Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 134

Viết một bài văn ngắn kể về kỉ niệm đáng nhớ nhất của em trong ngày Tết Trung thu.

------------------------------

Các bạn trình bày lời giải đầy đủ của mình vào ô Gửi Ý kiến phía dưới (chú ý không copy trên mạng). Ba bạn có lời giải hay và sớm nhất sẽ được giải thưởng từ Online Math (Giải nhất 200.000 đồng, giải nhì 100.000 đồng, giải ba 50.000 đồng). Giải thưởng sẽ được công bố vào Thứ Năm ngày 02/10/2020. Câu đố tiếp theo sẽ lên mạng vào Thứ Sáu ngày 02/10/2020.

------------------------------

Các bạn đạt giải các kì trước chú ý: các bạn mở hộp tin nhắn mới để nhận giải thưởng. Trong trường hợp không nhận được tin nhắn nhận thưởng thì các bản liên hệ với tài khoản Admin.

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 134

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Lyly

Năm nay mùa Trung Thu lại đến, nhưng Trung Thu năm nay đã khác hẳn so với xưa. Em đã không còn là một đứa trẻ như trước nữa, không còn cô bé là tung tăng chơi đùa, nghịch phá như trước đây. Nhưng cứ mỗi mùa Trung Thu đến, em lại nhớ mãi không quên về một kỉ niệm cũng là vào dịp Trung Thu nhưng vào 5 năm trước đây.
Năm đó, em còn là một học sinh lớp 5,nghịch phá,đánh nhau,...tất cả đều có đủ. Hồi đó, bọn trẻ như chúng em không có điện thoại, Ipad  hiện đại bây giờ, chỉ có mỗi đứa cầm trên tay một cái đèn lồng cùng nhau đến hội Trung Thu, xem múa lân, kịch hài....Trên khắp ngõ xóm, đâu đâu cũng toàn là tiếng cười nói đùa nghịch của bọn trẻ, tuy không phải Tết Nguyên Đán nhưng đứa nào cũng mang bộ đồ đẹp nhất. Con đường lúc xưa cũng được làm bằng đất, mưa đến thành một vũng bùn rất dễ trơn trượt, lúc đó lại chẳng có đèn đường gì cả, ai cũng cầm đèn không chỉ vì rước hội mà một phần cũng là rọi đường đi.
Lúc đó, em đi với vài đứa bạn thành một nhóm. Trong lúc ba đứa đang đi, ánh trăng tròn vành vạch lại dịu nhẹ chiếu sáng mọi nơi, cùng nhau đi đến hội trường - nơi mọi người đang đi xem hội, thì gặp một người có khuôn mặt rất ác, nhìn khuôn mặt cũng đã già rất giống như bà phù thủy trong truyện cổ tích chúng em thường nghe. Ấy thế là cả ba đứa chạy tới số, em nhỏ người nhưng chạy nhanh nhất, hai đứa bạn hốt hoảng chạy theo sau, cả ba đứa đều la toáng lên "phù thủy ăn thịt người, phù thủy ăn thịt người" nhưng bởi cái tội phá làng phá xóm, không gầm rú cháy nhà thì cũng là có trộm đã làm cho cả xóm miễn nhiễm,thêm nữa hét "phù thủy" thì cũng chẳng ai tin là thật nên đổi lại đó chỉ là những tiếng cười của con nít ngang tuổi em và tiếng chửi của người lớn "Gớm,cái bọn này lì thật.đêm Trung Thu mà vẫn nghịch như thế, chẳng bao giờ lớn được". Nhưng do đường trơn,chẳng bao lâu cả ba đứa do chạy nhanh đều đã té sòng soài,lồng đèn thì văng ra tan nát, cả một người toàn bùn đất mà lúc đó "phù thủy" đã đến gần. Chỉ còn biết cất tiếng khóc thất thanh, giây phút đó, em có liên tưởng đến cảnh cừu bị sói ăn hết của cô bé chăn cừu nhưng em còn thảm hơn, sắp bị ăn thịt đến nơi rồi. Vừa sợ vừa hối hận,em định chạy thêm lần nữa nhưng đường đã trơn lại thêm trong đầu toàn sợ hãi,em lại ngã liên tục thêm vài cú nữa, đau điếng. Đường lại vắng người, chỉ còn vài người ở nhà ăn Trung Thu, bọn họ chỉ xem đây là một trò đùa,chắc chắn sẽ không ra "ứng cứu", những người khác lại đi chơi hội cả rồi, bình thường em là  "Lão Đại" chuyên gia bày trò nhưng đến lúc này,mọi kế sách đều không ăn thua. Chạy không được thì phải biết làm gì? 

