Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 72

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

          “Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau như thế nào?

          - Chúng tôi tôn cao nhau!

          Tôi hỏi nước: Nước sống với nhau như thế nào?

          - Chúng tôi làm đầy nhau!

          Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau như thế nào?

          - Chúng tôi đan vào nhau!

          Làm nên những chân trời.

          Tôi hỏi người:

          - Người sống với nhau như thế nào?

          Tôi hỏi người:

          - Người sống với nhau như thế nào?”

                                      (Hỏi – Hữu Thỉnh)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2: Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ?

Câu 3: Từ lối sống của đất, nước và cỏ, anh (chị) rút ra bài học gì về lối sống của con người?

-----------------------------

ĐÁP ÁN:

Câu 1. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên là: Biểu cảm, tự sự.

Câu 2. Các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên và hiệu quả nghệ thuật:

- Biện pháp nhân hóa: Tác giả hóa thân và tưởng tượng ra cuộc trò chuyện với các sự vật vô tri để từ đó gửi gắm những chiêm nghiệm về thế giới người. Việc nhân hóa đã giúp thổi hồn vào các sự vật vô tri.

- Biện phép điệp ngữ, điệp cấu trúc câu: Câu hỏi tu từ được lặp lại nhưng ở mỗi sự vật khác nhau lại có những câu trả lời khác nhau. Phép điệp ngữ, điệp cấu trúc không chỉ góp phần tạo nhịp điệu cho bài thơ mà còn góp phần tạo nên một cuộc đối thoại để mỗi người tự vấn và soi chiếu chính bản thân mình.

- Biện pháp ẩn dụ: được sử dụng qua câu hỏi tu từ được điệp lại hai lần trong bài thơ "Tôi hỏi người, người sống với nhau như thế nào?". Nếu như với cây cỏ, đất, nước, các sự vật sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng chúng sống tôn trọng và chan hòa với nhau. Nhưng câu hỏi tu từ được điệp lại 2 lần ở cuối bài phần nào bộc lộ sự hoài nghi về cách sống của con người. Phép ẩn dụ nhằm thức tỉnh con người sống trân trọng, yêu thương nhau hơn...

Câu 3. Từ bài học về lối sống của đất, nước, cỏ, tác giả đã gửi gắm lời nhắc nhở của mình về lối sống ở thế giới người. Đó là biết sống tôn trọng, hòa hợp, thân ái, nhân văn hơn. 

(Có thể viết thành bài văn, đoạn văn để trình bày quan điểm của bản thân)

 

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI CỦA VĂN VUI HÀNG TUẦN SỐ 72:

Dưới đây là bài văn đạt giải NHẤT: Đình Vũ

Câu 1: Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên là: tự sự, biểu cảm

Câu 2: Các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên và hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ là: 

- nhân hóa: khiến hình ảnh đất, nước và cỏ trở nên sinh động, gần gũi, thân thuộc hơn với con người.

- ẩn dụ: những câu đối thoại với đất, nước và cỏ được tác giả nhắc đến nhằm mục đích nói bóng gió khuyên con người nên sống với nhau như cách sống của đất, nước và cỏ. 

- điệp ngữ: nhằm nhắc nhở mọi người tự nhìn lại mình, nhìn lại cách sống của mình với mọi người hay giữa người này với người kia, qua đó giúp ta lấy cách sống của đất, nước và cỏ noi theo. 

Câu 3: Từ lối sống của đất, nước và cỏ, anh (chị) rút ra bài học gì về lối sống của con người.

