng là con của dân thường nhưng cũng mang trong mình huyết mạch của Thiên gia, là đứa cháu ngoại của mình vì vậy mà cũng rất thương xót, muốn đã đưa hai đứa trẻ về thiên đình nuôi dưỡng. Ngưu Lang không hề muốn xa vợ và xa luôn con nhưng không thể nào kháng lệnh nên đành nhìn Thiên hậu mang hai đứa trẻ đi. Hai anh em một trai một gái mang nhiều nét đẹp của cả cha và mẹ, cũng rất tinh nghịch và đáng yêu. Chúng nhanh chóng chiếm được tình yêu thương của Thiên hậu và Thiên đế. Từ ngày hai đứa trẻ đến, Thiên Đình ngày càng vui vẻ với những tiếng nói cười của trẻ thơ, Thiên Đế cùng Thiên Hậu hết sức nuông chiều, thường xuyên dắt hai anh em đi chơi ngắm cảnh vật của chốn bồng lai thiên giới, ăn những món ăn quý hiếm của thiên triều, nằm trên đệm được dệt bằng tiên tằm, ngủ trong chăn được làm bằng vải mây. Được chăm sóc từng tý một, chơi nhiều nơi không ai không mơ ước, ban đầu chúng tỏ ra rất thích thú, hào hứng với cuộc sống ăn chơi rồi ngủ nhưng những điều đó diễn ra không được lâu. Tiếng cười dần ngớt trên môi của hai anh em. Thiên Hậu và Thiên Đế rất lo lắng, một ngày Thiên Hậu liền hỏi hai đứa "Sao các cháu buồn vậy? Các cháu không thích ở nơi này hay không yêu ông bà?". Cả hai cùng đồng thanh "Chúng cháu rất yêu nơi này, cũng rất yêu ông bà. Nhưng mà...". Giọng nói ngưng lại, ánh mắt cả hai buồn thiu. Bàn tay nhẹ nhàng xoa lên đầu chúng. Thiên hậu hỏi tiếp "Sao vậy?". Đôi mắt to tròn ngây thơ như có đọng một chút nước "Chúng cháu rất nhớ cha, cũng rất nhớ mẹ". Thiên Hậu không đành lòng để chúng buồn, cũng không muốn chúng dính dáng tới người cha tầm thường đó đành nói tiếp "Ở với người cha nghèo khó như vậy, cho các cháu được cái gì? Có thể cho các cháu những gì ta và Thiên Đế cho các cháu hay không? Có đối xử tốt với các cháu được như chúng ta hay không?". Lũ trẻ đáp ngay "Cha và mẹ chúng cháu không cho chúng cháu được quyền sai khiến người khác, không cho chúng cháu ăn sung mặc sướng, không cho chúng cháu đi chơi nhiều nơi và ngắm cảnh đẹp nhưng họ cho chúng cháu một thứ khác. Một thứ quý giá hơn tất cả mà cả ông và bà đều không có trọn vẹn." Thiên Hậu và Thiên Đế nhìn nhau ngạc nhiên rồi Thiên Đế vuốt râu bật cười "Khắp thiên hạ này thứ gì mà không phải của ông, thứ gì mà quả nhân không có? Các cháu nói xem?". "Ông có thể có, cũng có thể cho chúng cháu. Vậy ông và bà có thể cho chúng cháu thứ mà chúng cháu muốn không?". Thiên Đế tiếp tục cười hiền từ. Hai đứa trẻ lại xin xỏ điều gì rồi. Ông lập tức chiều cháu, đồng ý ngay: "Được, các cháu nói đi. Thứ gì ông ngoại cũng có thể cho các cháu của ông cả". Hai đứa trẻ mắt chạm mắt, thanh âm vang lên: "Chúng cháu chỉ xin 1 gia đình thôi. Ở bên cha mẹ, mãi mãi không chia ly". Thứ mà hai đứa trẻ mong muốn nhất trước nay không phải là