Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Tuyên ngôn Độc lập (tiếp theo) (Phần II: Tác phẩm)

Danh sách bài làm & chấm bài  

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

                             Hồ Chí Minh

I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI

          Sau hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, hàng trăm năm dưới chế độ thực dân, mùa thu năm 1945, nhân dân Việt Nam đã làm cuộc cách mạng tháng Tám thắng lợi, giành độc lập tự do cho đất nước, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Bác đã soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

          Đây cũng là lúc hoàn cảnh nước ta rất phức tạp, bọn thực dân, đế quốc nấp sau danh nghĩa quân Đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật đang âm mưu xâu xé Việt Nam: phía Bắc là quân đội Quốc dân Đảng, tay sai của đế quốc Mĩ đã chực sẵn ở biên giới để đổ quân vào Việt Nam, tiến vào từ phía Nam là quân đội Anh, phía sau là lính viễn chinh Pháp. Ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã nhận định: mâu thuẫn giữa Anh – Pháp – Mĩ và Liên Xô có thể khiến Anh – Mĩ sẽ nhân nhượng để cho Pháp trở lại Đông Dương. Còn thực dân Pháp, để chuẩn bị cho công cuộc xâm lược lần thứ hai, chúng đã đưa ra một chiêu bài rất dễ đánh lừa công luận quốc tế: Pháp có công khai hóa Đông Dương, đây vốn là đất bảo hộ của Pháp bị Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng đồng minh, Pháp đương nhiên có quyền trở lại Đông Dương thay thế quân đội Nhật.

II. ĐỐI TƯỢNG HƯỚNG ĐẾN VÀ MỤC ĐÍCH SÁNG TÁC

          Hoàn cảnh ra đời đã cho thấy rõ hơn đối tượng và mục đích của bản Tuyên ngôn độc lập. Đối tượng hướng tới của bản Tuyên ngôn không chỉ là đồng bào cả nước như trong lời mở đầu mà còn là các nước trên thế giới, chủ yếu là phe Đồng minh trong đó có Anh – Mĩ, đặc biệt là Pháp. Và do đó, mục đích của bản Tuyên ngôn không chỉ là tuyên ngôn độc lập dân tộc, nội dung bản Tuyên ngôn còn có thể coi là một cuộc tranh luận ngầm nhằm bác bỏ luận điệu kẻ cướp của thực dân Pháp. Chính đối tượng và mục đích đã chi phối sâu sắc nội dung tư tưởng, giọng điệu và nghệ thuật lập luận trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập.

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

          Khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam trên cơ sở chân lí, lẽ phải không thể chối cãi, xuất phát từ thực tế Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thực đã chiến đấu để trở thành một nước tự do, độc lập.

          Lên án, tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, sử dụng những cứ liệu hùng hồn để phủ nhận quyền của thực dân Pháp với Việt Nam, bác bỏ luận điệu xảo trá, sai trái của chúng trước dư luận quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.

          Khẳng định quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam để giữ vững quyền tự do độc lập.

IV. NGHỆ THUẬT LẬP LUẬN

1. Nghệ thuật lập luận trong đoạn mở đầu

a. Trình tự lập luận

          Mở đầu bản Tuyên ngôn, tác giả đã trích dẫn những lời bất hủ về quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mĩ để từ cơ sở đó, tá giả suy rộng ra quyền dân tộc. Tiếp theo là lời trích dẫn từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp để cuối cùng chốt lại bằng một khẳng định đanh thép: đó là lẽ phải không ai có thể chối cãi được.

b. Hiệu quả lập luận của những lời trích dẫn

          Khi mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam bằng việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp, tác giả Hồ Chí Minh đã tạo ra một vị thế ngang hàng giữa cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 của Việt Nam với những cuộc Cách mạng vĩ đại của thế giới như cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 1776 của Mĩ, cách mạng Tư sản năm 1789 của Pháp, đó cũng là vị thế ngang hàng giữa ba bản Tuyên ngôn, ba quốc gia.

          Hơn thế nữa, tác giả còn kín đáo thể hiện niềm tự hào dân tộc khi cách mạng Việt Nam đã cùng lúc thực hiện nhiệm vụ của cả hai cuộc Cách mạng kia: đó là nhiệm vụ dân tộc như cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Mĩ khi “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập” và nhiệm vụ dân chủ như cách mạng Tư sản Pháp khi “đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Đó cũng là cách làm sáng tỏ tính chất hợp quy luật của cách mạng Việt Nam trong xu thế chung của cách mạng thế giới, góp phần nâng cao vị thế, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.