Muôn vật trên thế gian đều có linh hồn, sinh ra cũng đều có sứ mệnh riêng. Mỗi giống loài mỗi khác, có những nét đặc biệt riêng, lối sống riêng nhưng đều mang một ý nghĩa được tồn tại, được sống, được cảm nhận. Đề cập đến con người, lối sống cách nghĩ của mỗi cá nhân là khác nhau. Càng nhiều tuổi, trải qua nhiều chuyện tầm nhìn sẽ rộng hơn, cách nghĩ sẽ vị tha hơn, lối sống và cách đối nhân xử thế sẽ đúng với đạo làm người hơn. Những câu văn ngắn gọn tưởng chừng như đơn giản của ông- Hữu Thỉnh nhưng lại ẩn chứ những ý nghĩa đặc biệt, trưởng thành của một người đã trải qua vô vàn sự đời. Với những kinh nghiệm lâu năm của ông, chỉ vọn vẹn những câu thơ này, ông đã đem lại cho người ta bài học để đời, cách sống giữa người với người. 

   Trong 2 câu thơ đầu: 

Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau như thế nào?

          - Chúng tôi tôn cao nhau!

Tôi hỏi nước: Nước sống với nhau như thế nào?

          - Chúng tôi làm đầy nhau!

        Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau như thế nào?

          - Chúng tôi đan vào nhau!

          Làm nên những chân trời.

     Những câu thơ ngắn gọn, theo phong cách trực tiếp đi thẳng vào vấn đề, không giống như ý nghĩa sâu xa, mang nhiều hàm ý của nó. Mỗi câu thơ có phong thái giản dị, đi vào lòng người, tuy ngắn nhưng không khô khan, khi đọc khiến người ta phải tự ngẫm lại mình. Các câu thơ độc lập tưỏng như không có sự liên kết nhưng không, chúng liên kết với nhau để nói đến cách sống của con người nên như thế nào. Mỗi câu nói đến một cách mà con người nên sống với nhau, các câu thơ theo kiểu cách đa giọng điệu, đa cách nhìn về nhiều vấn đề khác nhau qua lời "đất-nước-cỏ". 

    Nói đến 2 câu thơ đầu: 

Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau như thế nào?

          - Chúng tôi tôn cao nhau!

     Đất là thứ được tác giả đề cập đến đầu tiên, tại sao trong ba sự vật nước, cỏ và đất tác giả lại chọn đất đầu tiên trong khi vẫn có thể thay đổi vị trí vì các câu thơ mang tính chất độc lập? Có phải do đất gần gũi và thân thuộc với con người nhất, gắn bó với con người từ bao đời nay? Nói vậy không phải nói nước hay cỏ không cần thiết mà là nói đến sự quan trọng, gần gũi cho đất đối với người. Đất được ví như một thư thiêng liêng, cao quý? Phải chăng đất quan trọng với con người giống như gốc rất quan trọng với cây? Tác giả Hữu Thỉnh đã lĩnh ngộ một cách sâu sắc để nói về cách sống giữa người với người qua đất. "Tôn cao" (nhau) là nâng đỡ,  tôn cao là không dấm đạp nhau, hạ thấp nhau, là hướng về những thứ tươi đẹp, thuần khiết và trong sáng về tình cảm giữa người với người. Đơn giản chỉ muốn giúp đỡ nhau, không có tính toán. Sống với nhau bằng thứ tình cảm gắn bó, đáng để trân trọng. 

     Qua những câu trả lời của đất, nước, cỏ đã gửi gắm bài học về thế giới người: con người cần sống tôn trọng, thân ái và gần gũi, nhân văn hơn với nhau. Điều này đặc biệt cần thiết trong xã hội hiện đại đang ngày càng bị cuốn trôi bởi những thứ công nghệ hiện đại, con người sống xa cách và có phần vô cảm, lạnh lùng với nhau.

Dưới đây là bài văn đạt giải NHÌ: Bae joo-hyeon

(Bạn Bae joo-hyeon vui lòng liên hệ với cô Nguyễn Thị Ngọc để trao đổi thông tin nhận thưởng nhé!)

