Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 84

Đề 1:

Đại văn hào L. N. Tolstoy từng nói: "Có bao nhiêu cái đầu thì có bấy nhiêu cách nghĩ, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách để yêu thương".

Hãy chỉ ra cách nghĩ và yêu thương của em về cuộc sống.

Đề 2:

Đọc mẩu chuyện sau:

TỜ GIẤY TRẮNG

     Có một lần, tại một trường trung học, ngài Hiệu trưởng đến gặp các em học sinh để nói chuyện. Trong khi nói, ông giơ lên cho các em thấy một tờ giấy trắng, trên đó có một chấm tròn đen ở một góc nhỏ và hỏi:

- Các em có thấy đây là gì không?

     Tức thì cả hội trường vang lên:

- Đó là một dấu chấm.

     Ngài Hiệu trưởng hỏi lại:

- Thế không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?

     Ngài kết luận:

- Thế đấy, con người luôn luôn chú ý đến những lỗi nhỏ nhặt mà quên đi tất cả những phẩm chất tốt đẹp còn lại. Khi phải đánh giá một sự việc hay là một con người, thầy mong các em sẽ chú ý đến tờ giấy trắng nhiều hơn là những vết bẩn có trên nó.

(theo Quà tặng cuộc sống)

Đề bài: Nếu là em, em sẽ chọn nhìn thấy "dấu chấm" hay "tờ giấy trắng" ở người khác? Viết một bài văn nêu cảm nhận của em sau khi đọc mẩu chuyện.

-----------------------------

  CHÚC MỪNG CÁC BẠN SAU ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 84:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: 0o0 cô nàng ở đâu xinh thế 0o0

Đề 1:

     Cuộc sống muôn vàn hình thù và đa dạng bởi các cách suy nghĩ táo bạo nhưng chứa đựng tình yêu thương của nhân loại. Như Thosmas Edison chỉ vì lời mong mỏi của bà cụ già và bằng cách nghĩ của mình, ông đã sáng tạo ra chiếc xe điện đầu tiên cho con người đi lại vô cùng thuận lợi. Thật đúng như đại văn hào L.N. Tolstoy đã từng nói: "Có bao nhiêu cái đầu thì có bấy nhiêu cách nghĩ, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách để yêu thương".

     Vậy theo bạn "Có bao nhiêu cái đầu thì có bấy nhiêu cách nghĩ" là gì? Đó là sự tư duy logic của con người, bạn vận dụng trí óc, bạn sáng tạo ra những điều hay mới lạ hay những vật dụng giúp ích cho đời, đưa con người lên tầm cao mới. Còn "có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách để yêu thương" là gì? Đó là cảm xúc tình cảm trong trái tim bạn. Mặc dù bạn chỉ có chứa đựng một trái tim nhưng bạn có muôn vàn cách để yêu thương, cách mang đến hạnh phúc cho mọi người. Vậy cả câu nói đó của đại văn hào mang ý nghĩa vô cùng hay. Cách nghĩ đi đôi với tình yêu thương tạo ra sự hoàn hảo thống nhất. Một phép ẩn dụ vô cùng khéo léo trong câu nói.

     Trong xã hội phát triển ngày nay, con người cần phải có nhiều cách nghĩ, sáng tạo hay hơn để đưa con người vượt bậc lên tầng cao mới. Mặc dù vậy nhưng bạn cũng đừng quên nhé, đôi khi tình yêu thương giữa người với người chính là động lực thúc đẩy bạn đưa ra những cách nghĩ đó đấy. Như trong một gia đình, người vợ vất vả tần tảo nuôi con nhìn thấy nhất định sẽ rất thương vợ, phải thúc đẩy bản thân mình chăm chỉ hơn, có nhiều cách nghĩ cách làm mới mẻ vừa lòng sếp để cho vợ đỡ khổ thì đó chính là điều tuyệt vời kết hợp giữa cách nghĩ và các để yêu thương.

     Giống như một câu rất hay: "Trái tim yêu thương là điểm bắt đầu của mọi tri thức". Khi bạn biết yêu thương con người thì tự nhiên tri thức cách nghĩ sẽ đến với bạn. Nó không thể đến ngay được mà nó phải trải qua rèn rũa, phải trải qua đau khổ phải nếm mùi của hồng trần mới đúc kết ra.

     Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng cách nghĩ và tình yêu thương phải là một thứ xa vời nào đó. Không phải vậy nó xuất hiện ngay trước mắt bạn, ngay trong gia đình ngay trong làng xóm và ngay cả khi trong phố phường chỉ có bạn không nhận ra.

