Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Phú sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang phú)

Danh sách bài làm & chấm bài  

PHÚ SÔNG BẠCH ĐẰNG

(Bạch Đằng giang phú – Trương Hán Siêu)

         Trương Hán Siêu, tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu (? – 1354), quê ở thôn Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (tỉnh Ninh Bình). Ông xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, từng lập công trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần 2 (1285) và lần 3 (1288) nên được tiến cử lên triều đình. Đời làm quan của ông trải qua bốn đời vua Trần: Anh Tông (1293 – 1314), Minh Tông (1314 – 1329), Hiến Tông (1329 – 1341), Dụ Tông (1341 – 1369), thăng chức cao nhất đến Tham tri chính sự và từng làm quan ở vùng Lạng Giang (Bắc Giang) và Châu Hóa (Thừa Thiên – Huế). Đương thời Trương Hán Siêu là một học giả uyên bác, có tư tưởng tôn Nho bài Phật, giàu lòng yêu nước, được các vua Trần tôn quý, thường gọi là “thầy”. Sau khi qua đời được truy phong tước Thái bảo và được thờ trong Văn Miếu, ngang hàng với Chu Văn An và các bậc hiền triết của đạo Nho.

          Trương Hán Siêu sáng tác khá nhiều, gồm nhiều loại như hình luật, phú, thơ ca, văn xuôi, tất cả đều được viết bằng chữ Hán. Trong số đó, Bài Phú sông Bạch Đằng là tác phẩm nổi trội nhất của ông và đồng thời cũng là bài phú nổi tiếng nhất trong số các bài phú chữ Hán thời Trần còn lại đến ngày nay.

          Sông Bạch Đằng là nơi diễn ra những trận đánh quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta mà điển hình nhất là chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán năm 938 và của quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo chống quân Mông – Nguyên xâm lược năm 1288. Do đó, sông Bạch Đằng là một đề tài cho cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, nhà văn ở thế kỉ XIV.

          Hiện chưa xác định được thời điểm chính xác Trương Hán Siêu viết bài phú này. Các nhà nghiên cứu căn cứ và tuổi của ông, phỏng đoán có thể tác phẩm này ra đời khi nhà Trần bắt đầu suy yếu (đời vua Trần Dụ Tông).

          Theo Đại Việt sử kí toàn thư, năm 1308, Trương Hán Siêu nhậm chức Hàn Lâm học sĩ; năm 1326, làm Hành khiển; năm 1339, làm Môn ngoại hữu ti lang trung; năm 1341, cùng Nguyễn Trung Ngạn soạn Hoàng triều đại điểm, khảo soạn Hình thư; năm 1343, Tả lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang; năm 1353, vâng mệnh vua đem quân trấn giữ Hóa Châu, lập được trật tự; năm 1554, xin về triều, chưa kịp thì ông mất. Không chắc ông đã có thái độ phê phán đối với tình trạng suy thoái của đời Trần Dụ Tông, vì chính ở đời Dụ Tông, ông càng được tin dùng và nhận nhiều chức vụ quan trọng. Tâm trạng hoài cổ cũng như triết lí về nguyên nhân hưng vong, thành bại ở bài phú là lẽ tự nhiên. Vì các chiến công trên sông Bạch Đằng đã lùi xa vào quá khứ, đứng trước dòng sông đầy ắp những sự kiện lịch sử ấy, một nhà hoạt động xã hội như Trương Hán Siêu không thể nào tự hào về tiền nhân, về dân tộc, không thể nào nghĩ đến những bài học lịch sử có thể rút ra được từ các chiến công hiển hách ấy nhằm gửi gắm cho những người lãnh đạo.

          Bạch Đằng giang phú là tác phẩm văn học viết về lịch sử. Viết về đề tài lịch sử, nhà nho thường muốn mượn lịch sử để gửi gắm tâm sự hay tư tưởng, tình cảm của bản thân thân. Nói cách khác, lịch sử là cái cớ để từ đó, tác giả phát biểu tư tưởng, bày tỏ tình cảm của mình.

          Bài phú tổng cộng gồm 32 liên và hai bài ca, nói về vẻ đẹp hùng vĩ vùng cửa sông Bạch Đằng và gợi lại các chiến công xâm lược từng gắn với địa danh này. Bài phú được chia thành ba đoạn với ba kiểu tâm trạng, ba khoảng không gian và thời gian khác nhau. Tuân theo hình thức của loại phú cổ thể, bài phú như một bài ca dài, tản văn và vận văn đan xen nhau, nhân vật chủ và khách đối thoại, đối đáp, trò chuyện hô ứng nhau rồi kết thúc bằng hai bài thơ. Mở đầu là hình ảnh tác giả được gián cách, khách thể hóa trong vai một nhân vật “khách”, một nghệ sĩ, bậc du tử, lãng tử, ham xê dịch và ham hiểu biết:

                   “Khách có kẻ:

                   Giương buồm giong gió chơi vơi,

                   Lướt bể, chơi trăng mải miết.

