Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí

Danh sách bài làm & chấm bài  
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí Các bài giảng

VIẾT BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MỘT TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÝ

I. Định hướng

@201229738444@

1. Đặc điểm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí

- Với dạng bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, đề văn thường nêu lên một câu danh ngôn hoặc ngạn ngữ, ca dao,… và yêu cầu nêu suy nghĩ, bàn luận về bài học, triết lí được gửi gắm.

Ví dụ:

+ Suy nghĩ về câu ngạn ngữ “Tay phải của mình là tay trái của người”.

+ Liệu có phải “Yêu nhau yêu cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”?

- Cũng có dạng đề yêu cầu bàn luận trực tiếp về tư tưởng, đạo lí.

Ví dụ:

+ Bàn về tính ích kỉ và lòng vị tha trong tình yêu.

+ Thế nào là một người bạn chân chính?

2. Những chú ý khi viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí

@201229739807@

II. Thực hành

1. Thực hành viết theo các bước

Bài tập: Suy nghĩ về câu cách ngôn: “Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn.”.

Bước 1: Chuẩn bị

- Tìm hiểu đề để biết các thông tin chính trước khi viết (trọng tâm vấn đề, kiểu bài, phạm vi bàn luận,...) 

+ Trọng tâm vấn đề: bài học đạo lí được gửi gắm trong câu cách ngôn “Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn.”.

+ Kiểu bài: nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí.

+ Phạm vi bàn luận: trong cuộc sống đời thường.

- Tìm các tư liệu liên quan đến vấn đề cần nghị luận (các bài viết, câu chuyện, tranh ảnh trong báo chí, sách vở, Internet…).

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ “Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn.” nghĩa là thế nào?

+ Tại sao cứ hướng về Mặt Trời, bóng tối lại ngả phía sau lưng bạn?

+ Điều đó được thể hiện cụ thể như thế nào?

+ Câu cách ngôn trên có giá trị gì?

- Lập dàn ý

A. Mở bài: nêu vấn đề bằng một trong các cách: phản đề, so sánh, đặt câu hỏi,...

 

@201229740765@

B. Thân bài: giải quyết vấn đề.

  • Giải thích câu cách ngôn bằng cách đặt câu hỏi: Là gì? Tại sao?
  • Phân tích: Thể hiện như thế nào?
  • Chứng minh: Bằng chứng cụ thể là gì?
  • Bình luận: Có giá trị và tác động như thế nào?

C. Kết bài: tổng hợp vấn đề bằng một trong các cách: tóm lược, phát triển, vận dụng, liên tưởng, phối hợp...

Dàn ý tham khảo

A. Mở bài

  Nêu vấn đề được đặt ra trong câu cách ngôn: trong cuộc sống khi gặp thử thách, khó khăn, tưởng như cuộc đời chỉ còn lại một màu đen u ám, thì hãy nhớ rằng chỉ cần có niềm tin và cứ dũng cảm bước tiếp về nơi có ánh sáng, những điều tốt đẹp rồi sẽ đến và bóng tối sẽ tan biến sau lưng.

B. Thân bài

1. Giải thích, phân tích câu cách ngôn bằng cách đặt câu hỏi: Là gì? Tại sao? Thể hiện như thế nào?

- Mặt Trời: là biểu tượng hùng vĩ của tự nhiên. Mặt Trời vĩnh hằng và tối cao. Mặt Trời xua tan đi bóng đêm lạnh lẽo bằng ánh sáng rực rỡ, ấm áp. Nhờ có Mặt Trời mà vạn vật có thể tồn tại, sinh sôi.

→ Mặt Trời biểu tượng cho niềm tin, ý chí, nghị lực sống, cho hy vọng và những điều đẹp đẽ nhất.

- Bóng tối: là khi không có ánh sáng; mọi thứ trở nên mờ mịt, u ám.

→ Bóng tối là biểu tượng cho những khó khăn, thử thách, gian truân trong cuộc sống.

⇒ Bài học đạo lí được gửi gắm từ câu cách ngôn: Mặt Trời xuất hiện thì cũng là lúc bóng tối tan biến. Trong cuộc sống khi gặp thử thách, khó khăn thì hãy nhớ rằng chỉ cần có sự lạc quan và dũng cảm bước tiếp về nơi có ánh sáng, tin tưởng vào những điều tốt đẹp, ta sẽ lần lượt vượt qua được những gian truân và tận hưởng hạnh phúc ngập tràn.

VD: 

- Học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; học sinh vùng cao ngày ngày cần mẫn theo đuổi con chữ, vừa học, vừa lên nương, làm rẫy… Điều kiện bất lợi không trở thành "bóng đêm" bao trùm mãi mãi cuộc đời của những bạn học sinh ấy và thành quả là tương lai rộng mở đang chào đón trước mắt.

- Khi kinh doanh thất bại nhưng không đầu hàng, tiếp tục rút kinh nghiệm, đứng lên và làm lại mọi thứ, như vậy còn có cơ hội thành công. Ngược lại nếu bỏ cuộc, thì tuyệt đối sẽ không còn khả năng nào cả.

