Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề thi năm 2016 - 2017

Các bài giảng

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BÌNH THUẬN

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO 10 THPT NĂM HỌC 2016-2017

THPT CHUYÊN TRẦN HƯNG ĐẠO – BÌNH THUẬN

MÔN THI: NGỮ VĂN

Thời gian: 120 phút

 

Câu 1: 2 điểm

Trích I:

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

1.Đoạn thơ trên trích trong đoạn trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

2. Tìm những từ lays được sử dụng trong đoạn trích

3. Đoạn thơ nói lên tâm trạng gì? Của nhân vật nào

Trích 2:

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

1.Chỉ ra các yếu tố tình thái có trong đoạn văn trên.

2. Xét về cấu in nghiêng thuộc kiểu câu gì. Vì sao

Câu 2: 3 điểm

Cô gái ấy sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không nhà không cửa, bữa đói bữa no, vượt qua tật nguyền khi bị mất cả hai chân để quyết tâm học tập, trở thành sinh viên đại học... Đó là tấm gương về nghị lực phi thường, quyết tâm vượt khó của Nguyễn Thị Luyện, ở thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Từ câu chuyện trên, em có suy nghĩ gì? Liên hệ đến vấn đề học tập của bản thân.

Câu3: 5 điểm

Cảm nhận qua hai khổ thơ:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

….

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu

Ý

Nội dung

1

1

Đoạn thơ trên trích trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, tác phẩmTruyện Kiều, tác giả Nguyễn Du.

 

 

 

Những từ láy trong đoạn trích: bốn bề, bát ngát, bẽ bàng.

 

 

 

Nỗi buồn đau của nhân vật trữ tình trước cảnh vật của lầu Ngưng Bích. Nhân vật trữ tình là Thúy Kiều.

 

 

2

Các từ mang yếu tố tình thái trong đoạn trích: Chắc, hình như.

 

 

 

Kiểu câu đơn nhiều cụm chủ vị.

Vì: thành phần câu: Chủ ngữ: Tôi, đôi mắt mênh mông; vị ngữ: thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao, bỗng xôn xao.

 

2

 

Nghị luận xã hội

 

2.1

Giải thích

- Giới thiệu câu chuyện và dẫn vào chủ đề bài viết: Tấm gương nghị lực phi thường, vượt khó khăn để đạt được ước mơ.

 

2.2

Bình luận

a. Câu chuyện về cô gái nghèo đã gợi lên cho em suy nghĩ gì?

- Một cô gái đáng thương, có hoàn cảnh khó khăn, thân thể em không được toàn thiện như các bạn đồng trang lứa, bị mất hai chân và phải sống trong cảnh nghèo khó cù bất cù bơ.

- Một cô gái nghèo đáng thương như vậy, nhưng em lại khiến chúng ta phải ngưỡng mộ vì tinh thần nghị lực phi thường của bản thân. Những tưởng một cô bé có cảnh nghèo đói như vậy, lại mang mặc cảm thân thể không hoàn hảo thì sẽ suy sụp tinh thần, sẽ buông xuôi theo số phận đưa đẩy. Nhưng cô bé ấy lại không chịu chấp nhận việc bị số phận an bài, đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được ước mơ của mình. Quả là một tấm gương sáng để những bạn trẻ ngày nay noi theo

b. Liên hệ bản thân

- Từ câu chuyện trên chúng ta học hỏi được từ cô bé đó chính là ý chí, nghị lực phi thường vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn. Giới trẻ ngày nay đang sống trong một thời đại phát triển, có một cuộc sống đầy đủ sung túc, ngủ quên trên những tấm nhung lụa được trải sẵn. Bởi vậy một khi chúng ta nếm trải khó khăn, thì lại mất phương hướng, lạc lối, sợ hãi. Hãy như cô bé ấy, dù có bao nhiêu khó khăn đi chăng nữa, chỉ cần chúng ta bình tâm lại, tự động viên bản thân, mạnh mẽ tiến lên phía trước, ý chí mạnh mẽ, khát vọng cao thì sẽ có ngày chúng ta sẽ đạt được thành công mình mong muốn.

- Tuổi trẻ ngày này phải tích cực tu dưỡng bản thân để trở nên tốt đẹp hơn. Hãy tập cho mình thói quen dám đương đầu với gian khó, sống kiên cường hơn, nhân hậu hơn, luyện tập thật nhiều để có một ý chí kiên cường, một nghị lực phi thường sẵn sàng băng qua mọi chông gai của cuộc đời.

 

2.3

Bài học

Tấm gương của cô gái Luyện là một tấm gương đẹp cho bạn trẻ ngày nay. Tuổi trẻ ngày nay hãy rèn cho mình một bản lĩnh kiên cường, một khát vọng mãnh liệt, một ý chí thép để có thể bước qua mọi gian khó, đi đến đỉnh cao chiến thắng.

 

3

Nghị luận văn học

 

3.1

Giới thiệu chung

- Tác giả tác phẩm: Phạm Tiến Duật là một nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Những vần thơ của ông giống như những đôi cánh nâng đỡ tâm hồn người ta trong lúc dân tộc đang ở giai đoạn đấu tranh gian khổ, mãnh liệt nhất. Nổi bật nhất trong các tác phẩm của Phạm Tiến Duật là bài thơ: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Trong đó có hai đoạn trích mà tôi tâm đắc nhất: ….

 

3.2

Phân tích

a.Khổ thơ thứ nhất

Hai đoạn trích trên đã khắc họa rõ cho ta bức chân dung của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn:

-Thứ nhất đó là những người lính vô cùng lạc quan, yêu đời

Mở đầu bài thơ, tác giả giải thích nguyên nhân vì sao xe không có kính bằng lời lè giản dị, tự nhiên:

Không có kính không phải vì xe không có kính 
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

 -Lí do thế là đã rõ. Kính xe đã bị những trận bom ác liệt của giặc Mĩ làm cho vỡ hết. Lời giải thích đơn sơ nhưng khả năng gợi tả rất lớn, giúp người đọc hiểu ra rằng những chiếc xe này đã dạn dày, từng trải trên đường ra mặt trận. Giới thiệu về xe mà cũng là bước đầu giới thiệu về chủ nhân của chúng.
Từ câu thơ thứ ba trở đi, hình ảnh người chiến sĩ lái xe là nhân vật chính và những chiếc xe không kính trở thành cái nền làm nổi bật tính cách, phẩm chất đẹp đẽ của họ. Khi người lái xe mở máy cho xe lăn bánh đồng nghĩa với bắt đầu bước vào trận đánh. Sự sống và cái chết cách nhau chỉ trong gang tấc, nhưng họ vẫn giữ được tư thế hiên ngang, tự tin hiếm có:

 Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

- Tính từ ung dung đặt ở vị trí đầu câu nhấn mạnh tư thế chủ động ấy. Trong cái nhìn bao quát cả đất trời ẩn chứa niềm kiêu hãnh của người làm chủ tình thế, coi thường mọi khó khăn nguy hiểm. Đối đầu với máy bay giặc Mĩ, các chiến sĩ lái xe của ta thường ở thế bị động.    Vậy dựa vào đâu mà họ ra trận với phong thái ung dung như vậy? Chỗ dựa tinh thần lớn lao nhất chính là niềm tin tất thắng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là tình cảm tất cả vì miền Nam thân yêu, là chân lí Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Họ hiểu rằng chiến trường và đồng đội đang cần vũ khí, lương thực, thuốc men… để đủ sức đánh trả quân thù những đòn đích đáng. Chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc, của dân tộc thôi thúc họ hành động.

- Tác giả đã cho chúng ta thấy, những người lính ấy, trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ như vậy vẫn cất lên được những giọng đùa tếu táo, dường như nỗi khổ chiến tranh đối với họ chỉ là một chuyện vô cùng tự nhiên, bình thường, nên họ vẫn có thể hồn nhiên mà nói rằng “không có kính khống phải vì xe không có kính”. Đó chính là những tâm hồn đầy sức trẻ, phơi phới lý tưởng sống, vì thế mà đã đốt cháy mọi khó khăn chỉ bằng ngọn lửa lý tưởng cao đẹp của mình.

b. Khổ thứ 2

- Khổ thơ tiếp theo đã giải thích nguyên do của tinh thần lạc quan ấy. Đó là niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tất thắng của đất nước, giải phóng miền Nam thân yêu. Đó là những trái tim nóng hổi cùng chung một nhịp đập của tình người thắm thiết

- Đoạn kết của bài thơ thật đẹp. Chất hiện thực nghiệt ngã và lãng mạn bay bổng hoà quyện với nhau:

Càng, gần thắng lợi, càng nhiều gian nan, đó là quy luật. Mức độ chiến tranh ác liệt in dấu rõ ràng trên những chiếc xe vận tải quân sự: không kính, không đèn, không mui, thùng xe đầy vết xước do bom đạn giặc. Nhưng xe vẫn chạy vào hướng miền Nam – tiền tuyến lớn đang thôi thúc, vẫy gọi bởi trong xe có một trái tim nóng bỏng tình yêu và trách nhiệm công dân trước vận mệnh của đất nước, dân tộc. Hình ảnh trái tim trong câu thơ cuối là một hoán dụ nghệ thuật rất có ý nghĩa, đã tôn vinh tầm vóc những người chiên sĩ lái xe anh hùng và nâng cao giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

-Tinh thần dũng cảm, thái độ thanh thản, lạc quan của những chiến sĩ lái xe trong mưa bom, bão đạn quân thù xứng đáng tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam thời chống Mĩ.

 - Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một tác phẩm tự sự nhưng đậm chất trữ tình cách mạng. Nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh những chiến sĩ lái xe bằng tấm lòng cảm phục và mến thương sâu sắc. Họ là những con người tự nguyện dấn thân, vui trong gian khổ, chấp nhận hi sinh. Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên nhưng giàu sức gợi cảm, hình ảnh sáng tạo, độc đáo, nhịp thơ tự đo, phóng khoáng… Tất cả những yếu tố đó làm nên cái hay, cái đẹp của bài thơ. Song điều quý giá nhất vẫn là cái tình, là sự hoá thân của tác giả vào nhân vật để tìm tòi, phát hiện ra những hạt ngọc long lanh trong tâm hồn thế hệ trẻ anh hùng của một dân tộc anh hùng.

 

3.3

Tổng kết

- Nghệ thuật đặc sắc

-Nêu cảm xúc của bản thân đối với hai khổ thơ trên, đồng thời liên hệ với bản thân.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)