Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài 37. Axit - Bazơ - Muối

Danh sách bài làm & chấm bài  
Lý thuyết Các bài giảng

I. AXIT

1. Khái niệm

Công thức của một số axit thường gặp:

Tên axit Công thức hóa học  Số nguyên tử hidro Gốc axit Hóa trị gốc axit
Axit clohidric HCl 1H Cl I
Axit nitric HNO3 1H NO3 I
Axit sunfuric H2SO4 2H SO4 II
Axit cacbonic H2CO3 2H CO3 II
Axit photphoric H3PO4 3H PO4 III

Bảng 1: Một số axit thường gặp.

  • Nhận xét: Trong thành phần phân tử của các axit trên đều có 1 hay nhiều nguyên tử hidro liên kết với gốc axit (-Cl, =SO4, -NO3, mỗi gạch ngang biểu thị 1 hóa trị).
  • Kết luận: Phân tử axit gồm một hay nhiều nguyên tử hidro liên kết với gốc axit, các nguyên tử hidro này có thể bị thay thế bởi nguyên tử kim loại. Trong phân tử axit hóa, hóa trị của gốc axit bằng số nguyên tử hidro.

2. Công thức hóa học tổng quát

Công thức hóa học của axit gồm một hay nhiều nguyên tử H và gốc axit và có dạng: HnX với n là hóa trị của gốc axit.

3. Phân loại

Dựa vào thành phần phân tử mà người ta chia axit ra làm hai loại

  • Axit không có oxi: HCl, H2S, HBr,...
  • Axit có oxi: HNO3, H2SO4,...

4. Tên gọi

Axit không có oxi Axit có oxi
Axit có nhiều nguyên tử oxi Axit có ít nguyên tử oxi

Tên axit: axit + tên phi kim + "hidric"

Ví dụ:

HCl: Axit clohidric (-Cl: Clorua)

HBr: Axit bromhidric (-Br: Bromua)

 

Tên axit: axit + tên của phi kim + "ic"

Ví dụ: 

HNO3: Axit nitric (-NO3: nitrat)

H2SO4: Axit sunfuric (=SO4: sunfat)

H2CO3: Axit cacbonic  (=CO3: cacbonat)

Tên axit: axit + tên phi kim + "ơ"

Ví dụ:

H2SO3: axit sunfurơ

=SO3: sunfit

 

@88654@

II. BAZƠ

1. Khái niệm

Công thức một số bazo thường gặp:

Tên gọi Công thức hóa học Nguyên tử kim loại Số nhóm hidroxit OH Hóa trị của kim loại
Natri hidroxit NaOH Na 1 nhóm OH I
Kali hidroxit KOH K 1 nhóm OH I
Canxi hidroxit Ca(OH)2 Ca 2 nhóm OH II
Sắt (III) hidroxit Fe(OH)3 Fe 3 nhóm OH III

Bảng 2: Một số bazo thường gặp.

  • Nhận xét: Trong thành phần phân tử của bazo có một nguyên tử kim loại với một hay nhiều nhóm -OH.
  • Kết luận: Phân tử bazo gồm có một nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều nhóm hidroxit -OH. Nhóm -OH có hóa trị I nên kim loại có hóa trị bao nhiêu thì phân tử bazo có bấy nhiêu nhóm -OH.

2. Công thức hóa học tổng quát

Công thức hóa học của bazo gồm một nguyên tử kim loại (M) và một hay nhiều nhóm hidroxit -OH và có dạng: M(OH)n với n là hóa trị của kim loại.

3. Phân loại

Các bazo được phân loại dựa vào tính tan của chúng, người ta chia làm 2 loại bazo

  • Bazo tan được trong nước gọi là kiềm: NaOH, KOH, Ca(OH)2, Ba(OH)2....
  • Bazo không tan được trong nước: Cu(OH)2, Mg(OH)2, Fe(OH)3...

4. Tên gọi

Tên bazo:  Tên kim loại (kèm theo hóa  trị nếu kim loại có nhiều hóa trị) + "hidroxit".

Ví dụ:

NaOH: Natri hidroxit.

Fe(OH)2: Sắt (II) hidroxit.

Fe(OH)3: Sắt (III) hidroxit.

Cu(OH)2: Đồng (II) hidroxit.

@88655@@88656@

III. MUỐI

1. Khái niệm

Công thức hóa học của axit  Công thức hóa học của muối Thành phần
Nguyên tử kim loại Gốc axit
HCl NaCl, FeCl3 , CuCl2 Na, Fe, Cu Cl
H2SO4 ZnSO4, BaSO4, K2SO4 Zn, Ba, K SO4
HNO3 Ca(NO3)2, AgNO3, Al(NO3)3  Ca, Ag, Al NO3

Bảng 3: Công thức một số muối thường gặp.

  • Nhận xét: Thành phần của muối gồm có nguyên tử kim loại và gốc axit
  • Kết luận: Phân tử muối có một hay hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit.

2. Công thức hóa học 

Công thức hóa học của muối : MxAy. Trong đó:

 M là nguyên tố kim loại có hóa trị y.

A là gốc axit có hóa trị x.

3. Phân loại

Theo thành phần hóa học, muối được chia làm 2 loại.

  • Muối trung hòa: Trong gốc axit không còn nguyên tử H có thể bị thay thế bởi nguyên tử kim loại.

Ví dụ: NaCl, NaNO3, Na2SO4,...

  • Muối axit: Trong gốc axit còn có nguyên tử H có thể bị thay thế bởi nguyên tử kim loại.

​Ví dụ: KHCO3, KHSO4,...

4. Tên gọi

Tên muối: Tên kim loại (kèm theo hóa trị nếu kim loại có nhiều hóa trị) + tên gốc axit.

Ví dụ:

Na2SO4: Natri sunfat.

BaCO3: Bari cacbonat.

@88657@

IV. TỔNG KẾT

1. Phân tử axit gồm có một hay nhiều nguyên tử hidro liên kết với gốc axit, các nguyên tử hidro này có thể thay thế bởi nguyên tử kim loại.

2. Phân tử bazo gồm một nguyên tử kim loại liên kết với một hoặc nhiều nhóm hidroxit -OH.

3. Phân tử muối gồm một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit.

Trong quá trình học tập, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, các em hãy để lại câu hỏi ở mục hỏi đáp để cùng thảo luận và trả lời nhé. Chúc các em học tốt!

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)