Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 91

"Gửi gia đình!

Mọi người - bố, mẹ, anh! Con nhớ... hồi chúng ta ở nhà cũ! Ngôi nhà đó không tiện nghi như bây giờ nhưng nó có biết bao kỉ niệm con không thể quên!

Vì nhà chật bố mẹ phải ngủ chung, chứ không như nhà mới, bố mẹ ngủ riêng ra, mẹ ngủ ở phòng, bố ngủ ở ghế. Trước đây, bố hay giúp mẹ việc nhà, giúp đỡ bọn con học hành, nhưng bây giờ thì không.

Bố dành thời gian ngoài kiếm tiền, ít khi quan tâm gia đình như trước. Con nhớ những kì nghỉ Tết và nghỉ hè, cả gia đình cùng đi chơi với nhau, con thấy rất vui!

Nhưng bây giờ, 3 mẹ con đi riêng, 3 bố con đi riêng, làm con cứ thấy thiếu thiếu gì đó! Giá mà bây giờ gia đình mình như vậy thì tốt quá, nhưng không, mọi thứ tan vỡ rồi!

Bố mẹ sẽ chia tay nhau, bọn con sẽ không gặp bố nữa! Bố ơi, con biết chuyện gì xảy ra. Vì nảy sinh bất đồng với mẹ, bố không thể tập trung làm việc, đem tiền về cho gia đình.

Con mong bố dành thời gian với gia đình, giúp đỡ mẹ việc nhà, thường xuyên hỏi han chuyện học hành của bọn con... Như vậy, mẹ mới tin tưởng bố và yêu thương bố nhiều hơn!

Còn mẹ, con biết mẹ rất vất vả vì nuôi 2 con. Nhưng mẹ vẫn cố yêu thương gia đình mình! Mẹ à, con mong mẹ yêu thương bố nhiều hơn, như vậy, bố mới tập trung làm việc, mang nhiều tiền về cho gia đình! Còn anh Sơn,thật sự, em không hề ghét anh!

Anh thường mang lại tiếng cười cho em. Dù hơi dần nhưng em rất thích những bộ phim, câu chuyện, hình vẽ, sản phẩm,... mà anh làm cho em! Em mong anh học tập chăm chỉ để không phụ lòng bố mẹ!

Nói chung, con yêu thương mọi người nhiều lắm!"

Ký tên LNHK.

Trên đây là bức thư tuyệt mệnh của bé gái 12 tuổi. 

Đọc bức thư trên, em có suy nghĩ và cảm xúc như thế nào. Viết bài văn nêu cảm nhận và thông điệp mà em rút ra được sau khi đọc bức thư trên.

-----------------------------

     CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 91:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: bùi linh chi

