Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Chủ đề chung 2: Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông

Danh sách bài làm & chấm bài  
Chủ đề chung 2: Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông (phần I) Các bài giảng

1. Vị trí, phạm vi các vùng biển và hải đảo Việt Nam

- Theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển Việt Nam nằm trong Biển Đông bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

- Vùng biển của Việt Nam mở rộng ra tới ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông với diện tích khoảng 1 triệu km2 (gấp hơn ba lần diện tích phần đất liền).

- Vùng biển Việt Nam có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông.

- Hiện nay, một số đảo và quần đảo của nước ta được tổ chức thành các đơn vị hành chính cấp huyện.

2. Đặc điểm môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam

a) Đặc điểm môi trường vùng biển đảo

- Nhìn chung, chất lượng môi trường nước biển (ven bờ và xa bờ, ven các đảo và cụm đảo) đều còn khá tốt, hầu hết các chỉ số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép của Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành. Các hệ sinh thái biển rất đa dạng, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái rạn san hô.

- Tuy nhiên, chất lượng môi trường biển đảo có xu hướng suy thoái: lượng rác thải, chất thải trên biển tăng, nhiều vùng biển ven bờ bị ô nhiễm, số lượng nhiều loài hải sản suy giảm, một số hệ sinh thái (nhất là rạn san hô, cỏ biển,...) bị suy thoái.

- Trong những năm gần đây, chất lượng môi trường biển và hải đảo đang từng bước được cải thiện với những biện pháp cụ thể: trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ rạn san hô, cải thiện tình trạng ô nhiễm ven bờ,...

b) Tài nguyên vùng biển đảo

- Vùng biển và hải đảo nước ta có nguồn tài nguyên khá phong phú và đa dạng.

- Vùng biển Việt Nam có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hằng năm, trên vùng biển Việt Nam có thể khai thác 1,6 - 1,7 triệu tấn cá, 60 - 70 nghìn tấn tôm, 30 - 40 nghìn tấn mực,... Dọc ven biển có nhiều vũng vịnh, đầm phá rất thuận lợi để nuôi trồng thủy sản có giá trị cao (tôm, cua, cá, rong biển,...).

- Biển Việt Nam là nguồn cung cấp muối vô tận. Các khoáng sản có trữ lượng lớn như: dầu mỏ, khí tự nhiên, cát thủy tinh, ti-tan,... tạo thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp.

- Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch biển đặc sắc và đa dạng. Gồm các bãi biển đẹp, các vịnh biển có phong cảnh độc đáo, các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển biển và hải đảo,... thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

@201190782258@@201190783430@

3. Những thuận lợi, khó khăn đối với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo

- Biển đảo có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

Một số hoạt động kinh tế biển ở Việt Nam

a) Đối với phát triển kinh tế

- Thuận lợi

+ Tài nguyên biển (sinh vật, khoáng sản,...) đa dạng, phong phú tạo điều kiện để phát triển nhiều ngành kinh tế biển: khai thác và nuôi trồng thủy sản, làm muối, khai thác dầu khí,...

+ Vị trí nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông, dọc bờ biển có nhiều vịnh biển kín để xây dựng các cảng nước sâu,... là điều kiện để phát triển giao thông vận tải biển, là cửa ngõ để Việt Nam giao thương với thị trường quốc tế.

+ Nhiều bãi biển đẹp, nước biển ấm, chan hòa ánh nắng, nhiều vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển ven biển và trên các đảo,... tạo điều kiện để phát triển du lịch biển đảo.

- Khó khăn

+ Vùng biển nhiệt đới nước ta nhiều thiên tai, đặc biệt là bão. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động lớn tới thiên nhiên vùng biển đảo (đặc biệt là sạt lở bờ biển và nước biển dâng), gây khó khăn cho phát triển kinh tế biển đảo.

+ Cơ sở hạ tầng các vùng biển và hải đảo nhìn chung còn chưa đầy đủ và đồng bộ, không tương xứng với tiềm năng và thế mạnh biển đảo.

b) Đối với bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

- Thuận lợi

+ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lí quan trọng để các quốc gia khẳng định và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển. Cùng năm đó, Việt Nam đã kí Công ước này và được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình đấu tranh nhằm thực thi Công ước trên Biển Đông.

+ Trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống luật và pháp luật làm cơ sở để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước trên Biển Đông, như: Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Biên giới Quốc gia năm 2003,...

+ Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), kí một số thỏa thuận và hiệp định về phân định và hợp tác trên biển với các nước láng giềng như: Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa với In-đô-nê-xi-a năm 2003, Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xi-a năm 1992,...

+ Tình hình an ninh, chính trị khu vực Đông Nam Á ngày càng ổn định, các nước ASEAN ngày càng đồng thuận trong cách ứng xử của các bên trên Biển Đông.

- Khó khăn

+ Hiện nay, khó khăn lớn nhất là tình trạng chồng lấn giữa vùng biển đảo của nhiều quốc gia đã dẫn đến những tranh chấp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trên Biển Đông, đòi hỏi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

 

@201190784134@@201190785953@

Chúc các em học tốt !

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)