Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Hồi trống Cổ Thành (trích hồi 28 - Tam quốc diễn nghĩa)

Danh sách bài làm & chấm bài  
Bài giảng Các bài giảng

I.Tiểu dẫn

1. Tác giả

* Lịch sử hình thành:

          SGK viết về tác giả La Quán Trung nhưng thực ra La Quán Trung không phải người duy nhất viết nên tiểu thuyết này. Trước La Quán Trung, từ thời Đường đã lưu truyền rất rộng rãi trong dân gian những vở kịch nói về các vị anh hùng này.

          Cuối đời Nguyên – đầu đời Minh, La Nguyên Trung dựa trên những tư liệu lịch sử, những câu chuyện sáng tác trước đó, vẫn dựa trên tư tưởng “tôn Lưu biếm Tào” viết nên bộ “Tam quốc diễn nghĩa” gồm 240 hồi.

          Đến đời Minh, hai cha con Mao Luân và Mao Tôn Cương, trên cơ sở bộ tiểu thuyết 240 hồi của La Quán Trung đã chỉnh lí, chỉ còn 120 hồi. Bản dịch hiện hành là bản dịch dựa trên nguyên tác của hai cha con. Tuy nhiên, chúng ta tôn trọng công sức của người quan trọng nhất, có công lớn nhất là La Quán Trung.

* Tác giả La Quán Trung:

- 1330 – 1400?: chỉ biết sinh cuối đời Nguyên, mất đầu đời Minh.

- Quê quán: Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc.

- Con người tính tình cô độc, lẻ loi, thích ngao du, đi đây đi đó. Chính vì đi rất nhiều nơi nên ông chứng kiến và am hiểu sâu sắc tình hình chính trị của xã hội đương thời.

     Tương truyền La Quán Trung từng ôm giấc mộng chính trị lớn lao, từng là mạc khách của nhân vật có tên Trương Sĩ Hành. Trương Sĩ Hành là người từng nổi dậy lật đổ nhà Nguyên. Sau đó đã bị nhà Minh đánh bại. Khi nhà Minh lên ngôi, giấc mộng chính trị không thành (muốn phò minh quân, giúp nhân dân) nên ông đã dồn hết tâm sức vào viết những cuốn dã sử, sưu tầm những câu chuyện viết thành những tiểu thuyết. Chính giấc mộng không thành ấy đã được tác giả gửi gắm vào những hình tượng nhân vật của mình, xây dựng những nhân vật của mình trở thành những điển hình nhân vật bất hủ.

2. Tác phẩm

- Ra đời vào đầu thời Minh (1368 – 1644)

- Nội dung: kể chuyện một nước chia ba trong gần trăm năm của nước Trung Quốc thời cổ vào khoảng thế kỉ II – thế kỉ III.

+ Câu chuyện bắt đầu từ năm 184 (cuối đời Đông Hán), vua ngu muội, đẩy nhân dân vào tình cảnh điêu linh, khốn khổ, cơ cực dẫn tới hệ quả tất yếu là có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên. Nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng (Hoàng cân) của ba anh  em Trương Dốc, Trương Dác và Trương Lương. Cuộc khởi nghĩa này có đến hàng trăm vạn quân đi theo ủng hộ, có sức mạnh rất lớn khiến chính quyền trung ương trở nên bất lực.

+ Có những thế lực nổi lên với tư tưởng dẹp giặc khởi nghĩa để ủng hộ triều đình. Nổi bật lên ba thế lực: thế lực của Tào Tháo, thế lực của Tôn Quyền, thế lực của Lưu Bị.

=> Hình thành thế chân vạc với 3 thế lực mạnh nhất: Ngụy – Thục – Ngô. Ba thế lực này tranh giành ảnh hưởng của nhau, đối đầu nhau, hợp rồi tan, tan rồi lại hợp. Kết thúc năm 280, khi nhà Tấn lên ngôi.

- Giá trị nội dung:

+ Phơi bày cục diện chính trị Trung Hoa mà đường nét nổi bật là tình trạng cát cứ phân tranh, cá lớn nuốt cá bé, chiến tranh liên miên, nhân dân đói khổ, điêu linh.

+ Thể hiện mong muốn của nhân dân: hòa bình, ổn định, thống nhất, gửi gắm vào hình ảnh triều đình có ông vua biết thương dân, có văn võ bá quan biết thực hiện đường lối nhân chính (gửi gắm qua hình tượng Lưu Bị)

+ Xây dựng hệ thống hình tượng nhân vật thể hiện quan điểm của nhân dân:

Lưu Bị - nhân, Khổng Minh – trí, ngũ hổ tướng – dũng => dùng đức trị và pháp trị

Lưu Bị - tuyệt nhân, Gia Cát Lượng – tuyệt trí, Tào Tháo – tuyệt gian.