     Đôi mắt nhoè đi, những giọt nước mắt đã vô thức trào ra khi em đọc bức thư này. "Xót xa" đó là hai từ đầu tiên mà em đã thốt lên trong đầu. Xót xa vì cảnh ngộ của bé gái chỉ mới 12 tuổi đã phải trải qua những đau thương trong cuộc sống. Xót xa vì những hạnh phúc vui vẻ mà em ấy kể ra lại chỉ đặt sau hai chữ "trước đây". Xót xa vì em ấy đã tự động đóng cửa sinh mệnh của chính mình theo phương thức đau đớn nhất. Bức thư không quá dài nhưng nó đủ để tóm tắt lại một cuộc đời của một cô bé. Cuộc đời ấy giống như một bản nhạc bắt đầu từ những nốt bình yên vui vẻ và kết thúc đớn đau y như thể âm thanh của đàn đứt dây. Một quãng lặng mang bao nhiêu xúc cảm khiến người ta phải bật khóc. Như biết bao đứa trẻ khác, cô bé đã từng cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình mình. Một gia đình dẫu thiếu thốn về vật chất nhưng có anh, có ba, có mẹ, có tiếng cười, có biết bao niềm vui. Một ngôi nhà chật nhưng quan trọng nó cũng chất đầy tình yêu thương nơi mỗi ngõ ngách dù là nhỏ nhất. Tất cả mọi điều cô bé viết trong bức thư ấy hoàn toàn chân thực và giản đơn nhưng lại khiến người ta đọc mà xót xa vì nó chỉ đặt sau hai chữ "trước đây" và ba mẹ ơi "con nhớ". Rồi một ngày, những điều tươi đẹp nơi ngôi nhà cũ mãi mãi chỉ tồn tại nơi hồi ức. Có lẽ người lớn thường hay như vậy. Họ luôn cố gắng để kiếm tiền mong con cái có cuộc sống sung sướng hơn bây giờ. Đó cũng là một cách để họ thể hiện rằng mình yêu con, luôn nỗ lực hết mình mong con có cuộc sống tốt nhất. Nhưng mỗi một ngày chỉ có 24 giờ thôi, quy luật tự nhiên ấy sẽ không vì ai mà đổi thay cả. Và rồi họ lao đầu vào công việc mà bỏ quên những thứ quan trọng hơn, quên mất đi những thói quen hàng ngày, quên mất luôn tiếng cười, quên cả cách quan tâm đến cảm nhận của con cái. Nhưng đứa trẻ thì nó chỉ mới hiểu yêu và ghét, nó có bao giờ yêu thích hay khao khát đồng tiền đâu. Là vì trẻ con không thể thay đổi hành động của người lớn nên cuối cùng, khi những màu kí ức đó vỡ tan như bong bóng, khi gia đình xuất hiện những vết rạn là lúc đứa con bị tổn thương nhiều nhất. Có lẽ, để viết được bức thư này, cô bé ấy đã phải rơi rất nhiều nước mắt lên trang giấy. Là một đứa trẻ nhạy cảm, nhìn thấy ba mẹ chạy theo gồng quay của tiền bạc, cô bé nhận ra tất cả thay đổi rồi. Từ khi chuyển đến nhà mới, vật chất đầy đủ nhưng tình yêu thì ngày một vơi đi. Ba không quan tâm đến gia đình như trước, ba mẹ luôn xảy ra bất đồng với nhau chứ không còn hoà thuận nữa đâu. Chứng kiến tất cả mọi thứ, tâm hồn của một đứa trẻ đã thương tổn không thể dùng tiền để xoa dịu. Có những vết thương không chảy máu nhưng nó lại đau đớn và hằn sâu gấp ngàn lần những vết thương có thể chảy máu. Tuy nhiên dù có như vậy thì, trong mắt cô bé ba mẹ em vẫn là những người tuyệt vời, sự ra đi của em chắc chỉ là mong muốn nhắc nhở ba mẹ thôi. Có được bao nhiêu người đủ dũng khí để tự sát chứ, rất nhiều người có ý định nhưng trong những người vạch ra ý định đó số người tự sát lại không quá nhiều. Một đứa trẻ mới lên 12 phải trải qua những đau đớn, dày vò ghê gớm về tâm hồn tới mức nào mới đưa ra quyết định như thế. Nhưng điều khiến người đọc rơi nước mắt chắc hẳn không dừng lại ở chỗ xót xa. Là một đứa trẻ, đọc từng dòng chữ ngắn ngủi mà chứa chan những nỗi đớn đau ấy em thực sự vô cùng đồng cảm với cô bé này. Vì em cũng là đứa trẻ trong gia đình của mình, cũng phải chịu không ít tổn thương khi gia đình rạn