1. PTBĐ được sử dụng trong đoạn văn trên là tự sự và biểu cảm

2. BPTT được sử dụng trong bài thơ là nhân hóa và ẩn dụ. Qua việc sử dụng hai biện pháp nghệ thuật,tác giả muốn nhắc nhở, thức tỉnh với chúng ta về cách sống của con người và khuyên ta nên sống như đất, nước và cỏ.

3. Trong cái thế giới đầy nghiệt ngã và cám dỗ này, nhiều người chọn chạy theo danh vọng, tiền tài và bỏ bê giá trị sống của chính mình. Từ lâu, con mắt của chúng ta đã quen nhìn vào sự nghiệp, đồng tiền cắt bạc mà quên mất đôi mắt của mình đã không được nhìn thấy ánh sáng của sự đùm bọc, sẻ chia. Đã bao lâu kể từ khi trái tim ta đã chẳng còn lóe lên xúc cảm giữa người với người, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà sẵn sàng dẫm đạp lên nhau chỉ để thỏa lòng ham muốn của bản thân... Nếu các bạn vẫn nghĩ rằng những điều này chưa đủ nói lên sự "ích kỷ, độc ác" của con người bây giờ thì hãy để tôi chỉ ra cho bạn thấy...

    "Chúng tôi tôn cao nhau" - đó là câu trả lời của Đất khi được hỏi về cách tồn tại của mình. Đúng vậy, những suy nghĩ độc ác, ích kỷ đã ăn mòn vào trong suy nghĩ để rồi ta hại nhau, dẫm đạp lên nhau, coi nhau như gánh nặng, nỗi nhục mà bản thân không muốn nắm giữ. Lâu lắm rồi, ta quên đi những câu nói thánh thiện, những câu nói ủng hộ giúp đỡ nhau mà chỉ nói những lời nguyền rủa, những câu nói độc mồm độc miệng, hạ bệ nhau chỉ vì lấy cái danh vọng trước mắt. Con người đã chẳng còn biết nâng đỡ, biết tạo điều kiện cùng nhau tiến bộ từ khi nào. Chúng ta đã quên đi việc nâng đỡ nhau mà chỉ chăm chăm vào việc làm sao khiến mình giỏi hơn nó, làm cách nào để nó bị hạ bệ... Khi được hỏi, bạn nói là nếu không làm vậy bạn sẽ bị họ làm tổn thương, nhưng không, chính bạn đang khiến cho những người vô tội khác đang ngày ngày sống với nỗi khổ mà họ không đáng có. Vì cái gì? Chỉ vì lòng ích kỷ,ghen tức của bạn mà thôi. Tại sao chúng ta không sống vị tha? Vì ai cũng sợ khi cho đi là chẳng còn gì nhưng bạn lại nhầm rồi, khi trao đi tình yêu thương, bạn sẽ còn nhận lại nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng. Một vòng tay, một cái ôm sẽ khiến bạn cảm thấy yêu thương là hạnh phúc thay vì đạp lên nhau để thỏa mãn ham muốn của riêng mình.

     Nước có một cách sống riêng: Chúng tôi làm đầy nhau. Chính thế, những con sông đâu tự nhiên hình thành, biển cả đâu phải mãi mãi đong đầy nước, nếu không có những con kênh, con suối nhỏ bồi đắp thì đâu có biển cả, đại dương hôm nay. Chúng bồi đắp nhau, che chở nhau cùng tạo nên thành quả. Nhìn vào con người chúng ta, bạn có tự hỏi mình đã sống như thế bao giờ chưa? Hay chỉ là lợi dụng nhau để tìm ra khiếm khuyết và lợi dụng nó mà mổ xẻ tài năng của người khác mà trục lợi cho bản thân? Cách nghĩ, cách nói thì nhiều nhưng vẫn chỉ là làm cho nhau không hoàn thiện, thỏa lấp sự ham muốn trong ngày một ngày hai. Rộng lượng là cách duy nhất giúp cho bạn hoàn thiện bản thân. Mở lòng ra mà đón nhận những lời khuyên bảo,chỉ dẫn dù là những lời nói nặng, vậy bạn cũng đã hoàn thiện mình. Chẳng ai thích những người keo kiệt tiền bạc, đáng lên án hơn là những người keo kiệt tình thương. Vậy ngại ngần gì trao cho nhau lòng rộng lượng, bao bọc, che chở nhau để cùng nhau tồn tại.

