Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 87

Nhà thơ Ra-xum Gam-za-tốp - nhà thơ của nhân dân thuộc Liên Bang Nga có viết:

"Người mà không thấy gì

Không phải vì đêm trời tối

Và người nông dân chịu đói

Không phải lỗi cánh đồng.

 

Cũng như người chân đất mùa đông

Không nên trách tuyết băng quá lạnh

Nếu ta gặp bất hạnh

Người có lỗi là ta."

                 (Thái Bá Tân dịch)

Thông điệp mà em nhận thấy được qua đoạn thơ trên là gì? Viết bài văn khoảng 300 - 500 chữ trình bày cảm nhận về thông điệp ấy.

-----------------------------

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 87:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: madame neige demain

     Bạn có bao giờ tự than thân trách phận? Điểm kém thì đổ tại đề khó, đi học muộn thì đổ tại cái chuông báo thức không kêu hay nộp bản thảo muộn deadline thì viện cớ "nhà bao việc" chưa?... Trong cuộc sống không có sai lầm nào lớn hơn việc cho phép bản thân mình vấp ngã và đổ thừa cho hoàn cảnh! Đây cũng chính là quan điểm được thể hiện qua những câu thơ mang đầy tâm huyết của nhà thơ người Nga Ra xum Gam za tốp:                                       

                                             "Người mà không thấy gì

                                             Không phải vì đêm trời tối

                                             Và người nông dân chịu đói

                                             Không phải lỗi cánh đồng.

 

                                             Cũng như người chân đất mùa đông

                                             Không nên trách tuyết băng quá lạnh

                                             Nếu ta gặp bất hạnh

                                             Người có lỗi là ta."

        Mở đầu đoạn thơ, tác giả có nêu lên những hoàn cảnh cụ thể về những khó khăn mà con người phải đối mặt như "không thấy gì" hay "chịu đói", hay "chân đất mùa đông". Đặt con người trong những tình huống như vậy, tác giả muốn hé mở cho ta thấy cách ứng xử của mọi người khi họ lâm vào tình trạng khốn đốn như vậy. Thông thường họ có xu hướng đổ vấy cho điều kiện ngoại cảnh xung quanh tác động đến cuộc sống của họ. Nhưng với điệp từ "không phải", nhà thơ đã phủ nhận hoàn toàn về yếu tố ngoại cảnh làm cản trở khả năng nhìn, hay khiến người nông dân điêu đứng chịu đói hay phải chịu cái lạnh tê tái của mùa đông với đôi chân trần. Tóm lại, từ những câu thơ thâm thúy, tác giả muốn gửi gắm thông điệp đến mọi người: Chúng ta không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh mà phải nhận ra sự thiếu sót của bản thân để sửa chữa và tiến bộ hơn.

       Chúng ta đã dần hiểu về tư tưởng nhà thơ muốn truyền đạt, nhưng chúng ta có bao giờ băn khoăn về nguồn gốc của việc đổ lỗi cho hoàn cảnh của con người? Dưới đây là một số lí do. Trước hết, như tác giả đã khẳng định: "Nếu ta gặp bất hạnh/ Người có lỗi là ta". Thật đúng như vậy. Sự ngăn cản lớn nhất của chúng ta đến con đường thành công chính do sự thiếu ý chí, nghị lực, cái mặc định ăn sâu vào tiềm thức rằng bức tường trở ngại này không thể vượt qua. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bạn luôn mặc cảm với hoàn cảnh của bản thân so với các bạn đồng trang lứa, luôn cảm thấy thua kém và học lực đến tệ bởi bạn đã thỏa hiệp với chính sự bao biện của mình rằng bản thân không có điều kiện vật chất hay thời gian học tập bằng các bạn khác. Cũng có vài ý kiến cho rằng, vấn đề này bắt nguồn từ sự giáo dục của các bậc phụ huynh. Đặc biệt, điều này lại càng có tính thuyết phục hơn khi nhìn nhận thực trạng trên ở Việt Nam. Với sự bao bọc con cái quá mức, cha mẹ đang dần làm thui chột đi khả năng nhận thức và ý thức trách nhiệm của con trẻ cho chính hành động của mình. Chúng không cần mảy may lo nghĩ về hậu quả mà những quyết định sai lầm của chúng gây ra vì cha mẹ - những người nhân viên đô thị vẫn đang cần mẫn dọn dẹp mớ hỗn độn đó. Thứ ba, việc đổ lỗi cho hoàn cảnh chỉ đơn giản là phương thức để con người tự che đậy sự yếu kém của bản thân dưới lớp vỏ bọc mang tên "hoàn hảo".