sống sung sướng mà đó là một gia đình, một gia đình ở đó sẽ có ông bà và cả cha mẹ. Tuy chúng ở đây rất vui nhưng không một phút giây nào chúng có thể quên được cha mẹ mình. "Chúng cháu chỉ cầu xin ông bà, có thể cho chúng cháu gặp lại gia đình của mình không? Dù chỉ là một chút thôi, xin ông bà đừng chia cắt gia đình con nữa". Thiên Đến và Thiên Hậu bỗng dưng chạnh lòng và thấy thương hai đứa nhỏ còn bé đã phải xa cha mẹ. Sau câu nói đó, từ miệng của hai đứa trẻ thơ. Thiên Đế và Thiên Hậu liền nhận ra thứ quý giá nhất trên cõi đời mà họ không có trọn vẹn đó là tình cảm gia đình. Họ đã có thể chấp nhận những đứa trẻ mang trong mình nửa dòng máu của kẻ họ xem là tầm thường vậy tại sao không thể chấp nhận kẻ tầm thường đó? Gia đình là như vậy, không hề hoàn hảo, cũng không cần hoàn hảo. Chỉ cần có tình yêu thương gia đình thì mọi khiếm khuyết đều có thể bù đắp một cách hoàn hảo kể cả xuất thân của Ngưu Lang cũng vậy. Im lặng một lúc lâu, nhìn hai đứa trẻ cùng đứa con gái mình yêu thương đang rất buồn chỉ vì những suy nghĩ không được thấu đáo của mình. Thiên Đế và Thiên Hậu đã bàn bạc kĩ với nhau và đưa ra quyết định cho cả gia đình gặp nhau, mãi mãi không bao giờ chia lìa nữa, sống hạnh phúc đến suốt đời. Hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ như vậy, chỉ cần có một gia đình yêu thương nhau cũng đủ rồi. Tình yêu cảm động đất trời của Ngưu Lang và Chức nữ tình nguyện phá bỏ rào cản và xuất thân để yêu thương và trân trọng nhau của họ đã sinh ra và nuôi dưỡng được những đứa trẻ có tình cảm mãnh liệt với gia đình. Quả là một câu chuyện đáng quý về tình yêu đôi lứa, tình cảm gắn bó giữa những người thân ruột thịt mà không một sóng gió nào mà nắm tay nhau gia đình không thể vượt qua được. Hằng năm, vào ngày 7/7 âm lịch, Thiên Đế thường ban một trận mưa để đất trời tốt tươi và cũng để tưởng nhớ về gia đình của mình. Người dân dưới hạ giới biết chuyện cũng vô cùng xúc động, lấy ngày này làm ngày lễ tình nhân cho lứa đôi yêu nhau với nhiều phong tục như ăn đậu đỏ, luồn chỉ lụa màu, cầu nguyện trước Chức Nữ,.... Hy vọng sau này lứa đôi sẽ có được tình cảm mặn nồng và một gia đình hạnh phúc giống như Ngưu Lang và Chức Nữ.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Nguyễn Văn Đạt

- Bài ca dao trên nhắc đến sự tích "Mưa Ngâu".

- Kể lại sáng tạo sự tích "Mưa Ngâu" :

     Ở một vùng nọ phong cảnh sơn thủy hữu tình rất đẹp, có chàng Ngưu Lang chân chất, khỏe mạnh và siêng năng. Một hôm đi lấy củi về qua hồ nước ven rừng, Ngưu Lang chợt nghe tiếng reo cười vui vẻ bèn nhẹ nhàng lại gần, núp sau bụi cây và ngẩn ngơ nhìn: Trước mắt chàng là bảy nàng tiên xinh đẹp tuyệt trần với đôi cánh trắng muốt đang vui đùa trên thảm cỏ. Rồi các nàng tiên rủ nhau xuống hồ tắm mát. 
