Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 144

Trao đổi với PV Dân trí chiều 30/11, ông Trần Xuân Thuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức C xác nhận có chuyện học sinh trường này vác dao truy đuổi bạn dẫn đến bị thương phải đi viện. Cụ thể, ngày 25/11, có hai nhóm học sinh khoảng chừng 4-5 em mâu thuẫn, xô xát nhau. Sự việc xảy ra cách trường khoảng hai cây số, khi giờ học kết thúc. Biết được thông tin, nhà trường đã mời học sinh và phụ huynh đến làm việc, phân tích đúng sai và yêu cầu học sinh không gây gổ, đánh nhau nữa. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau (26/11), em Bùi Chiến T. (ở xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, học lớp 11) đã vác dao đến trường để đe dọa nhóm học sinh khác. Trong quá trình xô xát, em T. đã bị thương ở mặt. Sự việc được học sinh thông báo đến bảo vệ của trường. Bảo vệ đã đuổi để tước vũ khí của các học sinh này. Đồng thời học sinh bị thương được cho đi khám và kiểm tra ở bệnh viện."

(Theo Dân trí)

Bằng một bài văn ngắn, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề được gợi ra từ đoạn thông tin trên.

------------------------------

Các bạn trình bày lời giải đầy đủ của mình vào ô Gửi Ý kiến phía dưới (chú ý không copy trên mạng). Ba bạn có lời giải hay và sớm nhất sẽ được giải thưởng từ Online Math (Giải nhất 200.000 đồng, giải nhì 100.000 đồng, giải ba 50.000 đồng). Giải thưởng sẽ được công bố vào Thứ Sáu ngày 11/12/2020. Câu đố tiếp theo sẽ lên mạng vào Thứ Sáu ngày 11/12/2020.

------------------------------

Các bạn đạt giải các kì trước chú ý: các bạn mở hộp tin nhắn mới để nhận giải thưởng. Trong trường hợp không nhận được tin nhắn nhận thưởng thì các bản liên hệ với tài khoản Admin.

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 144

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Dương Ngọc Nguyễn

Vụ việc học sinh trường THPT Mỹ Đức C vác dao rượt bạn xảy ra trong tháng 11 mới đây gợi lên cho em một hiện thực nhức nhối: Bạo lực học đường không phải xảy ra ngày một ngày hai rồi thôi, nó như một con dao hai lưỡi, có thể giết chết tâm hồn nạn nhân cũng như có thể gây nên vết sẹo vô hình cho kẻ bạo lực. Đó cũng là vấn nạn nan giải cho bộ giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

Người xưa thường nói, “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” vì những chiêu trò ma quái của học sinh, nhưng nó chỉ dừng lại ở mức quậy phá cho vui. Còn học sinh ngày nay “tăng đô” lên rất nhiều, chúng có cái “nông nổi" trong cái tuổi nổi loạn, nó vượt xa giới hạn đạo đức con người để tiến tới cái gọi là “bạo lực". Bạo lực để trả thù, để hả dạ, để chứng tỏ “đẳng cấp” hơn người. Nạn bạo lực học đường ngày nay nóng sốt hơn hơn bao giờ hết với mạng xã hội hiện đại - trong trường, ngoài đường và ngay cả... trong nhà đều có thể tìm thấy một vụ bạo lực học đường. Đừng xem thường chúng, có khi chúng còn “lợi hại” hơn cả vụ chém mướn, đòi nợ thuê...

Bạo lực học đường xảy ra ở lứa tuổi học sinh đang đi học, song nó không phải là chuyện trẻ con, dễ giải quyết, mà nó là cả một chuỗi bi kịch của nạn nhân, gia đình, nhà trường và cả xã hội. Nó chính là hành vi đánh đấm ngang ngược, bắt nạt thực thụ, gây tổn thương người khác thực sự, và không thể giải quyết bằng tiền hay chỉ câu xin lỗi qua loa, bởi lẽ không gì có thể lấy lại được danh dự và nhân phẩm. Bạo lực học đường diễn ra dưới nhiều hình thức như lời nói đe dọa, xúc phạm; cử chỉ đụng chạm, bắt nạt; hành động tát, đánh đấm... Bạo lực học đường có thể là bạo lực bằng vũ lực, cũng có thế bạo lực bằng... vũ khí, nhưng nhìn chung có hai dạng chính là bạo lực tinh thần và bạo lực thể chất. Tất cả đều làm hại đến danh dự, tinh thần của nạn nhân, đôi khi đó là nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời.