3. Đoạn trích

- Vị trí: thuộc hồi 28

- Tóm tắt diễn biến dẫn tới đoạn trích:

      Ba anh em Lưu Bị, Trương Phi, Quan Vân Trường đang náu mình dưới trướng Tào Tháo nhưng khi nhận ra bản chất gian hùng của Tào Tháo, họ đã tìm cách bỏ đi. Tào Tháo cho quân đuổi theo. Trước hết là đánh Lưu Bị, Lưu Bị thua, chạy sang nhờ Viên Thiệu. Quan Công giữ được thành nhưng sau bị nội phản nên phải bỏ chạy và bị vây bắt. Trong quá trình vây bắt như vậy, Tào Tháo dụ Quan Công hàng nhưng Quan Công thể hiện rõ tư tưởng thà chết chứ không hàng. Khi đó, tướng của Tào Tháo là Trương Liêu đã nói: nếu Quan Công chết thì sẽ phạm ba tội: Thứ nhất, thề sống chết Lưu Bị mà nay tự tiện chết, như vậy là tội thất tín. Thứ hai, Lưu Bị giao vợ con để bảo vệ mà nay chọn cái chết để bỏ lại vợ con Lưu Bị là thất nghĩa. Thứ ba, chết trong tình thế bị bao vây, sự nghiệp dang dở là chết như một kẻ vũ phu, thế là tội thất trí. 

     Quan Công chấp nhận hàng nhưng cũng có ba điều kiện. Thứ nhất, Quan Công hàng Hán chứ không hàng Tào bởi Tào Tháo đang giữ vua Hán trong tay mình. Thứ hai, khi Quan Công hàng, Tào Tháo phải trọng đãi vợ con Lưu Bị. Thứ ba, chỉ cần nghe tin Lưu Bị ở đâu, lập tức Tào Tháo phải để cho Quan Công ra đi ngay lập tức để tìm anh mình.

      Tào Tháo đồng tình ngay lập tức đồng ý với mong muốn đưa Quan Công về sẽ dần dần mua chuộc được. Khi nghe tin Lưu Bị ở bên Viên Thiệu, Quan Công lập tức lên đường đi tìm anh. Vì không có lệnh của Tào Tháo nên Quan Công khi qua 5 cửa đã chém 6 tướng của Tào Tháo. Đến Cổ Thành thì câu chuyện có diễn biến như trong đoạn trích.

- Bố cục:

+ Phần 1: Từ đầu đến “bảo Trương Phi ra đón hai chị”: (Giới thiệu nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh): Quan Công, Trương Phi.

+ Phần 2: Tiếp đến “nhưng không dám, cũng phải theo ra thành”: (Mâu thuẫn nảy sinh): Trương Phi nghe tin Quan Công đến, lập tức mặc áo giáp, vác mâu ra nghênh chiến.

+ Phần 3: Tiếp đến “không phải quân mã là gì kia”: (Mâu thuẫn phát triển): Quan Công đối mặt với Trương Phi, ra sức giải thích, hai chị dâu thanh minh nhưng Trương Phi cũng không nghe.

+ Phần 4: Tiếp đến “Quan Công nhận lời”: (Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm): Sự xuất hiện của Sái Dương càng làm tăng thêm nghi ngờ, Trương Phi yêu cầu Quan Công chứng minh lòng trung bằng cách chém Sái Dương trong ba hồi trống.

+ Phần 5: Còn lại: (Mâu thuẫn được giải quyết): Trương Phi nhận ra, hối lỗi, thụp lạy Vân Trường.

II. Tìm hiểu đoạn trích

1. Nhân vật Trương Phi

- Tính cách: bộc trực, thẳng thắn, không dối trá, úp mở, mập mờ. Thể hiện qua lập trường về trung thần rất rõ ràng và rạch ròi: thể hiện qua câu nói với hai chị dâu, cũng là nói với Quan Công “Trung thần thà chết chứ không chịu nhục, có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ”.

- Từ đó dẫn đến những lập luận, suy xét về sự xuất hiện của Quan Công:

+ Quan Công xuất hiện sau khi đã bội nghĩa, bỏ anh, hàng Tào Tháo, được phong hầu tứ tước.

+ Đến đây để đánh lừa Trương Phi, chiếm Cổ Thành của Trương Phi nên mới mang theo quân mã.