          Lấy phần trích dẫn này làm tiền đề để triển khai các lập luận, lí lẽ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, tác giả Hồ Chí Minh đã khiến cho những luận điểm đúng đắn trong hai bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp vốn được thế giới thừa nhận như những chân lí lớn của nhân loại trở thành cơ sở pháp lí vững vàng, chắc chắn mang tầm vóc quốc tế cho lời tuyên bố của Việt Nam.

          Việc trích dẫn cũng thể hiện một nghệ thuật lập luận vừa khéo léo vừa sắc sảo kiên quyết của người viết. Khéo léo vì thái độ trân trọng với những cuộc cách mạng vĩ đại của hai quốc gia Mĩ và Pháp khi đặt lời tuyên bố bất hủ của tổ tiên họ vào phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam – phần mở đầu cho một văn kiện chính trị quan trọng và thiêng liêng bậc nhất của một quốc gia; khéo léo còn vì hàm ý khẳng định: Việt Nam sẵn sàng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của những cuộc cách mạng vĩ dại trên thế giới, cách mạng tháng Tám năm 1945 không phải sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nó xứng đáng nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Mĩ và Pháp. Việc trích dẫn cũng tỏ ra kiên quyết, sắc sảo khi cảnh cáo thực dân Pháp và đế quốc Mĩ trong âm mưu xâm lược Việt Nam, họ không thể phản bội lí tưởng cao quý của chính tổ tiên mình, không thể chà đạp lên lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái mà tổ tiên họ từng giương cao, đó cũng là thủ pháp lấy gậy ông đập lưng ông rất mạnh mẽ, đích đáng.

c. Hiệu quả của những lời bàn luận, mở rộng, nâng cao

          Việc suy rộng ra từ quyền con người tới quyền sống, quyền tự do, bình đẳng của tất cả các dân tộc trên thế giới đã thể hiện nghệ thuật lập luận chặt chẽ, tư duy lí luận sắc sảo, sáng tạo của Hồ Chí Minh. Nhờ đó, lời tuyên bố độc lập của Việt Nam trở thành một vấn đề tất yếu, hợp với quy luật và chân lí của mọi thời đại. Đây cũng là đóng góp lớn lao về mặt tư tưởng lí luận của Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đó là một dòng thác cách mạng sẽ phát triển mạnh mẽ ở các nước thuộc địa vào nửa sau thế kỉ XX. Đóng góp quý giá ấy đã được một nhà cách mạng trên thế giới khẳng định: “Cống hiến nổi tiếng nhất của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc, như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình.

          Sau khi trích dẫn lời tuyên bố trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp về quyền tự do, bình đẳng của mỗi con người, tác giả Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được”. Lời khẳng định thể hiện nghệ thuật lập luận vừa khôn khéo vừa kiên quyết làm tăng thêm tính luận chiến cho bản Tuyên ngôn, trong đó, sắc thái phiếm chỉ của đại từ ai không chỉ khẳng định tính chất tuyệt đối đúng đẵn của những lời tuyên bố mà khi kết hợp với ý nghĩa của động từ chối cãi, mệnh đề khẳng định còn hàm chứa thái độ cảnh cáo đanh thép những mưu đồ xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ và thực dân Pháp.

2. Nghệ thuật lập luận trọng phần 2 của bản Tuyên ngôn Độc lập

          a. Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai, thực dân Pháp đã đưa ra một chiêu bài rất dễ đánh lừa công luận quốc tế

          Pháp có công khai hóa Đông Dương, đây vốn là đất bảo hộ của Pháp bị Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng đồng minh, Pháp đương nhiên có quyền trở lại Đông Dương thay thế quân đội Nhật.

          b. Nội dung phần 2 của bản Tuyên ngôn Độc lập có thể coi như cuộc tranh luận ngầm nhằm bác bỏ hoàn toàn luận điệu xảo trá của thực dân Pháp

          Thực dân Pháp lừa bịp thế giới bằng lá cờ tự do – bình đẳng – bác ái khi đến “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”, bản Tuyên ngôn lần lượt đưa ra những bằng chứng cho thấy ở Việt Nam không hề có tự do khi thực dân Pháp “tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút quyền tự do dân chủ nào, nhất là việc chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”; Việt Nam không hề có bình đẳng khi thực dân Pháp “giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng, khí chúng không cho các nhà tư sản của ta ngóc đầu lên”; nhân dân Việt Nam không hề được hưởng sự bác ái khi thực dân Pháp “thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta, khi chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu….” Những hình ảnh ẩn dụ thẫm đẫm nỗi đau xót và sự căm hờn đã làm tăng thêm giá trị tố cáo cho bản Tuyên ngôn, phơi bày bản chất thật của kẻ thù xâm lược.

