Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 41

NGƯỜI KHÔNG CÓ ĐÔI CHÂN

   Một người rất hiếu thắng. Ông luôn so bì chuyện ăn, chuyện mặc với người khác. Nếu hơn người khác, ông ta sẽ cảm thấy vui mừng. Nếu không hơn người, ông sẽ cảm thấy buồn bực, chán nản rất lâu. Cũng may công việc làm ăn của ông ta tạm ổn, cuộc sống gia đình cũng có thể nói là khấm khá.

   Rồi một năm nọ, công việc làm ăn của ông bị thất bại. Toàn bộ vốn liếng bị tiêu tan. Nhìn những người xung quanh mình dường như ai cũng vui vẻ, hạnh phúc, chẳng mấy chốc, ông ta đánh mất dũng khí và niềm tin vào cuộc sống. Cả ngày ông đắm chìm vào những suy nghĩ tiêu cực và những ưu lo vô tận. Cho đến một ngày kia, một sự việc vô tình đã làm thay đổi tất cả. Hôm đó, người đàn ông đau khổ ấy đang đi trên phố, ông nhìn phía trước mặt có người cụt cả hai chân. Người ấy ngồi trên miếng gỗ với bốn bánh xe, mỗi tay của người đó cầm một miếng gậy chống xuống mặt đường để đẩy chiếc xe đi. Khi qua đường, người đàn cụt chân nở nụ cười với người đàn ông: "Chào buổi sáng! Hôm nay trời thật là đẹp!". Giọng nói của anh ta tràn đầy sức sống.

   Người đàn ông đầy đau khổ và chán chường kia nhìn người cụt chân một hồi lâu rồi bỗng cảm thấy xấu hổ. Nếu so sánh với người tàn tật này, mình thật sự có hơn anh ta, ít ra mình vẫn còn có đôi chân để đi được. Khi trở về nhà, anh ta đã trịnh trọng treo dòng chữ trong phòng đọc: Tôi đau khổ vô cùng vì không có giày để đi, cho đến một hôm, tôi gặp một người cụt cả hai chân.

               Nêu suy nghĩ của em về câu chuyện trên.

-------------

Chúc mừng các bạn dưới  đây đã nhận được giải thưởng Văn vui hàng tuần của OLM:

Giải nhất: Nguyễn Văn Đạt

Giải nhì: Superme

Giải ba: Tiểu Hâmhuynh vu ha vy

-------------

Dưới đây là bài làm của bạn: Nguyễn Văn Đạt

     Tôi nhớ Billgates đã từng nói: “Thế giới vốn không công bằng…”. Thật vậy! Cuộc sống của chúng ta có thể xem như một vở kịch được sắp đặt sẵn. Trong vở kịch ấy có nhân vật được hưởng sự ưu ái nhiều nên có cuộc đời may mắn hơn nhưng lại có nhân vật phải chịu số phận bất hạnh.Và càng trớ trêu hơn khi thường sự ưu ái chưa bao giờ làm thỏa mãn chính những ai đang có nó. Chẳng thế mà nữ nhà văn Mĩ đã từng tâm sự : “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Câu nói ấy tuy rất ngắn gọn nhưng ý nghĩa và bài học mà nó mang lại thì không thể gói hết được trong một dòng.

     “Tôi đã khóc vì không có giày để đi” , đó như là một trạng thái tâm lý dễ gặp ở chính bản thân mỗi người. Thường thì khi không có được thứ gì theo mong muốn thì con người ta nhanh chóng cảm thấy chán nản, thậm chí là tự ti, tự ti rồi muốn “khóc” dù biết rằng đó đơn giản chỉ là một đôi giày, một chiếc áo mới – những thứ tưởng chúng mag tính chất hình thức. Xin nhắc lại trạng thái cảm xúc ở đây là khóc nhưng là khóc vì bản thân, khóc vì sự ích kỉ cá nhân. Và sự ích kỉ này cần được cảnh tỉnh : “...cho đến khi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Nếu như vế trước của câu nói có từ “đã” thì về này có cụm từ “cho đến khi” khiến cho câu nói trở thành một lời nhận thức sâu sắc từ nhà văn và là lời cảnh tỉnh tâm hồn tất cả mọi người. Thật vây! Sự cảnh tỉnh tâm hồn ấy đã gợi ra biết bao bài học.