Em cuống quýt, lần này xong thật rồi. Nhưng "phù thủy" lại chỉ cất tiếng nói, "Làm các cháu sợ rồi hử hử?" ,trong tiếng nói vẫn mang theo sự trêu chọc và ý cười mồn một. Cảm thấy điều gì không đúng,chợt nhìn kĩ, liền nói: "Sao "phù thủy" lại có bóng được, hơn nữa nhìn hơi giống bà Huệ ở đầu xóm nhỉ?". Thằng Đạt trợn mắt với em, nó quát :"Mày bị ngu rồi à?" rồi lại chạy lại ôm bên bà,trở mặt trắng trợn "Bà Huệ đẹp lão thế này mà ai lại bảo phù thủy, không có mắt à. Ra đây,tao liều mạng với đứa đó.".Em với Ngân trố mắt, rõ ràng nó hét đầu tiên, bọn em chỉ biết chạy thôi. Ba đứa cả người đầy bùn, muốn đi chơi cũng khó, đèn lồng lại hư cả rồi. Phen này về nhà, cả ba đứa đếu ăn đòn no. Nhưng thật ra vẫn còn tốt lắm, tốt hơn so với bị ăn thịt nhiều mà, vẫn lời. Bà Huệ cười cười, xoa đầu chúng em cho ba đứa một ít kẹo chanh muối rồi kêu chúng em về đi tắm. Ba đứa lặng lẽ về nhà, lại nhìn bộ dạng thật thảm của bản thân. Em tặc lưỡi, như thế này mà bị bọn trong lớp nhìn thấy, bọn nó cười nấm đầu luôn chứ đùa. Em về nhà tắm, thay đồ áo, giặt luôn bộ quần áo đầy bùn để tránh mẹ lại hỏi, ngẫm nghĩ một lát, lôi quyển nhật kí ra, viết vài dòng rồi chui vào trong chăn ấm, thấy ánh trăng chứng kiến một màn ngu ngốc của tôi, rụt mình, viết trong nhật ký, chữ viết ngoằn nghèo: "Trăng thật sự xấu". Nhưng lại nghĩ lại,mình viết thế trăng cũng thấy,trăng sẽ buồn nhỉ,biết đâu lại kể cho mọi người chuyện vừa rồi,thế thì khóc chết mất.Rồi gạch đi,viết lại: "Trăng rất đẹp, là người bạn tốt, sẽ luôn biết giữ bí mật". Sau đó ngủ một giấc thật ngon.

Sáng hôm sau,đắn đo mãi,cảm thấy thấp em vẫn nói với mẹ chuyện ngày hôm qua.Biết sớm sẽ có một cơn thịnh nộ,nên em lặng lẽ mặc 3 lớp quần, chật ních, rất khó chịu thầm nghĩ "Gía mà có cái mồm dẻo kẹo như thằng Đạt thì sướng phải biết".Lúc kể với mẹ,vẫn thấp thỏm chẳng yên.Nhưng nghe hết chuyện mẹ lại cười nức nẻ,mẹ bảo với em: "Hư cái đèn lồng không quan trọng, làm bẩn quần áo không quan trọng. Quan trọng là con học được gì?". Em nói nhanh, cũng rất quyết tâm: "Tuyệt đối không nói dối nữa, con sẽ không thành cô bé chăn cừu". Mẹ lại hỏi tiếp "còn có gì?". Em cúi đầu, không nghĩ ra nữa. Mẹ nói: "Không đi vào chốn vắng vẻ ,mẹ đưa con lên hội trường rồi mà còn trốn đi về dắt bạn lên, đấy là không nghe lời mẹ. Còn cả không chỉ nghe người khác nói mà đã tin hoàn toàn, con cũng có nhận định, phải biết tính đúng sai. Cuối cùng là trưa nay đi với mẹ, xin lỗi bà Huệ, không ai thích bị nói là "xấu như phù thủy " đâu." Em dạ một tiếng rồi thở phào,thế mà không bị ăn đòn.
Từng kí ức, tiếng nói năm ấy như đọng lại trong tâm trí, em nhớ đến từng cử chỉ, suy nghĩ của mình năm đó. Giờ bà Huệ cũng đã mất, hôm đó cả ba đứa đều khóc rất lớn. Ba đứa mỗi đứa một nơi, một nguyện vọng khác nhau, chung quy cũng khó gặp lại. Thế nhưng kỉ niệm năm đó vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí em, cái vị kẹo chanh muối vẫn luôn như có một chút dư vị, bài học từ kỉ niệm năm đó,em cũng không bao giờ quên. Kỉ niệm đầu đời đó,quả thật rất đáng giá. Bỗng chốc, em nhớ lại lời mẹ từng nói: "Khi con lớn lên, những thứ con có đều không đáng giá bằng những gì con đã trải qua.Phải trân trọng từng người mà con đã gặp,nếu không thì sẽ rất hối hận". Qủa là như vậy, giờ đường đã trở thành đường bê tông, đèn đường sáng rực,những ngôi nhà cũng ngày càng to và đẹp hơn, số nguời đến hội trường ngày càng ít dần, năm nay thì cũng tổ chức không còn rộn ràng như năm đó nữa, chỉ còn tiếng múa lân nhưng cũng không còn sôi động như xưa. Cảnh vật khác, người cũng khác, hôm qua thấy trung thu bọn trẻ hầu như chỉ toàn cầm điện thoại, đi chơi hội nhưng hoàn toàn không chút náo nhiệt, chỉ có toàn người lớn đi hát karaoke, tiệc tùng inh ỏi. Em chợt nhận ra, bọn trẻ bây giờ, thật sự đã bị tước đi nhiều thứ mà có lẽ,chính chúng nó cũng đã dần quên. Trung Thu năm nay vẫn phát kẹo,chỉ là em đã quá tuổi để nhận rồi, vẫn nhìn ánh trăng sáng như chiếc đĩa bạc trên không trung ấy, bỗng chốc thấy cũng bật cười: "Hóa ra chỉ còn ánh trăng vẫn mãi vẹn nguyên như thế còn lòng người thì theo thời gian cũng đã khác. "Kỉ niệm xưa lưu giữ mãi trong những kí ức tuổi thơ vô tư lự ấy, nhưng em cũng chưa từng hối hận bởi những việc làm trong quá khứ, bởi có nó, mới có em ngày hôm nay.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Witty_

