Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 61

VIẾT CHO MỘT THẾ HỆ CÚI ĐẦU

     Đó là thế hệ chúng tôi, một thế hệ mà người ta gọi là “Thế hệ chỉ biết cúi đầu”, chúng tôi chỉ biết cúi đầu vào chiếc smartphone của mình, đến nỗi “Quang Trung là bạn chiến đấu với Nguyễn Huệ, tệ hơn là Bác Hồ sinh năm 1945 và thậm chí đến ngao ngán khi giờ đây những đứa trẻ tin vào câu truyện ngôn tình sử, những kẻ xét lại lịch sử hơn là tin vào những thứ đã được cả thế hệ cùng thời trên thế giới công nhận”. [...]

     Phố tôi có bác bán bánh mỳ bị điên. Hay nói một mình. Thỉnh thoảng lấy tay đấm vào đầu liên tục. Lúc khỏe, bác sẽ bán bánh mỳ, hiền lành, cười với hàm răng chiếc còn chiếc mất. Một bên mắt bị hỏng, hoặc có nhìn được hay không tôi không biết. Nó đục ngầu. Có lẽ chính vì vậy mà bác hay trả nhầm tiền. 15 nghìn cái bánh mỳ, có khi bác trả lại cả 20 nghìn. Có người cứ thế cầm mà đi.

     Lũ trẻ con cũng hay trêu bác, vì bác vừa đi vừa nói nhảm, lại hay đấm tay vào đầu. Chúng nó trêu, hò hét cái câu gì đó mất dạy, sau đó hò nhau chạy. Lần nào bác cũng dậm dậm chân dọa rồi lại thôi. Bởi vì… Bác có mảnh đạn còn găm trong đầu. Biên giới năm 1979. Nó không bao giờ được lấy ra?

     Câu chuyện chỉ được kể khi tôi ngồi đợi vợ bác tráng trứng cho vào bánh mỳ. Vợ bác nói: “Trở trời thế này là đầu đau lắm, nhà phải có người trông, không là đập phá đồ đạc. Đi lang thang, người ta đánh cho thì khổ.”

     Câu chuyện cắt đứt mạch ở đó. Mảnh đạn không lấy ra giống như câu chuyện không bao giờ được kể cho trọn vẹn. Và rồi nó sẽ bị lãng quên. Bác đã mất được 2 năm! Mảnh đạn vẫn nằm ở đó, nhưng giờ bác có lẽ đã “ngon giấc” không còn phải chiến đấu với “nó”.

Từ câu chuyện trên, em hãy viết một bài văn bàn về lòng biết ơn trong cuộc sống hôm nay.

-----------------------------

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN SỐ 61

Dưới đây là bài của bạn đạt giải NHẤT: nam

     Lòng biết ơn luôn bắt nguồn từ trong tâm của mỗi người. Dịp 30/4 là ngày lễ lớn của dân tộc, để thế hệ con cháu cúi đầu, biết ơn thế hệ cha ông. Gia đình em có ông nội là một chiến sĩ dân tộc. Cả gia đình vẫn thường biết ơn ông, mỗi ngày.

     Theo lời bố em kể lại thì ngày xưa ông em từng là một chiến sĩ bảo vệ nhân dân chống quân xâm lược, ông đã từng chiến tranh chống lại kẻ thù và đã nhiều lần ông đổ máu. Cũng chính là lúc ông đổ máu thì bà em là bác sĩ nơi chiến trường đó, bà đã băng bó vết thương cho ông để ông chiến đấu tiếp. Lúc đấy ông và bà còn trẻ lắm nên chưa cưới nhau. Nhưng cuộc sống chẳng thể tha thứ cho những người chiến sĩ đó, ông em lại phải ra chiến trường một lần nữa .... . Kể từ khi nào ông em đã cưới bà em và sống cùng nhau, bà em đã sinh ra bố em, cô, bác, chú. Ngày xưa cuộc sống còn khó khăn và ông em đã nghỉ hưu rồi. Ông cùng bà đi bán bánh mì khắp nơi để lo kiếm tiền cho các bác và bố em ăn học. Tuy gia đình nghèo khó nhưng bố và các bác đều học giỏi nên ông bà rất vui. Trong một lần vì bố em muốn đỗ một trường loại giỏi. Nhưng chi phí quá cao nên bố em đã cất sách đi vào tủ và không học nữa. Khi nghe bà và ông nói bố đã lấy sách ra học tiếp.... . Câu chuyện đó là từ bà đã kể cho em nghe, còn về chuyện ông và bà em thì ông bà còn khỏe lắm. Thường ngày em và gia đình cùng về nhà ông bà thăm ông. Ông em thì tai không nghe rõ lắm còn bà bị đau mắt nhưng mà bà khỏe rồi còn ông thì chưa được khỏe lắm. Nhưng gia đình em và các bác yêu ông và bà lắm vì ông là người đã chiến đấu cho dân tộc mà nhỉ. Còn bà thì đã là người cứu và đồng hành cùng ông trải qua khói lửa của chiến tranh. Dù ông và bà còn không được khỏe lắm nhưng những kí ức của thời trận mạc thì ông bà vẫn còn nhớ rõ và thường kể lại cho con cháu nghe. Em và gia đình vẫn thường vào thăm ông bà. Nếu gia đình em không xuống được thì các bác vẫn xuống. Dù là mưa hay nắng mọi người trong gia đình vẫn xuống thường ngày.