     Họ trút bỏ xiêm y và những đôi cánh. Ngưu Lang say sưa ngắm nhìn, lòng thầm chọn cô nàng nhỏ nhắn, xinh xắn và đáng yêu nhất. Đó chính là nàng tiên út, con của Ngọc Hoàng thượng đế, tên là Chức Nữ. Nhưng chàng lại lo lắng vì chỉ lát nữa thôi, khi tắm xong các nàng tiên sẽ bay về trời và chàng sẽ chẳng còn cơ hội gặp lại nàng nữa! Một ý định táo bạo chợt nảy ra: Chàng bèn kín đáo tới bên lùm cây, lấy trộm đôi cánh của Chức Nữ giấu đi. 
     Tới khi một nàng tiên chợt kêu lên: “Muộn rồi, các chị em ơi, chúng ta mau về thôi!” Họ vội vã mặc đồ, chắp cánh vào và bay lên. Riêng Chức Nữ luýnh quýnh tìm hoài không thấy cánh. Trời sắp tối, sáu nàng tiên không thể chờ đợi nên đành bay về trời…Vậy là Chức Nữ đành ở lại cùng Ngưu Lang. Chàng không thể ngờ mình lại có người vợ tiên xinh đẹp dễ thương như vậy. Ngày qua ngày, họ chung sống thực hạnh phúc. Nàng ngày càng yêu mến, gắn bó với chàng và cuộc sống nơi trần thế. 
     Một này nọ, Ngưu Lang lên rừng kiếm củi, Chức Nữ cặm cụi dọn dẹp nhà cho đỡ buồn. Tình cờ nàng tìm thấy đôi cánh mà lâu nay chàng giấu kỹ trong buồng. Nàng bèn mang ra sân vuốt ve, ngắm nhìn và bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa. Đã lâu lắm rồi nàng không được tung tăng bay lượn, không được vui vầy cùng cha mẹ và các chị…Nàng chợt thử chắp đôi cánh vào. Nào ngờ lập tức nó nâng bổng nàng lên cao và bay thẳng về trời, mặc cho nàng hoảng hốt kêu tên chàng. Duyên phận nơi trần thế đã hết, đến lúc nàng phải trở lại xứ sở của mình… 
     Ngưu Lang trở về, hốt hoảng tìm vợ khắp nơi và phát hiện ra đôi cánh đã mất. Chàng vô cùng đau khổ vì điều chàng lo sợ nhất bấy nay đã xảy ra! Trước sau chỉ yêu thương mình nàng, nên chàng quyết chí lặn lội đi tìm vợ. Trải qua bao nhiêu vất vả hiểm nguy, cuối cùng Ngưu Lang cũng tìm được đường lên trời. Nhưng tới dòng sông Ngân Hà rất lớn ngăn cách thế giới của trời, mà người phàm trần không thể vượt qua. Thất vọng, Ngưu Lang đứng bên bờ sông khóc than thảm thiết, cầu xin Ngọc Hoàng rủ lòng thương, cho vợ chồng chàng được đoàn tụ. 
     Còn Chức Nữ, từ khi về trời cũng ngày đêm ủ dột, buồn nhớ chồng. Nhưng nàng đã phạm luật trời nên bị Ngọc Hoàng quở phạt và không cho phép đi đâu nữa. Cho tới một ngày, nghe tiếng chàng tha thiết gọi tên mình, nàng vội chạy tới nhưng cũng chỉ có thể đứng bên này sông Ngân Hà nhìn sang mà khóc! Ngày tiếp ngày, hai người yêu nhau không còn thiết gì hơn, cứ đứng hai bên bờ sông nhìn  nhau mà đau khổ, ai oán.
     Nao lòng trước cảnh tượng đó, Ngọc Hoàng đành gia ân cho họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào tháng 7 âm lịch. Lai sai đàn chim Ô Thước (còn gọi là chim khách) kết thành chiếc cầu băng qua dòng Ngân Hà mênh mông. Vì vậy cây cầu này cũng được gọi là cầu Ô Thước. Và người ta nói rằng, từ đó cứ vào tháng bảy là không thấy bóng dáng chim khách đâu, bởi chúng phải lên trời làm cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ đoàn tụ...