Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề tổng hợp

ĐỀ 38

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc câu chuyện sau và thực hiện các yêu cầu:

          Một buổi chiều trong công việc, một phụ nữ ngồi xuống cạnh người đàn ông trên băng ghế dài.

- Kia là con trai tôi – Người phụ nữ gợi chuyện và chỉ tay về phía cậu bé mặc bộ quần áo màu đỏ đang chơi đầu trượt.

- Trông cậu bé thật thông minh. Còn con trai tôi đang chơi xích đu ở đằng kia, cậu bé đang mặc bộ đồ xanh ấy – Nói rồi, người đàn ông đưa mắt liếc nhìn đồng hồ và gọi cậu con trai:

- Todd, chúng ta về thôi con!

Todd năn nỉ:

- Bố ơi! Cho con thêm năm phút nữa đi!

          Người cha gật đầu đồng ý và Todd lại tiếp tục chơi trò xích đu của mình. Năm phút trôi qua, người đàn ông đứng dậy, gọi cậu bé lần nữa.

- Đã đến giờ phải về rồi ạ? – Cậu bé tiếc nuối và một lần nữa lại năn nỉ cha:

- Cho con thêm năm phút nữa đi! Lần này nữa thôi bố nhé!

          Người cha mỉm cười và nói:

- Năm phút thôi nhé!

          Thấy thế, người phụ nữ ngồi cạnh lên tiếng:

- Anh đúng là một ông bố kiên nhân và rất thương con. Nhưng anh không nên nuông chiều như thế.

          Im lặng giây lát rồi người đàn ông khẽ nói:

- Trước đây, do quá mải mê tập trung vào công việc nên tôi không còn thời gian để quan tâm tới gia đình. Mỗi lần về nhà, Tommy, con trai lớn của tôi, luôn nài nỉ: “Bố chơi với con đi! Chỉ năm phút thôi!” Thế nhưng tôi thường từ chối bằng câu trả lời: “Để lát nữa, con nhé!”. Năm ngoái trong một lần Tommy rủ tôi cùng chơi mà tôi bận, nên con tôi chập chững đạp xe một mình quanh công viên và đã bị một chiếc xe hơi do tài xế say rượu đâm phải. Khi ấy, tôi thực sự ân hận vì đã không quan tâm đến con mình và biết rằng chẳng còn cơ hội nào để tôi được ở bên con, dù chỉ năm phút ngắn ngủi. Tôi nguyện rằng mình sẽ không bao giờ để điều đó được lặp lại với Todd. Thế nên, mỗi khi cho con trai tôi thêm năm phút để chơi đùa trên chiếc xích đu nó thích thì cũng là lúc tôi được tận hưởng thêm một khoảng thời gian nữa để nhìn ngắm đứa con thân yêu của mình. Điều đó vô cùng ý nghĩa với cả hai.

(Dẫn theo http://www.chiase123.com)

Câu 1. Trong câu chuyện trên, người cha của Todd luôn sẵn sàng dành thời gian cho các con. Điều này đúng hay sai?

Câu 2. Nội dung chính của câu chuyện trên là gì?

Câu 3. Anh (chị) hãy đặt tiêu đề cho câu chuyện trên.

Câu 4. Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. (2 điểm)

          Nhận ra giá trị “năm phút của sự quan tâm”, bố của Todd tự nhủ: mỗi khi cho con trai tôi thêm năm phút để chơi đùa trên chiếc xích đu nó thích thì cũng là lúc tôi được tận hưởng thêm một khoảng thời gian nữa để nhìn ngắm đứa con thân yêu của mình. Điều đó vô cùng ý nghĩa với cả hai.

          Dựa vào nội dung câu chuyện ở phần Đọc hiểu và nhất là lời tự nhủ ở trên, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2 (5 điểm)

Nêu cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của dòng sông Hương trong đoạn trích sau:

          Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm mại như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tích và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ kia giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường,

Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 198 – 199)

ĐÁP ÁN

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1. Lời nhận định trên là sai. Trong câu chuyện, trước khi xảy ra sự việc đau lòng đối với Tommy (anh trai của Todd), người cha do quá mải mê tập trung vào công việc mà chưa dành nhiều thời gian để chơi với các con mình. Chỉ từ khi ông mất đi đứa con trai lớn vì tai nạn, ông mới nhận ra rằng phải luôn sẵn sàng dành thời gian cho con.

