Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Học kì I

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

          Dặn con

Con ơi sinh ở trên đời

núi cao đứng lặng sông phơi dáng gầy

đất trời đều đặn vòng quay

gió không ngừng thổi mây bay sớm chiều

trái tim dành để trao yêu

phù sa bồi đắp phì nhiêu cánh đồng

 

làm người nhớ tổ nhớ tông

thuyền bè nhớ bến suối sông nhớ nguồn

quả ngon nhớ kẻ chăm vườn

bát cơm thơm dẻo nhớ ơn cấy cày

 

chim khôn biết chọn đường bay

đất lành lựa tiết đơm đầy nụ hoa

đường dài phải biết lo xa

mắt xanh mở sáng nhìn ra xứ người

 

hôm nay mỗi bước vào đời

ngày mai trăm gánh khóc cười đợi con"

                (Lê Quốc Hán, Báo Văn nghệ số 45- ngày 7/11/2015)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2: Chỉ ra hai chất liệu văn học dân gian trong bài thơ trên. Nêu tác dụng của việc sử dụng các chất liệu đó. (1,0 điểm)

Câu 3: Chỉ ra và nêu hiệu quả biểu đạt của một biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ thứ hai. (1,0 điểm)

Câu 4: Nêu lên bài học mà em nhận được từ hai câu thơ “đường dài phải biết lo xa - mắt xanh mở sáng nhìn ra xứ người”. (0,5 điểm)

Phần II: Làm văn

Câu 1: (2 điểm)

Trong đoạn văn khoảng 100 chữ, anh/ chị hãy nêu suy nghĩ của mình về lời “Dặn con” của nhà thơ Lê Quốc Hán:

      “làm người nhớ tổ nhớ tông

      thuyền bè nhớ bến suối sông nhớ nguồn

      quả ngon nhớ kẻ chăm vườn

      bát cơm thơm dẻo nhớ ơn cấy cày”

Câu 2: (5 điểm)

      Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám để làm rõ vai trò của yếu tố kì ảo đối với số phận nhân vật Tấm.

PHẦN I. 

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 2: Chất liệu văn học dân gian được sử dụng trong bài thơ trên:

- Sử dụng những thi liệu quen thuộc của ca dao dân ca: núi cao, đất trời, phù sam cánh đồng,... => đây đều là những hình ảnh quen thuộc mang nghĩa ẩn dụ. Gửi gắm ước mơ, khát vọng, suy ngẫm của nhân vật trữ tình dành cho con.

- Trong câu thơ còn có bóng dáng  của thành ngữ, tục ngữ, ca dao:

+ "Uống nước nhớ nguồn"

+ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"

+ Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

+ Đất lành chim đậu.

+ Đi một ngày đàng học một sàng khôn

=> Câu thơ nhờ những chất liệu dân gian quen thuộc, với âm hưởng lời ru ngọt ngào tha thiết mà cũng rất sâu sắc, tinh tế đã gửi gắm những bài học triết lí nhân sinh cao cả. Cha dặn con hãy biết sống ân nghĩa thủy chung, dặn con hãy biết lo liệu, nghĩ cho tương lai, con hãy chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng đương đầu với sóng gió...

Câu 3:

Đoạn thơ 

"làm người nhớ tổ nhớ tông

thuyền bè nhớ bến suối sông nhớ nguồn

quả ngon nhớ kẻ chăm vườn

bát cơm thơm dẻo nhớ ơn cấy cày"

sử dụng phép ẩn dụ. Những hình ảnh như "làm người nhớ tổ nhớ tông", "quả ngon nhớ kẻ chăm vườn", "bát cơm thơm dẻo nhớ ơn cấy cày" sử dụng phép ẩn dụ, khiến lời dặn dò của người cha dành cho con càng thêm thuyết phục và xúc động. Cha dặn con hãy biết sống có đạo lí, biết "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Con dù khôn lớn cũng phải nhớ về nguồn cội, biết ơn những người đã giúp đỡ mình.

Câu 4:

Bài học gợi ra từ câu thơ: "Đường dài phải biết lo xa/ Mắt xanh mở sáng nhìn ra xứ người", nghĩa là cha dặn con phải biết nhìn xa trông rộng, biết giao lưu học hỏi. Đi đến những miền đất mới, khám phá và học hỏi cũng là một cách tích lũy tri thức, kĩ năng để con trưởng thành, sống có ích.

PHẦN II

Câu 1:

Đoạn văn khi triển khai cần đạt được các ý sau:

- Những chất liệu dân gian được sử dụng trong đoạn thơ.

- Hình ảnh ẩn dụ được gợi ra từ những thành ngữ, tục ngữ.

- Bài học mà người cha gửi gắm qua lời hát ru dặn con.