     Gắn bó, đoàn kết để tạo nên một nền tảng vững chắc để cùng hướng tới thành công đã là quy tắc vàng nếu bạn muốn thành công khi làm việc nhóm. Nhưng chỉ vì sự nổi tiếng của riêng bản thân đã thành thứ theo đuổi thì con người ta chẳng có gì là không thể làm.

Dưới đây là bài văn đạt giải BA: M

Câu 1: Các phương thức biểu đạt được sử dụng là biểu cảm, tự sự. 
Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng là điệp cấu trúc "Tôi hỏi...Như thế nào" (Nhấn mạnh những thắc mắc, trăn trở của tác giả về cuộc sống xung quanh mình). Và còn sử dụng phép nhân hóa "Chúng tôi", "Tôn cao", "Làm đầy", "Đan vào" cho đất, nước, cỏ cây (Thể hiện sự sống sinh động của thiên nhiên vạn vật. Mỗi sự vật đều có linh hồn riêng và cũng biết cách sống)
Câu 3: Chúng ta giống như những tế bào tồn tại trong cùng một "cơ thể sống" - Xã hội. Để cơ thể ấy thực sự phát triển và trở nên tốt đẹp, mỗi tế bào cần có sự liên kết, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Đó cũng là lời nhắn nhủ từ cách sống của đất, nước và cỏ cây. Sự gắn bó giữa người với người là sức mạnh vô hình giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Sẽ thế nào nếu xã hội này thiếu vắng tình người hay ai ai cũng lao đầu vào công việc của riêng mình và quên mất việc kết nối với những người xung quanh - Những người đang sống chung với ta dưới một bầu trời, trong một xã hội? Quả thực điều đó quá kinh khủng. "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" - Đây là một câu thơ rất ý nghĩa của nhà thơ Tố Hữu. Sống là phải quan tâm, chia sẻ và gắn kết với những người trong cộng đồng. Tình yêu thương sẽ được lan tỏa và làm thế giới này tuyệt vời hơn. Chúng ta cần biết "Tôn cao" - Tôn trọng, giúp đỡ mọi người khi họ cần. "Làm đầy" - Lấp đầy những khoảng trống lạnh lẽo trong tâm hồn bằng sự đối xử chân thành. Và "Đan vào nhau" - Đó là tình đoàn kết, gần gũi và hợp tác chặt chẽ trong công việc cũng như cuộc sống. Đến thiên nhiên còn biết cách sống đẹp và hiểu được tầm quan trọng của đồng loại mình, vậy tại sao con người lại không? Làm mất đi một mối quan hệ thì dễ chứ níu giữ nó mới khó. Nói tóm lại, con người cần rèn luyện cho mình lối sống đẹp. Hãy luôn nhớ rằng chúng ta đang ở trong một cộng đồng chung và phải có sự kết nối, chia sẻ với những người xung quanh. Đừng quá ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Trong cuộc sống này, chúng ta cần vật chất để tồn tại, nhưng vật chất có dư dả bao nhiêu vẫn không thể so sánh được với những giá trị tinh thần tuy giản dị mà hết sức ý nghĩa. Con người phải kết nối hài hòa với nhau để cùng vẽ nên những màu sắc tươi sáng cho bức tranh cuộc sống. Sống biết yêu thương, chia sẻ thì chúng ta cũng nhận lại được nhiều niềm vui và lạc quan hơn! Chỉ cần một hành động nhỏ bé thôi, nhưng nếu xuất phát từ trái tim thì cũng rất đáng quý rồi!