Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 109

                                                                           

Em hãy chọn một điều ấn tượng nhất với mình trong đợt nghỉ học vì dịch Covid-19 này, tự đặt nhan đề và viết thành một bài văn nhỏ để kể cho mọi người khi gặp lại.

-----------------------------

     Các bạn trình bày lời giải đầy đủ của mình vào ô Gửi Ý kiến phía dưới (chú ý không copy trên mạng). Ba bạn có lời giải hay và sớm nhất sẽ được giải thưởng từ Online Math (Giải nhất 200 000 đồng, giải nhì 100 000 đồng, giải ba 50 000 đồng). Giải thưởng sẽ được công bố vào Thứ Sáu ngày 10/04/2020. Câu đố tiếp theo sẽ lên mạng vào Thứ Sáu ngày 10/04/2020.

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 106:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Trần Thạch Phúc Linh

Nhan đề : Con đường đi đến niềm vui

"Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng.

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương.

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm.

Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương."

Từ lâu nay, tôi luôn luôn tự hỏi chính mình rằng : "Liệu rằng, đâu mới là sự hi sinh to lớn nhất ?" Và ngay chính khoảnh khắc này, chính thời điểm hiện tại, tôi đã có cho chính mình câu trả lời : Sự hi sinh to lớn nhất là hình ảnh những bác sĩ ngày ngày trong bộ quần áo phòng dịch, những anh dân quân thâu đêm bên cạnh biên giới, hình ảnh những chú bộ đội nằm ngủ tạm lên tấm bìa các tông mỏng dính hay nhưng bữa cơm vội vã,... Tôi rất cảm kích với những hành động cao cả cùng đất nước phòng chống dịch bệnh của họ - những chiến binh anh dũng, cao cả của lòng tôi. 

Nếu như hoa dâng cho đời sắc đẹp, hương thơm. Chim mang tiếng hót ca ngợi cuộc sống thật đẹp biết bao. Mây tô điểm cho bầu trời xanh kia thêm phần ấm áp. Thì những vị bác sĩ, những chú bộ đội, dân quân luôn là những chiến binh anh dũng cống hiến hết sức lực cho đời, cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Những vị bác sĩ luôn khoác trên mình bộ y phục màu trắng, luôn bên cạnh giường bệnh của bệnh nhân, theo dõi học đến từng nhịp thở. Để khi bước ra khỏi cánh cửa sinh tử ấy, họ vẫn luôn được tôn vinh là nhưng vị thần cứu mạng của rất nhiều người. Họ mang niềm vui đến cho dân tộc, đất nước nhưng không hề kiêu ca, đòi hỏi sự đáp trả. Đối với họ, sự hồi phục của bệnh nhân là niềm vui của bản thân.

Nhưng bên cạnh đó, hình ảnh những chú bộ đội, những anh dân quân bên cạnh biên giới ngày đêm vẫn không hề phai nhòa trong mắt dân tộc Việt Nam. Những bữa cơm ăn vội, những đêm dài thức trắng cùng nhau chung tay hoàn thành sứ mệnh cao cả - bảo vệ đất nước khỏi dịch bệnh. Tất cả những đóng góp của họ đều mang đến cho chúng ta niềm tin yêu, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Cũng không thể không nhắc đến hình ảnh những đóng góp nho nhỏ cho cuộc đời. Tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao và chính những điều này cũng mang đến cho tôi những ấn tượng khó phai với người dân Việt Nam. Người Việt Nam là thế, chất phát, thật thà, bao dung, rộng lượng, khổ sướng có nhau. Có thể ai cũng biết hình ảnh cậu bé Andy Đào Nguyên, chỉ mới 11 tuổi nhưng lại có tấm lòng cao cả. Cậu bé đã dùng toàn bộ số tiền lì xì của mình là mười triệu đồng để đưa mẹ mua khẩu trang và dành số khẩu trang đó phát miễn phí cho người dân. Chính hành động này của cậu bé ấy đã khiến cho nhiều người nể phục, dành cho em nhiều lời khen tích cực,...

