Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Lý thuyết Các bài giảng

% Mở đầu

Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Bài học này sẽ giúp chúng ta biết được đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước để từ đó xác định và thực hiện được những việc làm phù hợp, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh.

Em hãy kể tên các cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chia sẻ hiểu biết của mình về một trong các cơ quan đó.

- Bộ máy Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm: Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án, Viện kiểm sát,...

- Hiểu biết của em về Quốc hội:

       + Là cơ quan quyền lực cao nhất, do nhân dân bầu ra.

       + Quốc hội có chức năng: lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước…

       + Quốc hội tổ chức các kì họp công khai, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Trong trường hợp cần thiết. Quốc hội quyết định họp kín.

& Khám phá

1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a) Nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

(1) Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là một nguyên tắc quan trọng, được quán triệt xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam. Đảng đề ra đường lối, chính sách nhằm đổi mới, kiện toàn, hoàn thiện bộ máy nhà nước để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể hoá thành các quy định trong Hiến pháp và pháp luật Đảng kiểm tra, quán triệt thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước thông qua các tổ chức Đảng trong các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng công tác cán bộ, thông qua việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu cán bộ, Đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất vào các cương vị chủ chốt của bộ máy nhà nước đề nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền bầu, bổ nhiệm.

(2) Trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Trung ương 3 (ngày 8 – 7 – 2021), Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỉ 2021 – 2026.

       1/ Theo em, Đảng lãnh đạo bộ máy nhà nước trên những phương diện nào? Hãy nêu ví dụ minh hoạ.

- Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước được thể hiện qua các phương diện như:

       + Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng lớn cho Nhà nước:

       + Đảng chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Nhà nước;

       + Đảng đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, giới thiệu nhân sự vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước,...

- Ví dụ: Trong công cuộc phòng chống dịch covid - 19, Đảng đã đưa ra Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 Về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19. Từ đó làm kim chỉ nam cho mọi công tác phòng chống dịch, đưa cuộc chiến chống dịch covid đến thành công như ngày hôm nay, đẩy lùi được dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

       2/ Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được thể hiện như thế nào trong thông tin 2?

- Đảng đã giới thiệu những Đảng viên xuất sắc nhất vào trong bộ máy nhà nước.

b) Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát

Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

(1) Theo thông cáo báo chí số 13 kỉ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua: Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.....

(2) Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công. phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Khoản 3 Điều 2).

       1/ Từ chương trình một phiên làm việc của một kì họp Quốc hội, em hãy cho biết Quốc hội thể hiện quyền lập pháp như thế nào. Quốc hội thực hiện quyền kiểm soát các cơ quan hành pháp và tư pháp như thế nào?

- Quốc hội thực hiện quyền lập pháp:

       + Thông qua Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020;

       + Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

       + Thông qua: Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

- Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan, thiết chế chính trị do Quốc hội thành lập trong bộ máy nhà nước.

       2/ Em hiểu như thế nào về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát? Thực hiện nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào? 

- Tính thống nhất của quyền lực nhà nước Việt Nam được xác định bởi chính chủ thể duy nhất và tối cao của quyền lực là nhân dân.

- Quyền lực nhà nước được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và được giao cho các cơ quan tương ứng thực hiện một cách độc lập nhưng có sự phối hợp, kiểm soát, giám sát lẫn nhau để thực hiện quyền lực nhà nước, đảm bảo mục tiêu chung phục vụ nhân dân và phục vụ dân tộc

c) Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

(1) Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua năm 2015 thể hiện việc Nhà nước tạo cơ sở pháp lí đề cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp, vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia.... bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chi của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

(2) Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trở thành nguyên tắc hiến định, được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013. Nhân dân là người thành lập ra Nhà nước, trao quyền cho Nhà nước và kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có các quy định cụ thể về hình thức để nhân dân tham gia vào tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước – Điều 6 Hiến pháp năm 2013, quy định các vấn đề quan trọng của đất nước mà Nhà nước không được tự ý quyết định. Nhà nước phải trung cầu ý kiến nhân dân; quy định các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tuy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân – Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013,...

       1/ Luật Trưng cầu ý dân của Nhà nước Việt Nam thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như thế nào? Em hãy cho biết nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng phương thức và qua cơ quan, tổ chức nào. 