          Thực dân Pháp kể công khai hóa Việt Nam – nhưng nếu khai hóa là khai mở văn minh cho một vùng đất, làm cho nơi ấy dân giàu nước mạnh thì qua những dẫn chứng cụ thể, bản Tuyên ngôn đã phủ nhận sự khai hóa ấy khi kể tội thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân… dùng thuốc phiện, rượu, cồn để làm nòi giống ta suy nhược,… “bóc lột nhân dân ta tới xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.…”. Cùng với phát xít Nhật, thực dân Pháp cũng là thủ phạm gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 giết chết hơn hai triệu đồng bào ta từ Bắc kì tới Quảng Trị - trong thực tế, chúng không hề đưa đến ánh sáng văn minh, không làm cho Việt Nam dân giàu nước mạnh.

          Thực dân Pháp kể công bảo hộ Việt Nam, bản Tuyên ngôn lên án chúng trong 5 năm đã “bán nước ta hai lần cho Nhật” – với ý nghĩa của từ “bán”, tác giả không chỉ phủ nhận tư cách, vai trò bảo hộ của thực dân Pháp với Việt Nam mà còn vô hiệu hóa giá trị pháp lí của chúng trong các hiệp ước trước đây với triều đình nhà Nguyễn. Câu văn đanh thép khẳng định trước dư luận quốc tế một sự thực: thực dân Pháp hoàn toàn không còn quyền gì với Việt Nam như luận điệu kẻ cướp của chúng.

          Thực dân Pháp khẳng định Việt Nam là thuộc địa của chúng bị Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng đồng minh, Pháp đương nhiên có quyền trở lại Đông Dương thay thế quân đội Nhật thì bản Tuyên ngôn chỉ rõ một cách đanh thép: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa,… Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp” – những sự thật lịch sử hiển nhiên được thể hiện trong cấu trúc điệp cú pháp làm tăng thêm sự thuyết phục hùng hồn cho lí lẽ.

          Thực dân Pháp nhân danh Đồng minh tuyên bố Đồng Minh đã thắng phát xít Nhật, chúng có quyền lấy lại Đông Dương, bản Tuyên ngôn chỉ rõ chúng là kẻ đã phản bội Đồng Minh, đã hai lần dâng Đông Dương cho Nhật, trong khi đó, Việt Minh đứng về phe Đồng Minh, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên đánh Nhật giải phóng đất nước; Việt Minh cũng nhiều lần kêu gọi Pháp liên minh đánh Nhật nhưng Pháp đã không hề đáp ứng – như vậy, thực dân Pháp đã không còn tư cách của một nước Đồng minh.

          Bản Tuyên ngôn cũng lên án tội ác dã man và tư cách đê tiện của thực dân Pháp: hèn hạ quỳ gối trước phát xít Nhật, khủng bố Việt Minh, khi chạy trốn còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị, trong khi đó, Việt Minh đã tỏ rõ lòng nhân đạo khi giúp đỡ quân Pháp chạy qua biên giới, đã tỏ rõ sự kiên cường khi anh dũng chiến đấu chống phát xít.

=> Tất cả những lí lẽ đanh thép, những bằng chứng hùng hồn trên đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu kẻ cướp của thực dân Pháp và đưa đến một kết luận không ai có thể phủ nhận được, kết luận không chỉ xuất phát từ những tư tưởng tiến bộ của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp mà còn xuất phát từ thực tế của Cách mạng Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập”.

VI. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ VĂN HỌC CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

1. Giá trị lịch sử:

          - Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập tự do, cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần 100 năm của dân tôc ta để có thể có được quyền thiêng liêng và chính đáng ấy.

          - Bản Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng cho dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta: kỉ nguyên độc lập tự do, kỉ nguyên nhân dân làm chủ đất nước.

2. Giá trị văn học

          - Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chương yêu nước lớn của thời đại cách mạng. Tác phẩm khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập của dân tộc, gắn độc lập dân tộc với quyền sống của con người, nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo của người Việt Nam, đó cũng là những cảm hứng bao trùm trong lịch sử văn học Việt Nam.

          - Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận mẫu mực. Dung lượng tác phẩm ngắn gọn, hàm súc; kết cấu tác phẩm mạch lạc, lập luận chặt chẽ, lí luận đanh thép giàu sức thuyết phục, chứng cứ cụ thể, xác thực; ngôn ngữ chính xác, gợi cảm tác động mạnh mẽ vào nhận thức, tình cảm của người nghe, người đọc.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)