Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề tổng hợp

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới

Đá san hô kê lên thành sân khấu

Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà

Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

 

Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng

Đá củ đậu bay như lũ chim hoang

Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu

Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn…

 

Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng… rặt lính trọc đầu

Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc

Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau

 

[…] Nào hát lên cho mây nước biết

Rằng chúng ta là những con người

Yêu em thủy chung hơn muối mặn

Dù thư tình chưa biết gửi cho ai…

 

Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này.

Đảo Sơn Ca, tháng 5 – 1982

(Trích “Lính đảo hát tình ca trên đảo”, Bên cửa sổ máy bay,

Trần Đăng Khoa, NXB Tác phẩm mới, 1985)

Câu 1. Nhận xét về khung cảnh sân khấu buổi biểu diễn văn nghệ của những người lính ở đảo Trường Sa trong khổ thơ “Đá san hô… chịu nổi gió Trường Sa”.

Câu 2. Hình ảnh người lính trong bài thơ này gợi cho anh (chị) nhớ đến bài thơ nào đã học? Nhận xét ngắn gọn về điểm chung của hai bài thơ.

Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh “Lính trẻ, lính già đều trọc tiếu như nhau”? Hình ảnh đó nói lên điều gì?

Câu 4: Cảm nhận của anh (chị) về tâm hồn và tình cảm của những người lính đảo trong đoạn thơ trên?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

          Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

Câu 2 (5 điểm)

          Cảm nhận của anh (chị) về những vẻ đẹp của nhân vật người “vợ nhặt” trong truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân và nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

ĐÁP ÁN

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Khung cảnh sân khấu buổi biểu diễn văn nghệ phản ánh sự thiếu thốn khó khăn, gian khổ mọi bề của những người lính ở đảo Trường Sa: sân khấu được kê bằng đá san hô, cánh gà sân khẩu là những tấm tôn dựng tạm, không có phông màn, không trang trí, bốn bề gió lộng, cát bay.

Câu 2. Bài thơ trong chương trình cũng có nhắc đến nội dung này:

- Đồng chí (Chính Hữu)

- Tây Tiến (Quang Dũng)

- Điểm chung: đều đặc tả sự thiếu thốn khó khăn, gian khổ của người lính trong cuộc sống và trong chiến đấu nhưng họ luôn lạc quan, sẵn sàng đối diện với khó khăn để bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

Câu 3. Tất cả những người lính trong bài thơ đều để đầu trọc. Bởi ở thời điểm năm 1982, thuốc men chữa bệnh đưa ra đảo còn thiếu thốn, nhiều chiến sĩ không hợp khí hậu và nguồn nước nên tóc bị rụng. Thêm nữa, ở ngoài đại dương, nước ngọt còn quý hơn châu báu. Những người lính đảo phải tiết kiệm nước để sử dụng cho những công việc thiết yếu hơn. Cắt tóc ngắn để giảm thiểu nước ngọt gội đầu là một thực tế lúc ấy.

Câu 4. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của những người lính đảo được đề cập trong đoạn thơ:

- Những người lính có tâm hồn lạc quan, bay bổng, lãng mạn: vui tươi, trẻ trung, tràn đầy sức sống với những tiếng hát bay xa giữa ngàn khơi.

- Những người lính mang trong tim tình yêu Tổ quốc nồng nàn: sẵn sàng đương đầu với sóng cả gió lớn, những thiếu thốn về vật chất và tinh thần để bảo vệ bình yên cho biển đảo quê hương, bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng hình thức 1 đoạn văn, khoảng 200 chữ.

- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,..

b. Yêu cầu về nội dung:

Đoạn văn có thể trình bày theo các ý sau:

- Thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước hòa bình. Họ được sống, được học tập và hưởng thụ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã mất bao công sức, phải đánh đổi cả xương máu và trí tuệ để có được. Vì thế, mỗi thanh niên cần biết quý trọng tuổi trẻ, phải sống và cống hiến hết mình vì Tổ quốc thân yêu.

- Trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay được biểu hiện ở những khía cạnh:

+ Bảo vệ Tổ quốc bằng việc không ngừng học tập, trau dồi tri thức, hiểu biết, góp sức mình xây dựng đất nước, làm cho đất nước ngày càng vững mạnh.

+ Bảo vệ Tổ quốc bằng cách chống lại những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu và hành động thù địch chống phá Đảng và Nhà nước của kẻ thù, gây mất lòng tin với Đảng và đoàn kết dân tộc.

+ Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời tiếp thu chọn lọc những giá trị văn hóa hiện đại của nước ngoài.

+ Thực hiện nghiêm túc luật nghĩa vụ quân sự, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh; sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc gọi.

- Phê phán những thái độ, hành vi ích kỉ cá nhân, đặt quyền lợi cá nhân lớn hơn trách nhiệm với cộng đồng, với dân tộc, với Tổ quốc.

- Bài học nhận thức và hành động: Tuổi trẻ cần xây dựng lí tưởng sống cao đẹp, ý chí tự tôn tự cường dân tộc; không ngừng học tập, rèn luyện thể chất, nâng tầm hiểu biết, trí tuệ.

Câu 2. Dàn ý:

I. Mở bài

- Giới thiệu 2 tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu 2 nhân vật người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”.

II. Thân bài

1. Khái quát

a. Giới thiệu vị trí, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

b. Giới thuyết về nhân vật và vai trò của nhân vật

c. Những nét chính về hình tượng 2 người phụ nữ trong 2 tác phẩm

- Vẻ đẹp người phụ nữ là một trong những đề tài quen thuộc của văn học Việt Nam. Trong văn học giai đoạn từ năm 1945 – hết thế kỉ XX, vẻ đẹp người phụ nữ được thể hiện qua nhiều nhân vật.

