Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề thi năm 2016 - 2017

Các bài giảng

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2016 – 2017

TỈNH BẠC LIÊU
Môn thi: NGỮ VĂN (Không chuyên)
Ngày thi: 15/06/2016
Thời gian: 120 phút ( không kể thời gian giao đề)


Câu 1 ( 3 điểm).
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Tết năm nay là sự chuyển tiếp giữa hai thế kỉ, và hơn thế nữa, là sự chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ. Trong thời khắc như vậy, ai ai cũng nói tới việc chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới.”
a) Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? Văn bản ra đời trong hoàn cảnh nào? (1,5 điểm)
b) Nêu nội dung chính của đoạn văn? ( 0, 5 điểm)
c) Cho biết phép liên kết hình thức trong đoạn văn trên? ( 1,0 điểm)
Câu 2 ( 3 điểm)
Suy nghĩ của em về câu tục ngữ: “uống nước nhớ nguồn”. Qua đó khẳng định giá trị của câu tục ngữ trong tình hình thực tế đời sống hiện nay.

Câu 3 ( 4 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng.
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đẻ,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.”

(Trích Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận, Sách ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2016, trang 140)
---HẾT---

Câu

Ý

Nội dung

1

a

. - Đoạn trích được trích từ văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”

- Tác giả: Vũ Khoan

- Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước và con người bước vào thời đại mới, là sự chuyển tiếp từ thế kỉ XX sang thế kỉ XXI, là năm mở đầu của thế kỉ XXI và thiên niên kỉ thứ ba, tính từ đầu Công nguyên theo dương lịch. Đây là thời kì hội nhập, phát triển, đất nước có nhiều cơ hội mới nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức.

 

b

Nội dung chính của đoạn trích: nước ta đón Tết cổ truyền, đồng thời nước ta và thế giới bước vào thế kỉ mới – thế kỉ XXI, là thiên niên kỉ thứ ba. Thế kỉ mới và thiên niên kỉ mới vừa hứa hẹn vừa thử thách đối với con người để tạo ra những kì tích.

 

c

Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn là phép lặp là sự chuyển tiếp, mới để khẳng định bước ngoặt của lịch sử, mở ra thời kì mới.

2

1

Giải thích

Uống nước nhớ nguồn: câu tục ngữ nói về lòng biết ơn của thế hệ sau đối với những hi sinh của thế hệ cha ông đời trước. Được hưởng dòng nước mát lành, ngọt ngào phải nhớ đến cội nguồn của nó.

- Ân nghĩa, thủy chung: phẩm chất đáng quý, là cách sống mọi người cần học tập và noi theo.

- Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là bài học về cách sống ân nghĩa, thủy chung của con người Việt Nam. Lối sống này cần được phát huy, làm nên nhân cách con người.

 

2

Chứng minh, bình luận:

a. Vì sao phải thực hiện đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”

- Cuộc sống là một chuỗi tuần hoàn, nối tiếp, những gì ta có hôm nay không tự nhiên mà có, đó là thành quả sau bao nỗ lực, cố gắng của các thế hệ trước. Vì vậy, khi được hưởng thụ những thành quả ấy, cần phải ghi nhớ công lao của những người đã hi sinh trước đó.

- Lòng biết ơn là một lối sống, một phẩm chất đẹp của con người có nhân cách.

- Ân nghĩa, thủy chung sẽ giúp ta tạo được sợi dây gắn kết với quá khứ, cha anh, giúp ta giữ gìn và phát huy những giá trị từ truyền thống để những vẻ đẹp ấy càng phát triển hơn.

b. Biểu hiện của đạo lí Uống nước nhớ nguồn

- Nhớ ơn, tri ân những anh hùng đã ngã xuống, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

- Ghi nhớ công ơn những người giúp đỡ mình khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

- Biết ơn không chỉ thể hiện trong hành động mà còn trong suy nghĩ, không cần thể hiện bằng những việc làm lớn lao mà chỉ cần những điều bé nhỏ nhưng ý nghĩa.

- Có thái độ trân trọng, ngợi ca những người biết sống ân nghĩa, thủy chung, có nghĩa, có tình.

- Phê phán, lên án những kẻ vong ân, phụ nghĩa, những người sống không có trước có sau.

c. Tác dụng của đạo lí sống Uống nước nhớ nguồn

- Xây dựng nhân cách cao đẹp.

- Xã hội phát triển tốt đẹp, văn minh.

- Con người biết bảo toàn và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc.

