Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Bài văn số 110

1. Ai là người phát minh ra máy "ATM - phát gạo" trên? 

2. Bằng một bài văn ngắn, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề được gợi ra từ bức ảnh trên.

-----------------------------

     Các bạn trình bày lời giải đầy đủ của mình vào ô Gửi Ý kiến phía dưới (chú ý không copy trên mạng). Ba bạn có lời giải hay và sớm nhất sẽ được giải thưởng từ Online Math (Giải nhất 200 000 đồng, giải nhì 100 000 đồng, giải ba 50 000 đồng). Giải thưởng sẽ được công bố vào Thứ Sáu ngày 17/04/2020. Câu đố tiếp theo sẽ lên mạng vào Thứ Sáu ngày 17/04/2020.

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 106:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: 0o0 cô nàng ở đâu xinh thế 0o0

1) Người phát minh ra máy "ATM - phát gạo" trên là: anh Hoàng Tuấn Anh

2) Cuộc đời của mỗi người ai cũng có một mái ấm, có một tình thương có sự đùm bọc trở che của người thân trong gia đình. Nhưng ngoài xã hội có phải ai cũng được như vậy không? Phần hạnh phúc chúng ta nhìn thấy được chỉ là một trong số mảnh đời có nhiều bất hạnh ngoài kia đặc biệt trong mùa dịch bệnh Covid - 19 đang diễn ra , chúng ta càng nhận thấy dễ dàng những cuộc đời éo le không có việc làm đang cố gắng đi gom từng mảnh vụn để mong có bữa cơm sống qua ngày. Bằng niềm thương người và giá trị nhân văn, anh Hoàng Tuấn Anh đã phát minh ra máy phát gạo miễn phí cho người nghèo sưởi ấm trái tim của bao nhiêu người nghèo khổ đang sông ngoài kia. Hình ảnh những người dân góp gạo chia sẻ cho người khó khăn hơn mình cũng đã thể hiện giá trị nhân đạo của người đồng mình " Lá lành đùm lá rách".

           Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau” . Đúng vậy, chúng ta là những  người có cùng dòng máu, có cùng lá cờ đỏ thắm sao vàng và dòng máu Lạc Hồng nên chúng ta càng rõ ràng hơn tương thân tương ái là như thế nào. Dịch bệnh càng diễn ra phức tạp với gần 300 ca bệnh nhưng không phải nhờ lòng yêu thương và tình đồng bào của dân tộc ta cũng đã gần vượt qua và cuộc sống của người dân sẽ trước như trước. Hãy cố gắng vượt qua nốt kỳ này bởi có một tương lai, một cuộc sống mới đang chờ ta ở phía trước. Hãy chia sẻ đồng lòng với đồng bào chính phủ để giải quyết nguồn nguy hại  này một cách nhanh nhất.

          Nhưng bây giờ trong mùa dịch bệnh, hửng ứng khẩu hiệu của chính phủ cách ly ở nhà là bảo vệ bản thân và xã hội, những người nghèo khổ ngoài kia vô cùng khó kiếm cơm, manh áo để mặc. Những người trẻ tuổi thì không sao nhưng những người già, những người họ vẫn đang làm nghề buôn bán sắt vụn thì dó là cắt hết nguồn tài tài của gia đình họ. Có lẽ chiếc máy "ATM - phát gạo" của anh Hoàng Tuấn Anh ra đời thật đúng lúc. Nó không chỉ giải quyết được tạm thời về lương thực thực phẩm cho những người nghèo mà đó còn thể hiện tấm lòng nhận hậu nhường cơm sẻ áo của nhân dân toàn nước khi tất cả mọi người cùng nhau đến quyên góp gạo giúp đỡ cho người đồng mình. 

         Ngày xưa, khi đất nước ta mới dành được độc lập, nạn đói chưa chấm dứt và cũng có rất nhiều người không có cơm ăn, người dân khắp trên cả nước đã đổ về một nơi,lập hũ gạo cứu đói " Một nắm khi đói bằng một gói khi no". Ngay cả bác Hồ, Bác cũng tham gia đóng góp cùng toàn dân và nêu ra sáng kiến: 10 ngày nhịn ăn một bữa. Thật cảm động đúng không? Ngay cả thời xưa dân ta cũng biết cách cứu lấy dân ta và bây giờ, thế hệ chúng ta cũng hưởng ứng nối tiếp hành động của cha ông đồng lòng giải quyết khó khăn của người đồng bào trước mắt để cho thấy lòng yêu thương đoàn kết sẻ chia của dân tộc Việt Nam. 