- Luật Trưng cầu ý dân của Nhà nước Việt Nam thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Luật này quy định về các vấn đề quan trọng như:

       + Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp

       + Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;

       + Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;... đều phải được lấy ý kiến của nhân dân.

- Đồng thời, luật này cũng quy định tất cả công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đểu có quyền bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.

- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và tất cả các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước Việt Nam.

       2/ Em hãy nêu biểu hiện của nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam. 

- Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân và bộ máy nhà nước là công cụ để nhân dân thực thi những quyền lực đó.

- Các cơ quan quyền lực nhà nước như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trên cơ sở dân chủ.

- Các đại biểu dân cử thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, và khi không còn được sự tín nhiệm của nhân dân thì đại biểu dân cử có thể bị bãi nhiệm.

- Những vấn đề quan trọng nhất của đất nước trước khi quyết định phải lấy ý kiến của nhân dân hoặc phải do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua việc trưng cầu ý kiến của nhân dân.

- Nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, có quyền tố cáo, khiếu nại, góp ý,... nếu phát hiện sai phạm.

d) Nguyên tắc tập trung dân chủ

Em hãy đọc các thông tin sau đề trả lời câu hỏi:

(1) Nói về nguyên tắc tập trung dân chủ trong bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhờ: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Một người tài giỏi đến mấy muốn lãnh đạo được sát, được đúng, phải có sự đóng góp ý kiến của nhiều người. Khi tập thể đã dân chủ bàn bạc kĩ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ, giao cho cá nhân thực thi sẽ không bị chồng chéo, dựa dẫm, công việc sẽ đạt kết quả cao. Lãnh đạo không tập thể sẽ dẫn đến tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, sẽ dẫn đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đối với nhau.

(2) Tập trung dân chủ là nguyên tắc kết hợp hài hoà giữa chỉ đạo, lãnh đạo tập trung và mở rộng dân chủ. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lí xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ". Nguyên tắc này đòi hỏi, trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước một mặt phải đảm bảo sự chỉ đạo, lãnh đạo tập trung, thống nhất của trung ương với địa phương, của cấp trên với cấp dưới nhưng mặt khác phải mở rộng dân chủ, phát huy tinh tích cực, chủ động. sáng tạo của địa phương và cấp dưới; phải coi trọng vai trò của tập thể nhưng mặt khác phải đề cao vai trẻ, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo. Các cơ quan, tổ chức cấp dưới có trách nhiệm thực hiện những chủ trương, chính sách, quy định của cơ quan, tổ chức cấp trên. Trong quá trình hoạt động, những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương sẽ được quyết định thông qua hình thức biểu quyết lấy ý kiến của tập thể.

       1/ Qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, em hiểu thế nào là tập trung dân chủ?  

- Tập trung dân chủ nghĩa là tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập  trung. Những vấn đề quan trọng nhất thường được bàn bạc, quyết định bởi tập thể. Khi mọi việc đã được tập thể xác định rõ sẽ giao cho cá nhân phụ trách thực thi để đảm bảo hiệu quả.

       2/ Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ được biểu hiện như thế nào? 

- Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một mặt phải đảm bảo sự chỉ đạo, lãnh đạo tập trung, thống nhất của trung ương với địa phương, của cấp trên với cấp dưới nhưng mặt khác phải mở rộng dân chủ, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của địa phương và cấp dưới; phải coi trọng vai trò của tập thể nhưng mặt khác phải để cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo.

- Các cơ quan, tổ chức cấp dưới có trách nhiệm thực hiện những chủ trương, chính sách, quy định của cơ quan, tổ chức cấp trên.

- Trong quá trình hoạt động, những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương sẽ được quyết định thông qua hình thức biểu quyết lấy ý kiến của tập thể.

e) Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:

Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013, theo đó Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lí xã hội bàng Hiến pháp và pháp luật Việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước không thể được tiến hành một cách tuỳ tiện, độc đoán theo ý chí cả nhân của người lãnh đạo mà phải dựa trên quy định của Hiến pháp và pháp luật Về mặt tổ chức, nguyên tắc này đòi hỏi việc thành lập mới, giải thể chia tách, sáp nhập một cơ quan nhà nước, cơ cấu, vấn đề bổ nhiệm, tuyển dụng các thành viên trong cơ quan đó đều phải được tiến hành theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Về mặt hoạt động, nguyên tác này đòi hỏi các cơ quan và công chức, viên chức nhà nước phải thực hiện đúng đán, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của minh theo đúng trình tự, thủ tục đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Ví dụ việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, nhân viên trong Quốc hội phải theo đúng quy trình, thủ tục mà Hiến pháp và pháp luật quy định. Khi được bổ nhiệm, tuyển dụng, các cá nhân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khuôn khổ của pháp luật

       1/ Các văn bản pháp luật trong hình ảnh trên quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam? 