        Chúng ta có vô số lí do để bao biện cho việc chúng ta làm sai, nhưng những hậu quả mà việc đổ lỗi cho hoàn cảnh là gì? Đầu tiên, ta đang tự giới hạn năng lực của bản thân. Nếu thất bại mà còn có tơ tưởng đến chuyện bấu víu vào những lí do để thỏa mãn niềm an ủi bản thân lúc đó thì con người chẳng thể nào phát triển được. Điều này dẫn đến việc chúng ta không khai thác được hết tiềm năng não bộ của mình, làm tê liệt khả năng tư duy sáng tạo. Đồng thời, thói quen này khiến chúng ta thiếu tự tin hơn trong cuộc sống. Vì vậy, điều đúng đắn là đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh và phải biết khắc phục từ thất bại của bản thân. Và đừng bao giờ quên: "Tiên trách kỉ, hậu trách nhân".

-----------------------------

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Lưu Hà

     Con người ta bắt đầu chào đời bằng tiếng khóc vì vậy mà không tránh khỏi đau thương. Bức họa về cuộc sống muôn màu muôn vẻ này bên cạnh những sắc hồng sáng tươi sẽ luôn tồn tại những sắc đen u ám. Bên cạnh những vui vẻ trong cuộc đời thì song song với đó sẽ chính là những nỗi buồn và bất hạnh. Có khi nào bạn tự hỏi vì sao chúng ta gặp bất hạnh hay không? Nhà thơ Ra-xum Gam-za-tốp - nhà thơ của nhân dân thuộc Liên Bang Nga có viết:

                                             "Người mà không thấy gì

                                             Không phải vì đêm trời tối

                                             Và người nông dân chịu đói

                                             Không phải lỗi cánh đồng.

 

                                             Cũng như người chân đất mùa đông

                                             Không nên trách tuyết băng quá lạnh

                                             Nếu ta gặp bất hạnh

                                             Người có lỗi là ta."

     Lời thơ của ông là một triết lý, một bài học dạy con người ta cách sống. Đúng vậy, nếu ta gặp bất hạnh khoan hãy soi xét về ngoại cảnh mà thứ đầu tiên ta phải soi xét đó là chính bản thân mình.

    Đã là con người sống trên đời, sẽ chẳng ai thoát khỏi những khó khăn bất hạnh. Đơn giản như có những người đang đi mà mắc mưa vậy, họ sẽ trách trời, trách thời tiết, trách thiên nhiên. Lại có những người rơi mất tiền ở đâu đó thì họ lại trách rằng mình gặp phải toàn là những điều xui xẻo, một người bị bệnh hiểm nghèo họ đổ thừa cho số mệnh. Một ngày nào đó, bạn gặp phải bất hạnh có phải bạn cũng sẽ phản ứng như trên?

    Nhưng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề qua nhiều mặt. Những người mắc mưa ấy phải chăng họ đã chủ quan không xem dự báo thời tiết? Những người đánh rơi tiền có khi nào họ bất cẩn không biết giữ gìn của cải hay không? Rồi những bệnh nhân thầm trách cái số phận tàn nhẫn kia chắc gì trước đây họ đã biết cách quý trọng cơ thể mình, chắc gì trước đây họ đã là người sinh hoạt và ăn uống điều độ? Cũng giống người mà không thấy gì không phải vì đêm trời tối mà có thể đôi mắt của họ có vấn đề thì sao? Một cánh đồng bùn đất không thể tự sản sinh ra lúa gạo và người nông dân chịu đói chắc gì đã lỗi cánh đồng, có khi là do nguời nông dân lười biếng không chịu trồng trọt hoặc không biết cách trồng đúng mà thôi. Tựa như người chân đất mùa đông không nên trách tuyết băng quá lạnh, cái đáng trách ở đây là tại sao họ không đi giày vào cho ấm hoặc tại sao họ không có giày để đi? Vậy mới nói “Nếu ta gặp bất hạnh/ Người có lỗi là ta.