Chúng ta không khỏi “xuýt xoa” khi tìm kiếm trên google, chưa đầy một giây đã cho ra vài chục triệu kết quả về nạn bạo lực học đường. Có rất nhiều phim ảnh, truyền hình nói về bạo lực học đường: bắt bạn quỳ xuống lau giày, buộc bạn phải cho coi bài trong thi cử, ép bạn phải mua bánh đãi cả một nhóm người... đấy là bạo lực về tinh thần. Còn bạo lực về thể chất cũng chẳng kém phần đa dạng, và đặc biệt là đau thương. Điển hình là trong tháng 11 vừa qua đã có nhiều vụ gây hoang mang dư luận: nữ sinh lớp 8 ở Thanh Hóa bị đánh hội đến nhập viện; nam sinh lớp 9 ở Hà Nam bị bạn đánh đến... chết,... Mỗi vụ đều có tính chất nghiêm trọng, đồng thời để lại cái nhìn tiêu cực về học sinh thời nay - còn nhỏ dại mà lại “đại ca” đến như vậy, đến người lớn cũng phải lắc đầu kinh hãi.

Trong xã hội ngày nay, thế hệ trẻ nhanh chóng thích nghi với cơ sở vật chất hiện đại, dễ dàng tiếp cận với các thiết bị điện tử, trẻ 4 - 5 tuổi thôi đã lướt điện thoại vèo vèo. Song cái gì tốt quá cũng không tốt, chính sự hiện đại ấy đã khiến các em vô tình tiếp xúc với phim ảnh bạo lực và rồi kích thích sự thể hiện bản thân. Một nguyên nhân khác dẫn đến bạo lực học đường, là do các em bị chứng kiến cảnh bạo lực từ gia đình hay những người xung quanh, từ đó có những suy nghĩ lệch lạc. Tóm lại, nguyên nhân chính là do nhận thức của lứa tuổi dậy thì này chưa chín chắn, còn rất “ngông” và háo thắng. Ngoài ra còn do sự quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu quan tâm từ gia đình và nhà trường. Và có lẽ cũng do hình phạt cho những hành vi này chưa đủ nặng để các em sợ.

Ai đó đã từng nói rằng, hoa hướng dương đẹp nhất khi hướng về mặt trời, còn đời người đẹp nhất là đời học sinh. Còn đối với những em đã và đang là nạn nhân của bạo lực học đường, liệu có giữ được những cái thơ ngây, mơ mộng, đẹp đẽ của một đứa trẻ?

Hay tất cả vội tan biến để nhường chỗ cho nỗi sợ hãi bao trùm? Rồi sau này khi lớn lên, họ có thực sự quên đi quá khứ để sống một cuộc sống đúng nghĩa? Câu trả lời là không! “Bạo lực học đường” chỉ bốn chữ nhưng ẩn sau nó là cả một bức tranh xám xịt, dấy bẩn, dù có tô màu trắng lên cũng không thể nào có được màu trắng tinh khôi. Một người đàn ông 69 tuổi trong buổi họp lớp đã bắn chết một người bạn từng bắt nạt mình 53 năm trước, nghe có vẻ nực cười nhưng đó là tất thảy những gì ông đã chịu đựng, suốt ngần ấy năm trời, từ nhỏ cho đến già. Thế mới thấy vết thương lòng không loại thuốc nào chữa được, nó như vết dao khắc lên đá, chỉ biết chai mặt với thời gian. Bạo lực học đường gây tổn thương tâm lý nạn nhân gấp vạn lần vết thương ngoài da. Sự việc không chỉ ngủ yên trong quá khứ, mà nó còn lưu giữ dài dài, khi clip cảnh bạo lực bị phán tán trên mạng xã hội, rồi lượt view lượt share tăng một cách chóng mặt. Có những người, chọn cái chết để quên đi cảnh bị bạn bè bắt nạt. Những kẻ bắt nạt, quay clip, like, share... kia đã gián tiếp cướp đi ước mơ, hoài bão và cuộc sống vui vẻ, hồn nhiên của người ta. Sự gia tăng nhanh chóng của số vụ bạo lực học đường đã làm tăng tỉ lệ người bị trầm cảm, tự kỷ ở giới trẻ, đồng thời phản ánh sự xuống cấp nghiêm trọng của các giá trị đạo đức con người. Chính vì những lẽ đó, chúng ta cần tìm ra biện pháp hạn chế vấn nạn này.

Trước tiên, người bị bắt nạn cần phải báo cho gia đình, nhà trường ngay khi sự việc xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời. Các bậc phụ huynh cũng phải quan tâm, lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, tình cảm cùng trẻ và giáo dục trẻ những kỹ năng phòng chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đồng thời tổ chức các cuộc thi tuyên truyền phòng - chống bạo lực học đường. Nhà nước cần đưa ra những chính sách, mức phạt thích đáng đối với đối tượng bạo lực và ra sức tuyên truyền qua báo, đài,... Mỗi người dân phải có trách nhiệm nhắc nhở, tố cáo những hành vi bạo lực học đường với cơ quan Nhà nước. Hãy cùng nhau nói không với bạo lực học đường!