     Bài học quan trọng nhất mà tôi và bạn có thể thấy đó là chúng ta nên học cách đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Khó khăn ở đây không chỉ đơn giản là “không có giày “mà đó chính là sự thiếu thốn về mọi mặt cả thể chất lẫn tinh thần. Bởi cuộc sống vốn là thế, luôn tràn đầy những thách thức. Có những lúc bạn cảm thấy mình mặc cảm, bất hạnh chỉ vì mọi việc không như mong muốn đơn giản chỉ vì không có quần áo mới hay bị khiếm khuyết một phần trên cơ thể haychỉ vì mình thất bại hay….thì khoan vội buồn, “khóc” để bản thân nản chí. Bởi nếu ai cũng như vậy thì đã không có một thầy giáo ưu tú Nguyện Ngọc Kí - một nguời đã tự viết chữ bằng chính đôi chân của mình khi không thể viết bằng tay; hay vận động viên Phạm Hoàng Thắng đã dành tới 6 huy chương vàng trong đó có huy chương vàng châu Á và huy chương vàng Đông Nam Á (người đã bị hai chân teo tóp sau khi bị sốt cao lúc một tuổi).Tôi dám cược với bạn rằng chác chắn họ từng cảm thấy mặc cảm vì những sự bất hạnh như vậy nhưng bằng nghị lực của mình học đã vươn lên. Tôi nhớ đã đọc ở đâu câu nói: "Lí trí thường bị ngụy trang bởi sự bất hạnh”. Vì vậy những nguời được hưởng nhiều sự may mắn hơn thì hãy sống cho hết mình, thật cam đảm không ngại với những khó khăn trong cuộc sống.

     Bài học tiếp theo chính là học cách yêu thương và cảm thông với nhưng mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Bạn thử nghĩ mà xem khi ta không có giày thì chí ít ta cũng có thể được đi bằng chính đôi chân của mình trong khi nhữg nguời khuyết tật phải đi bằng xe lăn, với họ đôi chân mãi là ước mơ. Hay khi không có quần áo mới thì ít nhất ta có thể mặc đủ ấm trong mùa đông giá rét trong khi những em nhỏ mồ côi phải lang thang ngoài đường phố, phải lo cái ăn cái mặc từng ngày! Khi ta bị bố mẹ mắng chỉ vì không nghe lời, ta đã nghĩ ngay là bố mẹ không thương ta. Khi ấy tại sao ta lại không nhớ đến nhữg em nhỏ mồ côi cha mẹ, chúng thèm được trông thấy bố mẹ một lần. Như vậy, khi ta khổ thì hàng trăm nguời khác còn khổ hơn. Khi ta buồn thì hàng nghìn người còn chịu những nỗi buồn còn lớn hơn. Khi ta khóc thì hàng triệu ngừơi đáng được khóc hơn. Như vậy ở đâu đó quanh đây vẫn còn những bất công, mất mát mà không thể nào bù đắp. Nó chỉ có thể xoa dịu bằng tình yêu từ trái tim mỗi người.

     Con người vốn là loài thông minh nhất nhưng cũng tham vọng nhất. Nếu chỉ đơn giản là sự khát khao để có được điều gì đó bằng con đường chân chính thì là điều rất tốt. Nhưng tham vọng quá mức khiến họ mù quáng, làm những điều không tưởng, sai trái. Và thường thì rất ít ai biết thỏa mãn với những gì mình có, thay vì bằng lòng thì họ lại cảm thấy vẫn chưa đủ và muốn hơn nữa, nhiều hơn nữa. Câu nói của Hellen muốn nhắc nhở chúng ta phải biết chấp nhận, biết hài lòng với những cái mình đang có và phải biết quan tâm, sẻ chia cùng mọi người. Hơn hết là không bi quan, mặc cảm với chính mình và không từ bỏ trước khó khăn thách thức. Vì vậy, trước hết hãy học cách trân trọng những gì mình đang có. Rồi dần dần, bạn sẽ học được cách đồng cảm, cách mở rộng vòng tay, mở cánh cửa trái tim để chia sẻ với những số phận đáng thương. Khó khăn hôm nay bạn vấp phải chỉ là một vấn đề mang tính tạm thời, rồi bạn sẽ có cách để vượt qua. Cứ bình tĩnh. Đừng vội chùn bước bởi niềm hạnh phúc sẽ đến với bạn nơi cuối con đường và chỉ dành cho những ai thực sự nỗ lực và biết yêu thương.