- Các văn bản pháp luật trong hình ảnh trên quy định tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

       2/ Theo em, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào? 

- Bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.

- Pháp luật quy định rõ, cụ thể, minh bạch việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và việc tổ chức bộ máy nhà nước phải tuân theo các quy định đó.

- Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lí

2. Đặc điểm của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a) Tính thống nhất

Em hãy đọc các thông tin sau đề trả lời câu hỏi:

(1) Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhiều cơ quan tạo thành như: Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân. Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.... Các cơ quan này có vai trò, vị trí, chức năng khác nhau, nhưng được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, có mối quan hệ gần bỏ chặt chẽ với nhau tạo thành một thể thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

(2) Xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thể hiện thông qua việc đề ra đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện thực hoá đường lối, chủ trương đó, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách, chương trinh, kế hoạch, công việc cụ thể trên nhiều mặt để phát triển toàn diện nền kinh tế.  

       1/ Việc thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện như thế nào trong bộ máy nhà nước Việt Nam? 

- Đảng để ra đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế. Đường lối, chủ trương của Đảng chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

- Các cơ quan trong bộ máy nhà nước hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng bằng việc phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch, công việc cụ thể trên nhiều mặt để phát triển toàn diện nền kinh tế.

       2/ Theo em, tính thống nhất của bộ máy nhà nước Việt Nam được biểu hiện như thế nào? 

- Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, tạo thành một thể thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

- Những cơ quan này đều hoạt động vì mục tiêu chung là xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

b) Tính nhân dân

Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

(1) Hiện nay, bộ máy hành chính nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang đầy mạnh cải cách hành chính như: xây dựng Công Dịch vụ công quốc gia để nhiều thủ tục hành chính được làm trực tuyến; bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính rườm rãi,... giúp giảm chi phi, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp. nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước.... từ đó tăng cường lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy nhà nước.

(2) Thông qua việc thực hiện quyền bầu cử, nhân dân trực tiếp bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Các cơ quan này sẽ thay mặt nhân dân để thành lập ra các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Như vậy, bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay được tổ chức và hoạt động trên cơ sở sự uỷ quyền của nhân dân. Các cơ quan, nhân viên nhà nước nhận quyền lực từ nhân dân, thừa uỷ quyền của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực của họ. Hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới việc chăm lo cho nhân dân, bảo đảm, bảo về lợi ích cho nhân dân. Mọi cán bộ, nhân viên nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, tham gia vào bộ máy nhà nước là để phục vụ, phụng sự nhân dân. Họ có trách nhiệm phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải gần gũi nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu nhân dân, đồng thời phải chịu sự giám sát của nhân dân, họ có thể bị bãi nhiệm nếu không còn được nhân dân tín nhiệm.

       1/ Việc đẩy mạnh cải cách hành chính thể hiện tính nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước ta như thế nào? Nhân dân thực hiện quyền gì để tham gia thành lập bộ máy nhà nước? 

- Việc đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi, giúp nhân dân tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc khi thực hiện các thủ tục hành chính.

- Nhân dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử để tham gia thành lập bộ máy nhà nước.

       2/ Em hãy nêu biểu hiện của tính nhân dân trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

- Các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước được nhân dân thành lập nên và hoạt động để phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

- Người dân có quyền tham gia quản lí nhà nước, nếu các cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước hoạt động không hiệu quả thì nhấn dân có quyền khiếu nại, tố cáo.

- Hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới việc chăm lo cho nhân dân, bảo đảm, bảo vệ lợi ích cho nhân dân.

