Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 82

Kể về ước mơ của em.

-----------------------------

         CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 82:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Phí Ngọc Luân

     Cuộc sống này sẽ tẻ nhạt và vô nghĩa biết bao nếu con người sống mà không có trí tưởng tượng và ước mơ. Cũng như hầu hết nhiều người, em cũng có riêng cho mình một ước mơ. Nó nhỏ lắm, không phải lớn lao, em chỉ ước cho riêng mình, ước rằng mai sau em có thể trở thành giáo viên dạy môn lịch sử.

     Lịch sử đối với nhiều người chắc hẳn là một bộ môn nhàm chán. Ngay trong từng tiết học về môn này, em có thể thấy được thái độ từ hầu hết các bạn xung quanh đều là không hào hứng. Nhưng em lại yêu thích bộ môn này rất nhiều.

     Khởi nguồn của sở thích này chính là trong từng những câu chuyện của bà em. Lúc bé, em là một đứa trẻ rất thích nghe kể chuyện, lại rất thích ngủ cùng bà. Vậy là bà em đêm nào cũng phải ôm em kể chuyện một lúc lâu đứa cháu này mới chịu ngủ. Hầu hết câu chuyện của bà đều là về cuộc đời nhiều lắm thăng trầm mà bà trải qua vào khoảng thời gian bà thơ ấu. Bà kể về những năm tháng đói nghèo cơm không có ăn đến mức bà bị chính mẹ ruột đem cho nhà người khác chỉ vì gia đình bà không nuôi nổi, bà kể cho em nghe cuộc sống cực khổ của bà khi tuổi nhỏ mà phải làm lụng như người hầu để được cho một bát “cám gạo”, bà kể tới những  ngày bon chen kiếm sống để chăm mẹ ốm, kể về những lần đối diện với bom đạn hiểm nguy thế nào. Những câu chuyện mà bà kể không giống truyện cổ tích, nó chứa đầy thương đau và khắc nghiệt mà chiến tranh đem lại cho con người.

     Có lẽ chính cái mong muốn đơn thuần trong thâm tâm đứa trẻ thích được nghe chuyện đó không biết từ lúc nào đã trở thành một ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng em. Đến khi tới trường và được tiếp cận về bộ môn lịch sử em đã tỏ ra ham mê và đặc biệt thích nó. Em thực sự muốn xem xem vì sao mà đất nước lại chiến tranh đẩy cuộc sống của những người như bà trở nên cực khổ tới như vậy. Muốn biết được nạn đói xảy ra vào năm nào mà lại quá sức tang thương. Muốn hiểu được niềm vui mà bà em kể trong tâm trạng tự hào về cái ngày thống nhất đất nước hòan toàn.

     Chính vì thế mà khi lên tới cấp 2, em nhanh chóng đăng kí thi học sinh giỏi bộ môn lịch sử để thử sức mình. Ngoài những tư liệu khá khô khan trong sách giáo khoa, em còn tìm tòi ở bên ngoài với những câu chuyện khác thú vị hơn. Em đã tự tin đứng trước các bạn kể về bà em mạnh mẽ và dũng cảm đến nhường nào khi phải đối mặt với nghịch cảnh chiến tranh tàn phá làng quê, chia ly gia đình.

     Năm lớp 8, thành công đầu tiên đã đến với em khi em được tham gia thi học sinh giỏi cấp thị và đạt giải nhất. Đó là thành quả em nhận được khi học bộ môn này với toàn bộ sự say mê cũng như cố gắng. Cầm bằng khen trên tay vào ngày kết thúc năm học, em đã phần nào nhận ra ước mơ của mình. Em muốn đứng ở trên bục cao giống như cô giáo, dạy cho thế hệ mai sau biết được cha ông đã phải đổ biết bao xương máu để bảo vệ đất nước, chiến tranh đưa lại hậu quả nặng nề như thế nào và tất nhiên cuộc sống của bà em là một ví dụ, em sẽ kể lại cho nhiều người về những nỗi đau và mất mát mà thế hệ trẻ ngày nay và sau này chưa từng được biết. Để rồi sẽ có nhiều người trân trọng từng tấc đất quê hương này, trân trọng cái độc lập hòa bình của ngày hôm nay. Không có gì quý hơn độc lập tự do cả nhưng những thế hệ hưởng thụ máu thịt của cha ông chưa chắc biết đến tầm quan trọng của nó. Điều đó khiến em thực sự, thực sự khao khát được lan tỏa lòng yêu nước cho nhiều người qua những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhất là trong hoàn cảnh căng thẳng chủ quyền biển đông khi mà Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn và chiếm nhiều đảo của nước ta.