          Là một người học sinh đang ngồi học trên ghế nhà trường, tôi cần phải tham gia tích cực hơn nữa những buổi tình nguyện, thương người như thể thương thân. Tôi sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có thể làm cho đất nước mình vươn xa ra toàn 5 châu, sẽ tìm ra những phát minh vĩ đại để bảo vệ sức khỏe con người.

          Tóm lại, hình ảnh những người dân mang gạo ra quên góp với chiếc máy "ATM - phát gạo" như một minh chứng khẳng định của dân tộc Việt Nam: Chúng ta là đồng bào một nước, nên đoàn kết để mọi người cùng nhau vượt qua đại dịch covid 19. Sẽ không ai bị bỏ rơi vì chúng ta là một thể, chúng ta đáng được sống.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Đặng Thị Lệ Quyên 

Câu 1:

Người phát minh ra máy “ATM – phát gạo” trên là anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi), sinh ra và lớn lên tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm học tập và kinh doanh ở nước ngoài, anh quyết định trở về quê hương để lập nghiệp, theo đuổi nghề sản xuất khóa cửa điện tử thông minh và mô hình nhà thông minh. Hiện nay anh đang là Giám đốc công ty PHG Lock.

Câu 2:

       Hiện nay, đại dịch COVID -19 (hội chứng hô hấp cấp tính nặng do Virus Corona chủng mới gây ra) đang là một trong những mối quan ngại lớn nhất đối với nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, con người lại đang tất bật để tìm cách đối phó. Khi đó, mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ lại có những phản ứng rất khác nhau trước đại dịch ấy. Đối với quê hương Việt Nam_một đất nước còn đang phát triển, còn nghèo, nhưng  điều làm tôi thật ấn tượng, thật cảm phục đó chính là “Tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng và cùng chung tay vượt qua đại dịch của những con người đất Việt”.

       Thực vậy, trong thời chiến cũng như thời bình nhân dân Việt Nam đều một lòng hướng về tổ quốc, về đất nước thân yêu. Thời chiến tranh loạn lạc, tinh thần ấy đã bừng lên trong họ, những chiến sĩ, những con người đã hi sinh, đã chiến đấu quả cảm vì một màu cờ sắc áo, họ hi sinh cả cuộc đời mình cho tổ quốc, cho quê hương.  Trở về quá khứ, ở những năm 1945, dân tộc ta đã phải đối mặt với một nạn đói khủng khiếp, nạn đói ấy đã cướp đi sinh mạng của biết bao những người dân vô tội. Thế nhưng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu “nhường cơm sẻ áo”, tổ chức “hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm” , từ đó hàng vạn tấn gạo đã được nhân dân cả nước đóng góp, chia sẻ với những đồng bào đang phải chịu thảm họa của nạn đói. Nhờ vậy, nạn đói đã được đẩy lùi, đời sống nhân dân đi vào ổn định. Còn trong thời bình, trước mắt là đại dịch toàn cầu, đã hơn hai tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Đảng và Nhà nước ta đã đồng lòng cùng nhân dân để vượt qua đại dịch ấy, với tinh thần “ chống dịch như chống giặc “, “ở nhà là yêu nước”. Những y bác sĩ phải làm việc hết công suất, túc trực ngày đêm để chăm lo cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19, những chú bộ đội phải nhường chỗ ăn, chỗ ngủ của mình cho những người bị cách ly….. Không chỉ vậy, trong mùa đại dịch, những người vô gia cư, người bán đồng nát, ve chai … đã nghèo nay lại còn cùng cực hơn. Bấy giờ, có rất nhiều mạnh thường quân đã ra tay giúp đỡ mặc cho doanh nghiệp của họ cũng thua lỗ do đại dịch. Trong đó, tiêu biểu có anh Hoàng Tuấn Anh_người phát minh ra máy “ATM-phát gạo” với thông điệp "Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Ủng hộ mục đích tốt đẹp mà anh hướng tới, nhiều người dân ở Thành Phố Hồ Chí Minh đã tự nguyện ủng hộ thêm gạo và tiền cho hoạt động thiện nguyện, đầy ý nghĩa này của anh. Người xưa có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hành động của anh thật cao cả, thật đáng trân trọng, anh đã giúp cho họ_những người vô gia cư, nghèo khó, cùng cực,…có được bữa ăn để qua ngày. Hơn thế nữa, hành động ấy cũng thu hút được sự chung tay góp sức của nhiều người, của nhiều những mạnh thường quân khác để cùng giúp bà con vượt qua đại dịch. Một hành động dù “nhỏ” nhưng hạnh phúc mang lại thật “to”.