- Trong đó có nhân vật “người vợ nhặt” trong “Vợ nhặt” của Kim Lân và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

2. Cụ thể

a. Điểm giống: Nhìn từ bên ngoài, cả hai nhân vật đều không có vẻ gì đặc biệt.

- Cô “vợ nhặt” xuất hiện trước mặt Tràng trong lần thứ hai với thân hình gầy sọp, quần áo tả tơi như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

- Người đàn bà hàng chài là một người phụ nữ miền biển trạc ngoài 40 tuổi, thô kệch, mặt rỗ, lúc nào cũng xuất hiện với vẻ mệt mỏi, tạo ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ.

b. Điểm khác:

Nhưng nhìn sâu vào bên trong tâm hồn họ, người đọc sẽ tìm thấy được những vẻ đẹp đáng quý:

* Người “vợ nhặt”:

- Một người phụ nữ nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ như chị đã thể hiện khi gặp anh Tràng lần đầu tiên.

- Một người phụ nữ ý tứ, nghiêm trang: thái độ của chị khi cùng Tràng đi về qua xóm ngụ cư (kéo nón che nghiêng nửa mặt, không được hài lòng khi bọn trẻ trêu đùa); khi đến nhà Tràng, chị chỉ ngồi nép nơi mép giường.

- Vì hoàn cảnh, có lúc chị phải gồng mình lên, đanh đá, chua ngoa, đốp chát nhưng chỉ cần nhận được một sự yêu thương, một nơi nương tựa, được dựa vào một mái ấm gia đình, chị lại trở về với bản tính tốt đẹp của người phụ nữ hiền thục, đảm đang, yêu cuộc sống. Anh Tràng không còn thấy vẻ đẹp chao chát, chỏng lỏn. Ở chị, anh chỉ thấy chị đảm đang, hiền thục, thu vén gia đình chu đáo. Trong bữa cơm ngày đói, chỉ có miếng chè cám đắng xít cổ họng, chị điềm nhiên và vào miệng, cúi mặt xuống, che giấu sự tủi hờn để tránh làm đau lòng người mẹ chồng nghèo khổ, già nua mà nhân hậu.

* Người đàn bà hàng chài

- Nhân vật được gọi một cách phiếm định: người đàn bà. Tuy không có tên cụ thể, vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận của chị được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này.

- Chị là một người phụ nữ đau khổ. Chị thường xuyên bị chồng đánh đập, ba ngày một trận nhỏ, năm ngày một trận lớn, nhưng vì các con, chị vẫn âm thầm chịu đựng không tìm cách chạy trốn.

- Chị thương chồng, chị hiểu được những đau đớn, day dứt của chồng do hoàn cảnh nghèo khổ, vất vả, khó khăn đến nỗi nó khiến anh từ một người đàn ông tuy cục tính nhưng hiền lành trở thành một kẻ vũ phu. Chính vì vậy, chị đã hoàn toàn nhẫn nhục, cam chịu khi bị chồng bạo hành.

- Chị là người mẹ thương con. Chị lo sợ thằng Phác sẽ có những hành động nông nổi với bố, chị đã gửi con cho bố ruột mình nuôi. Không muốn con nhìn thấy cảnh cha đánh mẹ, chị xin với chồng mỗi lần muốn đánh chị thì lên bờ mà đánh, khi không có mặt con. Sở dĩ chị nhẫn nhục, chịu đựng như vậy là vì chị nghĩ đến đàn con, bởi gia đình cần có một người đàn ông trong những lúc phong ba bão táp, cùng chị nuôi nấng đàn con khôn lớn. Có thể nói, đây là một sự hi sinh cao cả của chị với con.

- Chị là một người thấu hiểu lẽ đời, tuy ít học mà tinh táo và sáng suốt. Không chỉ hiểu mình, chị hiểu cả tấm lòng của những người phụ nữ hàng chài. Họ biết mình đau khổ nhưng vẫn nhẫn nại, hi sinh, bao dung, chịu đau khổ để cho đàn con được nuôi dưỡng khôn lớn. Bởi người phụ nữ hàng chài không thể sống như những người phụ nữ khác, do hoàn cảnh rất riêng, quanh năm họ sống trên sông nước, gia đình nào cũng trên dưới chục đứa con. Câu chuyện của chị ở tòa án huyện đã mang lại cho chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng những nhận thức mới mẻ mà trước đo họ chưa từng nghĩ tới.

- Chị yêu thương gia đình và cuộc sống đầm ấm đạm bạc của gia đình. Như chị nói: trên thuyền cũng có những lúc cha con, chồng vợ vui vẻ với nhau, nhất là khi nhìn đàn con được ăn no. Chính vì vậy, khi chánh án Đẩu đề nghị chị li hôn với chồng, chị đã nhất định không chấp nhận.

- Chị là người phụ nữ bao dung, vị tha, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh – tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

c. Đánh giá:

- Hai nhân vật có những nét riêng trong số phận, đặc điểm ngoại hình được khắc họa với những nét đậm nhạt khác nhau nhưng đều thể hiện được tâm hồn nhân hậu, hiền thục của người phụ nữ Việt Nam. Những hình ảnh như vậy mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc, là bài học quý giá để noi gương.

III. Kết bài

1. Khẳng định lại vị trí và tầm quan trọng của nhân vật,

2. Liên hệ, mở rộng.

 

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)