Mỗi khi vụ bạo lực học đường xảy ra là chúng ta bớt đi niềm tin vào môi trường giáo dục ở nước ta. Hãy nhìn vào khía cạnh tích cực, còn rất nhiều những tình bạn bè đẹp đẽ, những tình thầy trò thiêng liêng, làm sao có thế phủ nhận toàn bộ lợi ích mà nhà trường đã mang lại cho chúng ta? Đừng để những giá trị đạo đức và ký ức tươi đẹp về ngôi trường của chúng ta bị bạo lực học đường “ăn mòn”. Hãy hành động ngay hôm nay. Còn riêng em, em sẽ học tập thật tốt để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: yêu thương, đoàn kết và tương thân tương ái.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VIẾT ĐẠT GIẢI NHÌ: Nguyễn Thị Ninh

Trong cuộc đời của mỗi người,qua bao trang sách mặt báo thì tuổi học trò chính là độ tuổi đẹp nhất của mỗi học sinh.Là cái tuổi mà trên mặt mỗi người còn mãi sự hồn nhiên,vui vẻ cùng đồng bạn trang lứa,là cái tuổi cắp sách đến trường mà mỗi người đi qua đều sẽ cảm thấy tiếc nuối.Nhưng hiện nay,liệu có còn như thế? Em nghĩ vấn đề của đoạn thông trên gợi ra rất rõ ràng,đôi người sẽ cảm thấy chút quen thuộc.Vì vấn đề này đã được nhắc đến quá nhiều, có rất nhiều bài báo đã viết về nó,nhưng qua năm tháng thì nó vẫn trở thành một cái gọi là tệ nạn xã hội trong học đường hay còn gọi là bạo lực học đường.

Vậy bạo lực học đường là gì? Bạo lực học đường là những hành vi, cử chỉ thô bạo, vi phạm đạo đức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của người khác trong phạm vi trường học. Nó bao gồm cả bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần. Mà em nghĩ rằng,ai trong chúng ta cũng đã ít nhất một lần nghe về vấn đề này.Nó làm em nhớ rất nhiều vụ việc từng chấn động cộng đồng mạng, vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị năm người bạn khác đánh đập,lột đồ,thậm chí còn quay cả video đăng lên mạng.Hay những trận học sinh đánh nhau nhưng lại mang theo cả vũ khí tổn thương người khác,thậm chí là cả tính mạng.Hay cả đoạn thông tin trên kia,cũng chỉ đang là học sinh nhưng lại có thể vác dao đi đánh người khác,để lại vết thương trên mặt.

Trong thời đại hiện nay, chỉ cần một bấm "bạo lực học đường" thêm cái click chuột thì vô số những hình ảnh, những vụ việc khác nhau ,mà đôi lúc khi đọc báo về bạo lực học đường,em bỗng cảm thấy rùng mình cùng tự hỏi :"Thế giới này rốt cuộc làm sao vậy? Tại sao những học sinh - rõ ràng là những người vô lo vô nghĩ,học tập trên giảng đường tại sao lại trở nên ác độc như vậy?".

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài trường học, tức  là mỗi ngày, sẽ có 5 vụ bạo lực học đường, Ít nhất 5 người trong độ tuổi học sinh bị tổn thương cả tinh thấn và thể xác.Mà chúng ta có thể thấy được,dù được nhiều bài báo viết đến, nhà trường tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường.Nhưng những năm gần đây, bạo lực học đường diễn ra lại càng thêm nghiêm trọng khiến người ta phải sợ hãi.

Trước hàng loạt con số và hình ảnh cùng thông tin như thế,còn mấy ai dám nói ,khoảng thời gian đi học là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất cả đời người? Trường học đầy bạo lực như vậy thì khác gì một địa ngục? Để giải quyết vấn đề này,thì trước tiên phải biết nguyên nhân của nạn bạo lực học đường.Trong nhiều mặt báo,nhiều vụ việc thì bạo lực học đường ban đầu chỉ là những xích mích nhỏ, ví dụ như cãi nhau, "nhìn đểu",mâu thuẫn xô xát nhỏ không được giải quyết triệt để ,thậm chí là cả đánh ghen....Những lý do khiến cho không ít người nghe nghẹn họng, chỉ một cái liếc đểu, một cái tranh cãi nhỏ mà học sinh lại có thể đánh nhau một mất một còn, một người vào viện một người vào đồn, làm gì mà phải khổ đến thể? Không phải là chỉ cần một lời xin lỗi, một chút tha thứ là xong rồi sao?

