Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 120

1. Trình bày những hiểu biết của em về bức ảnh trên.

2. Từ bức ảnh trên, em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: Hạnh phúc là cho và sống vì người khác.

------------------------------

Các bạn trình bày lời giải đầy đủ của mình vào ô Gửi Ý kiến phía dưới (chú ý không copy trên mạng). Ba bạn có lời giải hay và sớm nhất sẽ được giải thưởng từ Online Math (Giải nhất 200 000 đồng, giải nhì 100 000 đồng, giải ba 50 000 đồng). Giải thưởng sẽ được công bố vào Thứ Sáu ngày 26/06/2020. Câu đố tiếp theo sẽ lên mạng vào Thứ Sáu ngày 26/06/2020.

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 120:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Dương

Câu 1: Bức ảnh trên nói về hai chú cảnh sát cơ động cứu cháu bé bị co giật ở sân vận động Thiên Trường. Một chú bế cháu bé chạy nhanh đi cấp cứu, một chú thì chịu đau cho cháu cắn tay để cháu không bị cắn lưỡi.

Câu 2: “Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Khi con người càng trải qua dòng chảy cuộc đời thì càng thấm đẫm ý nghĩa hai câu thơ ấy của Tố Hữu. Đó là lẽ tự nhiên hiên ngang sống trong mọi thời đại: Cho đi, cuộc sống mới có ý nghĩa! Thế nên, một cách khách quan và đầy kinh nghiệm, có người cho rằng: “Hạnh phúc là cho và sống vì người khác". Lẽ nào sống cho riêng mình, chúng ta không thấy cô đơn, lạc lõng? Lẽ chăng con người ích kỷ sẽ được mọi người yêu thương và sống trong hạnh phúc? Bạn biết câu trả lời rồi đấy, đó là lý do ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn!
Vậy hạnh phúc là gì mà góp phần lớn cho một cuộc đời ý nghĩa? Hạnh phúc là cảm xúc vui sướng, thỏa mãn về vật chất hay tinh thần khi đạt được một điều nào đó như ý muốn. Hạnh phúc đôi khi không phải là sơn hào hải vị hay nước hoa đắt tiền, mà là một gói xôi khi đói hay một phút gặp gỡ giữa mẹ và người con xa xứ, quan trọng hơn hết là những điều bình dị nhưng ý nghĩa và sự bằng lòng thực tại. Một người hạnh phúc sẽ nhìn cuộc đời dưới góc độ tích cực và đầy màu sắc, từ đó làm nên những điều tích cực, hay ít nhất là lan tỏa hạnh phúc đến mọi người. Hạnh phúc là thứ vô hình nhưng người ta vẫn thường nói “cho đi hạnh phúc", “nhận lấy hạnh phúc"... như một món quà vật chất cầm nắm được. Tại sao thế? Cũng dễ hiểu thôi khi chúng ta trao đi niềm tin, lòng thương mến, vị tha, sự tôn trọng hay điều tử tế với người khác, thì đó chính là món quà vô cùng ý nghĩa viết nên câu chuyện cuộc sống rồi. Cuộc sống đầy ắp món quà, bạn đã nhận được chưa? À, đây là quà đặc biệt, nên bạn cũng phải nhận theo cách đặc biệt chứ - cho đi bằng yêu thương, cuộc sống trao lại bằng thương yêu!
“Cho đi" ở đây không phải là cho những thứ mình không dùng đến, chăm chăm nghĩ đến lợi của mình, mà là cho vì người khác họ cần, vì miếng cơm giúp họ no, vì manh áo giúp họ ấm. Đó là sống vì người khác! Vì thế cho đi và sống vì người khác có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mình không cho đi, sao gọi là sống vì người khác? Họa chăng cũng là vì người khác mà lòng đố kỵ hay lòng tham tăng lên bội phần cho những người ích kỷ.
Như vậy, “Hạnh phúc là cho và sống vì người khác\" là một chân lý sống khai thông lối sống tử tế cho con người: Yêu thương và sẻ chia chính là giao điểm giữa ngã ba người với người, với hạnh phúc. Là điều giản đơn mà ai cũng có thể làm được nhưng lại làm nên hạnh phúc lớn, cho mình và cho người! Thật là một sức mạnh vi diệu!
Một nơi tràn đầy sự cho đi và sống vì người khác sẽ “cảm hóa” được cả Nam Cực lạnh giá. Bởi đó là hơi ấm nồng, không quá nóng để làm tan chảy mọi thứ, mà chỉ đủ nóng để sưởi ấm. Còn nơi thiếu đi những người biết cho đi và sống vì người khác thì dù là sa mạc Xa-ha-ra cũng trở nên lạnh giá. Thương thay cho phận “cô bé bán diêm\" phải chết rét mà nguyên nhân sâu xa chính là do trái tim băng giá tồn tại trong con người vô tâm, ích kỷ. Thật đáng sợ!