Hay bên cạnh đó, chắc hẳn ai cũng biết hình ảnh bạn Trần Đức Phương và bạn Bùi Lê Thảo Vy, học sinh lớp 9 cùng quyên góp số tiền là hai trăm triệu đồng  ủng hộ phòng chống dịch Covid - 19. Chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều hình ảnh cao cả hơn nữa ở tại đất nước mà ta sinh ra.

Nhưng ở khía cạnh khác của cuộc sống, có những người tốt thì cũng có thể dễ dàng nhận ra những kẻ xấu quanh ta. Bọn họ luôn luôn lợi dụng thời điểm khắc nghiệt của bệnh dịch để trục lợi cho bản thân mình bằng cách tăng giá khẩu trang, sản xuất khẩu trang kém chất lượng, hay thậm chí là tái chế khẩu trang với những qui trình không đảm bảo về mặt vệ sinh...

Thế nên, hãy sống vì mọi người, vì dân tộc và đất nước bạn nhé ! Đừng vì một ít lợi lộc mà xem thường sức khỏe của người dân ! Chúng ta là những con người cùng mang một dòng máu Lạc Hồng thì hãy biết quan tâm, giúp đỡ, yêu thương lẫn nhau như anh em cùng một nhà nhé !

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Triệu Yến

NGHỈ HỌC COVID TÔI ĐÃ BIẾT NẤU CƠM

        Ngày đầu kỳ nghỉ đứa nào cũng thấy sung sướng vì không phải đến trường hay vùi đầu vào bài vở. Tôi cũng thế, một ngày được tóm tắt trong ba từ ăn, ngủ và chơi, nhàn nhã vô cùng.Song cái gì cũng có mặt trái chúng tôi phải ở nhà liên tục. Ngồi giữa 4 bức tường tôi bắt đầu thấy chán hối tiếc và mong muốn đi học trở lại. Ở nhà một thời gian thùng mỳ tôm rỗng dần. Cân nặng tăng thêm chút đỉnh. Bao kiến thức trôi tuột theo những bộ phim. Những dòng tin nhắn tán gẫu trở nên nhàm chán. Cơ thể trì trệ đầu óc mụ mị khiến tôi mệt mỏi, chán nản. Chưa bao giờ con bé lười học như tôi lại muốn trở lại trường ngay như thế.

        Nhà tôi có hai chị em, tôi lớp 7 còn em tôi mới lên 3 tuổi. Mẹ tôi được nghỉ ở nhà nhưng cả ba mẹ đều phải làm việc online. Sau một tuần vật lộn với chị em tôi, mẹ quyết định cho hai chị em di cư về nhà ngoại. Tôi nghĩ bụng về quê thì chán lắm, nhưng không đâu các bạn, bà tôi rất lắm trò. Bà bắt đầu dạy tôi nấu cơm, không phải cắm nồi cơm điện mà thổi bếp củi nhé. Tôi thích thú trải nghiệm này, hôm đầu cơm hơi nhão ông bà vẫn khen ngon để lấy động lực cho tôi cố gắng, nhưng cùng mâm cơm tôi thấy nó chẳng khác gì cháo bị khô nước. Lần thứ hai tôi thực sự quyết tâm và thành quả của tôi là cơm bị khê do quá lửa. Bà tôi không nhịn được cười, hôm đó bà đã phải thay cơm bằng bữa phở bò. Phải công nhận một điều ông bà tôi, bố mẹ tôi ai ai cũng xuất sắc trong việc bếp núc, thế mà tôi thì cảm thấy hơi thất vọng về bản thân. Cuối tuần vừa xong mẹ gọi điện báo sẽ xuống thăm ông bà và chị em tôi, thiết nghĩ trong đầu đây là cơ hội vàng để trổ tài. Tôi đã dậy rất sớm, đi chợ quê với bà, rau cỏ ở quê sạch lắm. Vẫn mục nấu cơm, tôi hăng hái xung phong, bà đồng ý và một vài câu động viên cho tôi tự tin hơn. Cố lên! Tôi làm được!