     Để thực hiện được ước mơ này, em biết còn cần nhiều cố gắng và chông gai nhưng em luôn tin rằng ngọn lửa trong tim em đủ lớn để thực hiện nó.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Mọt sách không đeo kính

     Ngày còn nhỏ, con chẳng ước mơ có nhiều kẹo ăn, nhiều váy diện để biến mình thành cô công chúa trước sự ngưỡng mộ của mọi người, con cũng chẳng như mấy bạn gái mơ ước mình trở nên thật xinh đẹp để có thể sánh vai với người thầm thương, mong người ấy sẽ chú ý đến mình,... con chỉ luôn luôn có một ước mong, khao khát: một gia đình hạnh phúc.

     Nghe bà kể, hồi con còn bé, bố mẹ rất hay cãi nhau. Có những lần sau lưng con, cũng có nhiều lần trước mặt con. Thường, khi bố mẹ cãi nhau, con dù thức vẫn nhắm mắt... Tới khi bố mẹ nói đến hai tiếng "ly dị", con mới òa khóc. Bà vẫn hay nói con hiểu chuyện, có lẽ là vì vậy...

     Sau, khi con lớn hơn, tầm những năm cuối cấp một, bố mẹ không hay cãi vã nữa. Nhưng lần nào đã trợn mắt, y như rằng lại "mày" - "tao", "ông bà" - "cụ kị". 

     Con nhớ mãi một lần, mẹ quyết viết đơn ly dị. Năm ấy con chín tuổi. Con còn nhớ mãi những giọt nước mắt của con lúc ấy, có sợ hãi, có lo lắng, có buồn, có đau. Con năm ấy, một đứa trẻ chín tuổi, bất lực nhìn mẹ rời đi, trong miệng vẫn nhờ nhợ vị giấy, vị mực của lá đơn ly dị mẹ viết vội.

     Không biết có phải từ ấy, lòng con luôn canh cánh một nỗi sợ vô hình: "Nếu ngày mai bố mẹ ly dị thì sao?". Đúng như mẹ từng nói, mẹ không ly dị cũng chỉ vì chúng con... Vậy: "Nếu ngày mai mẹ không còn thương con nữa thì sao?"

     Câu hỏi ấy đã dằn vặt con mấy năm nay. Mỗi khi thấy bố mẹ to tiếng, nỗi dằn vặt trong con lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn cả. Nó cào cấu trái tim con, đôi khi đè nén con đến ngộp thở... Nếu bố mẹ ly dị... con biết sống sao?

     Mỗi khi tưởng tượng đến đó thôi, nước mắt con đã chực trào ra. Con sợ phải lựa chọn giữa đi theo bố và đi theo mẹ. Chỉ nghĩ đến đó thôi, con đã muốn dừng lại... Con vẫn luôn trấn an mình bằng những câu vô nghĩa: "Không sao đâu! Sẽ ổn thôi!"

     Nhưng cái gì sẽ ổn? Càng lớn con lại càng hiểu, chẳng cái gì là ổn cả. Con biết rằng khi quả tạ áp lực, căng thẳng ngày càng lớn, những sợi chỉ chịu đựng ngày càng mong manh, tình cảm không còn... những gắn bó mấy chục năm nay rồi sớm rồi muộn cũng sẽ đứt. 

     Vậy con cần gì phải sợ một chuyện chắc chắn sẽ xảy tới. Chi bằng cứ thoải mái đón nhận nó. Đằng nào cái không khí ngột ngạt bây giờ giữa hai người cũng khó chịu lắm rồi. Ly dị ư? Có thể khó chịu hơn thế này bao nhiêu chứ? 

     Có người đã từng nói: "Đôi khi buông tay cũng là giải thoát". Sao con có thể biến thành cái rào chắn, ngăn bố mẹ đến với sự giải thoát. Thứ con mong là không khí hạnh phúc. Nếu sống chung vậy, bố mẹ không thấy hạnh phúc, vậy ly dị đi, đừng cãi vã nữa. Biết đâu ly dị còn khiến không khí dễ chịu hơn?

      Dầu có không nhận đủ tình cảm hay không có đủ vật chất để sống như bây giờ, nhưng bố mẹ đã chấp nhận hy sinh vì con lâu vậy. Con cũng sẽ hy sinh vì bố mẹ một lần. Con chẳng cần sống trong sự gượng ép, đày đọa lẫn nhau. Con muốn là một gia đình ấm cúng.... Con muốn một "mái nhà" theo đúng nghĩa.... Và ước mơ của con về một mái nhà chưa thể thực hiện được, con cũng không trách ba mẹ, vì tương lai con sẽ tạo ra một gia đình, con sẽ xây đắp, giữ gìn gia đình ấy thật hạnh phúc.... 

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Kagamine Len

     Trong cuộc sống, ai mà chẳng có ước mơ. Riêng em, ước mơ cháy bỏng của em là trở thành một bác sĩ giỏi. Ước mơ này đã có từ khi em còn học lớp 3.

      Hồi ấy, trong một buổi chiều hè, em bị sốt, mẹ đưa vào bệnh viện để khám bệnh. Em nhớ rất rõ hình ảnh người bác sĩ đã khám bệnh cho em. Bác sĩ ấy mặc chiếc áo bờ-lu trắng, đầu đội mũ trắng. Đặc biệt là đôi mắt hiền từ ẩn trong đôi kính trắng, những cử chỉ tận tụy của người bác sĩ đã để lại trong lòng em những ấn tượng khó quên. Khi nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh và phương pháp điều trị, em bỗng ao ước sau này mình trở thành một bác sĩ giỏi. Ước mơ đó đã làm em phấn chấn tinh thần, dường như em đã quên hết bệnh tình của mình. Bác sĩ khám bệnh và ghi toa thuốc cho em xong, bác dặn dò em cần uống thuốc đúng liều, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Trước khi tiếp tục công việc của mình đối với bệnh nhân khác, bác sĩ không quên nụ cười thân thiện dành cho em và lời dặn dò ân cần để em chóng khỏi bệnh.

     Được tiếp xúc với người thầy thuốc đầy lòng nhân ái, nét mặt em như vui hẳn lên. Thấy thế, mẹ em hỏi:

– Con thấy đỡ mệt rồi phải không? Có việc gì mà em cảm thấy vui như thế? Em liền kể cho mẹ nghe về ước mơ của mình:

– Con ước mơ trở thành người bác sĩ giỏi.

     Mẹ hỏi tiếp:

– Nếu sau này ước mơ của con sẽ thành hiện thực thì con có tận tâm với nghề nghiệp và có yêu thương người bệnh không?

     Em trả lời với mẹ một cách phấn khởi:

– Có mẹ ạ! Con sẽ tận tâm với nghề nghiệp vì đây là nghề thầy thuốc, liên quan đến sinh mạng con người. Và con sẽ hết lòng thương yêu bệnh nhân như người bác sĩ đã khám bệnh cho con.

     Mẹ em rất vui vì em có một giấc mơ đẹp. Mẹ khuyên em phải ra sức học tập và rèn luyện sức khỏe để đạt mơ ước của mình.

     Em thầm mong ước mơ của em được trở thành hiện thực. Em cũng tự nhủ: Không có một thành công nào tự đến mà không có sự chăm lo học tập, kiên trì rèn luyện và hướng tới tương lai.