Hoặc là có những con người cũng đáng sợ không kém khi họ cứ “miệng nam mô bụng bồ dao găm\". Những người ấy chỉ lợi dụng sự cho đi để đưa mình lên cao, ở một độ cao mà người khác phải ngước nhìn. Nói cách khác, “cho đi" như một sự xem thường của họ dành cho người nhận, mà điển hình trong xã hội là sự phân hóa giàu nghèo tạo khoảng cách giữa người với chính đồng loại của mình. Đôi khi của cải lại là hạt mầm của lòng ích kỷ và kiêu ngạo. Điều đáng buồn là một bộ phận không nhỏ trong xã hội lại biến “nhiều của" thành nước mát tưới cho hạt mầm ấy, để rồi cuối cùng họ chợt tự vấn, “hạnh phúc là gì?”.
Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng đôi khi, ta cứ lẩn quẩn tìm hạnh phúc mà không thấy đâu như hổ tìm đuôi của mình, vì ta đã quên rằng, hạnh phúc ở ngay bên cạnh ta, chỉ cần ta biết mở lòng và thấu cảm, sẻ chia thì tự khắc hạnh phúc sẽ luôn theo ta.
“Hạnh phúc là cho và sống vì người khác" nghe có vẻ cao thượng quá, nhưng thật ra đơn giản lắm bạn à! Không phải đến khi nào bạn có tiền mới có thể cho đi, mà bạn có thể cho quà tinh thần mà? Công thức là chỉ cần có tình yêu, mọi thứ đều sẽ “ngon", chẳng phải có câu thơ rất hay đấy sao – “Còn gì đẹp trên đời hơn thế, người với người, sống để yêu nhau". Hay bạn có thể cho đi những thứ nhỏ nhoi nhưng người khác cần như nhân dân ta có câu “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn". Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ cố gắng học tốt để biết lẽ làm người, và không quên giúp đỡ những người gặp khó khăn khi mình có thể. Em không biết gì nhiều, nhưng em biết rằng, là con người, hãy sống như một con người!

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: PHẠM NGUYỄN MINH ANH

1. Đây là hình ảnh đồng chí CSCĐ nén đau kịp thời cứu sống bé trai bị co giật được vinh danh khoảnh khắc báo chí 2019

2. Có nhiều từ ngữ để diễn tả cảm xúc, tâm trạng của bản thân như: vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ. Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Đó là một cảm xúc bậc cao mà chỉ có ở loài người. Hạnh phúc mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Khái niệm về hạnh phúc có thể không thay đổi nhưng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người, mỗi xã hội, mỗi thời kỳ là khác nhau. Đặc biệt, quan niệm về hạnh phúc trong xã hội ngày nay có nhiều điểm khác với các thời kỳ trước đây.

Hạnh phúc, sung sướng là hai từ gần nghĩa, đều chỉ cảm giác thoải mái khi đạt được một giá trị, một mục đích, một kết quả những điểm khác nhau nằm ở tính hữu hình hay vô hình của giá trị, của mục đích, của kết quả đạt được đó. Chẳng hạn, tình yêu, sự thành công, sự nổi tiếng, sự yêu mới mang lại hạnh phúc. Còn tiện nghi sinh hoạt, sự giàu có mang lại sự sung sướng. Ngoài ra còn phải kể đến cảm giác sung sướng khi được thỏa mãn các bản năng cơ bản như ăn uống, vui chơi giải trí. Hạnh phúc có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ ngôn ngữ, chữ viết đến lời nói, hành động. Có thể từ "hạnh phúc" ở mỗi quốc gia có vỏ ngữ âm và chữ viết khác nhau nhưng đều mang chung một ý nghĩa, đó là chỉ trạng thái vui vẻ, sung sướng, phấn khởi, những cảm xúc tích cực của con người.

Những quan điểm về hạnh phúc rất đa dạng, phong phú và thậm chí khác biệt, đối lập nhau tùy theo từng tính cách, hoàn cảnh sống của mỗi con người cũng như bối cảnh xã hội. Có người cho rằng hạnh phúc là khi đạt được thành công, danh vọng, tiền tài, có người nói chỉ cần giữ cho tâm hồn mình trong sạch, thảnh thơi là có được hạnh phúc rồi, có người lại cho rằng cứ được nhiều người tán dương, khen thưởng, được mọi người biết đến là đạt được hạnh phúc rồi…Cũng như tính cách muôn màu mỗi người khác nhau, hạnh phúc thật khó đoán định và định nghĩa chính xác được nó trong xã hội thực tế. Tuy vậy, điểm chung về hạnh phúc trong mỗi người là sự thoải mái về tâm lí cũng như sự toại nguyện về ý muốn của mỗi người đối với những sự kiện trong cuộc đời.