- Mọi cán bộ, nhân viên nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, tham gia vào bộ máy nhà nước là để phục vụ, phụng sự nhân dân. Họ có trách nhiệm phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải gần gũi nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu nhân dân, đồng thời phải chịu sự giám sát của nhân dân, họ có thể bị bãi miễn nếu không còn được nhân dân tín nhiệm.

c) Tính quyền lực

Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

(1) Quyền lực nhà nước Việt Nam được phân công cho các cơ quan, cá nhân nhất định. không tập trung vào một cơ quan hay một cá nhân duy nhất. Tất cả các cơ quan trọng hệ thống bộ máy nhà nước đều được Nhà nước trao các quyền cụ thể để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Các cơ quan sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ riêng, tuy nhiên giữa các cơ quan luôn có mối quan hệ, hỗ trợ nhau trong việc giải quyết công việc, cơ quan này giám sát cơ quan khác. Các cơ quan cấp dưới phải phục tùng, thực hiện các quyết định của cơ quan cấp trên.

(2) Chính phủ là cơ quan được giao nhiệm vụ giữ quyền hành pháp của nước ta, trong quá trinh hoạt động. Chính phủ sẽ sử dụng quyền lực của mình để giải quyết các vấn đề hành chính của đất nước. Tuy nhiên, Chính phủ phải báo cáo công việc trước Quốc hội và chịu sự giám sát của Quốc hội.

       1/ Việc Chính phủ phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội về các công việc của mình thể hiện điều gì? 

- Việc Chính phủ phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội về các công việc của mình thể hiện vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là cơ quan cấp dưới nên phải có trách nhiệm bảo cáo công việc và chịu sự giám sát của Quốc hội.

       2/ Theo em, vì sao các cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân công quyền lực để thực hiện các nhiệm vụ riêng nhưng vẫn phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau? 

- Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thể thống nhất, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung và hướng đến những mục tiêu giống nhau. Các cơ quan phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau để đảm bảo tất cả các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước đều được thực hiện đúng, tránh các sai phạm làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

       3/ Tính quyền lực của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào? 

- Tất cả các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước đều được Nhà nước trao các quyền cụ thể để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Các cơ quan sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ riêng, tuy nhiên giữa các cơ quan luôn có mối quan hệ, hỗ trợ nhau trong việc giải quyết công việc, cơ quan này giảm sát cơ quan khác.

- Các cơ quan cấp dưới phải phục tùng, thực hiện các quyết định của cơ quan cấp trên.

d) Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

(1) Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Trong quá trình hoạt động, các cơ quan trong bộ máy nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đề chỉ đạo, hướng dẫn hay giải quyết công việc trong phạm vi thẩm quyền của mình và các cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cá nhân, tổ chức có liên quan bắt buộc phải thực hiện các quy định đó. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời đây cũng là nghĩa vụ của tất cả các công dân Việt Nam.

(2) Quốc hội ban hành Luật Phòng cháy và chữa chảy quy định về phòng chảy, chữa cháy. xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện, chính sách cho hoạt động này. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của luật này.

       1/ Trong thông tin 2, vì sao các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy? 

- Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ Luật Phòng cháy, chữa cháy vì tất cả mọi người sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật.

       2/ Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa được biểu hiện như thế nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam? 

- Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật

- Các cơ quan trong bộ máy nhà nước sử dụng pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm quản lý nhà nước và xã hội.

? Luyện tập

1. Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai. Vì sao?

a. Tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền ứng cử tham gia vào bộ máy nhà nước. 

- Sai, vì chỉ có công dân Việt Nam, không bị giới hạn về năng lực xã hội và đủ 21 tuổi trở lên mới có quyền ứng cử vào bộ máy nhà nước.

b. Khi không đồng tinh với quyết định, việc làm trái pháp luật của các cơ quan trọng bộ máy nhà nước, người dân có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo. 

- Đúng. Nhân dân có quyền khiếu nại, tố cáo nếu không đồng tình với các quyết định của các cơ quan trong bộ máy nhà nước vì tất cả cơ quan trong bộ máy nhà nước Việt Nam đều hoạt động vì mục đích chung là lợi ích của nhân dân, hoạt động theo quy định của pháp luật.

c. Cơ quan nhà nước cấp dưới phải thực hiện tất cả các chủ trương, quyết định cơ quan nhà nước cấp trên. 

- Đúng, vì bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức phân cấp. Quyền lực nhà nước được phân chia để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan cấp dưới phải thực hiện chủ trương, quyết định của cơ quan cấp trên.

d. Người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan trong bộ máy nhà nước có quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan đó. 

- Sai, vì những vấn đề quan trọng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được quyết định bởi tập thể, người lãnh đạo không được quyền tự ý quyết định.