 

3

Mở rộng, nâng cao

- Giá trị truyền thống tốt đẹp ấy còn được thể hiện trong những câu tục ngữ khác như: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,…

- Ân nghĩa, thủy chung phải là phẩm chất tự thân, không nhằm tô vẽ hay khoa trương bản thân. Chỉ có thực chất trái tim mới đi đến trái tim, tâm hồn mới bắt gặp những tâm hồn đồng điệu

3

1

Giới thiệu chung

- Tác giả: Huy Cận là một cây bút nổi tiếng của phong trào Thơ Mới với tập thơ “Lửa thiêng” (1940). Sau Cách mạng tháng Tám, ông là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam.

- Giới thiệu bài thơ: “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác vào năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và đi vào xây dựng xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuốc sống mới. Nhà thơ Huy Cận có chuyến đi thực tế về vùng mỏ Quảng Ninh. Bài thơ gồm 7 khổ, miêu tả cảnh ra khơi đánh cá của đoàn thuyền từ lúc hoàng hôn đến bình minh.

- Đoạn trích: là khổ 2 và khổ 3 của bài thơ, miêu tả cảnh đánh cá trên biển đêm với những vẻ đẹp bình dị của bút pháp hiện thực và trí tưởng tượng phong phú.

 

2

Phân tích

a. Khổ thơ thứ nhất

- Mở đầu đoạn trích là hình ảnh đoàn thuyền đang băng băng lướt sóng:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng.”

Con thuyền vốn nhỏ bé trước biển cả bao la qua cái nhìn của nhà thơ bỗng trở nên lớn lao, kì vĩ. Đoàn thuyền ấy có gió làm lái, có trăng làm buồm, thiên nhiên như mở ra bát ngát mênh mông.Đoàn thuyền hòa nhập với thiên nhiên, con người cũng vươn lên ngang tầm vũ trụ, làm chủ thiên nhiên với sự tự tin, mạnh mẽ.

- Giữa không gian bao la của trời biển, con thuyền trở thành trung tâm, vừa đẹp đẽ, khỏe khoắn, vừa giàu chất thơ. Thiên nhiên như cùng chung sức với con người điều khiển con thuyền.

- Người lao động đã đánh thức thiên nhiên, cùng thiên nhiên vũ trụ giao hòa trong công cuộc lao động. Lòng tin yêu con người và trí tưởng tượng bay bổng đã giúp nhà thơ xây dựng được hình ảnh tuyệt đẹp và giàu ý nghĩa. Thiên nhiên không đối lập với con người, không làm cho con người trở nên nhỏ bé, cô đơn, bơ vơ mà càng trở nên lớn lao, mạnh mẽ, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên.

- Hai câu tiếp theo miêu tả những công việc cụ thể của đoàn thuyền đánh cá:

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng

Nhịp thơ hối hả, lôi cuốn. Con thuyền là vũ khí, mỗi ngư dân là một chiến sĩ đầy uy quyền sức mạnh. Cuộc đánh cá có phương tiện kĩ thuật, được chuẩn bị như một cuộc chiến đấu với khí thế của những con người có niềm tin chiến thắng.

b. Khổ thơ thứ hai

- Những câu thơ miêu tả đàn cá đặc sắc, biển cả giàu có với những loại cá ngon và quý. Huy Cận đã vận dụng sáng tạo cách nói dân gian “chim, thu, nhụ, đé” để viết:

Cá nhụ cá thu cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cá đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở sao lùa nước Hạ Long.

- Hình ảnh con cá song là một nét vẽ tài hoa. Vẩy cá đen hồng lấp lánh trên biển nước chan hòa ánh trăng vàng chóe. Cái đuôi cá quẫy được so sánh với ngọn đuốc rực cháy. Nghệ thuật phối sắc tài tình làm cho đoạn thơ đẹp như một bức tranh sơn mài rực rỡ. Bầy cá như những nàng tiên trong vũ hội.

- Vẻ đẹp của bức tranh lao động tiếp tục được thể hiện rõ hơn trong những đoạn thơ tiếp theo.

c. Nhận xét

- Hai đoạn thơ miêu tả khung cảnh lao động tươi vui với sự trù phú, giàu có của biển cả.

- Tác giả sử dụng nghệ thuật liệt kê, nhân hóa, so sánh đặc sắc.

- Thể hiện phong cách nghẹ thuật Huy Cận sau cách mạng tháng Tám: tin yêu vào cuộc sống mới, con người mới.

 

3

Tổng kết

- Bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn của tác giả vẽ nên bức tranh sơn mài rực rỡ về thiên nhiên và con người trong lao động.

- Hình ảnh con người nâng lên ngang tầm vũ trụ và công việc đánh cá trở thành một công việc nên thơ.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)