       Như vậy, bất kể trong hoàn cảnh nào, con người Việt Nam ta cũng luôn một lòng hướng về Tổ Quốc, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, bất kể trong tình thế nào thì những con người đất Việt vẫn sẽ luôn đoàn kết, đồng lòng và cùng nhau vượt qua. Để rồi sau này khi đi xa, ta có thể tự hào hai tiếng “ Việt Nam”- hai tiếng ấy thật cao quý, thật thiêng liêng.

 DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: NaNa

1. Máy "ATM - phát gạo" do chú Hoàng Tuấn Anh cùng các cộng sự phát minh ra.

2 .Em vẫn nhớ hai câu thơ mà Tố Hữu đã từng viết: "Còn gì đẹp trên đời hơn thế nữa- Người với người sống để yêu nhau". Quả thật, tình người là thứ đẹp nhất, quý nhất trên cuộc đời này. Máy "ATM- phát gạo" là một minh chứng cho lòng tốt vẫn còn hiện diện giữa đời thường, sự đùm bọc ấy còn đáng quý hơn nữa trong lúc con người đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh nCoV.

Hiện nay, Nhà nước đang yêu cầu người dân thực hiện nghiêm " cách li toàn xã hội". Nhiều người không đi làm, như các cô chú bán hàng rong, bán vé số,... cuộc sống trước kia vốn dĩ đã khó khăn nay còn khó khăn gấp bội. Vì thế mà chú Hoàng Tuấn Anh đã phát minh ra máy "ATM gạo" nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn.Chiếc máy "ATM gạo" ấy chính là niềm tự về một con người Việt Nam sáng tạo bằng lòng nhân ái. Lấy ý tưởng từ máy ATM rút tiền, ở nhiều nơi trên thế giới cũng đã có máy ATM mỹ phẩm, thức ăn,... nhờ đó chú Tuấn Anh đã có ý tưởng  phát minh nên một sản phẩm giúp được cho nhiều người.Tại đây,người dân không phải tụ tập đông đúc, chen lấn, xô đẩy mà xếp hàng cách nhau 2m, rửa tay, lấy bịch, nhấn nút và gạo sẽ  chảy ra. Mỗi người được nhận 1,5kg và lấy không quá 2 lần/ngày.

Nghe tin về chiếc máy “ATM gạo” của chú Tuấn Anh giúp hàng ngàn người nghèo trong mùa dịch COVID-19, nhiều  doanh nghiệp, người dân tại Sài Gòn và vùng lân cận đã tới tiếp sức hỗ trợ. Có người 20kg, có người 50kg , 100kg, nhưng em biết rằng, không quan trọng là góp ít hay nhiều bởi vì tấm lòng của mọi người mới là cái mà họ góp vào trong máy ATM- phát gạo này. Có người còn chở cả xe ô tô gạo từ mạnh thường quân, các chiến sĩ công an cũng chung tay giúp đỡ. Những xe đầy ắp gạo, đầy ắp yêu thương. Dịch bệnh là nỗi sợ, là hiểm nguy, nhưng trong những lúc khó khăn như thế này chúng ta mới biết được là tình người luôn tồn tại. Kể cả những người khó khăn đến nhận gạo cũng có những lời nói đầy xúc động:" Tôi lấy 1,5kg gạo là gia đình đủ ăn 2 ngày rồi. Chứ mình không lấy dư vì còn nhiều người cần hơn mình".

Xin cảm ơn chú Hoàng Tuấn Anh, cảm ơn các mạnh thường quân đã chung tay góp gạo, đã giúp đỡ rất nhiều người khó khăn. "Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại". Rồi một ngày nào đó, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, nhưng người ta vẫn nhớ mãi một cái tên, một máy "ATM biết nhả gạo", và một Sài Gòn, một Việt Nam đầy ắp tình yêu thương.