nứt. Khi chứng kiến ba mẹ ngày ngày cãi vã không hồi kết, họ làm tổn thương lẫn nhau và vô tình làm tổn thương cả đứa trẻ họ nói rằng yêu nhất trên đời. Đó không phải câu chuyện riêng của cô bé mới lên 12, đó là câu chuyện chung của tất cả đứa trẻ trên thế giới này. Người lớn biết không? Trẻ con không phiền phức, nó không bao giờ nhõng nhẽo hay đòi hỏi người lạ, những lúc trẻ con làm phiền, chỉ là nó muốn được yêu thương mà thôi. Chẳng một đứa trẻ nào cần tiền cả, tiền để làm gì? Đối với trẻ con, tiền không bao giờ mua được hạnh phúc, cũng không thể đem lên chùi nước mắt. Người lớn có quyết định riêng của họ, quyết định tiếp nối một gia đình hay sẽ hai người hai ngả đường. Nhưng có bao nhiêu người làm ba mẹ chịu ngồi lại hỏi "con ơi, con có buồn không?". Chịu quan tâm đến những vết thương tâm hồn của con cái, vì con mà cố gắng. Tiền cuối cùng đôi khi mới là thứ mà trẻ con ghét nhất khi gia đình phải vì nó mà chia ly xa cách. Cô bé 12 tuổi đó đã nhắn gửi và khuyên bảo những điều lại cho gia đình trước khi quyết định rời xa họ mãi mãi. Chắc hẳn khi đọc thư có lẽ chính họ cũng không biết chỉ những điều giản đơn đến vậy sẽ đủ sức hàn gắn được sự nứt nẻ trong tình yêu, xoa dịu nỗi đau và cả vết thương nữa. Nếu họ làm thế sớm hơn, đứa trẻ đó đã sống trong vui vẻ chứ không bị dồn đến mức phải đưa ra quyết định xót xa. Nhưng ba mẹ ơi, đơn giản đến vậy, sao ba mẹ không thể cố gắng vì chúng con? Dòng cuối cùng trong bức thư sót lại là gì? Đó là một sự tóm gọn cho tất cả "Nói chung, con yêu thương mọi người nhiều lắm!" Vì con yêu tất cả mọi người rất nhiều nên mới không chịu được nỗi đau chia xa. Nên nếu đã phải chia xa, con thà rằng mình đi sang một thế giới khác, ở đó, có lẽ con sẽ không cần phải hứng chịu những vết thương lòng không cách nào chữa lành nữa. Ở đó, hồi ức của con chầm chậm là những năm tháng vui vẻ khi xưa bên căn nhà cũ mà thôi, sẽ không là tiếp nối của sự đau đớn này nữa. Dù gia đình đã như vậy nhưng con vẫn rất yêu gia đình mình, yêu rất rất nhiều. Người lớn nếu cứ nghĩ cho kẹo sẽ làm trẻ con vui, họ đúng rồi. Trẻ con đơn giản đến vậy, cho kẹo nó sẽ vui nếu như trong cái kẹo đó gói cả tình yêu thương. Đừng bao giờ gói trong cái kẹo đó gánh nặng tiền bạc, sự bất hoà rồi cho rằng đó là điều tốt nhất cho con cái. Có những tâm tư mà chỉ có trẻ con hiểu mà thôi. Người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Trẻ con không hiểu và cũng không thể hiểu gánh nặng mà người lớn gánh trên vai nhưng tại sao người lớn không dừng chạy theo những guồng quay để chậm lại, ngoái lại phía sau xem lại chính mình thời còn bé. Có phải lúc đó mình cần tiền hay không, hay mình thiếu thốn nhưng vẫn luôn hạnh phúc? Thứ duy nhất những đứa con cần chỉ giản đơn là tình yêu mà thôi. Chúng con đuợc dạy rằng "Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ những điều hay lẽ phải, niềm tin và lí tưởng sống. Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ. Đó là những món ăn đơn sơ cũng là mĩ vị. Đó là nơi tiền bạc không quý bằng tình yêu. Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc". Chưa ai dạy chúng con gia đình là nơi tiền bạc có thể cung cấp cho chúng con đủ đầy cả. Ba mẹ à, lời mà tất cả những đứa trẻ như chúng con luôn muốn gửi tới cho ba mẹ đơn giản lắm, nếu yêu chúng con hãy cố gắng vì điều này vì chúng con không cần quá nhiều tiền bạc đâu "Nhà không cần lớn, miễn là ở đó có đủ tình yêu thương."