2. Em đồng tình hay không đồng tình với những hành vi nào sau đây? Vì sao?

a. N chia sẻ một bài viết có nội dung nói xấu cán bộ lãnh đạo nhà nước trên mạng xã hội cho các bạn cùng xem đề cười đùa.

- Không đồng tình, vì nội dung đó là nội dung xuyên tạc, làm ảnh hưởng đến danh dự của cán bộ đó cũng như là nhà nước Việt Nam. N phải có trách nhiệm lên án hành động đó chứ không phải là ủng hộ.

b. D kiên quyết từ chối in tài liệu có nội dung tiêu cực về bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

- Đồng tình vì D đúng. Các tài liệu có nội dung tiêu cực về bộ máy nhà nước thường được các đối tượng phản động sử dụng để chống phá Nhà nước, đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm, D từ chối in tài liệu là từ chối tiếp tay cho những hành vi xấu.

c. Là cán bộ một cơ quan nhà nước, ông A phát hiện quyết định của lãnh đạo có nhiều sai sót nhưng vẫn giữ im lặng. 

- Không đồng tình vì ông A sai, không làm tròn trách nhiệm của một cán bộ nhà nước. Việc ông A giữ im lặng, không góp ý khiến lãnh đạo cơ quan không nhận ra sai phạm trong quyết định của mình có thể gây nên những hậu quả xấu về nhiều mặt, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Cơ quan và lợi ích của nhân dân.

d. Chính quyền địa phương C đến trường học để lấy ý kiến đóng góp của học sinh về việc xây dựng một dự án cho trẻ em trên địa bàn. 

- Đồng tình. Việc xây dựng dự án cho trẻ em nên xuất phát từ lợi ích, mong muốn của trẻ em. Vậy nên lấy ý kiến của học sinh vào hoạt động đó sẽ phát huy được quyền làm chủ của các em đối với những vấn đề quan trọng có liên quan đến bản thân.

3. Xử lí tình huống 

a. Giờ ra chơi, K tình cờ thấy một số bạn trong lớp đọc những tin tức có nội dung sai lệch về cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước trên mạng xã hội.

Nếu là K, em sẽ làm gì? 

- Nếu là K, em sẽ giải thích cho các bạn hậu quả của việc tuyên truyền những bài viết có nội dung xấu trên mạng xã hội (vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến đất nước,...) và khuyên các bạn không nên tiếp tục thực hiện hành vi sai trái đó nữa.

b. Khi tới Uỷ ban nhân dân xã đề làm thủ tục xác nhận một số giấy tờ cá nhân. T thấy một bác đã cao tuổi đang muốn được giải đáp một số thủ tục hành chính chưa rõ nhưng các cán bộ tiếp dẫn đều tỏ ra đang bận việc, không nhiệt tình trả lời.

Nếu là T, em sẽ làm gì? 

- Nếu là T, em sẽ nói chuyện với các cán bộ tiếp dân, nhắc lại vấn đề mà bác cao tuổi thắc mắc và đề nghị các cán bộ hỗ trợ. Hoặc khiếu nại về thái độ của các cán bộ đó với các lãnh đạo xã để họ điều chỉnh, thay đổi.

c. Bác tổ trưởng khu phố nhà H đến từng hộ gia đình phát tài liệu hướng dẫn phòng cháy chữa chạy và yêu cầu mỗi gia đình cam kết việc rà soát các thiết bị đẻ đề phòng các trường hợp cháy nổ trong gia đình minh nhưng có một số hộ không ki bản cam kết.

Nếu chứng kiến tình huống trên, em sẽ làm gì? 

- Nếu chứng kiến sự việc, em sẽ giải thích cho mọi người hiểu trách nhiệm của bản thân trong việc phòng cháy, chữa cháy. Nêu lên hậu quả của việc chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng cháy chữa cháy. Vận động mọi người cùng nhau kí và thực hiện cam kết.

^ Vận dụng

1. Em hãy viết một bài luận thể hiện vai trò của người dân trong việc góp phần xây dựng bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh. 

Em tham khảo bài viết sau:

Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Đảng coi việc củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng, bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới.

Phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa

2. Em hãy viết bài chia sẻ tác dụng tích cực của việc cải cách hành chính ở địa phương em 

Em có thể viết bài dựa trên các luận điểm sau:

- Giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước.

- Tăng lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy nhà nước.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)