- Liên hệ bản thân.

Câu 2:

Vai trò của các yếu tố kì ảo đối với số phận của nhân vật Tấm.

I. Mở bài

II. Thân bài

1. Chặng đường trước khi Tấm trở thành Hoàng hậu.

- Cha mất sớm, Tấm sống cùng dì ghẻ, chịu nhiều tủi nhục hắt hủi. Tấm chăm chỉ làm lụng, mò cua bắt tép cả ngày để được thưởng yếm đỏ nhưng Cám lừa trút mất giỏ tép. Tấm khóc. Bụt xuất hiện. Đây là chi tiết kì ảo đầu tiên xuất hiện trong truyện.

- Tấm đem nuôi chú cá còn sót lại trong giỏ, đặt tên là Bống. Mẹ con Cám lại rình ăn thịt mất Bống. Tấm lại khóc. Bụt lại xuất hiện. Theo lời Bụt, Tấm đem chôn xương Bống vào hũ ở góc giường.

- Tấm muốn đi hội nhưng mẹ ghẻ trộn thóc với đỗ, bắt Tấm nhặt sạch mới được phép đi hội. Tấm khóc. Bụt lại xuất hiện. Bụt bảo Tấm đào những chiếc hũ xưa kia lên, thế là có quần áo đẹp đi hội. Lại có chim sẻ biết nói tiếng người tới giúp. 

- Tấm đi hội bỏ rơi chiếc giày. Đoàn voi của vua đi qua nhất định dừng lại, không chịu đi nữa. Khi vớt được chiếc giày, vua thấy nhỏ nhắn xinh đẹp và ban lệnh tìm chủ nhân chiếc giày, ai đi vừa thì sẽ cưới làm vợ.

=> Như vậy, nhưng chi tiết kì ảo có vai trò đặc biệt quan trọng trong chặng đường trước khi Tấm trở thành Hoàng hậu. Bởi cô Tấm nhỏ bé yếu ớt lại thật thà dễ dàng bị mẹ con Cám độc ác quỷ quyệt hãm hại. Những chi tiết này cho thấy sự phù trợ của lực lượng thần kì trong cuộc đấu tranh thiện - ác mà Tấm thuộc về phe thiện. Chi tiết thần kì dẫn dắt, khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.

2. Chặng đường khi Tấm trở thành Hoàng hậu.

- Chi tiết thần kì được thể hiện qua các lần hóa thân của Tấm:

+ Tấm bị mẹ con Cám hại, ngã cây cau -> Cám thay chị vào cung -> Tấm hóa thành vàng anh bên cạnh vua.

+ Vàng anh bị giết -> Tấm hóa thành cây xoan đào, vua mắc võng ở đó.

+ Cây xoan đào bị đóng thành khung cửi -> Tấm hóa thành con ác/ con mọt kêu cót két trong khung cửi.

+ Khung cửi bị đốt, tro bị đổ ra ngoài cung -> Tấm hóa thân thành quả thị thơm, thành cô Tấm hiền thảo sống bên cạnh bà cụ bên ngoài hoàng cung.

=> Chi tiết kì ảo mỗi lần đều tăng tiến thể hiện sức sống mãnh liệt và sự đấu tranh không ngừng của Tấm. Nếu như ở phần trước, Tấm chỉ biết bưng mặt khóc mỗi lần khó khăn và có Bụt lập tức xuất hiện cứu giúp. Thì tới đây, Tấm trực tiếp tự hóa thân, sống mãnh liệt, mạnh mẽ, đấu tranh với cái ác, trừng trị cái ác.

3. Bàn luận, đánh giá:

- Chi tiết kì ảo là phần không thể thiếu trong các câu chuyện cổ tích, tạo sức hấp dẫn cho câu chuyện và thể hiện ước mơ của nhân dân tự ngàn đời xung quanh cuộc đấu tranh thiện ác.

- Chi tiết kì ảo trong chặng đường trước khi Tấm trở thành hoàng hậu có ý nghĩa như lực lượng thần kì, siêu nhiên phù trợ con người trong cuộc đấu tranh thiện ác. Thể hiện sự ủng hộ, niềm tin vào cái thiện.

- Chi tiết kì ảo trong chặng đường khi Tấm trở thành hoàng hậu có ý nghĩa: thể hiện sức sống và sức mạnh của cái thiện, gửi gắm ước mơ của nhân dân rằng cái thiện luôn tiềm tàng sức mạnh và luôn giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh Thiện - ác.

- Như vậy, chi tiết kì ảo không chỉ  có vai trò quan trọng với cuộc đời cô Tấm mà còn gửi gắm ước mơ của nhân dân tự ngàn đời.

III. Kết bài

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)