      Em mong ông và bà em được sống khỏe đến khi các cháu chít trưởng thành. Cháu yêu ông bà lắm, nếu nghe được tin này cháu cầu cho ông bà sống khỏe mạnh như bao người khác vậy. Em viết bức thư này không chỉ vì muốn nhận giải mà cả vì các bạn nếu ai có ông bà hãy đến thăm thường ngày để ông bà các bạn vui hơn nhé. Và hãy biết "cúi đầu" trước thế hệ cha ông đã không tiếc xương máu của mình để xây đài tự do cho dân tộc.

Dưới đây là bài của bạn đạt giải NHÌ: Nguyễn Nhật Minh

     Như chúng ta đã biết, Việt Nam ta là một đất nước lịch sử chống giặc ngoại xâm từ hàng ngàn năm về trước. Để có được độc lập như ngày hôm nay, những thế hệ đi trước đã đổ biết bao nhiêu xương máu của mình, họ hi sinh cho Tổ quốc mà không cần sự đền đáp. Cũng chính vì lẽ đó mà chúng ta cần phải biết ơn họ vì những gì họ đã làm cho chúng ta.

     Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ ngày nay đang sống “quá thực”, theo đúng nghĩa đen của nó. Họ sống dường như chỉ quan tâm đến bản thân mình ở hiện tại và sống một cách thực dụng. Họ nghĩ rằng tại sao lại phải quay về quá khứ, những gì đã qua rồi thì để nó yên, sao lại không sống đúng với sự thật… Còn một số khác thì đang sống quá ảo, trong thế giới công nghệ, đặc biệt là smartphone. Họ cúi đầu trước những chiếc smartphone ấy, biết ơn nó, biết ơn mạng xã hội. Đến nỗi mà câu nói của Bác khuyên dạy con cháu học lịch sử: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích sử nhà Việt Nam” lại bị biến thể thành “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết lên tra google”. Và kết quả là học sinh trường Quang Trung bảo Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai anh em, năm mất của Bác Hồ - vị lãnh tụ vị đại của dân tộc lại được nhớ là năm 1945, học sinh cấp Hai bảo Hai Bà Trưng và Bà Triệu là hai chị em,… Thật đau lòng và xót xa làm sao cho một thế hệ trẻ, tương lai của dân tộc! Phải chăng họ được sinh ra trong thời bình nên chẳng hiểu được sự hi sinh lớn lao của thế hệ cha anh đi trước? Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một bộ phận thế hệ trẻ khác đã và đang thể hiện lòng biết ơn của mình bằng cách chiến đấu với giặc ngoại xâm, bước tiếp trên con đường của những người đi trước. Nếu khi xưa ông cha ta đã dùng tính mạng để đem lại hòa bình cho đất nước, thì bây giờ chúng ta cũng chiến đấu nhưng không bằng vũ khí, không cần ra chiến trận. Những con người trẻ này chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, dùng trí tuệ của mình để giúp đất nước phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Điều này cũng làm an ủi chứ, nhưng có vẻ những con người này còn quá ít. Hi vọng sau khi đọc xong bài viết này thì lửa trong tim mỗi con người sẽ bốc cháy và hành động nhiều hơn để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với những thế hệ cha ông.

     Con xin đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, cúi đầu trước những vong linh của những liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, để lại nơi chiến trường một phần máu thịt của mình, đã nằm xuống cho đất nước Việt Nam được thống nhất, độc lập.