     Khi gặp một vấn đề nào đó trong cuộc sống, con người thường tìm mọi cách để đổ lỗi cho những ngoại cảnh, những thứ xung quanh để bao biện cho những thất bại của bản thân vì họ không chịu chấp nhận những khiếm khuyết của mình. Nhiều người trốn tránh hiện thực bằng những nguyên do như số mệnh để rồi mãi mãi chìm trong bóng tối, trong đói khát, trong tuyết giá băng mà họ không nhận ra rằng những bất hạnh đó đôi khi là chính bản thân mình tạo ra. Và cách tốt nhất để vượt qua những bất hạnh và nỗi đau đó bước đầu tiên đó là chúng ta biết chấp nhận sự thật. Người mắc mưa biết mình không chịu theo dõi những bản tin thời tiết thì họ sẽ rút kinh nghiệm để lần sau chú ý, người mất tiền soi lại và nhận ra mình bất cẩn thì họ sẽ cẩn thận hơn vào lần tới, người bị bệnh hiểm nghèo họ nhận ra những sai lầm về sinh hoạt của mình trong quá khứ để không sụp đổ mà tiếp tục nỗ lực để cảnh báo mọi người xung quanh thoát ra khỏi những sai lầm mà họ từng mắc phải. Cuộc sống này chỉ cần bạn vẫn còn sống sẽ có cơ hội để vượt qua. Hoặc bạn lùi về phía sau hoặc bạn đi lên, hoặc bạn chạm tới những đỉnh núi cao vui vẻ hoặc bạn trượt dài trên con dốc đau khổ. Lựa chọn nhìn thấy những lỗi lầm của bản thân hoặc mãi mãi dừng lại nơi mảng đen của bức tranh cuộc sống đó là tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của bạn.

     Tuy nhiên, biết xem xét không phải là bi quan, biết chỉ ra lỗi của bản thân không phải là đổ lỗi cho chính mình. Người không nhìn thấy gì có khi là họ bẩm sinh không thể nhìn thấy. Người nông dân chịu đói có thể là do thiên tai mất mùa. Người chân đất mùa đông cũng có thể là do họ mãi mãi có cố gắng đến mức nào cũng không có nổi một đôi giày. Chúng ta đã từng nhìn thấy những cuộc chiến tranh tàn phá khiến những đứa trẻ phải chịu đựng bệnh tật và thương tích. Cũng đã biết rằng ở một số nơi trên thế giới người ta không có nước uống thậm chí lương thực khan hiếm đến mức phải sáng tạo ra bánh từ bùn đất để mà ăn. Vậy làm cách nào trẻ con có thể thay đổi cục diện cuộc chiến? Làm cách nào để người dân đói lả không chút sức lực có thể lao động mà để cải thiện đời sống đây? Hay đơn giản những vụ tai nạn ngoài kia khiến bao người chết, bị thương tật mà trong khi họ đi đúng luật, lỗi là tại người tham gia giao thông khác làm sai nhưng bất hạnh lại để họ gánh. Như vậy, trong cuộc sống này không phải toàn bộ những khó khăn bất hạnh mình gặp phải cũng là lỗi của mình. Hãy là một người thông thái biết phân tích kĩ mọi chuyện để không biến bản thân trở nên tiêu cực.

     Cuộc sống là như vậy, muôn màu muôn vẻ. Mỗi một góc nhìn, bức họa cuộc sống lại mang một sắc màu khác nhau. Khi đi đến vũng đen, hãy nhớ rằng bạn phải nhìn thật kĩ vào vũng đen đó, nhìn vào chính mình rồi mới soi xét xung quanh đó mới là điều nên làm và đó mới là cây cầu giúp ta thoát khỏi hố sâu bất hạnh. Vậy khi gặp phải bất hạnh, bạn sẽ nỗ lực để tìm ra cây cầu để khỏi nó hay ở lại đổ lỗi cho ngoại cảnh để thấy mình không sai hoặc đổ lỗi cho chính bản thân để thấy mình thật tệ rồi bị chết chìm trong cái hố đó đây? Điều đó hòa toàn phụ thuộc vào lựa chọn của chính bản thân bạn.

-----------------------------

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Nguyễn Thu Phương

     Nhiều người vẫn thường nghĩ: "Tất cả mọi thứ trên đời, kể cả số phận của chúng ta đều do Chúa trời quyết định. Cuộc đời ta khổ đau hay hạnh phúc không phải lỗi ở mình, vì thế dù có cố gắng thế nào thì ta cũng chẳng thể thay đổi được điều gì". Tôi cũng đã từng nghĩ như thế, từng luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận. Nhưng thực chất cái suy nghĩ ấy quả thực sai lầm. Chẳng có Chúa trời nào trên đời cả, mọi thứ xảy đến với chúng ta đều do bản thân mình mà thôi.