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Dương

   Trên thế gian có biết bao thứ tình cảm làm lay động lòng người với những khung bậc cảm xúc khác nhau. Vậy liệu rằng có tình cảm nào sâu đậm nhất chăng? Một tình yêu sâu sắc, thiêng liêng và vô điều kiện, chỉ có thể là tình thân! Sở dĩ người ta gọi tình cảm gia đình là tình thân bởi vì không có gì "thân" thiết hơn là quan hệ ruột thịt! Tình thân bảo bọc, che chở cho con người lớn khôn. Ấm áp, dịu êm như người mẹ. Nhưng, đôi khi, những điều ấy bỗng trở nên quá sa sỉ đối với một đứa trẻ! Vâng, một đứa trẻ, có lẽ bạn cũng đã mường tượng đến một vụ tự tử nhức nhối gây xôn xao dư luận trong mấy ngày gần đây - cái chết của bé LNHK, mười hai tuổi. Đẫm nước mắt với lá thư tuyệt mệnh của cô bé trước khi nhảy lầu tự tử. Đó là hồi chuông cảnh báo cho tất cả phụ huynh, cùng một thông điệp sâu lắng: Mái ấm gia đình - hơi thở của những đứa trẻ!

   Thật không sai khi nói rằng gia đình là cội nguồn sinh dưỡng, là nguồn sống, là động lực cho con người vươn tới thành công. Và đương nhiên không ai không muốn mình sinh ra trong một gia đình có mẹ cha, có anh chị em cùng tiếng cười hạnh phúc. Nhưng cuộc sống vốn dĩ không như là mơ, và xã hội luôn có những mặt trái của nó. Dường như câu hát "Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh. Thắp sáng một gia đình" vẫn chỉ là câu hát ngân nga đâu đó trong cái xã hội công nghệ ngày nay. Vòng xoáy kim tiền vẫn cứ trôi, con người vẫn cứ hối hả cuốn theo như thể để hòa nhập với cộng đồng. Dần dần biến gia đình thành cái vỏ băng giá để tiếp tục cuộc đua nóng sốt ngoài kia, hay là nơi trút mọi bực dọc mà không cần phải nghĩ suy...

   Đó là tất cả những gì cô bé mười hai tuổi đang phải gánh chịu. Với từng tuổi ấy, cô bé đã nhận thức được đồng tiền là gì, giàu sang là gì, nhưng em vẫn không màng để ý đến sự hạnh phúc do vật chất đem lại. Em chỉ quan tâm rằng, sự hạnh phúc từ tình cảm gia đình đã không còn nữa. Em ấy biết chứ, biết còn thấu hơn cả người lớn nữa. Biết rằng gia đình là tất cả. Tình thân cao quý hơn cả. Cô bé biết yêu bố mẹ, anh trai bằng trái tim chân thành. Nhưng tiếc rằng bố mẹ em đã không trân trọng điều đó. Chia ly là kết thúc? Không! Đó là nỗi đau dai dẳng đeo bám con người. À không, là kết thúc, chính sự phá vỡ hạnh phúc gia đình đã kết thúc hơi thở đầy khao khát của cô bé. Đó là kết cục cay đắng cho những quyết định, hành động thiếu suy nghĩ cho con cái của các bậc làm cha, làm mẹ!