-> Trương Phi đã ba lần buộc tội Quan Công:

+ Mày đã bội nghĩa, còn mặt mũi nào đến gặp tao nữa. -> Bội nghĩa

+ Mày đã bỏ anh, hàng Tào Tháo, được phong hầu tứ tước nay lại đến lừa tao, tao quyết hầu sống chết với mày -> Bất trung.

+ Mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó lại đây là để bắt ta đó. -> Bất nhân.

=> Những buộc tội này cũng đều xuất phát từ tính cách của Trương Phi: bộc trực, nóng nảy, trung nghĩa.

- Từ đó dẫn đến sự phản ứng quyết liệt của Trương Phi trước Quan Công:

+ Khi Tôn Càn báo tin Quan Công mời Trương Phi ra đón, Trương Phi: “chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc”. -> Trương Phi nóng tính, khi nghe tin đó, vốn không có thời gian để suy xét mà lập tức hành động, sẵn sàng nghênh chiến.

+ Khi vừa nhìn thấy Quan Công “mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu, chạy lại đâm Quan Công” -> phản ứng quyết liệt

+ Khi Quan Công hỏi lí do “Trương Phi hầm hàm quát”, xưng hô mày tao, buộc tội Quan Công: bất nghĩa, bất trung, bất nhân.

+ Khi Quan Công cùng hai chị dâu, Tôn Càn ra sức thanh minh, Trương Phi gạt bỏ tất cả, vẫn khăng khăng tin tưởng vào lập luận, suy xét của mình.

+ Khi toán quân Mã mang cờ Tào kéo đến -> nổi giận nói “bây giờ còn chối nữa thôi”. Quân mã mang cờ Tào kéo đến là minh chứng xác thực nhất cho sự phản bội của Quan Công. -> Trương Phi thực sự nổi giận “múa bát xà mâu, hăm hở xông lại đâm Quan Công”.

+ Khi Quan Công yêu cầu được chứng thực lòng trung của mình bằng cách chém đầu tướng Tào -> đồng ý nhưng có thêm điều kiện phải chém đầu tướng Tào trong ba hồi trống.

- Quá trình hòa giải diễn ra sau khi Quan Công chứng thực lòng trung của mình bằng cách chém đầu Sái Dương :

+ Trương Phi không còn nóng nảy, mà rất thận trọng.

+ Lời của Sái Dương: “Mày giết cháu tao là Tần Kì, lại trốn đến đây, tao phụng mệnh thừa tướng bắt mày” đã cho thấy Sái Dương không cùng phía với Tào Tháo => Quan Công đang có mâu thuẫn với cả Tào Tháo và Tần Kì. => Trương Phi không đâm Quan Công nữa nhưng vẫn chưa tin hẳn.

+ Quan Công bắt một tên lính cầm cờ hiệu của quân Tào để hỏi chuyện đầu đuôi, biết được: Sái Dương muốn đem quân đi giết giặc ở Nhữ Nam, gặp Quan Công nên trả thù. Đến đây, Phi hỏi rõ chuyện ở Hứa Đô, Phi mới tin anh là thực. Tin nhưng chưa thật hiểu. Vì tin nên Phi mới mở cổng thành mời Quan Công và 2 chị dâu vào thành.

+ Sau khi nghe hai chị dâu kể những việc Quan Công đã trải qua -> Trương Phi hiểu -> Giỏ nước mắt, khóc, thụp lạy Vân Trường.

-> Trương Phi là người cẩn trọng, có tình cảm anh em sâu nặng, và khi mọi chuyện được sáng tỏ thì biết hối lỗi.

2. Nhân vật Quan Công

- Quan Công là một người trung nghĩa nhưng thể hiện theo cách riêng của mình, không máy móc và cứng nhắc như Trương Phi: Trong tình thế bị mắc lại ở trên núi, Lưu Bị tạm thời phải trốn, Quan Công bị mắc lại, Quan Công phải chăm sóc vợ con Lưu Bị cũng thà chết chứ không chịu hàng.

-> Mục đích chính của Quan Công khi chấp nhận hàng Tào Tháo là bảo vệ tính mạng của hai chị dâu. Quan Công vẫn giữ lòng trung tuyệt đối với anh mình.

- Khi lựa chọn hàng cũng bất lợi cho Quan Công  vì:

+ Chính anh em của mình là Trương Phi cũng không hiểu

+ Tướng của Tào Tháo luôn không phục, luôn tìm cách giết

+ Tào Tháo để các tướng tự định đoạt số phận, tính mạng của Quan Công khi Quan Công phải trải qua 5 cửa thành.

=> Trải qua khó khăn để giữ lòng trung nghĩa, không hề máy móc như Trương Phi.

