Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề thi năm 2016 - 2017

Các bài giảng

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

KỲ THI VÀO THPT CHUYÊN

NĂM HỌC:2016-2017

Môn thi: Ngữ văn (Dành cho tất cả các thí sinh)

Ngày thi: 30/5/2016

Câu 1: (2 điểm)

a. Xác định thành phần biệt lập trong câu văn sau:

-Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ! Đi bốn năm hôm mới lên đến đây, vất vả quá!

b. Chỉ rõ biện pháp tu từ và nêu hiệu quả của nó trong đoạn thơ sau:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Căn nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính

(Đồng chí, Chính Hữu)

Câu 2 (3 điểm)

“Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại”

                                  (Bàn về đọc sách, Chu Quang Tiềm, NXBGD, 2015)

Từ ý kiến trên, hãu viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về việc đọc sách.

Câu 3 (5 điểm)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của khúc giao mùa qua đoạn thơ:

Bỗng nhận ra hương ổi 
Phả vào trong gió se 
Sương chùng chình qua ngõ 
Hình như thu đã về 

Sông được lúc dềnh dàng 
Chim bắt đầu vội vã 
Có đám mây mùa hạ 
Vắt nửa mình sang thu 

               (Sang thu, Hữu Thỉnh)

 

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu

Ý

Nội dung

1

a

Thành phần biệt lập trong câu văn là “thưa ông”

 

b

Biện pháp tu từ được sử dụng là biện pháp nhân hóa.

Tác dụng: giếng nước, gốc đa được nhân hóa như con người, có tình cảm nhớ thương giống con người. Thực chất đó là đại diện cho quê hương nhớ người lính ra trận

2

 

Nghị luận văn học

 

2.1

Giải thích

- Sách: tư liệu tích lũy kiến thức bằng cách ghi chép được truyền từ đời này sang đời khác.

- Đọc sách không phải con đường duy nhất của học vấn: con đường tích lũy kiến thức, học tập có nhiều cách khác nhau, một trong số đó là đọc sách.

- Nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn: khẳng định vị trí tiên phong, có nhiệm vụ lớn lao trong việc học của con người.

- Ý kiến của  Chu Quang Tiềm khằng định sách có vai trò to lớn không thể thay thế trong việc học. Từ đó cho chúng ta có những suy nghĩ đúng đắn về việc đọc sách.

 

2.2

Phân tích, bình luận

a. Vì sao đọc sách lại quan trọng

- Kiến thức là biển cả bao la ta không chiếm lĩnh hết được, những kiến thức ấy đã được cha ông, các thế hệ trước lưu giữ vào sách. Đọc sách là làm phong phú thêm hiểu biết của mình.

- Đọc sách rèn cho ta tính kiên nhẫn, tích lũy dần dần.

- Sách có giá trị là nguồn kiến thức bổ ích, đã được kiểm duyệt kĩ càng. Những cuốn sách kinh điển có giá trị muôn đời, tiếp xúc với nó là ta đang tiếp xúc với trí khôn nhân loại, với văn minh thời đại.

b. Biểu hiện của việc đọc sách

- Từ xưa, ông cha ta đã coi trọng việc đọc sách. Viết văn mà trong bụng không có ba bồ sách của thiên hạ thì không thể viết được.

- Từ kiến thức sách vở, ta biến nó thành hiểu biết của mình, tự nâng cao kiến thức.

- Tất cả những người hiền tài đều nhờ đọc sách. Có thể không đến trường lớp nhưng tất cả đều học qua sách. Sách là người bạn lớn.

- Đọc nhưng phải hiểu, phải sáng tạo dựa trên những gì mình đã đọc, không để nước đổ lá khoai, đọc lấy số lượng mà không quan tâm chất lượng.

c. Mở rộng

- Ngoài hình thức đọc sách còn có những hình thức học khác.

- Yêu quý những người trân trọng sách.

- Ngày nay, có ít người giữ được thói quen đọc sách.

 

2.3

Bài học và liên hệ bản thân

- Chọn sách đọc, không đọc những sách có tư tưởng xấu, tư tưởng phản động.

- Đọc linh hoạt, đọc hiểu.

- Liên hệ bản thân

3

 

Nghị luận văn học

 

3.1

Giới thiệu chung

- Hữu Thỉnh thuộc thế hệ những nhà thơ thời chống Mỹ với ngòi bút hướng về đề tài chiến tranh, người lính và cuộc sống nông thôn.

“Sang thu” là tác phẩm tiêu biểu của Hữu Thỉnh, được viết khi thiên nhiên bắt đầu sang thu và cũng là thời điểm đất nước vừa bước từ thời chiến sang thời bình.

- Bài thơ là những cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước cảnh đất trời sang thu.

 

3.2

a .Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên trong thời khắc giao mùa

- Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình:

“Hương ổi”: là làn hương đặc biệt của mùa thu miền Bắc được cảm nhận từ mùa ổi chin rộ.

+ Từ “phả”: động từ có nghĩa tỏa vào, trộn lẫn -> gợi mùi hương ổi ở độ đậm nhất, thơm nồng quyến rũ, hòa vào trong gió heo may của mùa thu, lan tỏa khắp không gian tạo ra một mùi thơm ngọt mát – hương thơm ngọt ngào hấp dẫn của những vườn cây sum suê trái ngọt ở nông thôn Việt Nam.

“Sương chùng chình”: những hạt sương nhỏ li ti giăng mắc như một làn sương nhẹ nhàng trôi, đang “cố ý” chậm lại thong thả, nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm sang thu. Hạt sương sớm mai cũng như có tâm hồn.

- Những chuyển biến tinh tế của thiên nhiên khiến nhà thơ không khỏi ngỡ ngàng, bối rối “bỗng”, “hình như”. Tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh sang thu thấp thoáng hồn người: chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bang khuâng…

b. Khổ 2,: Hình ảnh thiên nhiên sang thu

- Thiên nhiên sang thu được nhà thơ phát hiện bằng những hình ảnh quen thuộc làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng:

+ Dòng sông quê hương thướt tha mềm mại, hiền hòa trôi một cách nhàn hạ, thanh thản -> gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên nhiên mùa thu.

+ Đối lập với hình ảnh trên là những cánh chim bắt đầu vội vã bay về phương nam tránh rét trong buổi hoàng hôn.

+ Mây được miêu tả qua sự liên tưởng độc đáo bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

-> Gợi hình ảnh một làn mây mỏng, nhẹ, kéo dài của mùa hạ còn sót lại như lưu luyến. Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này.

 

 

2.3

Đánh giá

- Nghệ thuật: Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, tự nhiên mà giàu sức gợi, vừa độc đáo, mới lạ. Giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng.

- Với “Sang thu”, Hữu Thỉnh góp cho thơ th Việt Nam một áng thơ thật đẹp. Bức tranh thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa với những biến đổi tinh tế, nhẹ nhàng, uyển chuyển cũng gửi gắm tới người đọc những triết lí sâu xa mà thấm thía.Bài thơ đã cho thấy tình yêu thiên nhiên, tâm hồn tinh tế và ngòi bút tài hoa, sâu sắc của tác giả.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)