Câu 2. Nội dung câu chuyện: Sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái và ý nghĩa của nó.

Câu 3. Có thể chấp nhận các cách đặt tên khác nhau, miễn sao tiêu đề phù hợp với nội dung câu chuyện. Ví dụ: Ý nghĩa của sự quan tâm, Năm phút và sự quan tâm, Bài học ý nghĩa từ sự quan tâm,…

Câu 4. Câu chuyện ngắn gọn nhưng gợi ra nhiều suy nghĩ: trong cuộc sống hiện đại, mỗi người thường dành nhiều thời gian cho công việc, cho các trò giải trí, điện thoại di động, ipad,… ngược lại, dành ít thời gian cho gia đình, cho con cái. Chỉ khi những sự thu hút kia gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì người trong cuộc mới nhận ra và tìm cách để sửa chữa lỗi lầm. Tuy nhiên, có những chuyện dù có muốn sửa chữa cũng không thể sửa chữa được. Câu chuyện là bài học về sự quan tâm trong cuộc sống. Không chỉ là chuyện cha mẹ quan tâm đến con cái mà còn mở rộng ra, đó là lời nhắn nhủ tới mỗi người hãy luôn chú ý và dành sự quan tâm đến những người xung quanh.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ.

- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…

b. Yêu cầu về nội dung:

Có thể dựa vào một số ý sau để viết bài:

* Đặt vấn đề: Cuộc sống càng hiện đại thì những nhu cầu về vật chất của con người ngày càng tăng. Để đáp ứng những nhu cầu ấy, con người phải lao động nhiều hơn và do đó để phân bổ thời gian là bài toán đau đầu với tất cả mọi người nhất là các bậc cha mẹ. Ngoài thời gian làm việc chính, làm ngoài giờ, làm thêm, họ phải phân chia thời gian đón con, cơm nước, dạy con học… Và cứ như thế, các cha mẹ luôn ưu tiên công việc lên hàng đầu, kiếm tiền là chuyện quan trọng, theo đó giảm bớt tối thiểu thời gian tâm sự, thời gian chơi với con, con học đã có gia sư… Nhưng đến khi con có các vấn đề xảy ra các cha mẹ mới thật sự đau lòng, than trách và nói câu “Giá như”.

* Dẫn chứng một số hậu quả từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với con cái.

- Công việc kéo dài khoảng cách cha mẹ và con cái. Theo đó, con trẻ sẽ không thấy sự gần gũi của sợi dây gắn kết tình cảm gia đình. Nhất là đối với trẻ đang dậy thì với những thay đổi về tâm sinh lí, sự thiếu vắng quan tâm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tâm hồn, tính cách của trẻ.

- Những thắc mắc, băn khoăn của trẻ sẽ không được cha mẹ giải đáp kịp thời. Trẻ sẽ tự tìm hiểu trên mạng hoặc thông qua bạn bè. Rất có thể, chúng chỉ thu nhận những thông tin tiêu cực không chính xác, từ đó có những hành động đáng chê trách.

Thực tế có không ít những trường hợp trẻ đã có những nhận thức sai lầm về cuộc sống hay cách nhìn lệch lạc về tình dục bởi sự quan tâm, chia sẻ và định hướng của người thân, đặc biệt là cha mẹ.

* Mong muốn, nguyện vọng của con đối với sự quan tâm từ cha mẹ.

- Sắp xếp công việc hợp lí, để luôn dành thời gian cho những việc có thể làm với con.

- Chủ động trao đổi, tâm sự về những mong muốn, nguyện vọng của con.

- Lập kế hoạch để có một thời gian nhất định mà cả gia đình có thể sinh hoạt trò chuyện cùng nhau hoặc tham gia những trò chơi mang tính gia đình.

- Cha mẹ cần thỏa thuận, trao đổi để cân đối công việc và thời gian dành cho con cái. Tránh để trẻ ở nhà dài ngày với người giúp việc hoặc ông bà.

* Suy nghĩ, mong muốn riêng (cụ thể) với hoàn cảnh của bản thân người viết.

