Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.
Lớp 6 Ngữ văn 6 Sơn Tinh, Thủy Tinh

SƠN TINH THỦY TINH

(Truyền thuyết)

HƯỚNG DẪN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm mấy đoạn? Mỗi đoạn thể hiện nội dung gì? truyện được gắn với thời đại nào trong lịch sử Việt Nam?

Trả lời: Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có thể chia thành 3 đoạn:

- Đoạn 1. Từ đầu đến "mỗi thứ một đôi": Vua Hùng thứ mười tám ra điều kiện kén rể.

- Đoạn 2. Tiếp theo đến "thần Nước đành rút quân": Cuộc giao tranh cầu hôn giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, kết quả Sơn Tinh thắng.

- Đoạn 3. Phần còn lại: Cuộc trả thù hằng năm với Sơn Tinh và những thất bại của Thủy Tinh. => Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh được gắn với thời đại Hùng Vương - gắn với công cuộc trị thủy thời đại mở nước, dựng nước đầu tiên của người Việt cổ.

Câu 2. Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, nhân vật chính là ai? Các nhân vật chính được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo như thế nào? Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật đó.

Trả lời:

* Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có hai nhân vật chính, đó là Sơn Tinh và Thủy Tinh.

* Mỗi nhân vật chính đó được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo:

- Sơn Tinh: "Vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi".

- Thủy Tinh: "Gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về".

- Trong cuộc giao tranh:

   + Thủy Tinh hô mưa, gọi gió làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh

   + Sơn Tinh: Dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi dâng lên bấy nhiêu...

* Ý nghĩa tượng trưng của nhân vật:

- Sơn Tinh: Tài năng của Sơn Tinh đưa lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp, xây dựng và làm cho cuộc sống sinh sôi nảy nở - là một phúc thần được mọi người yêu mến → Sơn Tinh tượng trưng cho khát vọng và khả năng chinh phục thiên tài của nhân dân ta ngày xưa.

- Thuỷ Tinh: Tài năng của Thuỷ Tinh thể hiện sự tàn phá, huỷ diệt, mang lại hiểm hoạ cho cuộc sống. Thuỷ Tinh là một hung thần đáng sợ → Thuỷ Tinh tượng trưng cho lũ lụt đe doạ cuộc sống con người.

Câu 3. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh.

Trả lời: Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có các ý nghĩa sau:

- Thể hiện trí tưởng tượng ngây thơ và non nớt, hồn nhiên của thuở bình minh loài người.

- Giải thích nguyên nhân của hiện tượng lũ lụt hằng năm.

- Thể hiện sức mạnh và ước mơ chế ngự bão lụt của người Việt cổ.

- Suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng. Thần núi Tản Viên trở thành con rể vua Hùng có ý nghĩa đề cao quyền lực của các vua Hùng.

LUYỆN TẬP

Bài 1. Hãy kể diễn cảm truyện "Sơn Tinh, Thuỷ Tinh".

Trả lời:

Muốn kể chuyện diễn cảm em phải nắm vững các sự việc và xác định giọng điệu thích hợp.

- Vua Hùng kén rể → Giọng hân hoan.

- Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đến cầu hôn → Giọng điệu ngạc nhiên.

- Vua Hùng ra điều kiện chọn rể→ Giọng điệu thể hiện sự băn khoăn.

- Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đánh nhau → Giọng sôi nổi, dồn dập, hào hùng.

- Kết quả trận đánh → Giọng trầm xuống, lắng đọng.

- Đoạn cuối → Giọng chậm rãi.

Bài 2. Từ truyện "Sơn Tinh, Thuỷ Tinh" em nghĩ gì về chủ trương củng cố đê điều, trồng rừng và nghiêm cấm nạn phá rừng của Nhà nước ta hiện nay.

Trả lời:

     Chủ trương củng cố đê điều; nghiêm cấm nạn phá rừng; và trồng thêm hàng triệu héc ta rừng của nước ta hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và nó được đưa rahằm mục đích ngăn chặn lũ lụt, bảo vệ môi trường sống.

     Nạn lũ lụt hiện nay vẫn là một tai hoạ hàng đầu và sức ảnh hưởng của nó là vô cùng đáng sợ. Hàng năm ở nước ta trên cả ba miền BắcTrung Nam liên tiếp hết cơn lũ này, đến cơn lũ khác, thiệt hại lên tới hàng trăm tỉ đồng. Bao nhiêu nhà cửa, tài sản, bao nhiêu tính mạng của con người bị thiệt hại. Vì vậy hơn lúc nào hết chúng ta phải gấp rút tìm nhiều biện pháp hữu hiệu đế ngăn chặn lũ lụt.

Bài 3. Hãy viết tên một số truyện kể dân gian liên quan đến thời đại các vua Hùng mà em biết.

Trả lời: Các em có thể kể một số truyện kể dân gian liên quan đến thời đại các vua Hùng  như:

- Con Rồng, cháu Tiên.

- Bánh chưng, bánh giầy.

- Thánh Gióng.

- Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

- Hùng Vương chọn đất đóng đô.

- Thành Phong Châu.

- Con voi bất nghĩa.

- Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

- Vua Hùng trồng kê tra lúa.

- Vua Hùng đi săn.

- Người anh hùng làng Dóng.

Link bài học:

Lưu ý: Bạn hãy đăng nhập để lưu lại lịch sử làm bài của mình!