     Chắc hẳn khi tôi nói những điều này, không phải ai cũng đều đồng tình. Sẽ có người cùng ý kiến, quan điểm với tôi, nhưng sẽ có người không nghĩ như thế. Có người sẽ cho rằng mọi thứ xảy đến đều do bản thân chúng ta, nhưng cũng có người nghĩ đó là lỗi do hoàn cảnh. Tôi không phủ nhận ý kiến của bất cứ ai nhưng tôi khẳng định một điều: "Hoàn cảnh chỉ có lỗi 1%, 99% còn lại là do suy nghĩ, hành động, việc làm của bản thân bạn."

     Tôi biết, trên đời này, rất nhiều người sinh ra đã không được Chúa trời yêu thương, ban hạnh phúc. Rất nhiều người trên thế giới này đang phải chịu đầy rẫy những bất hạnh, khổ đau. Có những đứa trẻ vô tội vừa sinh ra đã bị khuyết tật, bị cha mẹ bỏ rơi, không người chăm sóc. Có nhiều người già vô gia cư không một con cháu, không có nơi nương tựa. Có những bạn trẻ tuy học giỏi nhưng gia cảnh khó khăn nên làm vuột mất cơ hội du học. Có những người dân vùng quê nghèo khó không có đủ cơm ăn áo mặc... Phải, những hoàn cảnh như thế rất khó để thay đổi nhưng không phải không thể thay đồi. Chỉ cần bạn cố gắng thì mọi thứ sẽ đều trở nên tốt đẹp hơn.

     Bạn đã từng trách bản thân quá nghèo? Thay vì ngồi đó than thở, trách móc số phận, bạn hãy chăm chỉ học tập và kiếm một công việc nào đó để làm. Nghe có vẻ máy móc nhưng chỉ cần bạn siêng năng, kiên nhẫn thì gì cũng có thể làm được. Xã hội có rất nhiều nghề, không nghề này thì nghề khác. Bạn chỉ cần chọn một ngành nghề nào đó yêu thích và bắt đầu công việc của mình. Tôi tin rằng, chỉ cần bạn vững bước trên con đường bạn đã định hướng, thành công sẽ đến với bạn sớm thôi.

     Bạn học không tốt và trách giáo viên đã cho bạn điểm kém? Không phải đâu, bạn bị điểm kém là do bạn học không đủ chăm thôi. Chẳng giáo viên nào muốn học sinh của mình điểm kém cả. Họ luôn muốn học sinh của mình trở nên tốt hơn và giỏi hơn. Tôi biết, nhiều bạn sẽ nghĩ rằng do mình học không tốt nên cô giáo sẽ không thích mình. Bản thân tôi cũng từng nghĩ thế. Đôi lúc tôi rất chản nản về điều đó, cứ mỗi lần bị điểm kém là một lần buông xuôi. Tôi cứ nghĩ rằng cô đã ghét mình nên sẽ chẳng bao giờ cho mình điểm cao. Nhưng thực chất không phải thế, chỉ là do tôi suy nghĩ quá nhiều. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc học tệ là do tôi không chú ý. Sau khi tôi nhận ra điều ấy và chăm chỉ học hơn thì điểm số của tôi đã được cải thiện tốt hơn rất nhiều. Vì thế, khi bạn chịu điểm kém, đừng trách giáo viên mà hãy trách chính bạn học vẫn chưa đủ chăm. Hãy cố gắng, siêng năng hơn, mọi thứ sẽ được đền đáp xứng đáng.

     Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bạn chăm chỉ làm việc cũng phải có chừng mực, hợp lý. Tránh vì muốn thoát khỏi nỗi buồn, bất hạnh mà làm những việc sai trái, dại dột. Hãy thay đổi hoàn cảnh của mình bằng con đường lương thiện. Bạn cũng đừng bi quan, thờ ơ, lãnh đạm, chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh số phận mà không chịu sửa đổi để trở nên tốt hơn. Có sửa đổi, bản thân bạn mới tuyệt nhất, trở thành đóa hoa rực rỡ cho đời.

     Ai cũng có khổ đau, bất hạnh của riêng mình, không to thì nhỏ. Nhưng điều quan trọng là bạn phải tìm mọi cách để thay đổi hoàn cảnh chứ không phải chỉ ngồi một chỗ mà than vãn. Bạn làm vậy chỉ tổ làm hại mình, cũng không thể cứu vãn được điều gì. Vì thế, hãy soi xét lại bản thân, nghĩ xem mình nên làm gì để khắc phục và giải quyết khó khăn nhé.