Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề thi năm 2018 - 2019

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2018 – 2019

 

ĐỀ CHÍNH THỨC

Môn thi: NGỮ VĂN

Ngày thi: 07 tháng 6 năm 2018

Thời gian làm bài: 120 phút.

Phần I: (6 điểm)

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca về lao động và về thiên nhiên đất nước.

1.      Cho biết tên tác giả và năm sáng tác của bài thơ ấy.

2.      Xác định các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên ở trong những câu thơ sau:

                        “Thuyền ta lái gió với buồm trăng

                        Lướt giữa mây cao với biển bằng”.

Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ này có tác dụng gì?

3.      Ghi lại chính xác câu thơ trong một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà em đã được học ở chương trình Ngữ Văn THCS cũng có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng.

4.      Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ hình ảnh người lao động ở khổ thơ dưới đây, trong đó có sử dụng phép lặp để liên kết câu và có thành phần phụ chú (gạch dưới những từ ngữ dùng phép lặp và thành phần phụ chú):

                        “Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng

                        Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

                        Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

                        Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)

Phần II (4 điểm)

Sau đây là một phần của cuộc trò chuyện giữa nhân vật Phan Lang và Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ):

“Phan nói:

- Nhà cửa tiên nhân của nương tử, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, cỏ gai rợp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao?

Nghe đến đây, Vũ Nương ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng:

- Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành Nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải trở về có ngày.”

(trích Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)

1.      Phan Lang trò chuyện với Vũ Nương trong hoàn cảnh nào? Từ “tiên nhân” được nhắc tới trong lời của Phan Lang để chỉ những ai?

2.      Vì sao sau khi nghe Phan Lang nói, Vũ Nương “ứa nước mắt khóc” và quả quyết “tôi tất phải tìm về có ngày”?

3.      Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

-------------------Hết-------------------

Ghi chú: Điểm phần I: 1. (0,5 điểm), 2. (1,5 điểm), 3. (0.5 điểm), 4. (3,5 điểm).

               Điểm phần II: 1. (1 điểm), 2. (1 điểm), 3. (2 điểm).

Phần I:

1. Tác giả của bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là Huy Cận.

Bài thơ được sáng tác năm 1958.

2. Các từ ngữ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên trong hai câu thơ là: gió, trăng, mây, biển.

- Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ có tác dụng:

+ Khắc họa hình ảnh đoàn thuyền ra khơi tìm luồng cá với một tư thế mới, đẹp một cách hùng tráng và thơ mộng.

+ Tô đậm hình ảnh con thuyền ra khơi: con thuyền nhỏ bé bỗng được nâng lên tầm vóc thật lớn lao khi nó được đặt trong tương quan với bốn hình ảnh kì vĩ: gió, trăng, mây cao, biển bằng. Con thuyền ở giữa, làm chủ tất cả, lấy gió làm lái, lấy trăng làm buồm, lấy mây cao, biển bằng làm không gian lướt sóng. Con thuyền chính là con người, con người mang tầm vóc vũ trụ, làm chủ vũ trụ và cuộc đời.

3. Câu thơ trong bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng là:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

(“Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”)

                      (Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng)

4. * Yêu cầu về hình thức:

- Đoạn văn 12 câu theo cách lập luận diễn dịch.

- Trong đoạn văn có sử dụng phép lặp để liên kết và câu có thành phần phụ chú (gạch dưới những từ ngữ dùng làm phép lặp và thành phần phụ chú).

- Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về nội dung:

Đoạn văn của học sinh đảm bảo những ý chính sau:

- Huy Cận là một họa sĩ tài ba: ông sử dụng hình khối và ánh sáng rất điêu luyện khiến cảnh kéo lưới bắt cá hiện ra như trong một bức tranh sơn mài rực rỡ. Hình ảnh con người lao động là trung tâm của bức tranh lao động trong thời gian gần sáng.