2. Chứng minh: Bằng chứng cụ thể là gì?

- Hellen Keller (1880 - 1968) – người phụ nữ vĩ đại đã dành trọn đời mình cho những người không may mắn bị tàn tật. Tuổi thơ của bà phải sống trong bóng tối đầy vất vả, khó khăn. Chưa đầy hai tuổi, do bị mắc chứng viêm màng não nên bà bị câm, điếc, mù hoàn toàn. Dù thế Hellen vẫn không nản lòng, bà bắt đầu đi học và tập nói những câu đơn giản, trong sự khó khăn của mù và điếc. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường bà đã tốt nghiệp thủ khoa trường Radcliffe College (khu mở rộng của Đại học Harvard) và đã không ngừng đi thuyết trình khắp các bang của nước Mĩ, đi vòng quanh thế giới để giúp đỡ những người bị câm, điếc. Nhờ sự giúp đỡ của bà mà nhiều người tàn tật trên thế giới có cơ hội được sống, được lao động và học tập nhiều hơn. Chính sức mạnh của niềm tin vào cuộc sống, mục tiêu cho bản thân đã thôi thúc bà làm nên những kì tích hiếm có ở một người tàn tật. Bà đã “hướng về phía mặt trời”, “để bóng tối ngả về phía sau” như thế đấy! “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn”. (Sưu tầm)

- Thomas Edison (1847 – 1931): nhà bác học nôi tiếng người Mĩ. Thất bại 10.000 lần trước khi phát minh thành công bóng đèn dây tóc, được ví là người đem lại “Mặt trời thứ hai cho nhân loại”. Ông đã từng nói : “Trong thành công của tôi, chỉ có 01 % là thiên tài, còn 99% là mồ hôi và nước mắt”. (Sưu tầm)

3. Bình luận: Có giá trị và tác động như thế nào?

- Khó khăn là một phần của cuộc sống đi kèm với những suôn sẻ, khổ đau là một phần của cuộc sống đi kèm với những hạnh phúc, nỗi buồn là một phần của cuộc sống đi kèm với những niềm vui. Cuộc sống là vậy, không phải lúc nào cũng êm đềm, không phải ngày nào cũng là ngày nắng rực rỡ, đôi khi sẽ có những ngày giông bão, nhưng điều quan trọng là chỉ cần ta biết Mặt Trời luôn tồn tại, ta sẽ vượt qua những ngày bão tố. 

- Sống lạc quan và luôn hy vọng là cách để ta tìm thấy ánh sáng dù trong những thời khắc tăm tối nhất. Cũng giống như Mặt Trời đem lại sự sống cho thế gian, ánh sáng trong tim sẽ giúp cho tâm hồn luôn vững vàng, bình yên dù trong hoàn cảnh nào. Sống hướng về những điều tích cực sẽ đem lại hạnh phúc cho mỗi người.

- Sống lạc quan, hướng về những điều tốt đẹp cũng tạo ra những nguồn năng lượng tích cực, là một cách để ta giúp cho cuộc đời đẹp hơn, trở thành nguồn cảm hứng cho mọi người xung quanh.

- Những người sống bi quan, cực đoan, thiếu đi niềm tin vào những điều đẹp đẽ sẽ rất dễ bị nhấn chìm trong những thử thách, khó khăn mà cuộc đời đặt ra. Họ không nên chấp nhận bóng tối và buông xuôi như một lẽ đương nhiên, mà họ cần phải tin tưởng rằng mỗi người sinh ra, sẽ luôn có một Mặt Trời của riêng mình, và nhiệm vụ còn lại là luôn tìm kiếm, dõi theo ánh sáng ấy.

C. Kết bài

- Câu cách ngôn giúp mỗi người biết sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

- Bản thân là một học sinh, cần tích cực trong học tập cũng như cuộc sống; rèn luyện để có thể chất và trí óc khỏe mạnh, luôn giữ tâm trạng tích cực, và khi gặp khó khăn phải tìm những hướng giải quyết sáng suốt hoặc nhờ sự trợ giúp từ những người tin cậy, không được nản lòng hay tự cô lập...

Bước 3: Viết bài theo dàn ý chi tiết đã lập.

Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa.

+ Kiểm tra về nội dung, hình thức của bài viết.

+ Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa. 

+ Tự đánh giá kết quả viết.

2. Rèn luyện kĩ năng viết: Mở bài, kết bài và câu chuyển đoạn trong văn bản nghị luận.

- Cách thức viết mở bài: nhiệm vụ của mở bài là nêu lên vấn đề cần bàn luận trong bài viết. Có thể mở bài bằng cách nêu phản đề, nêu câu hỏi, so sánh,…

 

@201229742365@

- Cách thức viết kết bài: nhiệm vụ của kết bài là tổng hợp và gợi mở vấn đề có thể suy nghĩ tiếp từ nội dung cần bàn luận trong bài viết. Có thể kết bài bằng cách tóm lược vấn đề, phát triển vấn đề, phối hợp...

 

@201229743143@
@201229744727@

- Câu chuyển đoạn có nhiệm vụ liên kết các đoạn văn, đảm bảo sự liền mạch và lô gích giữa các đoạn. Có thể bắt đầu bằng các từ ngữ liên kết như: Thêm vào đó, Tuy nhiên, Mặt khác…

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)