        Tôi bắt đầu đong gạo, mọi hôm có 2 bơ, hôm nay là 4 bơ lận. Mọi thứ tiến hành gói gọn trong 45 phút vì lần này tôi phải căn giờ. Tôi chọn củi nhỏ và ít rơm để nhóm lửa, bên trên là củi vừa để có than ủ cơm chín. Mấy cái mẹo này tôi đúc kết được sau vài lần thổi cơm với bà kỳ hè năm ngoái mà giờ tôi mới lục lọi lại cái trí nhớ phẳng phiu vì nghỉ dịch. Cơm sôi để lửa vừa cho nước không bị trào và tôi bắt đầu đảo, lần 1 đảo cho cơm đều nước đợi rút nước tôi đảo lại lần cuối và đậy vung, rút củi, cho cơm chín từ từ bằng than. Một sự lo lắng không hề nhẹ, 45 phút trôi qua, mâm cơm với đủ món kho, rang, luộc, xào và tất cả chỉ đang chờ nồi cơm của tôi. Bố nhẹ nhàng xuống bếp, nhìn mặt tôi có vẻ căng thẳng. Mẹ mở nắp vung, mùi thơm cơm tám hoà quyện mùi cơm cháy của đáy nồi gang. Ông bà nhìn tôi với ánh mắt đầy tự hào" Yến nó biết nấu cơm ngon rồi mẹ Vân ạ". Lần đầu tiên niềm vui trong tôi vỡ oà như cái hồi tôi đạt giải nhất Toán tuổi thơ, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên khoảng khắc này.

        Ba tuần ở với ngoại hôm nay hai chị em tôi lại quay về thành phố tiếp tục cách ly. Càng nhớ ngoại bao nhiêu tôi lại càng nôn nao và háo hức tò mò không biết trường sau 1 tháng có gì thay đổi không, tôi nhớ các bạn quá. Có lẽ kỳ nghỉ này là dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời học sinh của tôi, bởi đọng lại sau cùng là những tình cảm tốt đẹp nhất và những trải nghiệm cực kỳ thú vị mà tôi sẽ kể cho các bạn trong lớp khi đi học trở lại.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Trương Thanh Hiếu

Trong tình cảnh bệnh dịch đang hoành hành trên toàn thế giới, ngoài gian lao, còn có các người hùng thầm lặng của chúng ta. Và trong mà dịch này, em cảm thấy ấn tượng nhất về lòng tốt, tình người của chính phủ nhân dân nước ta, chưa bao giờ, ta lại càng thêm thấm thía nhiều hơn về lòng tốt của các chiến sĩ.

 Các cụ ngày xưa thường nói: "Gian nan mới biết bạn hiền" Quả thật vậy, điều đó ông cha ta nói không bao giờ sai cả. Tình bạn, phải trải qua gian lao cùng nhau thì mới biết đâu là bạn tốt, bạn xấu. Hay tình yêu thì phải trải qua những biến cố cuộc đời, ta mới hiểu được rằng người nào đáng tin, sẵn sàng đồng hành cùng chúng ta đi hết quãng đời còn lại, yêu bạn thật sự hay chỉ là kẻ đào mỏ, hám tiền, thực dụng. Có gian lao thử thách, ta mới hiểu được lòng dạ thực sự của con người.

 Và rồi, một thử thách thật sự, để thử lòng của mọi người, hay cũng là một đại họa toàn cầu, Covid-19. Nó chính xác đã làm đảo lộn trật tự cuộc sống, lộ ra những bản chất thật của một số người trong xã hội. Nó ảnh hưởng sâu sắc tới tâm trí của con người. Đã giúp cho chúng ta thấy rằng, nghĩa đồng bào, nó thiêng liêng, ấm áp biết nhường nào! Nó là một thứ đã ngấm sâu vào dòng máu của đồng bào chúng ta. Và vì chính nó, cái tình đồng bào ấy, nó là lí do đúng nhất, hợp lí nhất để giải thích cho sự hi sinh vì đồng bào.

