Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề thi năm 2016 - 2017

Các bài giảng

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO AN GIANG

KỲ THI TUYỂN SINH THPT

NĂM HỌC 2016-2017

MÔN THI: NGỮ VĂN

Thời gian: 120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc kĩ đoạn văn và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hè về, phượng nở đỏ thắm các con đường, góc phố, sáng rực một góc trời. Cả khoảng xanh lục của lá non và màu xanh biếc của bầu trời lại được điểm xuyết thêm màu hoa phượng đỏ. Hoa nở đỏ thắm các con đường trên phố.

Hoa phượng không có mùi hương thơm quyến rũ như hoa ngọc lan, hoa lài hay các loài hoa khác. Hoa phượng với những chùm hoa xinh đẹp, sắc hoa rực rỡ giữa trưa hè.

Hoa phượng không chỉ đẹp bởi màu sắc, phượng còn là tuổi thơ, là kỉ niệm, là những ngày tháng không phai dưới mái trường của tuổi học trò.

“Hoa học trò”! Ai đó đã gọi hoa phượng một cách trìu mến và thân thương như vậy. Có lẽ vì phượng đã quá gần gũi và thân thuộc với lứa tuổi học trò. Bởi phượng đơm hoa là báo hiệu mùa hè sắp đến.

Không hiểu từ bao giờ và ai đã có ý tưởng thật hay là trồng những cây phượng nơi trường học? Những bông hoa đã thầm như nhắc nhở ngày chia tay của niên học đã sắp gần kề.

Có ai hiểu tại sao phượng nở là chia tay? Có ai trả lời được tại sao tuổi học trò lại yêu hoa phượng? Hình bóng thầy cô cứ trải dài theo những tranh sách nhỏ, bên tấm bảng đen, và trên cả những sớm mai như thế, những buổi sớm mai có màu hoa đỏ lốm đốm in trên bầu trời, trong khoảng sân trường vắng lặng ươm đầy hoa nắng.

Có lẽ ai trong chúng ta lại không trải qua cái tuổi học trò và ít nhất không một lần ngân nga câu hát:

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu…

(Theo Lê Nho Việt, báo Dân trí)

Câu 1: Xét về phân loại theo cấu tạo, câu “Hoa học trò”thuộc loại câu gì?

Câu 2: Tìm một câu có thành phần biệt lập, chỉ ra cụm từ và tên của thành phần biệt lập ấy.

Câu 3: Tìm các từ thuộc một trường từ vựng và đặt tên cho trường từ vựng đó.

Câu 4: Phân biệt ý nghĩa khác nhau của hai từ góc trờivà bầu trời.

Câu 5: Nội dung chính của văn bản nói về vấn đề gì?

Câu 6: Em suy nghĩ gì về ý kiến của tác giả cho rằng: hoa phượng là “Hoa học trò”? Trình bày đoạn văn khoảng 5-7 dòng.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trích từ bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải?

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

 

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lung

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

 

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

(Ngữ văn 9, Tập 2, NXBGD, 2005, trang 55-56)

Câu

Ý

Nội dung

1

1

Hoa học trò thuộc loại câu đặc biệt.

2

- Câu văn có thành phần biệt lập là câu Có lẽ vì phượng đã quá gần gũi và thân thuộc với lứa tuổi học trò.

- Cụm từ: có lẽ

- Tên của thành phần biệt lập: thành phần tình thái.

3

Học sinh có thể tìm nhiều trường từ vựng khác nhau. Sau dây là một vài gợi ý có thể tìm được:

- Trường từ vựng màu sắc: đỏ, xanh lục, xanh biếc.

- Trường từ vựng hoa: hoa phượng, hoa lài, hoa ngọc lan.

- Trường từ vựng trường học: thầy cô, sân trường, bảng đen, trang sách.

4

- Bầu trời: khoảng không gian rộng lớn, bao trùm lên hết thảy tất cả mọi vật.

- Góc trời: một góc, một khoảng trời nhỏ, chỉ là một góc của bầu trời rộng lớn, ở đó có nhiều thứ hiện lên rõ ràng để phân biệt với bầu trời rộng lớn. Góc trời là nơi ngự trị của một đối tượng rõ ràng.

5

Nội dung chính của văn bản nói về hoa phượng báo hiệu mùa hè đến, ý nghĩa của hoa học trò cùng những suy nghĩ của tác giả về loài hoa ấy.

6

Học sinh có thể có nhiều ý kiến khác nhau, có thể tham khảo các ý sau:

- Đồng ý với tác giả, hoa phượng là hoa học trò.

- Tại sao? Vì nó nở vào mùa hè, báo hiệu một mùa chia tay lại sắp đến, một lứa học sinh lại sắp phải chia tay với thầy cô, bạn bè.

- Ý nghĩa của hoa phượng:

+ Trước hết, làm cho mùa hè thêm rực rỡ

+ Như giục giã chúng ta học tập, vui chơi bên nhau để tuổi học trò thêm ý nghĩa.

+ Là kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, tuổi cắp sách đến trường.

+ Hoa phượng ép trong trang sách học trò thay cho bao điều chưa nói. Đó có thể là những tình cảm hồn nhiên, trong sáng suốt một đời không quên.

2

2.1

Giới thiệu chung

- Tác giả Thanh Hải tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng miền Nam ngay từ buổi đầu.

- Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết vào tháng 11/1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, thể hiện niềm yêu cuộc đời, đất nước thiết tha và ước nguyện của tác giả.

- Đoạn thơ được trích là ba khổ thơ đầu của tác phẩm, thể hiện sâu sắc nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

 

2.2

2. Phân tích, chứng minh

a. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của thiên nhiên (6 câu đầu)

- Bức tranh thiên nhiên trong 6 câu đầu được vẽ bằng vài nét phác họa nhưng rất đặc sắc.

- Không gian cao rộng của bầu trời, rộng dài của dòng sông, màu sắc hài hòa của bông hoa tím biếc và dòng sông xanh – đặc trưng của xứ Huế.

- Rộn rã, tươi vui với âm thanh tiếng chim chiền chiện hót vang trời, tiếng chim trong ánh sáng xuân lan tỏa khắp bầu trời như đọng thành “từng giọt long lanh rơi”.

- Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất trời thể hiện qua cái nhìn trìu mến với cảnh vật, trong những lời bộc lộ trực tiếp như lời trò chuyện với thiên nhiên: “ơi, hót chi… mà”. Đặc biệt, cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong một động tác trữ tình đón trân trọng vừa tha thiết trìu mến với mùa xuân: đưa tay hứng lấy từng giọt long lanh của tiếng chim chiền chiện.

Giọt long lanh có thể hiểu là giọt mưa mùa xuân, giọt sương mùa xuân, trong sáng, rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá như những hạt ngọc.

Giọt long lanh cũng có thể được hiểu theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt (hình và khối, cảm nhận bằng thị giác),từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác.

=> Dù hiểu theo cách nào, hai câu thơ cũng thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân, thể hiện mong muốn hóa vào thiên nhiên đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông giá lạnh khiến ta khâm phục.

b. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước (10 câu tiếp)

- Hình ảnh lộc xuân theo người ra đồng làm đẹp ý thơ với cuộc sống lao động và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ, hai nhiệm vụ không thể tách rời. Họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.

“Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy trên lưng”: liên tưởng đến những người chiến sĩ ra trận mà trên vai, trên lưng họ có cành lá ngụy trang. Những cành lá ấy mang lộc biếc, chồi non, mang theo mùa xuân của thiên nhiên, cây cỏ. Từ “lộc” còn làm ta liên tưởng đến hình ảnh người lính khi ra trận, mang theo sức sống của cả dân tộc. Chính màu xanh sức sống đó đã tiếp cho người lính có thêm ý chí, sức mạnh để họ vươn xa về phía trước, tiêu diệt kẻ thù.

“Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ”: nói về những người lao động, những người ươm mầm cho sự sống, ươm những hạt mầm non trên những cánh đồng quê hương. Từ “lộc” cho ta nghĩ đến những cánh đồng trải dài mênh mông với những chồi non mới nhú lên xanh mướt từ những hạt thóc giống đầu mùa xuân. Từ “lộc” còn mang sức sống, sức mạnh của con người. Có thể nói, chính con người đã tạo nên sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất nước.

“Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao”: Hối hả là vội vã, khẩn trương, liên tục không dừng lại. Xôn xao khiến ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hòa lẫn với nhau xao động.Đây chính là tâm trạng tác giả, là cái náo nức trong tâm hồn. Tiếng lòng của tác giả như reo vui náo nức trước tinh thần lao động khẩn trương của con người.

- Nhà thơ tin tưởng, tự hào về tương lai tươi sáng của đất nước cho dù trước mắt còn nhiều vất vả, khó khăn. Và đất nước được hình dung so sánh với vì sao. Sao là vẻ đẹp vĩnh hằng vượt qua mọi không gian và thời gian. Sao cũng là hình ảnh rạng ngời trên lá cờ Tổ quốc. Qua đó bộc lộ niềm tự hào về một đất nước Việt Nam anh hùng và giàu đẹp. Đất nước mãi trường tồn, vĩnh cửu cùng vũ trụ, không bao giờ mất đi và không một thế lực nào ngăn cản được.

Phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên phía trước, cảm xúc của nhà thơ là lạc quan, tin tưởng, ngợi ca sức sống quả quê hương, đất nước, của dân tộc khi mùa xuân về.

c. Nghệ thuật đặc sắc

Chỉ ba khổ thơ nhưng đã thể hiện nghệ thuật đặc sắc của tác giả:

- Thể thơ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.

- Hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt một số hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại, nâng cao và gây ấn tượng đậm đà.

- Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, chủ yếu dựa trên sự phát triển của hình tượng mùa xuân: từ mừa xuân đất trời -> đất nước -> con người.

- Giọng điệu bài thơ phù hợp với cảm xúc của tác giả: đoạn đầu vui, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân, thiên nhiên, rồi phấn chấn, hối hả trước khí thế lao động của đất nước. Cuối cùng là trầm lắng, hơi trang nghiêm mà thiết tha bộc bạch, tâm niệm.

 

2.3

Tổng kết

- Bài thơ thể hiện tâm hồn thơ Thanh Hải tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.

- Nội dung và nghệ thuật hài hòa làm nên sức hấp dẫn của bài thơ.

- Có giá trị thức tỉnh lớn lao với tâm hồn người đọc.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)