Thế nhưng đó chỉ là cách nhìn của những người lớn mà thôi,còn đối với những đứa trẻ đang độ tuổi đi học. Ở độ tuổi tâm sinh lý còn đang biến động,thay đổi từ trẻ con cho đến người lớn,học sinh thường phát triển theo chiều hướng muốn thể hiện bản thân, thích được mọi người quan tâm ,chú ý,có nhiều thứ muốn thử nghiệm,khám phá...Chính sự phát triển nhưng chưa hoàn thiện này khiến cho nhiều bạn có suy nghĩ xốc nổi,hiếu thắng dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường đáng tiếc.Thêm vào đó là những nguyên nhân khách quan khác, ví dụ như sự quan tâm của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục nhân cách của học sinh, hay một phần nguyên nhân nữa là sự phát triển quá nhanh chóng của mạng xã hội Internet.Vô số trò chơi bạo lực, phim bạo lực....dù giới hạn độ tuổi nhưng ở cái tuổi học sinh ,có bao nhiêu người thật sự vì cái mác 18+ hay 16+ mà không xem nữa? Và thậm chí những vụ bạo lực học đường này lại là cầu nối cho các vụ khác,người này trả thù người kia, bạn từng đánh tôi,tôi phải kêu người đánh bạn....

Hậu quả là rất nhiều học sinh bị dư chấn về tâm lý,khiến cho bản thân bất an ,lo lắng ,hoảng sợ khi đến trường.Nhiều người để lại thương tích,trở thành vết sẹo lớn,cả về thân thể lẫn tâm hồn, gây ảnh hưởng đến tâm lý,suy nghĩ không lý trí.Khiến cho nhiều học sinh phải vào trại giáo dưỡng,tương lai mờ mịt.Thậm chí là sự trả thù,ăn miếng trả miếng,khiến cho bạo lực học đường dai dẳng không thôi,khiến cho tâm lý của nhiều học sinh trở nên vặn vẹo.

Vậy cách xử lý và ngăn chặn cái có thể coi là tệ nạn xã hội này là gì? Thứ nhất chính là từ mạng xã hội, phải hạn chế tối đa những học sinh xem phim bạo lực,chơi trò đánh chém nhau.Bởi lẽ các em cũng chỉ là những trang giấy trắng tinh khôi,sẽ tự động tiếp thu vào tư duy của bản thân những gì gần gũi nhất.Thứ hai là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường và đồng thời là xã hội,mà trước tiên là phải nâng cao ý thức,trách nghiệm của học sinh, rèn luyện phẩm chất,đạo đức của học sinh đồng thời tuyên tuyền và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp và mài dũa cách nhìn nhận vấn đề.Để học sinh phải học cách xin lỗi,học cách tha thứ, học cách yêu thương người khác.Tuyệt đối phải ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tình trạng bạo lực học đường, đánh hội đồng hay tung video trên mạng.Thực sự,bạo lực học đường rất nghiêm trọng, nhưng nó còn tồi tệ hơn nếu như tung lên mạng.Vì rất có thể,sẽ còn diễn ra "bạo lực mạng",đồng thời để lại vết dao,cứa vào tim của những người bị hại, bởi vì khi đăng lên mạng,nào có còn xóa đi được nữa.Nếu thử đặt mình vào bản thân người bị hại, thì liệu bạn có muốn cảnh mình bị hành hung,đánh đập thậm chí là lột đồ để cho những con người như có như không trên mạng bình phẩm không? có muốn vết thương của bản thân bị người khác hung hăng bóp chặt,khiến cho đau càng thêm đau không? Nếu không thì xin đừng làm như vậy với những người bị hại,và quay những video kia nữa.Họ cũng chỉ là những người bình thường,cũng mong cầu hạnh phúc, yêu thương chứ không phải là thương hại.

Đó cũng chính là toàn bộ suy nghĩ của em về vấn đề trên,dù là như thế nào,em cũng hi vọng xã hội mỗi ngày một tốt hơn.Nhiều tình thương yêu và vị tha hơn.Đồng thời giáo dục cùng môi trường giáo dục thật sự là nơi để học sinh rèn luyện,bồi đắp bản thân ,để trường học đúng nghĩa là trường học,để yêu thương nối tiếp yêu thương.Để câu hát "Em  yêu trường em, với bao bạn thân, và cô giáo hiền như yêu quê hương, cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương..." còn vang lên theo đúng nghĩa của nó.Để tuổi học trò thật đẹp,rạng ngời cùng hồn nhiên là những ký ức đẹp của tất cả mọi người,chứ không phải riêng chỉ một ai.<: