Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Danh sách bài làm & chấm bài  
Kiến thức cần nhớ Các bài giảng

I. NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT

1. Khái niệm:

Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm, thường được dùng trong các văn bản nghệ thuật.

2. Phạm vi sử dụng:

- Được dùng chủ yếu trong văn bản nghệ thuật.

- Ngoài ra, nó còn được sử dụng các văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khác (như phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ chính luận)

3. Phân loại: gồm 3 loại

- Ngôn ngữ tự sự: truyện, tiểu thuyết, bút kí, kí sự, phóng sự,...

- Ngôn ngữ thơ trong ca dao, vè, thơ,...

- Ngôn ngữ sân khấu trong kịch, chèo, tuồng,...

4. Chức năng:

- Chức năng thông tin, thông báo.

- Chức năng thẩm mỹ (tạo ra những rung động, xúc cảm, nhận thức của mỗi người).

II. PHONG CÁCH NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT

1. Tính hình tượng

a. Khái niệm: Tính hình tượng thể hiện ở cách diễn đạt thông qua hệ thống các hình ảnh, màu sắc, biểu tượng,... để người đọc dùng vốn tri thức của mình rút ra bài học có giá trị.

b. Cách thức tạo ra tính hình tượng:

- Dùng từ ngữ gợi hình.

- Dùng những biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh,...

c. Tác dụng:

- Tính hình tượng làm cho ngôn ngữ nghệ thuật trở nên đa nghĩa.

- Tính đa nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật có quan hệ chặt chẽ với tính hàm súc: lời ít mà ý sâu xa. Người viết chỉ dùng vài câu, vài từ mà có thể gợi ra những hình tượng với ý nghĩa khác nhau.

d. Ví dụ:

- Sen là loài thường sống ở ao, hồ, có lá trơn, không thấm nước và hoa màu hồng (trắng) nở vào mùa hạ.

=> Ngôn ngữ khoa học.

- "Mẹ nghèo như đóa hoa sen

   Năm tháng âm thầm lặng lẽ."

                      (Mẹ - Viễn Phương)

=> Sen trong câu thơ mang tính hình tượng, là biểu tượng về người mẹ tảo tần. => Ngôn ngữ nghệ thuật. 

2. Tính truyền cảm

a. Khái niệm:

- Tính truyền cảm trong ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ tự nó bộc lộ cảm xúc khiến người đọc, người nghe cũng vui, buồn, mừng, giận,... cùng những cảm xúc của người viết.

b. Cách thức tạo ra tính truyền cảm:

- Để tạo ra tính truyền cảm, các nhà thơ, nhà văn thường sử dụng những yếu tố của ngôn ngữ như từ ngữ, câu văn, giọng điệu, hình ảnh giàu sức gợi hình, gợi cảm.

c. Ví dụ:

- "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ hận chưa xả thịt, lột da... quân thù".

(Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn)

- "Tự nhiên như thế, ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng là tháng đầu tiên của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió, ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân."

(Mùa xuân của tôi - Vũ Bằng)

3. Tính cá thể hóa

a. Tính cá thể hóa:

- Tính cá thể hóa thể hiện ở khả năng vận dụng các phương tiện diễn đạt chung của cộng đồng (từ vựng, ngữ âm, cú pháp) vào việc xây dựng hình tượng nghệ thuật của mỗi tác giả.

b. Cách thức thể hiện:

- Tính cá thể hóa thể hiện giọng điệu riêng, phong cách thể riêng của mỗi tác giả.

- Tính cá thể hóa thể hiện ở cách vận dụng ngôn ngữ, bút pháp nghệ thuật,...

c. Ví dụ:

Cùng viết về mùa thu, mỗi tác giả lại có cách thể hiện khác nhau:

- "Em không nghe rừng thu

   Lá thu rơi xào xạc

   Con nai vàng ngơ ngác

   Đậu trên lá vàng khô."

(Tiếng thu - Lưu Trọng Lư)

- "Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung".

(Việt Bắc - Tố Hữu)

- "Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

   Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

    Đây mùa thu tới mùa thu tới

    Với áo mơ phai dệt lá vàng".

(Đây mùa thu tới - Xuân Diệu)

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)