 Cái gì cũng phải có cái giá của nó. Và thậm chí đến cả sự hi sinh. Cái giá của sự hi sinh là đắt nhất, khó khăn nhất mà chỉ những con người có trái tim nhân hậu mới dám hi sinh. Như sự ràng buộc, nếu muốn tự do, ta phải chấp nhận sự cô đơn, lạnh lẽo. Còn nếu hi sinh, ta phải chấp nhận đánh đổi tất cả những gì mình có. Điều đó sẽ mãi là ẩn ý nếu như không có dịch bệnh này. Bấy giờ, ta bỗng phát giác ra rằng, sự hi sinh không ở đâu xa, mà nó đang ở Việt Nam chúng ta. Đó là các chiến binh đang phải quyết chiến chống lại bệnh dịch. Những chiến sĩ ấy không ai khác là các y bác sĩ tuyến đầu đang nỗ lực để không cho Virus phát tán ra xã hội. Mọi người trong khi ở cùng với gia đình, thưởng thức cơm canh nóng hổi, ngon ngọt thì những y bác sĩ chỉ có cơm hộp, và còn phải ăn qua quýt cho xong, ăn trong nước mắt mà không được gặp gia đình thân yêu. Họ chấp nhận nguy hiểm, tiếp xúc gần bệnh nhân để chăm sóc, giành giật từng sinh linh với tử thần, sẵn sàng lao vào chống dịch. Hay như các chú bộ đội, nhường chỗ ở của mình cho đồng bào Việt Kiều đến cách li, dọn chỗ ăn ở sạch sẽ cho họ. Hay các anh chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng thức suốt đêm để túc trực biên giới, không cho người nước ngoài trốn cách li nhập cảnh trái phép vào biên giới nước ta. Họ sống cực khổ như vậy đó, tuy vậy họ đã bao giờ phô trương, hay khoe khoang kể khổ gì? 

Nếu như ngày xưa, khi chúng ta lâm vào cảnh bị phương Tây xâm lược, các chiến sĩ đã hi sinh thanh xuân của mình, ra trận chiến đấu để bảo vệ bờ cõi, thà chết còn hơn phải thấy đất nước chịu kiếp nô lệ, ngục tù. Nhờ có sự hi sinh của các chiến sĩ ấy, chấp nhận bỏ mạng vì đồng đội, vì non sông của Tổ quốc. Có những người, trước khi ra trận chào gia đình hứa sẽ về, nhưng họ lại mãi mãi không thực hiện được lời hứa ấy, mãi mãi không còn thấy mặt trời trên nước ta nữa. Nếu không có lòng quả cảm của họ, rồi liệu rằng Việt Nam có còn được sống trong tháng ngày yên bình như hiện tại hay không? Và nếu ta suy nghĩ, thì ta sẽ thấy, bây giờ cũng vậy. Các vị y bác sĩ sẵn sàng đánh đổi mạng sống để cứu người bệnh, bảo vệ họ khỏi Covid-19. Sự hi sinh ấy, liệu họ có run sợ khi phải đối mặt trước cái chết, liệu họ có sợ sệt, run sợ không, hay chẳng qua là bỏ qua nó? Họ cũng biết nguy hiểm chứ, cũng sợ chứ, nhưng vị nghĩa đồng bào trong trái tim họ đã đàn áp nỗi sợ hãi đó, và họ không sợ chết. Hay là trong khi mọi người dân bảo nhau ở nhà tránh dịch, thì các chiến sĩ, những chú công an lại phải lặn lội ra sân bay, đón máy bay có người Việt Kiều về, kiểm tra thân nhiệt, cách li họ. Những chiến sĩ ấy cũng sợ chứ, cũng muốn về nhà gặp gia đình của họ nữa chứ, ai cũng muốn gặp gia đình, vợ con, cha mẹ mà? Có ai muốn cô đơn đâu? Tuy nhiên, họ vẫn kiên định, chấp nhận hi sinh tất cả vì nhân dân mà không phô trương, đòi hỏi sự đền đáp. Nếu như họ sợ, không dám tiếp xúc với bệnh nhân, nếu như chính phủ nước ta lại không quan tâm, không sát sao ngăn không cho người nhập cảnh như các nước châu Âu, coi thường bệnh dịch thì sẽ thế nào? Liệu con số mắc bệnh có ở con số 200 không, hay là hàng nghìn? Hình ảnh người mẹ làm nghành y học nói với con mình rằng: "Sau này, khi con lớn lên, hãy tự hào vì mẹ con là bác sĩ nhé! " đã lấy đi bao nước mắt của chúng ta. Tất cả, đã chứng minh rằng, trong bóng đêm của đại họa, ở đâu đó vẫn còn những tia nắng của sự hi vọng, mong muốn rằng Việt Nam sẽ thắng đại dịch.