          Nhân vật “khách” ở đây được phóng đại, khoa trương, cực tả bởi những ham thích, bởi sự đi nhiều, biết nhiều, trải nghiệm cũng nhiều. Những chuyến đi của người “khách” có ý nghĩa bước chân thần thoại, có tính biểu trưng, ước lệ:

                   “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương

                   Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt

                   Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt

                   Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết

                   Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều

                   Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”.

          Nối hai khoảng thời gian “sớm… chiều” giới hạn trong một ngày, là những khoảng không gian xa vời, những địa danh cách biệt, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Việc liệt kê các địa danh mà “khách” đã từng đặt chân, chứng kiến, đi qua trong tưởng tượng càng nhấn mạnh sự hòa nhập giữa con người với thiên nhiên, khát khao hiểu biết và chí hướng mơ về những chuyến viễn du: “Mà tráng trí bốn phương vẫn còn tha thiết”.

          Trong đoạn I của bài phú có nhắc đến “Tử Trường”. Tử Trường là tên tự của Tư Mã Thiên, một sử gia và văn học vĩ đại của Trung Quốc đời Hán, tác giả của bộ Sử kí. Bắt đầu khoảng năm hai mươi tuổi (trong ba năm liền), ông đã đi thăm rất nhiều địa danh gắn liền với các nhân vật lịch sử quan trọng mà ông sẽ khắc họa chân dung họ trong Sử kí. Các địa danh của Trung Quốc được nhắc đến ở trong bài phú chính là những nơi Tư Mã Thiên đã đến thăm. Chẳng hạn, ông từng đến thăm sông Tương, trèo lên núi Cửu Nghi tìm dấu vết mộ vua Thuấn; ông đã đi thuyền trên Thái Hồ (thuộc Ngũ Hồ) sưu tầm truyền thuyết kể về Tây Thi, Phạm Lãi vào hang Vũ Động tìm di tích vua Vũ. Các trang viết trong Sử kí của Tư Mã Thiên thường thấm đẫm cảm xúc của người đã đi đến “thực địa”. Ví dụ, thiên Khuất Nguyên liệt truyện trong Sử kí viết: “Tôi đọc Li tao, Thiên vấn, Chiêu hồn, Ai Sính thương cho ông chí ông. Tôi sang Trường Sa xem quãng sông Khuất Nguyên trẫm mình, không lần nào không khóc”. Trương Hán Siêu liệt kê các địa danh như Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,… rồi viết: “Học Tử Trường chừ thú tiêu dao” là nhằm nói đến cái thú viễn du của chính nhân vật “khách”, tức là chính Trương Hán Siêu. Ông coi thú đi thăm các địa danh lịch sử của mình như thú viễn du của sử gia Tư Mã Thiên. Cụm từ “tiêu dao” gợi nên ý niệm về sự siêu thoát còn “viễn du” là đi xa để thấy nhiều, biết nhiều. Cảm hứng lịch sử đã được thể hiện rõ qua việc liệt kê các địa danh này.

          Về nghệ thuật, những chữ “chừ” (dịch từ chữ “hề”) tạo nên lối ngắt nhịp độc đáo, âm điệu du dương, khơi gợi tâm trạng bay bổng, phóng khoáng. Từ đây, hình ảnh người “khách” được thể hiện cụ thể hơn, gắn bó với hiện thực đất nước nhiều hơn. Đó là nhân vật trữ tình đồng thời cũng là con người hiện thực, không chỉ là hình ảnh ước lệ với những chuyến viễn du tiêu dao trong mộng ước mà đã có thể kiểm chứng được bằng những cảnh sắc không gian, cửa biển, bến bãi, dòng sông có tên Đại Than, Đông Triều, Bạch Đằng gần gũi thân quen. Cách miêu tả phong cảnh nơi sông nước vẫn mang tính khoa trương nhưng đã chọn lọc được những hình ảnh sát đúng cảnh tượng sông Bạch Đằng với những cảnh bãi rộng sóng lớn, thuyền bơi ngược dòng, nước trời một sắc, lau lách san sắt, bến nước đìu hiu:

                   “Bát ngát sóng kình muôn dặm

                   Thướt tha đuôi trĩ một màu

                   Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu

                   Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.

          Trước cảnh tượng sông nước ngày hôm nay, tác giả - nhân vật “khách” cảm nhận nỗi buồn vui thế sự, bộc lộ niềm cảm thán trước cái còn mất, cái vô cùng vô tận của thời gian:

                   “Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô

                   Buồn vì thảm cảnh, đứng lặng giờ lâu

                   Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá

                   Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.