Câu 2. Các ý cần triển khai:

a. Giới thiệu chung:

- Đã có nhiều tùy bút viết về những dòng sông nổi tiếng của Việt Nam. Song, hầu hết các tùy bút đó đều nhìn dòng sông dưới cái nhìn lịch sử. Với sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có cái nhìn độc đáo mang tính phát hiện khi ông nhìn dòng sông dưới góc độ lịch sử, thơ ca.

- Tùy bút ngợi ca vẻ đẹp nên thơ, nét trữ tình duyên dáng của dòng sông Hương cũng như sức hấp dẫn muôn đời của nó.

- Giới thiệu đoạn văn trích là đoạn tả dòng sông Hương chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phố Huế. Đoạn văn bộc lộ những phẩm chất nghệ thuật rất tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong việc quan sát và miêu tả.

b. Phân tích:

- Trước khi trở thành người tình dịu dàng và thủy chung của cố đô, sông Hương đã trải qua một cuộc hành trình đầy gian truân và nhiều thử thách. Trong cái nhìn tinh tế và lãng mạn của tác giả, toàn bộ thủy trình của dòng sông tựa như một cuộc tìm kiếm người tình nhân đích thực của người con gái trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích.

- Dưới lăng kính của người nghệ sĩ, sông Hương đã trở thành một con người, người con gái có đầy đủ tâm hồn, tính cách, “lòng yêu thương rừng già”. Nhưng rồi, khi ra khỏi rừng, dòng sông đã chế ngự bản năng ở người con gái để “nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Sông Hương khi “đặt chân” vào thành phố đã thay đổi mình, kiềm chế mình để phù hợp với vẻ mộng mơ, thâm trầm và cổ kính của cố đô.

- Đoạn văn tả dòng sông Hương chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phố bộc lộ nét lịch lãm và tài hoa trong lối hành văn của tác giả. Sông Hương như người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng được đánh thức để hòa mình cùng Huế, duyên dáng uốn mình và bước đi chậm chạp, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức… Sức hấp dẫn của đoạn văn được gợi ra từ cách sử dụng hàng loạt động từ kết hợp với tính từ, diễn tả cái dòng chảy sống động qua những địa danh khác nhau của xứ Huế. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương là “cô gái đẹp nằm ngủ mơ màng”; nhưng ngay sau khi ra khỏi vùng núi thì cũng như nàng tiên được đánh thức, sông Hương bỗng bừng lên sức trẻ và niềm khao khát của tuổi thanh xuân trong “sự chuyển dòng một cách liên tục”…

+ Vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, sông Hương có lúc “mềm như tấm lụa” khi qua Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo; có khi ánh lên những phản quang nhiều màu sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” lúc quan những dãy đồi phía tây nam thành phố và mang “vẻ đẹp trầm mặc” khi qua những lăng tẩm, đền đài của các vua chúa nhà Nguyễn được phong kín trong những rừng thông u tịch và bừng sáng, tươi tắn và trẻ trung khi gặp “tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”…

+ Bút pháp kể và tả được kết hợp nhuần nhuyễn và tài hoa đã làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương bởi cách phối cảnh hài hòa và kì thú giữa nó với thiên nhiên xứ Huế.

+ Vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích còn được tác giả chọn bằng những câu văn dài như ngân lên trong hồn người đọc, tạo một dư âm, một ấn tượng, không thể phai mờ trong tâm trí người đọc. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi.

c. Đánh giá:

- Dưới con mắt của Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng chảy Hương giang được miêu tả thật hấp dẫn với cách miêu tả độc đáo, hấp dẫn với nhiều so sánh, từ ngữ được sử dụng đắc địa, giàu hình ảnh, màu sắc, hình khối, tạo nên một dòng Hương Giang thật đẹp, thật nên thơ và như một con người đầy cảm xúc, chứa chan tình yêu với cố đô Huế giàu truyền thống văn hóa.

- Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không chỉ là một dòng chảy mà còn là một nền văn hóa, cả một chiều dài lịch sử anh hùng và một chiều sâu tâm hồn cao quý. Người nghệ sĩ đã lần lượt theo bước dòng sông từ thượng nguồn đến khi nó tạm biệt thành phố Huế thân yêu để ra cửa Thuận An và hòa mình ra biển.

III. Kết bài

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)