Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Học kì I

I. Đọc hiểu: (3 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Trái đất cần mặt trời, 
Sưởi ấm và soi sáng.
Nắng của đời mẹ là con, 
Giọt nắng nhỏ nhoi,
Trong như điều mơ ước,
Niềm thanh thản không tìm đâu thấy được,

Con khóc, con cười
Cho mẹ những niềm vui 
Con là giọt nắng mát lành sau mỗi cơn mưa 
Là tiếng reo vui cuộc đời quẩn quanh bên mẹ,
Là những khát khao thuở mẹ còn con gái, 
Và là mơ ước cuộc đời hôm nay, ngày mai. 

Nhỏ bé và dễ thương, 
Chắt chiu từ lòng mẹ. 
Giọt nắng nhỏ nhoi, 
Như hạnh phúc vàng tơ buổi sớm, 
Như bình minh trong vắt tiếng cười.

                 (Giọt nắng nhỏ nhoi - Bùi Kim Anh)

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ nào? (0.5 điểm)

Câu 2: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ. (0.5 điểm)

Câu 3: Trong bốn câu thơ:

"Con là giọt nắng mát lành sau mỗi cơn mưa 

Là tiếng reo vui cuộc đời quẩn quanh bên mẹ,

Là những khát khao thuở mẹ còn con gái, 

Và là mơ ước cuộc đời hôm nay, ngày mai."

Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Nêu tác dụng của biện pháp đó? (1.0 điểm)

Câu 4:  Theo anh chị, lời khẳng định “nắng của đời mẹ là con” cho thấy con có ý nghĩa như thế nào với mẹ? (1.0 điểm)

II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

     Từ đoạn trích trong phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về tình mẫu tử.

Câu 2: (5.0 điểm) Phân tích hình tượng nhân vật An Dương Vương trong truyền thuyết  “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy”.

PHẦN I. Đọc hiểu

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 3:

- Câu thơ sử dụng biện pháp so sánh.

- Tác dụng: Đoạn thơ nhằm khắc sâu tình mẫu tử, khẳng định tình cảm của mẹ dành cho đứa con. Câu trúc câu "con là" ("con" có khi được ẩn đi) được lặp lại tới 4 lần: với mẹ, con giống như giọt nắng, như tiếng reo vui, như khát vọng, như ước mơ của đời mẹ. Con là tất cả những gì mẹ có, là niềm an ủi, là mục đích của cuộc đời mẹ. Chỉ qua phép so sánh ta đã thấy được tình mẹ dạt dào, đây là tình mẫu tử thiêng liêng, đáng trân trọng.

Câu 4: Ý nghĩa của câu thơ: "nắng của đời mẹ là con".

"Nắng" là trạng thái thời tiết đẹp (đối lập với "mưa") sâu xa hơn, nắng là ẩn dụ cho những điều tích cực, tươi đẹp. Như vậy, con chính là nguồn sống, là động lực, là chỗ dựa tinh thần đối với mẹ. Câu thơ khiến ta nhớ tới phép so sánh trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

"Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng".

Như vậy "nắng của đời mẹ" hay "mặt trời của mẹ" là cùng một nghĩa, chỉ nguồn sống, chỗ dựa tinh thần của mẹ - là đứa con.

PHẦN II.

Câu 1:

Tình mẫu tử là chủ đề quen thuộc, là nguồn đề tài không vơi cạn cho thi ca muôn thế hệ. Qua những câu ca dao, câu thơ, câu chuyện ta gặp mỗi ngày về tình mẫu tử cũng tiếp thêm cho ta những giá trị nhân văn cao đẹp. "Tình mẫu tử" cụm từ này thể hiện mối quan hệ hai chiều: tình mẹ đối với con và tình cảm của con đối với mẹ.

