Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Toán có lời văn - lớp 1, 2

I. Toán có lời văn, dễ hay khó

Mục đích cuối cùng của học toán cũng là phục vụ cuộc sống, sử dụng các khái niệm toán học và các con tính để giải các bài toán trong cuộc sống. Giải các bài toán có lời văn nhằm rèn luyện cho các bạn học sinh biết liên hệ giữa toán học và cuộc sống.

Tuy nhiên, rất nhiều học sinh tiểu học khi gặp bài toán có lời văn là ngại làm, có em thì rất sợ và thậm chí không dám đọc để hiểu xem bài toán nói gì, hỏi gì. Lý do cơ bản là các em học sinh tiểu học chưa thật hiểu các câu (đôi khi là phức tạp) trong bài toán có lời văn. Một số giáo viên và phụ huynh học sinh thường hướng dẫn các con sử dụng các từ "nhận biết" như nếu bài toán có cụm từ "thêm" hoặc "nhiều hơn" thì dùng phép cộng, nếu có cụm từ "bớt" hoặc "ít hơn" thì dùng phép trừ. Điều này dẫn đến các em dễ bị đánh lừa khi gặp bài toán "Đầu cừu và đuôi thuyền trường" (Bài toán: Trên thuyền có 45 con cừu, rơi xuống nước 5 con. Hỏi Ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi? Bài này không có đáp án vì tuổi ông thuyền trưởng không liên quan đến số lượng con cừu, tuy nhiên nhiều học sinh vẫn lấy 45 - 5 = 40 và trả lời Ông thuyền trưởng 40 tuổi!).

II. Một số kinh nghiệm dạy con

Để giúp các con tự tin làm các bài toán có lời văn, chúng tôi xin chia sẻ hai nguyên tắc dạy con giải các bài toán có lời văn.

1) Nguyên tắc thứ nhất: Hiểu bài toán.

Lấy hai ví dụ sau:

      Ví dụ 1a: Mai có 20 nhãn vở. Lan có nhiều hơn Mai 10 nhãn vở. Hỏi Lan có bao nhiêu nhãn vở?

      Ví dụ 1b: Mai có 20 nhãn vở và nhiều hơn Lan 10 cái nhãn vở. Hỏi Lan có bao nhiêu nhãn vở?

Rất nhiều học sinh làm sai ví dụ 1b ở trên do không hiểu chính xác bài toán mà chỉ dựa trên cụm từ "nhiều hơn" (giống như bài toán "Tuổi ông thuyền trưởng" ở trên). Trong các ví dụ này, phụ huynh nên đặt các câu hỏi để hình thành khả năng phân tích và hiểu bài toán cho học sinh: (1) bài toán đề cập đến những ai? (Mai, Lan), (2) Bài toán hỏi gì? (Nhãn vở của Lan), (3) Bài toán đã cho biết gì? (Số nhãn vở của Mai: 20 chiếc),  (4) Ai nhiều hơn, ai ít hơn? 

Khi trả lời được các câu hỏi trên, chắc chắn học sinh sẽ hiểu chính xác bài toán cho biết cái gì và hỏi cái gì, từ đó có câu trả lời đúng. Tuy nhiên làm thế nào để hình thành được thói quen nhìn bài toán dưới các góc nhìn khác nhau như vậy. Chắc chắn điều này không phải là dễ và không tự nhiên mà có, bố mẹ phải tập cho các con thông qua các bài toán gần gũi với cuộc sống của các con. Đổi lại, các con sẽ có khả năng phân tích bài toán, nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạch khác nhau. Đây là kỹ năng quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của các con sau này. 

2) Nguyên tắc thứ hai: học từ dễ đến khó.

Rất nhiều học sinh lúng túng khi gặp bài toán sau:

      Ví dụ 2: Tính tổng của số lớn nhất có hai chữ số khác nhau và số nhỏ nhất có hai chữ số?

Lý do học sinh thấy khó là câu trong bài toán khá phức tạp. Tuy nhiên nếu chúng ta cho học sinh làm lần lượt các câu sau thì bài toán trên sẽ dễ hơn cho các con:

     - Tính tổng của hai số 10 và 20? (Câu này nhằm định hình cho học sinh biết mẫu câu "tổng của [số thứ nhất] [số thứ hai])

     - Số lớn nhất có hai chữ số khác nhau là số nào? (98)

     - Số bé nhất có hai chữ số là số nào? (10)

 Khi các con đã biết làm 3 bài toán trên thì phụ huynh có thể đặt câu hỏi gợi ý:  

       Bài toán tính tổng của số nào số nào?

Và cũng có thể sử dụng khuôn mẫu này kết hợp với các kí hiệu [ và ] để phân tích câu hỏi ban đầu: 

     "Tính tổng của [số lớn nhất có hai chữ số khác nhau]  [số nhỏ nhất có hai chữ số]?"

Khi đó học sinh sẽ hiểu bài toán: Tính tổng của hai số: số thứ nhất là số lớn nhất có hai chữ số khác nhau (là số 98) và số thứ hai là số nhỏ nhất có hai chữ số (là số 10).

III. Kết luận

Toán có lời văn giúp học sinh biết ứng dụng toán học vào cuộc sống. Các bài toán có lời văn là những miếng ghép quan trọng nối thế giới toán học với thế giới thực. Hãy tạo cho con em mình có được niềm vui sướng khi giải các bài toán trong cuộc sống bằng công cụ toán học.

IV. Đọc thêm

- Toán có lời văn lớp 1

- Toán có lời văn lớp 2

- Toán có lời văn lớp 3

- Toán có lời văn lớp 4

     + Toán có lời văn về trung bình cộng

    + Toán có lời văn về tỉ lệ thuận

    +   Toán có lời văn về tổng - tỉ - hiệu

    +  Toán có lời văn về phân số

    +  Toán có lời văn về phép tính phân số

    +  Toán có lời văn về phép tính phân số (nâng cao)

    +  Toán có lời văn liên quan đến diện tích và chu vi

- Toán có lời văn lớp 5

      + Toán có lời văn về số phần trăm

      + Toán có lời văn về thể tích, diện tích

      + Quãng đường, vận tốc, thời gian

      + Chuyển động cùng chiều, ngược chiều

      + Các bài toán về chuyển động của tàu hỏa

      + Các bài toán chuyển động qui về bài toán tổng-tỉ, hiệu-tỉ

- Toán có lời văn trên mục "Giúp tôi giải toán"