- Con người đang chạy đua cùng thời gian, kéo lưới cho “kịp” trời sáng, nhịp điệu lao động càng gấp gáp hơn, con người say mê lao động và say mê thiên nhiên.

- Vẻ đẹp của ngư dân lao động tụ vào hai chữ “xoăn tay” đầy chất tạo hình, thật gân guốc, chắc khỏe, gợi những đường cơ bắp cuồn cuộn kéo lên mẻ lưới trĩu nặng cá bạc cá vàng.

- Hình ảnh “chùm cá nặng” gợi vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ của người lao động và một mẻ lưới bội thu.

- Câu thơ “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông” tạo một hiệu quả kép: chữ “lóe” là vị ngữ khiến rạng đông như bừng lên từ vẩy bạc đuôi vàng, sắc cá làm ra sắc trời, mặt khác, rạng đông làm lóe sắc cá màu hồng của bình minh tưới vào vũ trụ làm ấm bức tranh, vẩy cá, đuôi cá bắt ánh sáng lóe sắc bạc sắc vàng hay là bạc vàng trong kho trời vô tận thưởng công cho nỗ lực lao động của con người.

=> Đoạn thơ khắc họa hình ảnh con người lao động bình dị mà lớn lao, phi thường.

Phần II:

1.       

- Hoàn cảnh Phan Lang trò chuyện với Vũ Nương: Phan Lang gặp nạn được Linh Phi cứu và đưa xuống thủy cung, tại đây Phan Lang đã nhận ra Vũ Nương là người cùng làng và hỏi han Vũ Nương.

Từ “Tiên nhân”

Từ “tiên nhân” đầu: chỉ ông cha, tổ tiên.

Từ “tiên nhân” sau: chỉ Trương Sinh.

2.      Vũ Nương quả quyết tìm về bởi: Không thể gửi hình ẩn bóng để mãi mang tiếng xấu xa nên nhất định sẽ “tìm về có ngày”

Nàng vẫn còn lo lắng chuyện gia đình, mồ mả tổ tiên; Vẫn yêu thương và nhớ mong chồng con; Vẫn mong muốn được rửa sạch mối oan khuất của mình, lấy lại danh dự, nhân phẩm trong sạch.

3.      Vai trò của gia đình trong cuộc sống của chúng ta:

·        Giải thích vấn đề:

- Gia đình là một trong ba môi trường của xã hội, quyết định trực tiếp tới mặt tự nhiên và xã hội trong mỗi con người. Là nơi để các thành viên sống chân thành với nhau, san sẻ lòng yêu thương, niềm vui, là điểm dựa vững chắc nhất những lúc chúng ta gặp khó khăn, hay thất bại trong cuộc sống.

- Gia đình là những người cùng chung sống dưới một mái nhà, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống, thường gồm có ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt.

·        Vai trò của gia đình:

-         Gia đình là nơi ta được sinh ra, được nuôi dưỡng trưởng thành.

-         Gia đình là nơi đầu tiên giúp ta hình thành nhân cách.

-         Gia đình là nơi ta được chở che, bao bọc, yêu thương và sẻ chia.

-         Gia đình là cái nôi, là chốn bình yên cho ta trở về sau những giông bão của cuộc đời.

-         Gia đình là nguồn động lực, nguồn cổ vũ động viên giúp ta không ngừng phấn đấu.

-         Gia đình là nơi nâng đỡ, giúp ta vươn đến những ước mơ của cuộc đời.

* Gia đình có ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.

·        Mỗi người con phải có trách nhiệm đối với gia đình: luôn yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ. Chăm sóc, phụng dưỡng khi ông bà cha mẹ già yếu.

·        Phản đề: Bên cạnh đó vẫn có những người chưa nhận ra được ý nghĩa và có ý thức trân trọng, gìn giữ gia đình, thậm chí là có hành động đi ngược lại điều đó: bất hiếu, đánh đập ông bà, cha mẹ, đây là hành vi đáng lên án và loại bỏ.

·        Liên hệ bản thân.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)