 Và cả lòng đoàn kết của nước ta, cả những sự hi sinh của những anh chiến sĩ, các y  bác sĩ, khi cả nước ta đang vui mừng khi 16/16 ca dương tính đều đã xuất viện, chính phủ đã tuyên bố sắp hết dịch thì bệnh nhân thứ 17 " siêu lây nhiễm " lại khiến cho nước ta lại bật lại cảnh báo chống dịch. rồi sau đó, một loạt các ca nhiễm mới bùng phát liên tục ở Việt Nam. Và các vị y bác sĩ đã hi vọng được về nha đoàn tụ với gia đình, nhưng cuối cùng lại phải tiếp tục kiên cường chống dịch đợt 2. Vậy mà, khi đi cách li, các chiến sĩ phải nỗ lực để mang giùm dân đi cách li. Đã thế lại phải nhận lại những thái độ mắng nhiếc, không tôn trọng, bắt họ phải đi vác cho mình. Để rồi có những chiến sĩ đã ngất đi vì quá mệt và kiệt sức. Thương thật!  Hay có những phi công, tiếp viên sẵn sàng rời xa gia đình, phải cách li 14 ngày để bay thẳng vào tâm dịch đựa đồng bào về. Những người như họ, ta phải tôn trọng, tôn vinh và biết ơn.  

Cho dù nước ta có nghèo, nhưng vẫn rất nhân hậu và giàu đức hi sinh. Nếu không tin, ta có thể lấy  ví dụ thực tế. Đó là 700 phi công cùng với phi hành đoàn, đó là 10,000 chiến sĩ chấp nhận sống trong rừng lạnh giá để nhường chỗ cho đồng bào về nước cách li, không cho dịch bùng phát. Hay đó là 500,000 USD hỗ trợ cho Trung Quốc mua vật tư y tế.

  Hay đó còn là những cán bộ ngoại giao, sẵn sàng tiếp xúc với người dân để bảo hộ công dân phòng khi họ mất hộ chiếu, khuyến cáo người Việt ở nước ngoài và phòng khi kẹt đường hàng không do đóng cửa. Hay đó là ca khúc Ghen cô Vy cổ động toàn dân chung tay chống dịch hay thậm chí đó là những chủ khách sạn 4-5 sao sẵn sàng nhường phòng của doanh nghiệp mình cho đồng bào cách li y tế, và đó là những thế hệ già trẻ, sẵn sàng quyên góp cho người mắc bệnh 300 tỷ đồng...

 Tất cả những hành động ấy, tuy có nhỏ bé hay to lớn thì họ sẽ mãi mãi là anh hung trong mắt em mà thôi… Và còn rất nhiều người khác nữa, còn rất nhiều sự hi sinh khác, và chúng không thước nào đo được, không cân nào đong nổi… Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này dịch bệnh qua đi, nhưng tình người thì mãi còn

Trước những sự hi sinh này của các bác sĩ, những chiến sĩ biên phòng, các anh công an, chúng ta thực sự phải biết ơn họ, cảm ơn họ vì những sự hi sinh không kể cả của họ, chứ đừng đánh giá, mắng nhiếc họ. Họ đã hi sinh, sẵn lòng phục vụ nhân dân mà quên chăm sóc cả bản thân. Và để đền đáp lại, vào thời điểm này các bạn tốt nhất nên ở nhà, đừng đi đâu cả. Còn sau này hãy cố gắng học thật giỏi, sau này đứng ra để xây dựng đất nước ta thật phát triển, để không phụ tình nghĩa đồng bào, bởi vì, dịch bệnh có nguy hiểm đến mấy, cuối cùng sẽ qua đi, tất cả chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Tuy nhiên, tình người sẽ mãi còn. Và những tấm lòng quả  cảm của những vị anh hùng kia sẽ mãi mãi sẽ được người đời sau biết ơn cái sự hi sinh lớn lao ấy, thầm lặng và vĩ đại. Hi vọng rằng,Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch! QUYẾT THẮNG! QUYẾT THẮNG!