   Quả thật rất đau lòng khi một ngày nào đó chúng ta nhận ra, một gia đình thiếu tình thương sẽ là thứ vũ khí vô cùng lợi hại gây sát thương cho chính thành viên trong gia đình. Vì vậy cần tìm ra nguyên nhân mấu chốt để giải quyết mâu thuẫn gia đình, đừng để ngọn lửa nhỏ dần dần lan ra khắp ngôi nhà thiêu rụi trái tim yêu thương trước khi nó kịp dập tắt. Không đâu xa, nguyên nhân chủ yếu là do chính bản thân mỗi người chưa thực sự lắng nghe con tim của đối phương hay sẻ chia, thấu cảm cho những vất vả, to loan của người thân. Đôi khi ta quá ích kỷ khi chỉ nghĩ cho cảm nhận của bản thân mà quên đi tâm trạng của người khác. Cùng nhau tâm sự, lắng nghe, động viên bằng lời nói và hành động sẽ làm cho không khí gia đình trở nên ấm áp hơn. Giá trị của lời nói chân thành xuất phát từ trái tim còn quý báu hơn cả đồng tiền hai mặt kia!

   Vụ việc bé gái mười hai tuổi tự tử ấy chỉ là hạt cát nhỏ giữa sa mạc. Sa mạc, sức nóng hừng hực làm tổn thương trái tim, sức nóng của những gia đình tan vỡ! Chồng chém vợ vì ghen, kết cục con cái mồ côi mồ cút vì mẹ chết, cha vào tù; mẹ bỏ con còn trong nôi để chạy theo danh vọng phù hoa từ đại gia nào đó; cha bán con gái để lấy tiền đánh bài bạc, rượu chè... Ôi! Một tấn bi kịch! Một cội nguồn sinh dưỡng lại trở thành tệ nạn ngay chính trong căn nhà bé nhỏ. 

   Còn gì đau lòng hơn thế, người trong một nhà, sống để chia ly! Nhưng điều đó không có nghĩa là "một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to" là không hiện hữu giữa dòng đời vạn biến naỳ. Còn có nhiều, rất nhiều gia đình hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương, niềm vui, tiếng cười nhờ vào sự gắn bó, thấu hiểu, nhường nhịn lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Mong rằng hơi ấm từ những gia đình ấy sẽ lan tỏa ra khắp thế gian, sưởi khô những giọt nước mắt ngây ngô, trong trẻo; sưởi ấm những trái tim khát khao được yêu thương...

   Bạn ơi, nếu bạn đang quá chán ghét bố mẹ, người thân hay đã quá ngột ngạt ngay chính cái nơi gọi là cội nguồn, thì không cần biết lý do là gì, nhưng xin bạn, hãy trân trọng những gì mình đang có, yêu thương bố mẹ, anh chị em bằng cả trái tim khi họ còn ở bên cạnh mình. Bởi lẽ, dù ở thời đại nào, dù có là ai đi chăng nữa, thì cũng không ai thương bạn vô điều kiện bằng chính gia đình mình! Xin bạn hãy giác ngộ điều này thật sớm: Mình còn có ba mẹ đã là may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi! Có những mảnh đời lang thang chỉ mong được gọi hai tiếng "mẹ ơi", "bố ơi'!" đấy thôi!Gia đình! Ôi gia đình! Nghe sao mà thiêng liêng thế? Tôi trân trọng, trân quý từng khoảnh khắc bên gia đình, và tôi mong bạn cũng vậy. Hãy nói ra hết tất cả nỗi lòng để mọi người thấu hiểu nhau hơn, cùng nhau xây dựng một tổ ấm thực sự, đừng để mất đi rồi mới thấy giá trị của nó! Và tôi xin kết thúc bằng lời khuyên chân thành: lỡ không may bạn sinh ra trong gia đình bất hạnh, thì cũng đừng dại dột nghĩ đến cái chết, đó chính là đang xem thường công ơn to lớn của người mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra mình, và cũng là ích kỷ, nhỏ nhen khi chỉ nghĩ đến sự giải thoát cho mình mà quên đi nước mắt của người ở lại, vì vậy hãy cứ sống tích cực trong mọi hoàn cảnh, dùng tình yêu mãnh liệt để gắn kết mọi người lại với nhau, hãy cứ cất cao tiếng hát trong niềm vui hạnh phúc: "Gia đình, gia đình. Ôm ấp ta những ngày thơ. Cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình, gia đình. Vương vấn bước chân ra đi. Ấm áp trái tim quay về...".