Theo lệ, cứ Trung Thu hàng năm là địa phương em lại tổ chức đi thăm các gia đình nghèo chính sách, có công với tổ quốc và tặng quà làm nguồn động viên tinh thần cho họ. Cảm giác có chút lo lắng dường như chẳng còn khi được ghé thăm những cụ có công với cách mạng với nụ cười hiền hậu ẩn sau là một niềm bất hạnh to lớn. Khi gặp những cụ như vậy cảm giác tự hào vì nòi giống dân tộc bỗng dưng được đề cao đến lạ, sự vui sường khi nghe những thành công do các cụ kể, sự buồn đau khi nghe về những sự ra đi hay thất bại của các trận đánh. Đó là cảm giác cả đời mà không thể nào có được nếu chỉ ở trong căn nhà và trường học.

Món quà trung thu được nhận của các bạn Đoàn viên chưa dừng lại ở đấy. Món quà to nhất, kỉ niệm nhất suốt cả cuộc đời chúng em là:

Ghé thăm một ngôi nhà tồi tàn ở góc huyện để trao quà cho em Quỳnh -  một học sinh giỏi 7 năm liền của huyện chúng tôi nhưng lại có hoàn cảnh gia đình cực kì khó khăn. Khi vào nhà, chúng tôi không thấy ai cả đi thêm chút nữa mới thất một bà già nằm ở trên chiếc giường vừa nhỏ, vừa bẩn, vừa nát. Đang suy nghĩ liệu có vô nhầm nhà thì trong một em bé với gương mặt thanh tú nhưng lại có nước da nâu bẩn bẩn mặc đồ dơ dáy. Hỏi mới biết đây chính là em Quỳnh - em học sinh mà chúng tôi tìm kiếm.  Ngồi xuống nói chuyện với em chúng tôi mới biết rằng bố mẹ em đi làm xa rất lâu mới về có khi cả năm chỉ về một lần . Nghe đến đây tôi đã cảm thấy tự hào vì có cha mẹ thương yêu hết mực luôn ở bên những lúc tôi cần. Sau đó em còn nói mà nước mắt em chảy từ bao giờ:

" Bố mẹ em đi làm xa nên không ai chăm sóc bà nội em hết, nên em đã tự tay chăm sóc bà như một người con của bà luôn quan tâm bà. ... Nhưng, nhưng"

"Sao vậy em?" - chúng tôi ai cũng mốn biết câu trả lời.

