Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 81

Câu chuyện về ngày Tết Trung Thu của em!

-----------------------------

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN SỐ 82:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Nguyễn Tuyết Mai

     - "Ê mày, tối nay đi trung thu không?"

     - "Không!"

     - "Tại sao? Vui phết mà!"

     - "Không thích!"

     Cuộc hội thoại kết thúc với những câu trả lời của tôi, tôi không biết đứa bạn nó có mếch lòng hay không nữa nhưng đây đúng là cảm xúc thật của tôi khi mùa Trung thu đến mấy năm gần đây.

     Ngoài sân... trăng vừa tròn...

     Dẫu có Trung thu hay là những dịp đặc biệt nào khác, ý niệm về thời gian cũng không quá quan trọng với tôi. Bởi tôi đã sớm loại bỏ điều đó ra khỏi cuộc sống thường nhật.

     Một ngày với tôi chỉ xoay quanh trình tự khi ngồi trên chiếc xe đi đi về về giữa nhà đến trường, bon chen giữa những lớp học thêm đông đúc, gặm dở cái bánh mì nguội ngắt, uể oải đi đến lớp học khác. Ngày lại trôi. Cuộc sống đã đơn sắc của tôi dần vô sắc theo cái chu kì tuần hoàn đến vô cùng của thời gian.

     Mệt nhoài dắt chiếc xe vào nhà, cửa nhà tôi đầy những mảnh bạt chắp vá lại với nhau, nơi các bà các chị túm tụm lại nào bổ trái, nào bày bánh kẹo. Mẹ hớn hở ra bảo tôi: "Ăn nhanh lên mà ra đây chơi". Tôi ậm ừ một cách nhát gừng. Nuốt cho trôi miếng cơm, húp sụp bát canh chóng vánh rồi uể oải dọn dẹp. 

     Nhưng ngày hôm đó tôi quyết định không ra...

     Đứng trên ban công nhìn xuống khoảng sân trước nhà, thả mình vào trong dòng suy nghĩ, tôi quan sát. Trung thu năm nay bóng dáng của con trẻ cũng vợi bớt, tiếng cười đùa đã không còn lanh lảnh như trước hòa cùng tiếng trống vang lên từng chặp một cách miễn cưỡng. Tôi nhớ cái mong mỏi da diết nơi ngày Tết trông trăng thời ấu thơ.

     Dạo đó, bọn trẻ chúng tôi thường tắm rửa thật nhanh, ăn bận thật đẹp, ra sân sớm nhất có thể hòng chiếm được cái trống mình thích. Cầm cái trống trên tay, tôi hãnh diện đầu sỏ đi quanh khu phố gõ inh ỏi, mấy đứa bé lít nhít chạy sau đuôi tôi thèm thuồng được gõ thử một nhịp trống ấy. Tôi không biết tại sao tâm trí tôi lại mường tượng hình ảnh cái Tết Trung thu lung linh đến vậy. Nơi những thức quà mà các bà, các chị bày biện ra cũng chỉ là những đồ ăn thức uống không xa hoa gì nhưng vẫn làm đám nhóc bọn tôi hạnh phúc đến vô cùng. Khi những chiếc đèn trung thu nhấp nháy bên trong điệu nhạc vui tươi mừng ngày phá cỗ. Khi thú vui tuổi thơ chưa bị xâm thực bởi cái ồn ào của công nghệ. Khi ngậm miếng bánh dẻo bùi bùi trong miệng mà không cần quan tâm đến những bức hình câu like tự sướng.

     Trung thu năm nay bớt đi tiếng cười không phải vì xóm tôi ít trẻ con hay vì điều kiện ngoại cảnh làm gián đoạn cuộc vui. Mà bởi những đứa trẻ lên ba, lên năm đã ngồi im một góc mở Youtube ra xem những bài nhạc mà chúng đã xem đến mòn cả điện thoại. Khi những người đứng tuổi không còn ngửa cổ nhìn lên trên bầu trời lai rai sự tích Chú Cuội ngồi gốc cây đa, về chị Hằng, thỏ Ngọc chốn cung trăng,... mà cúi gằm mặt vào những chiếc smartphone để nhìn ánh trăng phản chiếu le lói qua màn hình. Khi hàng xóm ngồi quây quần lại mà mỗi người sống một thế giới riêng, họ hít thở bầu không khí chung nhưng nhả ra những tâm sự mà chỉ những người ở đầu dây bên kia mới hay. Tiệc vãn, trăng vẫn soi rọi thứ ánh sáng vằng vặc như thưở ban đầu nhưng chỉ tiếc lòng người đã đổi thay. 

      Chắc hẳn ai đó ngang qua đọc những dòng tâm sự này sẽ tìm thấy bóng dáng của mình trong đó. Trung thu thời @ con trẻ có đầy đủ về vật chất nhưng lại bị tước đoạt đi niềm vui mà chúng cần được hưởng. 

     Ló đầu ra cửa sổ, bất giác thoảng qua tôi hương hoa sữa. 

     Hồn ta có còn xao xác?

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Bae joo-hyeon

     Ai rồi cũng sẽ lớn, kể cả một đứa trẻ như tôi. Rồi cách nhìn thế giới cũng sẽ khác đi khi con mắt nhìn đời lại thêm một tuổi. Chính vì thế, Trung Thu không còn đơn giản chỉ là một ngày hội trẻ thơ, mà nó còn là một mốc kỷ niệm cho sự trưởng thành của tôi.

     Tôi lớn. Tôi bắt đầu ngại ngùng khi phải gặp những người lớn hơn mình và cũng ngại ngùng khi mình là người lớn nhất ngồi giữa bọn con nít trong phố. Tôi buồn và sợ, tôi ước ngay chính lúc đấy bố mẹ sẽ cho tôi đi chơi với lũ bạn như khẳng định tôi đã quá lớn để tham dự lễ Trung Thu, để ngồi bó gối chơi những trò chơi chán ngắt được lặp đi lặp lại nhiều năm, không còn phù hợp với những câu đố dễ dàng làm khó những đứa nhỏ hơn tôi,... Tôi càng nghĩ và càng thất vọng khi biết điều đó sẽ không thành hiện thực. Nhưng như thế lại hay, chính sự chán nản ấy lại mang đến cho tôi một bất ngờ vô cùng lớn...

     Trước Trung Thu một tuần, bố nhất quyết bắt tôi hát trong đêm Trung Thu. Tôi càng từ chối bố càng thúc ép đến nỗi tôi phải nhận sẽ đọc một bài thơ. Từ lúc ấy, tôi buồn. Tôi giận tại sao lại "sinh ra" ngày Trung Thu, "sinh ra" mấy món bánh nướng, bánh dẻo ăn phát ngán. Tôi giận vị vua đã mơ thấy giấc mơ bay lên cung Trăng rồi tạo ra ngày Trung Thu. Từ buồn, tôi ghét. Giờ tôi đã lớn rồi, tôi có thể ở nhà và học bài thay vì ra ngồi ngoài trại. Nhưng tôi không có quyền quyết định.

     Khác mọi năm, năm nay mẹ tôi sẽ dẫn chương trình Trung Thu. Chính vì lý do đó khiến tôi càng bị bắt phải tham gia. Tôi thấy mình thật tội nghiệp. Lúc cắt giúp mẹ mấy bông hoa, tôi càng mong ngay lúc này đây Trung Thu bỗng dưng bị hủy, lúc đấy tôi sẽ vui ra sao. Nhưng nếu thế thật, cả phố sẽ lại buồn như Trung Thu năm nào bác Quang mất. Tôi nhận ra mình quá ích kỷ, nên lại thôi!

     Trong phố, chỉ có tôi và con bác Hoa bằng tuổi nhau. Nhìn nó vui sướng khi chơi với bọn trẻ con, tôi thấy lạ. Nó không nhận ra sự khác biệt quá lớn giữa nó và những đứa trẻ kia ư? Nó cố tình hay thật sự không nhận ra? Tôi không biết nhưng tôi hiểu, cách nhìn nhận vấn đề của nó và tôi khác nhau...

     Tối hôm ấy, tôi lững thững bước ra trại. Nhưng tôi chỉ giữ được gương mặt ủ rột ấy một lúc, rồi sau đó chính tôi lại bắt đầu bật cười nắc nẻ khi thấy các bác mặc dù đã ngoài 40 nhưng vẫn hiếu thắng y như con nít. Cười còn vì những màn đối đáp quá xuất sắc giữa những cô cậu nhóc nhí với mẹ tôi - người dẫn chương trình...

     Kết thúc đêm Trung Thu trong những tiếng cười, tôi nhận ra thật sự mình vẫn còn đủ tuổi để tham gia lễ Trung Thu. Hóa ra Trung Thu không buồn bã như tôi nghĩ. Thì ra tôi vẫn có thể được đắm mình vào dòng sông tuổi thơ một cách nhẹ nhàng như thế. Vậy nếu mọi năm cứ như thế này, liệu tôi có bị tiếng trống, ánh sáng rực rỡ đủ màu cuốn hút nữa hay không nhỉ?

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: ゚°☆ℳ๏йşϮëɾ☆° ゚

     Lại một ngày học nữa đến rồi, vẫn như những ngày bình thường nào, hôm nay em lại đến trường, lại được cùng chiếc cặp thân quen vui bước tới lớp, lại được trò chuyện cùng bạn bè, trang giấy trắng nào đó một ngày rồi cũng sẽ đầy ấp những dòng chữ. Hôm nay em lại xem lịch, ngày hôm qua đã ở lại nhường chỗ cho hôm nay, nhìn xuống dưới tờ lịch em liền nhận ra ngay hôm nay chính là Mùng 15 tháng 8 Âm lịch, là ngày Trung thu của thiếu nhi.

    Đến lớp, mọi vật như khác hẳn ngày thường, những học sinh, ai ai cũng mau chóng trực nhật cho lớp của mình. Lớp em cũng thế, bạn thì quét lớp, bạn thì lau bàn, lau ghế, lau bảng, lau cửa sổ,... bạn thì trang trí lớp,... Mọi việc được phân công rõ ràng bởi thầy chủ nhiệm và lớp trưởng lớp em. Sau một hồi, tiếng chuông vào lớp đã cất lên, thầy cô bộ môn đến và bắt đầu dạy bài mới, em khẽ hỏi bạn ngồi bên cạnh: "Sao hôm nay mọi người trở nên lạ hẳn thế, chuẩn bị trường sẽ tổ chức gì à?". Bạn bỗng đáp lại: "Cậu không biết thật à, chắc là do bạn đi muộn nên chưa nghe gì, hôm nay là Tết Trung Thu đấy, thầy bảo là chiều nay sẽ tổ chức những trò chơi và bánh kẹo cho học sinh." Em bỗng nhớ ngay đến buổi sáng, mình đã xem lịch và biết hôm nay là ngày Trung thu, vậy mà lên trường lại quên mất, cứ ngỡ là chuyện gì... 1 tiết, 2 tiết và 3 tiết học trôi qua, em cứ nhìn xung quang thấy mấy bạn trở nên ngoan hiền lạ thường, nếu là thường ngày thì đã bị thầy cô nhắc nhở, đến cả thầy giáo cũng ngạc nhiên nữa kia mà. Nhìn mặt mấy bạn ai ai cũng vui vẻ và mỉm cười nên làm em vui theo. Tan trường, nhiều bạn vẫn còn ở lại trang trí lớp, mấy bạn trò chuyện rồi chọc ghẹo nhau, rượt đuổi nhau trong lớp và bị thầy cô mắng cho một trận, em bậc cười vui vẻ nghĩ rằng "chưa bao giờ lớp em có một ngày vui vẻ, đoàn tụ bên nhau trừ những ngày sinh hoạt lớp ra cả". Đến chiều, chưa đến giờ tập hợp mà dường như ai ai cũng đã có mặt đầy đủ rồi, thầy bắt đầu kể về ý nghĩa của Tết Trung thu đối với chúng em, dưới sân trường, vang vẳng giọng nói đầy dõng dạc của thầy đọc từng tiếng một, từng tiếng sâu đậm khắc trong đầu của chúng em. Khi đã xong hết mọi chuyện, thầy tổ chức các trò chơi, nào là: gánh nước lên non, nhảy bao, đua xe đạp chậm,... Thầy chủ nhiệm của mỗi lớp cũng đã phân công ai sẽ chơi trò chơi gì hết rồi. Mới chỉ bắt đầu trò đầu tiên, mà tiếng hét cổ vũ đã vang mỗi lúc càng lớn, nó còn to hơn cả tiếng mà thầy nói trên micro, nó thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, mong muốn lớp mình dành chiến thắng của bao học sinh, và trò chơi đầu tiên cũng đã kết thúc một cách nhanh nhạy, trò chơi thứ hai rồi trò chơi thứ ba cũng trôi qua một cách nhẹ nhàng, học sinh của lớp chiến thắng la òm lên "thắng rồi, thắng rồi" và cứ lặp lại. Kết thúc, là phần trao quà Trung thu cho học sinh, pháo bông bắn lên tưng bừng, đoàn múa lân cũng nhảy múa theo tiếng trống. Trông mặt ai nấy cũng vui cười, lòng ngập tràn hạnh phúc.

     Đến tối, mấy bạn rủ nhau đi chơi và xem múa lân, và tất nhiên là họ cũng rủ cả em nữa, gia đình em cũng tham gia, họ dẫn em đến quán ăn, vừa nói chuyện với nhau vừa ăn uống. Sau đó, họ tổ chức Trung thu ở nhà của bạn Hương, sân đằng trước của bạn cũng rất rộng, ấn tượng nhất của em là hai chùm bong bóng được treo ở trước nhà và những dây điện màu sắc chớp nháy đầy màu treo xen kẽ trong cửa ra vào, bên trong là những thứ mà mấy bạn đã phân công trang trí, những bông hoa, ngôi sao, trái tim,... được treo trong một sợi dây gắn lên trên nóc nhà nhìn như những cái chuông gió, mẹ bạn còn mua trái cây và bánh kẹo đãi chúng em nữa, mẹ bạn ấy thật tốt bụng làm sao, đến tối, tiếng trống khẽ vang lên càng ngày càng to.