Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài 2: Cách mạng công nghiệp

Danh sách bài làm & chấm bài  
Bài 2: Cách mạng công nghiệp Các bài giảng

1. Những thành tựu tiêu biểu của cách mạng công nghiệp

a) Cách mạng công nghiệp Anh

  • Hoàn cảnh

- Vào giữa thế kỉ XVIII, nước Anh hội tụ đủ những tiền đề để tiến hành cách mạng công nghiệp: vốn (tư bản), nhân công và sự phát triển kĩ thuật => Cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra ở Anh, trước hết là trong ngành dệt.

  • Những thành tựu tiêu biểu.

- Ngành dệt:

+ Bước ngoặt đầu tiên trong ngành dệt là sự ra đời của máy kéo sợi Gien-ni (1764).

Đặc điểm: Vẫn kéo bằng tay nhưng có tới 8 cọc sợi bông (về sau cải tiến nâng lên 16 - 18 cọc sợi bông) mà vẫn chỉ cần một người điều khiển => Năng suất lao động tăng lên gấp nhiều lần.

+ Năm 1769, R. Ác-rai phát minh ra máy kéo sợi chạy bằng sức nước. Đến năm 1771, ông đã xây dựng xưởng dệt đầu tiên ở nước Anh, tại thành phố Man-che-xtơ.

+ Năm 1784, Giêm Oát đã phát minh ra máy hơi nước. Từ đó, các nhà máy có thể xây dựng ở bất cứ nơi nào thuận lợi. 

Để ghi nhận công lao, Chính phủ Anh đã trao giấy chứng nhận bản quyền chế tạo máy hơi nước cho ông (1784).

=> Máy hơi nước được sử dụng ban đầu trong ngành dệt, về sau được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khác, trong nông nghiệp và giao thông vận tải,.... Nhờ có máy hơi nước, việc khai thác mỏ trở nên thuận lợi hơn, ngành công nghiệp chế tạo máy ra đời. Đến đầu thế kỉ XIX, tàu thủy chạy bằng máy hơi nước đã thay thế dần thuyền buồm, xe lửa và đường sắt bắt đầu phục vụ con người.

+ Năm 1785, E. Các-rai phát minh ra máy dệt, đưa tốc độ sản xuất tăng lên 39 lần.

loading...

Máy dệt chạy bằng hơi nước (Ét-mơn Các-rai)

- Giao thông vận tải:

+ Năm 1814, Xti-phen-xơn chế tạo thành công đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước.

+ Năm 1825, nước Anh khánh thành đoạn đường sắt đầu tiên nối liền Man-che-xtơ với Li-vơ-pun. 

+ Đến năm 1850, ở Anh đã có khoảng 10 000 km đường sắt.

Cách mạng công nghiệp ở Anh đã biến nước này từ một nước nông nghiệp thành nước công nghiệp phát triển nhất thế giới lúc bấy giờ. Nước Anh được mệnh danh là "công xưởng của thế giới".

@201103432162@

b) Cách mạng công nghiệp lan ra các nước châu Âu và Mỹ

Từ giữa thế kỉ XIX, cách mạng công nghiệp nhanh chóng lan ra các nước châu Âu và Mỹ, đặc biệt là ở những nước đã hoàn thành cách mạng tư sản.

- Ở Pháp, cách mạng công nghiệp bắt đầu từ năm 1830, đã có hơn 5 000 máy hơi nước, đến năm 1870 đã có trên 27 000 chiếc; độ dài đường sắt từ 30 km tăng lên 16 500 km. Nhờ cách mạng công nghiệp, kinh tế Pháp nhanh chóng phát triển, đứng thứ hai thế giới sau Anh.

- Ở Đức, cách mạng công nghiệp bắt đầu từ những năm 40 của thế kỉ XIX, phát triển dựa trên một nền công nghiệp nặng, hiện đại và tập trung, trong đó, công nghiệp luyện kim, hóa chất đóng vai trò chủ đạo.

Từ năm 1860 đến 1870, sản lượng khai thác than đá tăng từ 12 triệu tấn lên 16 triệu tấn nhờ sử dụng máy hơi nước. Trong nông nghiệp diễn ra quá trình cơ khí hóa, sử dụng phân bón hóa học để tăng năng suất. Nhiều máy cày, máy bừa, máy thu hoạch nông sản đã xuất hiện trên đồng ruộng.

- Ở Mỹ, do có sự liên hệ mật thiết với nước Anh, quá trình công nghiệp hóa diễn ra khá sớm, bắt đầu từ công nghiệp nhẹ (ngành dệt), sau đó lan sang ngành luyện kim, khai thác than đá, đường sắt,...

+ Hai phát minh lớn của Mỹ là máy tách hạt bông (1793) và máy thu hoạch bông (1831) đã góp phần tạo ra năng suất lao động cao hơn nhiều lần so với cách làm thủ công.

+ Công nghiệp đường sắt, khai mỏ, luyện kim, đóng tàu,... rất phát triển. Năm 1850, Mỹ có mạng lưới đường sắt dài nhất thế giới với 15 000 km.

Đến giữa thế kỉ XIX, nước Mỹ đã đứng hàng thứ tư trên thế giới về giá trị sản xuất công nghiệp (sau Anh, Pháp, Đức).

 

@201202812350@

3. Những tác động của cách mạng công nghiệp 

- Bộ mặt các nước tư bản thay đổi với sự xuất hiện nhiều khu công nghiệp lớn và thành phố đông dân xuất hiện. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của máy móc đã làm thay đổi căn bản quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác phát triển, tạo ra nguồn của cải dồi dào cho xã hội. Điều này đã làm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho một bộ phận người dân trong xã hội tư bản. Đặc biệt là giai cấp tư sản.

Nhờ áp dụng hiệu quả những thành tựu của cách mạng công nghiệp nên Anh, Pháp, Mỹ và Đức đã trở thành nước công nghiệp phát triển, trong đó Anh được mệnh danh là "công xưởng của thế giới".

Cuộc cách mạng đã chuyển xã hội loài người từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.

- Về mặt xã hội, tác động quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp là hình thành hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản, là tư sản và vô sản.

Giai cấp tư sản vắt kiệt sức lao động của giai cấp vô sản (tranh biếm họa)

+ Giai cấp tư sản nhờ công nghiệp hóa đã giàu lên nhanh chóng, trở thành giai cấp thống trị trong xã hội. Họ đã tăng cường áp bức, bóc lột giai cấp vô sản, từ đó làm bùng nổ các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, đặc biệt trong những năm 30 - 40 của thế kỉ XIX.

+ Giai cấp vô sản ngày càng đông đảo và tập trung. Với thân phận là người lao động làm thuê, chịu áp bức, bóc lột, giai cấp vô sản mâu thuẫn về quyền lợi với giai cấp tư sản. Họ đã đứng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột đó.

- Cách mạng công nghiệp cũng tạo ra một số tác động tiêu cực như: tình trạng ô nhiễm môi trường, sự bóc lột sức lao động của phụ nữ và trẻ em, sự xâm chiếm và tranh giành thuộc địa.

@201103433971@

Chúc các em học tốt !

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)