" Bà em ốm nặng lắm mấy anh chị ơi, bà luôn bị cơn đau hành hạ mỗi lúc nửa đêm nhưng vì sợ em lo lắng nên bà đã chỉ thầm hét trong sự đau đớn vô bờ. Ước gì mà em có thể chịu được cơn đau cho bà một phần nào thì hay biết mấy, anh chị nhỉ?"

Chúng tôi ai cũng khóc thầm, tôi lại hỏi em:

"Bà em ốm nặng vậy sao không đưa bà đi viện chưa em?"

Đến đây cô bé cười trừ nhưng trong lòng tôi cảm giác như đã lỡ làm tổn thương cô bé tội nghiệp ấy. Nhưng em vẫn nói:

"Gia đình em không thể nào đủ tiền chăm sóc thật tốt cho bà chị à? Đến tiền học của em bố mẹ em còn phải chi tiêu thật tiết kiệm mới có thể dành dụm được cho em."

Rồi em lại nói thêm: " Mấy anh chị nghĩ em bỏ học để lấy tiền đó chữa bệnh cho bà có được không ạ? em thấy bà đau em thương bà nhiều lắm. Nhưng em lại cũng rất thích được đến trường."

Lòng tôi thấy thật thắt lại. Bao lâu qua được sự chăm sóc tận tình cho việc học của tôi cha mẹ đã cũng phải lao động khó khăn mới có được những đồng lương ấy vậy mà tôi lại chỉ biết ham chơi cùng lũ bạn, trốn tiết, ngủ gật, không làm bài tập...

Nhưng em lại càng xúc động hơn khi nghe cách học của em Quỳnh. Em kể rằng:

"Sáng em dậy sớm làm việc nhà, nấu cháo cho bà rồi lấy thuốc cho bà uống. Rồi em đi đến trường, trong giờ ra chơi em không dám đi chơi mà ngồi làm bài tập tiết kiệm thời gian một cách tối đa để còn có thời gian chăm sóc cho nội. Chiều em lấy vở ra học sơ sơ và ngồi bên bà để bà vui. Tối đến em mắc màn cho bà ngủ xong lại ngồi học một mạch đến 3 giờ sáng rồi ngủ 2 tiếng và dậy lại làm các công việc như thế." 

Tôi bỗng nhớ lại câu nói đã được nghe đâu đó. "Cuộc đời bắt bạn luôn phải gánh. Những lúc bạn cảm thấy mình không gánh gì không phải là bạn không gánh mà là có người gánh thay. "Đúng vậy, những công việc nhà như vậy đâu phải nhà mình không có mà là do mình không làm thôi. Mình thật nhỏ nhen, ích kỉ, lười nhác không khác gì ăn bám mà còn tưởng oai.

Tôi bỗng giật mình khi có cậu bạn đằng sau hỏi em sau này mơ ước làm nghề gì?

Em nhỏ nhẹ trả lời: 

"Em muốn sẽ trở thành một cô bác sĩ chữa bệnh cho những người như bà em mà không lấy tiền. Em nhất định sẽ làm được!"

Câu nói lại một lần làm đàn chị là tôi thấy thẹn vì mình chẳng bao giờ nghĩ đến tương lai không có một khát vọng hay hoài bão trở thành một người như thế nào, có ích cho xã hội không?

Tôi hỏi em có thích Trung Thu không?

Gương mặt bỗng ứng lên những chùm tia hạnh phúc, nhưng lại ỉu xuống và nói: 

"Em thích lắm. Nhưng người như em luôn bị bạn bè lánh xa vì quá nghèo có thể ra chơi với các bạn ư? Em cũng chưa bao giờ được cầm một chiếc đèn trung thu cho thật mới, thật xinh mà mới chỉ được ngắm từ xa thôi. Với lại nội em ốm lắm em cần ở bên để luôn có thể chăm sóc bà đó ạ."

Chúng tôi chẳng còn nên lời với hoàn cảnh khó khăn bất hạnh này. Gia đình thiếu bóng mẹ cha, thiếu tiền bạc, thiếu cả một tình thương của những người xung quanh. Chỉ biết gửi em những lời chúc tốt đẹp nhất để em vững tin bước tiếp trên con đường đời.

Qua dịp tết Trung Thu này tôi như được truyền một nguồn cảm hứng mới. Có động lúc hơn để trở thành con ngoan, trò giỏi của các thầy cô. Và đây cũng là là món quà Trung Thu to nhất mà tôi đã và sẽ được nhận trên đời này. 

Năm nay bà em đã mất. Em đã trút được một nỗi gánh nặng mặc dù em không muốn như thế. Nhưng tôi tin là em dù có ra sao đi nữa thì em vẫn sẽ luôn kiên cường vượt qua được mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.