     Tóm lại từ câu nói của đại văn hào, chúng ta có thể đúc kết ra được bài học cho cuộc sống: Cuộc sống khởi đầu bằng cách nghĩ và xuất phát từ tình yêu thương. Dù có mai này thành công nhưng trái tim lạnh giá thì bạn cũng chỉ là một con người có cách nghĩ cô độc trong nhân loại. Nhưng khi bạn có tình yêu thương thì chính bạn sẽ là người lắm rõ cách nghĩ của bản thân cũng như là chủ cuộc sống.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Đinh Thị Hà Linh

Đề 2:

a. Nếu là em, em sẽ chọn nhìn thấy "tờ giấy trắng" ở người khác.

b. Cảm nhận của em khi đọc mẩu chuyện trên là: 

    Con người chúng ta như một tờ giấy trắng vậy, chúng ta có những tình cảm rất trong sáng với bạn bè, gia đình, thầy cô và cả những người khác. Chúng ta luôn dành cho những người yêu thương những tình cảm thật đẹp và quý giá. Trong mỗi con người luôn là sự tha thứ, bao dung, tình cảm. Chúng ta đích thực là những tờ giấy trắng thực thụ với những tính cách tốt đẹp mà chỉ có con người mới có. Thế nhưng, tờ giấy trắng đó sẽ không thể nào nguyên vẹn được khi chúng ta - những tờ giấy trắng tồn tại trong xã hội - là hai mặt đối lập nhau hoàn toàn. Đó cũng chính là ý nghĩa của câu chuyện "Vết đen trên trang giấy trắng" gửi gắm đến tất cả chúng ta. 

     Trong cuộc sống, không ai toàn vẹn về mọi mặt. Trong mỗi chúng ta, mặt tốt và xấu luôn tồn tại song song với nhau. Bạn thông minh, chăm chỉ nhưng bạn lại là người cọc cằn, khó chịu. Bạn thân thiện nhưng lại ích kỉ,... và ít ai có thể dung hòa và chịu sửa chữa những điểm xấu đó khi được góp ý. Một điều tôi chắc chắn với bạn rằng, khi bạn làm người xấu thì số lượng người hâm mộ, nhớ đến bạn nhiều hơn khi bạn là người tốt. Nói như vậy không phải chúng ta nên phấn đấu để trở thành người xấu mà phải nhìn nhận cái xấu đó một cách tích cực hơn.
     Khi ví con người là tờ giấy trắng thì vết mực đen kia lại chính là những tật xấu của mỗi con người. Tôi vẽ vệt mực đen lên tờ giấy trắng thì bạn chỉ thấy vết mực đen đó, giống như khi chúng ta tiếp xúc với một người bạn bất kì thì thường chúng ta chỉ quan tâm đến những tật xấu của người đó mà quên đi người bạn đó còn có nhiều điểm tốt hơn gấp nhiều lần so với cái vệt đen nhỏ nhoi ấy. Nhưng tại sao chúng ta thường hay để ý đến những điều xấu đó nhiều hơn điều tốt ta có thể thấy? Đơn giản là ở mỗi con người chúng ta luôn tồn tại cái tôi, cái ý muốn cá thể mà có lẽ suốt đời chúng ta không thể nào từ bỏ được. Chính điều đó khiến chúng ta liên tục không hài lòng với những gì không theo ý của mình hay nhỏ nhoi xúc phạm đến mình. Và bạn muốn tránh xa cái cản trở quyền lợi của mình và sẵn sàng nói không hay, không tốt về cái làm tổn thương lòng tự trọng của bạn, đó có phải là vết mực đen của bạn không ?Chẳng ai chịu vui vẻ thừa nhận cái xấu của mình một cách thẳng thắn. Nói đơn giản, khi bạn thấy mình đúng thì chưa hẳn điều đó là đúng và khi bạn chê trách lỗi lầm của ai đó thì hãy tin rằng bạn cũng đang bị chê trách vì một vấn đề khác dù rất nhỏ hay dù bạn không hề cố ý, bởi người khác đang nhìn vào cái vết mực đen của bạn như bạn đang làm với người bạn của mình. Vậy, tại sao không nhìn vào phần còn lại của tờ giấy trắng ngoài vết mực đen đó? Con người không ai toàn vẹn về mọi mặt, chính vì vậy, khi chúng ta cùng chung sống, cùng học tập và cùng làm việc thì không nên và không cần gò bó nhau vào những thứ xấu. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn về những chiều hướng tốt hơn của sự việc đó, con người đó để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa con người với nhau. Đừng chỉ nhìn vào vết mực đen nhỏ nhoi trong một tờ giấy trắng mà hãy chú ý đến những khoảng trắng khác trên tờ giấy ấy.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Mọt sách không đeo kính

     Ngày còn nhỏ, ông tôi từng dạy: "Con đừng vì thấy lỗi lầm của người khác mà nghĩ họ là người xấu. Không ai có quyền chối bỏ giá trị của người khác cả". Bài học về đối nhân xử thế ấy vấn luôn trong tôi, và để khi đọc "Tờ giấy trắng" một cảm xúc khó tả dâng lên trong tôi, tôi càng thấm thía bài học làm người mà ông đã từng dạy.

     Câu chuyện kể về "tờ giấy trắng không hoàn hảo" đã mang đến cho tôi và bạn đọc bao điều cần suy nghĩ. Khi thầy hiệu trưởng dơ tờ trắng có một chấm tròn đen lên hỏi các em học sinh đã nhìn thấy gì, ai ai cũng hô vang là một dấu chấm mà không hề ngần ngại suy nghĩ. Thầy giáo đã nói không nên quá chú trọng về những lỗi lầm nhỏ nhặt mà vô tình lãng quên tờ giấy trắng. Tôi rất ấn tượng với câu nói của thầy hiệu trưởng. Qua lời thầy, tôi như thấy được hình dáng của người ông thân yêu đang dạy dỗ tôi khi tôi bồng bột như các em học sinh chỉ nghĩ đến "dấu chấm đen" nghĩ đến những lỗi lầm của người khác mà không hề suy xét đến những điều tốt đẹp - như tờ giấy trắng. Mẩu chuyện nhỏ mang đến cho ta thông điệp sâu sắc: đừng nên chú trọng những lỗi lầm của người khác, chỉ vì những "dấu chấm nhỏ" mà chối bỏ giá trị con người họ. Ta giống như tờ giấy trắng có những tính các tốt đẹp mà chỉ mỗi con người có. Nhưng giấy đâu có thể trắng mãi được, đôi khi nó "vô tình" bị một chấm nhỏ chấm phá vào trong tờ giấy. Và những chấm nhỏ ấy đã nổi bật, làm vật trung tâm của tờ giấy trắng, nó đã thu hút sự chú ý của mọi người, khiến mọi người bỏ qua tờ giấy trắng. Chúng ta sẽ chẳng thể mãi là một tờ giấy trắng không tỳ vết được, giữa những ngang trái trong cuộc sống, có người cũng sẽ mắc lỗi lầm, nhưng chúng ta phải có cái nhìn xa hơn, toàn diện hơn về người đó. Đừng quá chú trọng vào lỗi lầm của họ mà không thấy được những ưu điểm, tích cực có trong con người họ. Đó cũng chính là ý nghĩa câu chuyện tờ giấy trắng muốn gửi gắm đến chúng ta.

     Trong cuộc sống không có ai hoàn hảo về mọi mặt. Trong mỗi chúng ta, mặt tốt và mặt xấu luôn tồn tại song song với nhau. Bạn thông minh, chăm chỉ nhưng bạn sẽ có lúc mắc sai lầm. Bạn thân thiện nhưng bạn là người ích kỉ, và có những lúc cáu gắt,... Bạn và tôi ai cũng có những khuyết điểm, và ta luôn mong mình được mọi người chấp nhận ta, chấp nhận những điều tốt đẹp của ta, bỏ qua những dấu chấm - lỗi lầm của ta.

     Khi ví con người là tờ giấy trắng thì vệt mực đen kia lại chính là những tật xấu của mỗi con người. Tôi vẽ vệt mực đen lên tờ giấy trắng thì bạn chỉ thấy vệt mực đen đó, giống như khi chúng ta tiếp xúc với một người bạn bất kì thì thường chúng ta chỉ quan tâm đến những tật xấu của người đó mà quên đi người bạn đó còn có nhiều điểm tốt hơn gấp nhiều lần so với cái vệt đen nhỏ nhoi ấy.

     Nhưng tại sao chúng ta thường hay để ý đến những điều xấu đó nhiều hơn điều tốt ta có thể thấy ? Đơn giản là ở mỗi con người chúng ta luôn tồn tại cái tôi, cái ý muốn cá thể mà có lẽ suốt đời chúng ta không thể nào từ bỏ được. Hay  theo học thuyết của Abraham Maslow về nhu cầu tự nhiên của con người được chia thành các thang bậc khác nhau, phản ánh mức độ cơ bản đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Và bậc 2 của thang Maslow là nhu cầu về an toàn, thế nên con người luôn luôn nhìn thấy điểm đen, cái xấu, nguy cơ… để đạt được mức an toàn tối thiểu về tính mạng và tài sản.Chính điều đó khiến chúng ta liên tục không hài lòng với những gì không theo ý của mình hay nhỏ nhoi xúc phạm đến mình. Và bạn muốn tránh xa cái cản trở quyền lợi của mình và sẵn sàng nói không hay, không tốt về cái làm tổn thương lòng tự trọng của bạn, đó có phải là vết mực đen của bạn không?

     Bởi vậy mà tôi nghĩ rằng, tờ giấy trắng chính là một lối sống, một quan điểm đúng đắn để cho phép người khác phạm sai lầm, để sửa sai và hoàn thiện mình. Bởi "có vấp ngã mới có thành công", hay trí tuệ, trưởng thành đều được hình thành từ trong những giông bão, thử thách của cuộc đời. Hi vọng rằng cách nghĩ thoáng và cởi mở này sẽ được nhân rộng để mối quan hệ giữa người với người và xã hội ngày một phát triển theo hướng tích cực hơn.

(Bài được giải ba có cách dẫn dắt khá tốt nhưng do chưa hoàn thiện, có thể là do lúc gửi bài chưa chú ý gửi hết, nên chưa thể được giải cao hơn.)

Chúc mừng các bạn đã đạt giải văn vui của tuần này nhé!