          Người khách để lòng mình hòa cùng đất trời, “đứng lặng giờ lâu” vì ngậm ngùi trước những điều đã một đi không trở lại. Cảm giác ấy gieo vào lòng người đọc tâm trạng hoài niệm, sự đồng cảm và niềm cảm thương sâu sắc. Tâm trạng hoài niệm về quá khứ như thế sau này còn được Nguyễn Du phát triển với những ý thơ:

                   “Những ngôi nhà lớn nghìn xưa nay thành đường cái quan”.

(Thăng Long, bài I)

                   “Thành quách đổi dời, việc người đã khác”.

(Bài ca người gảy đàn ở thành Thăng Long)

Hay Bà huyện Thanh Quan với:

                   “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

                   Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

(Thăng Long thành hoài cổ)

          Tiếp theo, khi xuất hiện nhân vật “các bô lão” thì bài phú cũng chuyển đổi. Nhân vật “bô lão” bên sông có ý nghĩa rất quan trọng. “Khách” đến từ nơi khác nên cần lời kể của những người cao tuổi là dân sở tại như là những người đã chứng kiến hoặc đã nghe được từ các bậc tiền bối chứng kiến về những chiến công oanh liệt của sông Bạch Đằng. Như thế, hình tượng các bô lão địa phương tạo nên một sự tin cậy, tính xác thực cho câu chuyện lịch sử. Đó không phải là tưởng tượng mà là sự thực được kể lại bởi chính những người già, những chứng nhân lịch sử, những người lưu giữ kí ức về lịch sử. Mặt khác, câu chuyện của các bô lão cho thấy phương pháp tìm hiểu lịch sử của “khách”: nghe người già kể chuyện.

          Từ cảm xúc cá nhân người “khách” – tác giả - tới việc tái hiện, phản ánh sự kiện lịch sử trên sông Bạch Đằng chiến thắng quân Nguyên, bắt sống tướng Ô Mã Nhi vào năm 1288 và nhân đó cũng nhắc lại chuyện xưa Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, bắt sống Lưu Hoằng Thao (con trai vua Nam Hán Lưu Cung) vào năm 938:

          “Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,

          Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”.

Khí thế chiến trận được tái hiện với những quân hùng tướng mạnh và cuộc đối đầu quyết liệt:

                   “Đương khi ấy:

                   Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới

                   Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói,

                   … Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,

                   Bầu trời đất chừ sắp đổi.

          Gắn với cuộc đối đầu quyết liệt ấy là mưu mô của quân xâm lược phương Bắc cho dù có khác nhau về thời gian nhưng thống nhất ở mục đích và kế hoạch. Tác giả chỉ rõ sức mạnh của quân Nguyên với vai trò của Hốt Tất Liệt có lực lượng kị binh hết sức tinh nhuệ: chuyện thời Ngô Quyền hơn bốn trăm năm trước, vua Nam Hán là Lưu Cung lập chước lừa dối vừa nhận vàng bạc của tên Việt gian Kiều Công Tiễn vừa sai con là Lưu Hoằng Thao đem quân sang nói là giúp Tiễn nhưng thực ra nhằm xâm lược nước Nam. Những kẻ xâm lược trước sau đều cậy thế mạnh, đều ngạo mạn tưởng rằng chỉ một trận đánh là dẹp được bốn cõi. Bằng cách mượn điển cố và lối nói khoa trương, chiến thắng trên sông Bạch Đằng được so sánh với những trận thủy chiến vang dội nhất trong lịch sử phương Bắc:

                   “Khác nào như khi xưa:

                   Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay

                   Trận Hợp Phì giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi

                   Đến nay nước sông tuy chảy hoài

                   Mà nhục quân thù khôn rửa nổi!

          Những hình ảnh “tan tác tro bay” đăng đối với “hoàn toàn chết trụi” nói lên được tính chất khốc liệt của trận chiến và sự thất bại thảm hại của quân giặc. Hình ảnh nước sông chảy hoài như ngàn đời vẫn thế vừa mang nghĩa thực vừa tạo nghĩa liên tưởng, so sánh khi đặt trong thế đối lập về ý: “Mà nhục quân thù khôn rửa nổi”. Dòng nước trôi đi, thời gian rồi qua đi, người xưa cảnh cũ rồi thay đổi nhưng thất bại của giặc thù cùng mưu mô xâm lược của chúng thì chìm dưới đáy sông, mãi mãi không có gì gột rửa nổi, mãi mãi là bài học đắt giá cảnh tỉnh giặc ngoại xâm. Ngược lại đối với người chiến thắng thì đó chính là công lao của ông cah, sức mạnh và niềm tự hào dân tộc. Đến đây lời thơ trở nên hào sảng, hướng tới đúc kết khái quát những quy luật lớn lao:

                   “Tuy nhiên: Từ có vũ trụ, đã có giang san

                   Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở

                   Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an.

