Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài 30: Máu và hệ tuần hoàn ở người

Danh sách bài làm & chấm bài  
Máu và hệ tuần hoàn của cơ thể người Các bài giảng

I. Máu

1. Các thành phần của máu 

Máu là phần dịch lỏng trong cơ thể gồm huyết tương và hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu. 

các thành phần của máu
Các thành phần của máu

Huyết tương chiếm khoảng 55% thể tích máu, gồm chủ yếu là nước và các chất tan. Huyết tương có vai trò duy trì máu ở trạng thái lỏng giúp máu dễ dàng lưu thông trong mạch; vận chuyển chất dinh dưỡng, các chất cần thiết khác và chất thải. 

Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu chiếm khoảng 45% thể tích máu. Hồng cầu vận chuyển oxygen và carbon dioxide trong máu. Bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể. Tiểu cầu tham gia bảo vệ cơ thể nhờ cơ chế làm đông máu. 

@200835411223@

2. Miễn dịch và vaccine 

a. Miễn dịch 

Kháng nguyên là những chất khi xâm nhập vào cơ thể có khả năng kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể tương ứng. Kháng thể là những phân tử protein do một loại bạch cầu (tế bào lympho B) tạo ra để chống lại các kháng nguyên. Tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể theo cơ thể chìa khoá và ổ khoá để tạo phản ứng miễn dịch. 

kháng nguyên và kháng thể
Kháng thể và kháng nguyên

Khi có các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể, tế bào lympho B nhận diện kháng nguyên tương ứng và được hoạt hoá thành nguyên bào lympho. Nguyên bào lympho phân bào và biệt hoá thành tương bào. Tương bào tạo kháng thể tiêu diệt các vi sinh vật hoặc làm bất hoạt độc tố của chúng. Một số tế bào lympho B không trở thành tương bào mà trở thành tế bào lympho B nhớ, sẵn sáng đáp ứng nhanh và mạnh khi có vi sinh vật cùng loại xâm nhập lần sau, giúp cơ thể có khả năng miễn dịch. 

cơ chế miễn dịch olm
Cơ chế miễn dịch trong cơ thể 

b. Vaccine

Con người có thể tạo miễn dịch nhân tạo cho cơ thể bằng cách sử dụng vaccine. Mầm bệnh đã chết hoặc suy yếu,... trong vaccine có tác dụng kích thích tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể. Kháng thể tạo ra tiếp tục tồn tại trong máu giúp cơ thể miễn dịch với bệnh đã được tiêm vaccine. 

@200837516910@

3. Nhóm máu và truyền máu 

a. Nhóm máu 

Nhóm máu là nhóm các tế bào hồng cầu được xác định dựa vào các đặc tính kháng nguyên khác nhau. Có nhiều hệ nhóm máu khác nhau nhưng phổ biến nhất là hệ nhóm máu ABO gồm bốn nhóm máu: A, B, O và AB. 

Các nhóm máu trong hệ nhóm máu ABO được xác định dựa vào loại kháng nguyên (A và B) trên bề mặt hồng cầu và kháng thể (α và β) trong huyết tương. Trong đó, α gây kết dính A và β gây kết dính B. Cách xác định nhóm máu trong hệ ABO được trình bày trong bảng dưới đây. 

Đặc điểm

A B AB O
Kháng nguyên trên hồng cầu A B A, B Không có A, B
Kháng thể trong huyết tương β α Không có α và β α, β

b. Truyền máu 

Trong quá trình truyền máu, để tránh hiện tượng kết dính có thể xảy ra, máu của người cho cần cùng nhóm với máu của người nhận. Trong trường hợp không có máu trùng với nhóm máu của người nhận, có thể truyền máu khác nhóm nhưng đảm bảo nguyên tắc không để kháng thể trong máu của người nhận kết dính kháng nguyên trong máu được truyền. 

@200837513929@

II. Hệ tuần hoàn 

1. Cấu tạo của hệ tuần hoàn 

Hệ tuần hoàn gồm tim và hệ mạch. 

hệ tuần hoàn ở người olm
Hệ tuần hoàn ở người

Tim hoạt động như một chiếc bơm vừa hút, vừa đẩy máu lưu thông trong hệ tuần hoàn. Hệ mạch gồm động mạch, mao mạch, tĩnh mạch. Các mạch máu có dạng ống, hợp thành một hệ thống kín. Trong đó, động mạch vận chuyển máu từ tim đến mao mạch để trao đổi nước, chất khí, các chất giữa máu và các tế bào; máu trao đổi tại mao mạch theo tĩnh mạch trở về tim. 

2. Chức năng của hệ tuần hoàn 

Hệ tuần hoàn có chức năng vận chuyển các chất dinh dưỡng, chất khí và các chất khác đến các tế bào và mô của cơ thể nhờ sự lưu thông của máu qua vòng tuần hoàn lớn và vòng tuần hoàn nhỏ.

III. Một số bệnh về máu và tim 

1. Thiếu máu 

Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố (hemoglobin) dẫn đến máu giảm khả năng vận chuyển oxygen trong cơ thể. Khi cơ thể thiếu máu thường xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, da xanh, tim đập nhanh,... Chế độ ăn thiếu sắt có thể dẫn đến bệnh thiếu máu do cơ thể không sản xuất đủ lượng hemoglobin, được gọi là thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu máu do chảy máu là tình trạng mất quá nhiều máu khi bị thương, khi đến chu kì kinh nguyệt,...

2. Huyết áp cao

Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng huyết áp cao. Huyết áp tăng cao lúc đầu có thể là kết quả nhất thời sau khi luyện tập thể dục, thể thao, khi tức giận hay khi bị sốt,... Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm tổn thương cấu trúc thành động mạch và gây ra bệnh huyết áp cao. 

Ngoài ra, huyết áp cao có thể do chế độ ăn nhiều đường và muối, thức ăn chứa nhiều chất béo,...

3. Xơ vữa động mạch 

Khi hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao sẽ kết hợp với Ca2+ ngấm vào thành mạch, làm hẹp lòng mạch, mạch bị xơ vữa dẫn đến tăng huyết áp, giảm dòng máu, tạo thành các cục máu đông dẫn đến tắc mạch. Nếu các cục máu đông xuất hiện ở động mạch vành tim gây đau tim, còn ở động mạch não là nguyên nhân gây đột quỵ. 

Xơ vữa động mạch có thể do chế độ ăn chưa hợp lí, hút thuốc lá, ít vận động,...

mạch máu olm

@200837599542@

1. Máu là dịch lỏng lưu thông trong hệ tuần hoàn gồm huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. 

2. Nhóm máu là nhóm tế bào hồng cầu được chia thành bốn nhóm trong hệ nhóm máu ABO. Khi truyền máu, cần lựa chọn nhím máu truyền phù hợp theo nguyên tắc truyền máu. 

3. Hệ tuần hoàn gồm tim và các mạch máu tạo thành vòng tuần hoàn, giúp máu lưu thông đến mọi tế bào trong cơ thể để thực hiện quá trình trao đổi chất. 

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)