- Trong đoạn trích, Quan Công rơi vào tình thế trớ trêu: Quan Công phải đối mặt với cửa ải thứ 6 này khó khăn, ngặt nghèo hơn 5 cửa vừa vượt qua. Trương Phi nghi ngờ lòng trung của Quan Công, cho rằng Quan Công bỏ anh hàng Tào, lại đem quân đến để bắt mình.

- Quá trình minh oan, lấy lại lòng tin của Trương Phi:

+ Khi Quan Công mừng rỡ tiến đến giáp mặt Trương Phi, Trương Phi hăm hở vác xà mâu đâm Quan Công. Quan Công hỏi lí do. Khi bị Trương Phi buộc tội, QC không thể thanh minh được vì vốn biết tính cách của Trương Phi nóng nảy, không thể giải thích trong một hai câu được nên cầu cứu hai chị dâu thanh minh cho mình. “Chuyện này em không biết, ta cũng khó nói, may có hai chị ở đây, em đến mà hỏi”. => 2 chị dâu cũng ra sức thanh minh nhưng Quan Công gạt đi, không tin.

+ Quan Công từ tốn thuyết phục với cách xưng hô đầy yêu thương: “Hiền đệ đừng nóng vậy, oan uổng quá” và “Nếu ta đến bắt em, tất phải mang theo quân mã chứ!”. -> tình nghĩa cả quá trình được đem ra để Trương Phi có thể lắng mình lại. -> Phi gạt đi và không tin.

+ Quan Công tự ra điều kiện để lấy lại lòng tin của Trương Phi: chém đầu Sái Dương, chấp nhận thêm điều kiện về thời gian của Trương Phi, nhanh chóng thực hiện.

+ Bắt một tên lính Tào, kể lại đầu đuôi cho Trương Phi hiểu.

-> Quan Công khác Trương Phi. Nếu Trương Phi bộc trực, ngay thẳng, rạch ròi trắng đen. Quan Công là người trung nghĩa, tài năng, khôn khéo, bình tĩnh, gỡ được tình thế khó khăn.

=> Dù rằng Quan Công, Trương Phi đều là những người trung tín, trung nghĩa. Nhưng nếu Trương Phi nóng nảy bộc trực, trắng đen rõ ràng còn Quan Công thì khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt và bình tĩnh ứng xử trước những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Quan Công vẫn tuân thủ 1 điều: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện năng di, uy vũ bất năng khuất”.

=> Cả hai nhân vật đều là những người trung tín và trung nghĩa nhưng lại có những nét tính cách khác nhau và bổ sung cho nhau và tôn vinh nhau.

3. Ý nghĩa (âm vang) hồi trống Cổ Thành:

- Hồi trống được miêu tả qua đoạn:

Quan Công chẳng nói một lời, múa long đao xô lại, Trương Phi thẳng cánh đánh trống. Chưa dứt một hồi trống, đầu Sái Dương đã lăn dưới đất. Quân Tào chạy tan tác.

- Đây là hồi trống ngắn ngủi vừa gợi ra âm vang chiến trận, tạo sự xung đột, kịch tính; vừa thúc giục vừa là thử thách đối với Quan Công.

- Đây là hồi trống thách thức, minh oan, đoàn tụ:

+ Hồi trống thách thức: thể hiện tính cách cương trực, dứt khoát của Trương Phi.

+ Hồi trống minh oan: thể hiện khí phách và tài năng của Quan Công.

+ Hồi trống đoàn tụ: thể hiện tình anh em gắn kết giữa Quan Công và Trương Phi.

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Ca ngợi sự “tuyệt trực” (bộc trực, ngay thẳng) của Trương Phi và “tuyệt nghĩa” (trung nghĩa, khéo léo) của Quan Công – vẻ đẹp tiêu biểu của các nhân vật.

- Ca ngợi tình nghĩa cao đẹp, sâu nặng – một biểu hiện riêng biệt của lòng trung nghĩa.

- Tác giả thể hiện rõ tư tưởng “ủng Lưu phản Tào”.

2. Nghệ thuật

- Giàu kịch tính, cốt truyện được xây dựng như một màn kịch sinh động (xây dựng mâu thuẫn truyện qua 5 màn) khiến tác phẩm hấp dẫn, lôi cuốn.

- Xây dựng nhân vật chủ yếu thông qua lời đối thoại và những hành động. -> bộc lộ tính cách tự nhiên, chân thực.

- Xây dựng chi tiết nghệ thuật đặc sắc: tiêu biểu là chi tiết hồi trống của Trương Phi: thách thức + minh oan + đoàn tụ.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)