- Mẹ đối với con: luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc, vỗ về. Mẹ hi sinh nhiều thứ vì con, mẹ mong con khôn lớn trưởng thành mà không hề đòi hỏi một sự đền đáp hay hàm ơn nào. (Dẫn chứng)

- Con đối với mẹ là sự kính trọng, yêu quý, biết ơn. Con nhận được tình thương đủ đầy từ gia đình, đặc biệt là từ mẹ nên luôn cố gắng nỗ lực, học tập, trưởng thành, đền đáp công ơn của mẹ. (Dẫn chứng)

=> Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, là hành trang mà hầu hết con người đều được đón nhận trong cuộc đời.

Câu 2:

I. Mở bài: Nhân vật An Dương Vương trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy là một nhân vật lịch sử có thực được tô vẽ theo lăng kính của nhân dân để gửi gắm những tư tưởng quan điểm. An Dương Vương theo quan điểm nhân dân vừa là người anh hùng có công với dân tộc, vừa là tội nhân gây nên bi kịch mất nước.

II. Thân bài;

1. An Dương Vương là người có công trong việc dựng nước và giữ nước.

- An Dương Vương có công trong việc thống nhất các bộ lạc người, hình thành nước thống nhất.

- An Dương Vương có công trong việc dời đô từ miền núi về đồng bằng, khẳng định vị thế, sự lớn mạnh của ta.

- An Dương Vương có công và sự thành tâm khi xây thành đắp lũy, nên được trời đất ủng hộ, thần Kim Quy phù trợ.

- An Dương Vương là vị vua anh minh sáng suốt nên có thể chế tạo nỏ thần, đánh thắng Triệu Đà, dẹp yên bờ cõi.

- An Dương Vương đồng ý gả Mị Châu cho Trọng Thủy, để hai nước có mối bang giao, tránh được tổn hao xương máu cho nhân dân.

2. An Dương Vương là quá chủ quan khiến đất nước Âu Lạc mất trong tay Triệu Đà.

- An Dương Vương đồng ý gả con gái nhưng lại cho Trọng Thủy ở rể mà không hề mảy may nghi ngờ hay đề phòng.

- An Dương Vương biến bí mật quốc gia (chuyện nỏ thần) thành tài sản riêng của gia đình (để Mị Châu biết nên mới vô tình "trao" cho Trọng Thủy)

- An Dương Vương quá chủ quan khinh địch, dựa dẫm vào sức mạnh vạn năng của nỏ thần nên mới không lo xây dựng quân đội, phòng ngự. Khi địch đến còn điềm nhiên ngồi đánh cờ: "Đà không sợ nỏ thần của trẫm sao". (Nhưng nỏ thần đã mất, chiếc nỏ bắn trăm phát trăm trúng giờ chỉ còn là chiếc nỏ tầm thường không giết hết quân địch)

3. Hình tượng An Dương Vương thể hiện cái nhìn của nhân dân đối với nhân vật anh hùng có công với dân tộc.

- Cái kết: An Dương Vương phải mang theo con gái tháo chạy. Và phải tự tay chém đứa con gái yêu vì sứ Thanh Giang tố: Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó.

- An Dương Vương phải nhờ sứ Thanh Giang cho mượn sừng tê bảy tấc rẽ sóng đi xuống biển. => Nhân dân không muốn nhân vật anh hùng, người có công với dân tộc, vốn được chân trọng lại bị địch bắt. Có điều, sự "hóa thánh" của An Dương Vương không được huy hoàng lẫm liệt như Gióng - bay về trời mà là sự đi xuống mặt biển. Anh Dương Vương trước sau gì cũng vẫn là một vị vua mà nhân dân tôn trọng. Nhưng "để nỗi cơ đồ đắm bể sâu" nên có sự "hóa thánh" không được huy hoàng, hào hùng.

III. Kết bài

Hình tượng An Dương Vương là một trong 3 nhân vật chính là nên truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy. An Dương Vương là nhân vật lịch sử, là người anh hùng vừa có công vừa có tội. An Dương Vương có công trong việc dựng nước và giữ nước. Nhưng An Dương Vương cũng có tội khi quá chủ quan, để đất nước rơi vào tay giặc. Truyện cũng thể hiện ước mơ và quan điểm của nhân dân đối với nhân vật này.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)