Quan niệm về hạnh phúc còn có mối liên hệ chặt chẽ với hoàn cảnh xã hội. Với mỗi bối cảnh xã hội khác nhau, như cầu con người khác nhau, và khả năng cung cấp tiện nghi trong cuộc sống là khác nhau thì quan niệm về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau, và khả năng cung cấp, tiện nghi trong cuộc sống là khác nhau thì quan niệm về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Trong thời kì chiến tranh, hạnh phúc có thể là khi đánh thắng quân thù hay khi hậu phương tuy vừa sản xuất vừa chiến đấu nhưng vẫn vượt chỉ tiêu cung cấp lương thực, vũ khí cho tiền tuyến. Trong thời kì đói nghèo, hạnh phúc có thể đơn giản chỉ là có bát cơm để ăn no bụng. Trong thời kì loạn lạc, hạnh phúc biết bao khi cả gia đình có thể đoàn tụ. Có một niềm hạnh phúc khôn xiết hơn cả đối với nước Việt Nam nói riêng và các đất nước chịu áp bức nói chung là khi đất nước giành độc lập, hay khi non sông được thống nhất. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của chung cả một dân tộc, đất nước.

Có thể thấy, hạnh phúc trong quá khứ thật bình dị, giản đơn. Nhưng trong thời đại ngày nay, khi xã hội phát triển về mọi mặt, khoa học kĩ thuật không ngừng được nâng cao, hoàn thiện, nhiều tiến bộ khoa học đã và đang mang đến cho con người một cuộc sống vô cùng tiện nghi, đầy đủ. Xã hội, cuộc sống càng phức tạp thì quan niệm về hạnh phúc càng không đơn giản nữa.

Cuộc sống hạnh phúc không thể thiếu sự cống hiến. Đó là không chỉ là cống hiến theo sở thích, cho những điều mình đam mê của bản thân mà còn là cống hiến cho xã hội, cho đất nước.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Nguyễn Thắng

1. Bức ảnh trên là hình ảnh một cổ động viên nhí bị ngất và được các nhân viên an ninh bế đi cấp cứu trong trận đấu trên sân Thiên Trường giữa CLB Nam Định và CLB Hoàng Anh Gia Lai.

2                                                                    Bài làm

           Trong cuộc sống đời thường, mỗi con người luôn tìm kiếm hạnh phúc cho mình những mỗi người mỗi quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Có người cho rằng: hạnh phúc là sự thỏa mãn về vật chất, được sống sung sướng, đầy đủ những tình cảm riêng của mình. Rồi có nhiều người lại nói: chỉ khi biết theo đuổi ước mơ, ham mê với cuộc sống đã hạnh phúc rồi, nhưng cũng không ít quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng. Đối với họ cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. Và Beethoven quan niệm như thế đó, những người biết sống vì người khác, biết đem lại hạnh phúc cho người khác là những người có tâm hồn nhân hậu, có tâm hồn cao cả mà những người đời phải ngưỡng mộ. Họ luôn được nhận hạnh phúc, có cuộc sống đầy ý nghĩa tốt đẹp và thật đáng trân trọng. Phải chăng họ luôn chia sẻ hạnh phúc từ người khác để trao tặng họ. Trong thực tế, có rất nhiều người dù chỉ quyên góp số tiền nhỏ nhoi nhưng họ cũng cảm thấy mãn nguyện vì đã góp một phần mang lại niềm vui cho những người bất hạnh. Hay chúng ta là một học sinh, chỉ mua được một gói tăm cho người mù ta cũng cảm thấy mình vui đến thế nào. Tuy chỉ là những việc làm nhỏ nhưng những con người ấy xứng đáng là gương mặt tiêu biểu để ta tự hào, tự hào vì đất nước Việt Nam luôn có những con người biết yêu thương, chia sẻ, biết đem đến cho nhau hạnh phúc.

Thế mà bên cạnh đó lại có những kẻ có lối sống vị kỉ đối với quần chúng xã hội. Hiện nay, không ít người, đặc biệt là giới trẻ luôn có những quan niệm sai lầm về hai từ ” hạnh phúc”. Họ nghĩ rằng hạnh phúc là khi ta đạt được mục đích riêng của mình, đạt được những thứ mình cần có. Có lẽ vì thếmà xã hội vẫn còn xuất hiện con người sống ích kỷ, hẹp hòi, chỉ chăm lo cho hạnh phúc của riêng mình, mặc thây cho nỗi đau của đồng loại. Họ làm mọi cách để mình hạnh phúc, đến khi đạt được nó họ khinh ghét hạnh phúc tầm thường của người khác. Bản thân họ cũng chính vì hạnh phúc mà sinh ra lòng đố kị, ghen nanh,… để rồi họ phải gánh chịu một hậu quả khôn lường.

Tóm lại, câu nói của nhạc sĩ Beethoven là quan niệm xác thực, đúng đắn trong cuộc sống con người ngày nay. Chúng ta sẽ sống trong hạnh phúc khi ta biết đem hạnh phúc đến cho mọi người. Dù mai này, có được sống trong thế giới hạnh phúc của mình thì chúng ta đừng bao giờ quên câu nói quý giá này.