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Nguyễn Thị Ninh

   Nếu có ai hỏi rằng, trên thế gian này, nơi nào ấm áp và bình yên nhất thì chắc chắn em sẽ trả lời là: gia đình. Nơi mà mỗi khi vấp ngã thì sẽ luôn có ba đỡ em dậy. Khi mà suy sụp hay mệt mỏi đến nhường nào thì cũng sẽ có mẹ ở kề cạnh, động viên và che chở cho em. Thế nhưng sau khi đọc xong bức thư tuyệt mệnh đầy những niềm đau đớn và mất mát này của cô bé mới chỉ 12 tuổi ấy, thì trong lòng của em lại đan xen nhiều luồng cảm xúc khác nhau. Rồi bỗng nhiên từ trong vô thức. Em tự tưởng tượng mình là cô bé ấy. Hòa chung từng nhịp cảm xúc đơn thuần của một cô bé được tuy rằng lúc nhà không có điều kiện, trong căn nhà chật hẹp ấy, cả gia đình cùng ngủ chung. Cảm giác lúc ấy tuy có chật nhưng lại thật ấm áp đến lạ thường,ba mẹ hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau, cũng nhau xây dựng và nuôi dưỡng chúng con nên người, dạy cho chúng con học hành. Lúc ấy, cả nhà mới đầm ấm và yên vui biết nhường nào!

   Thế rồi, sau này mọi chuyện  lại khác, ba và mẹ ngủ riêng ra. Ba cũng chẳng em đoái hoài gì đến việc giúp mẹ nữa. Có lẽ là vì cố gắng kiếm tiền nên ba cũng dần dần quên mất đi gia đình nhỏ khi xưa mà giờ đây, mỗi lần đi chơi thì lại chưa bao giờ đông đủ cả. Cảm giác làm một đứa trẻ nhạy cảm khi ấy, cảm giác ước mong gia đình chỉ cần được tụ họp bên mâm cơm, cùng nhau đi chơi và nói chuyện. Khao khát ấy, tưởng như nhỏ nhoi mà thật ra lại chẳng thể nào thực hiện được trong một thời gian dài của cô bé. Và chúng đã tạo nên cho em một luồng cảm xúc khó có thể diễn tả bằng lời hết được.

   Nhưng em biết, em biết thiếu vắng đi cái tình yêu thương của cha hoặc mẹ thì mọi chuyện trở nên kinh khủng và mệt nhoài đến nhường nào! Mà em tin rằng, ai trong chúng ta cũng không bao giờ muốn trải qua cả. Ai mà không mong được hạnh phúc, được bình yên, ấy thế mà một cô bé chỉ mới 12 tuổi lại phải chìm trong cái cảm giác tuyệt vọng đến tận cùng ấy mà chẳng thế nào thoát ra, và đến cùng em ấy đã tự kết liễu cuộc đời của mình.

   Thật ra, em hoàn toàn không ủng hộ việc lấy cái chết của mình để trốn tránh những nỗi đau tinh thần chẳng thế bủa vây và tan đi theo thời gian và em sẽ đối mặt và mạnh mẽ với nó. Thế nhưng đối với em, bức thư tuyệt mệnh trên có lẽ đã gióng lên một hồi chuồng cảnh báo. Cảnh báo những người lớn và đặc biệt là các bậc cha mẹ rằng đừng mải mê chạy theo những tham vọng, tiền bạc mà đánh mất đi cái quan trọng nhất trong cuộc đời này để rồi hối hận. Mà hãy dành một chút thời gian cho gia đình và người thân và cả những đứa con của mình. Để chúng được lớn lên với đầy đủ tình thương yêu và trong một môi trường tốt nhất.