Nguyên văn chữ Hán là:

                   “Tín thiên tam chi thiết hiểm

                   Lại nhân kiệt dĩ điện an.

          Câu thơ nói riêng và bài phú nói chung đã đặt vấn đề so sánh tầm quan trọng của địa thế hiểm yếu và nhân tài đối với sự nghiệp giữ nước. Qua đoạn thơ này, sự ý thức về cõi riêng giang sơn đất nước, về quan niệm “Các đế nhất phương” (Mỗi vua làm chủ một phương) tiếp tục được khẳng định. Một cõi núi sông nước Nam độc lập bên cạnh phương Bắc tựa hồ như đã phân định từ thuở khai thiên lập địa, tựa như do thiên thư - sách trời (Nam quốc sơn hà) quy định vậy. Thêm nữa, quan niệm về mối quan hệ Thiên – Địa – Nhân (Trời – Đất – Người) cũng tiếp tục được khẳng định, trong đó trời đất hiểm trở giữa vai trò điều kiện cần đủ và chính con người mới là chủ thể “nhân dài giữ cuộc điện an”. Con người làm nên chiến thắng ở đây là những tấm gương trung nghĩa, tài năng lỗi lạc. Việc Trần Quốc Tuấn hội tướng sĩ vương hầu ở bến Bình Than về quy mô cũng giống như vương sư Lã Vọng, người đời Ân, đã giúp vua Vũ hội quân các nước chư hầu ở Mạnh Tân và diệt được vua Trụ Tàn ác; tựa như bậc quốc sĩ Hàn Tín, người thời Hán, đã giúp Lưu Bang đánh tan quân Tề ở Duy Thủy. Nguồn cội cơ sở chiến thắng ở đây chính là con người, sức người, tài trí con người:

                   “Kìa Trận Bạch Đằng mà đại thắng

                   Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.

                   Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn.

          Sự thật, sau hai lần thất bại, giặc Nguyên lại xâm lược nước ta lần thứ ba vào năm 1278. Vua Trần Nhân Tông hỏi Trần Quốc Tuấn: “Giặc đến làm thế nào?”, ông tâu: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Cách nhìn nhận thế giặc dễ đánh thắng, “thế giặc nhàn” không phải là thái độ chủ quan mà chính dựa trên tài thao lược, niềm tin vào sức mạnh toàn dân và kinh nghiệm qua hai cuộc chiến trước đây. Đó là một câu nói, một chi tiết của hiện thực đã đi vào văn chương và thể hiện được tinh thần, tầm vóc một dân tộc anh hùng.

          Lời ca của các bô lão vừa có tính hình tượng đẹp, lại có tính chất khái quát sâu sắc. Dòng sông Bạch Đằng cuồn cuộn chảy cũng là biểu tượng của lịch sử, của thời gian. Thời gian nghiệt ngã sàng lọc mọi giá trị như dòng sông cuốn trôi mọi rác rưởi. Chỉ có những giá trị chân chính mới tồn tại lâu bền với thời gian. Những kẻ bất nhân, bất nghĩa bị lãng quên, danh tiếng của những người có đạo đức nhân nghĩa sẽ tồn tại mãi.

          Cho đến đoạn kết, bài ca của các bô lão và người “khách” – tác giả - vừa đăng đối vừa tạo nên sự hô ứng, tôn vinh những người anh hùng chủ nhân đất nước. Thông qua lời ca các bô lão, một lần nữa hình ảnh nước sông trôi đi cuốn theo cả kẻ thù bất nghĩa và chỉ còn danh tiếng người anh hùng lại được sử dụng, có ý nghĩa như điệp khúc được nhấn mạnh, nâng cao. Riêng lời ca của người “khách” – tác giả - nhằm hướng đến ca ngợi hai vua cụ thể Trần Thánh Tông – Trần Nhân Tông như là biểu tượng của người tài đức, văn võ song toàn:

                   “Anh Minh hai vị thánh quân

                   Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh

                   Giặc tan muôn thuở thăng bình

                   Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.

          Thêm một lần nữa, vai trò và vị trí con người lại được tôn vinh. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, những người lãnh đạo biết tận dụng ưu thế “đất hiểm” nhưng trước hết cần thấy rõ sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của lòng dân và ý chí Diên Hồng. Điều này trái hẳn với tấn bi kịch diễn ra dưới triều nhà Hồ sau này, khi mà cọc gỗ, lưới sắt và thế hiểm núi sông không thể ngăn được giặc thù. Chính bởi thế, mà bài học “Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao” sẽ mãi soi sáng cho muôn đời sau.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)