Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm

Danh sách bài làm & chấm bài  

NHÀN (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Đề bài:  Quan niệm sống nhàn trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Mở bài:

Cách 1:

    Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam: Lê - Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong những chấn động làm rạn nứt những quan hệ nền tảng của chế độ phong kiến, ông vừa vạch trần những thế lực đen tối làm đảo lộn cuộc sống nhân dân, vừa bảo vệ trung thành cho những giá trị đạo lí tốt đẹp qua những bài thơ giàu chất triết lí về nhân tình thế thái, bằng thái độ thâm trầm của bậc nhà nho. “Nhàn” là bài thơ Nôm nổi tiếng của ông nêu lên quan niệm sống của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi.

Cách 2:

      Nói đến Nguyễn Bỉnh Khiêm là nói đến một nhà thơ triết lí và nhà thơ đạo lí. Thơ ông mang đậm tính giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Ông đã thể hiện sâu sắc quan niệm sống nhàn trong bài thơ cùng tên.  

Thân bài:

1. Giải thích triết lí sống nhàn

    Nhàn là một thái độ sống, một cách thể hiện quan niệm của các nhà nho ẩn dật. Tại sao nhà nho ẩn dật lại thường chọn rừng núi, chọn làng quê làm nơi cư trú? Câu trả lời chỉ có thể tìm trong lời Nguyễn Bỉnh Khiêm: vì thời đó, con người “ở triểu đình thì tranh nhau cái danh, ở chợ búa thì giành nhau cái lợi”. Những chốn đông người như đô thành, chợ búa là những nơi  bon chen, tranh giành danh và lợi. Tất nhiên khi chạy theo danh và lợi, con người dễ chà đạp lên đạo nghĩa, xa lìa  các giá trị đạo đức. Chọn nơi vắng vẻ, xa thế giới thành thị, nhà nho muốn đoạt tuyệt với mọi cám dỗ của danh lợi để giữ trọn vẹn phẩm chất đạo đức của mình. “Nhàn” đối lập với bon chen, xu phụ, chạy vạy, luồn cúi, âm mưu, thủ đoạn. “Nhàn” không có nghĩa là lười nhác, ăn không ngồi rồi. “Nhàn” ở đây nghĩa là giữ cho tâm hồn lúc nào cũng ở trạng thái yên tĩnh, trong trẻo, hài hòa. Trong bối cảnh xã hội khủng hoảng, nhà thơ không tìm được điều kiện để thể hiện tài năng và thực hiện hoài bão vì dân vì nước của mình thì việc sống “nhàn” để giữ vững phẩm chất đạo đức là một lựa chọn tích cực.

2. Phân tích, chứng minh

a. Hai câu đề: Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết được thể hiện ở thú vui ẩn dật.

     Sống giữa thời loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu những ước mơ, hoài bão của mình sẽ không thể thực hiện được. Để giữ cho cốt cách thanh cao, tâm hồn trong sạch, ông không thể làm quan dưới triều đại mục ruỗng làm khổ nhân dân. Vì thế, ông tìm về với cuộc sống nơi thôn dã với bao điều thú vị:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

     Xét về mặt thi liệu, mai, cuốc, cần câu gắn với cuộc sống hoang sơ nơi thôn cùng xóm vắng. Trình độ sản xuất ở mức độ sơ khai. Biện pháp liệt kê với một loạt những dụng cụ lao động cho thấy tất cả đã sẵn sàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm về sống giữa thôn quê như một lão nông tri điền. Nhưng nếu chỉ là một lão nông thuần phác, giản đơn, không thể có cái cách nói khác thường thể hiện trong nhịp điệu “Một mai, một cuốc, một cần câu” ấy. Như ta biết: trong thơ thất ngôn thời trung đại, nhịp 4/3 là phổ biến, thậm chí là một quy định nhất định phải làm theo. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phá vỡ khuôn khổ ấy. Ông đã biến đổi nó, tách rời nó thành nhịp điệu câu thơ khác hẳn: 2/2/3. Chưa hết, cả ba nhịp điệu ấy đều có một cấu trúc y hệt nhau, đều có chữ “một” đứng đầu. Ba chữ “một” ở đây là điệp từ. “Một” chứ không phải là hai. Mà cái gì cũng một, không thiếu cũng không thừa. “Một mai, một cuốc, một cần câu” là tương ứng với một con người. Con người ấy đã tự lựa chọn cho mình cách sống, tất cả chỉ cần những nhu cầu tối thiểu, giản dị, không cần tư lợi, bon chen. Cách sống ấy vừa như cách sống của kẻ chân lấm tay bùn mà không hẳn là một người cày cuốc. Chủ thể trữ tình ở đây vừa là một nhà nông vừa không phải nhà nông. Là nhà nông thì đã rõ. Chỉ có nhà nông mới cần đến mai, đến cuốc. Nhưng cái tư cách không phải nhà nông là ở chỗ: từ tầm tri thức và trải nghiệm lẽ đời, tác giả đã khẳng định: đây là cách sống duy nhất, con đường duy nhất để tồn tại. Không có cách sống thứ hai. Cách sống mà tác giả gọi là “thơ thẩn” ấy nếu ở câu thơ thứ nhất còn mơ hồ thì đến câu thứ hai đã rõ “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Câu thơ vừa có phép so sánh, vừa đối lập: ta với “ai”. “Thơ thẩn” thuộc về cách sống của ta, còn “vui thú” là cách sống của “”ai”. “Ai” là khác với ta, một đại từ phiếm chỉ nhưng có sức khái quát cao. Câu thơ trực tiếp thể hiện tâm trạng và quan niệm sống của nhà thơ. Ông tự chọn lối sống cho mình và rất bằng lòng với lối sống ấy.

b. Hai câu thực: Nhưng tính chất triết luận đến hai câu thơ tiếp theo mới trở thành phát ngôn chính thức. Nhà thơ thể hiện quan niệm sống nhàn bằng lối sống tránh xa danh lợi.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn người đến chốn lao xao.

     Vẫn là sự so sánh đối lập nhưng nội lực của ý thơ đã có sự tăng cường. “Thơ thẩn” đã thành “nơi vắng vẻ”, còn “vui thú” đã thành “chốn lao xao”. “Nơi vắng vẻ” là nơi ít người lại quan, không gian tĩnh mịch, thiên nhiên tĩnh lặng, con người được sống thanh nhàn, không bị ràng buộc. Ở đấy con người được tự do tuyệt đối. Còn “chốn lao xao” gợi đến nơi đô thị sầm uất, nhộn nhịp, con người phải đua chen, giành giật, không làm chủ được bản thân, đã trở nên tha hóa. Theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, “tìm nơi vắng vẻ” tưởng như dại nhưng thực ra lại khôn. Khôn không chỉ ở khía cạnh vô lo, vô sự, an toàn. Khôn còn vì cách sống ấy là một thú vui, một niềm ham thích. Giữa lúc xã hội loạn lạc, triều đình không có vua sáng tôi hiền, tìm về sống với thiên nhiên chính là để tâm hồn thanh thản, trong sạch, không những yên thân mà còn được thụ hưởng nhiều thứ lộc trời do tự nhiên ban tặng. Song, cái chính là muốn sống thế nào tùy thích, mình được sống là mình, không phải luồn cúi, cầu cạnh ai. Còn “đến chốn lao xao” tưởng rằng là khôn nhưng cái khôn này bị cái danh, cái lợi ràng buộc, lối sống thực dụng ấy khác nào con thiêu thân lao vào lửa. Cách nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm là nói ngược mà nghĩa xuôi, tưởng lạ lùng mà chắc bền như chân lí, một chân lí thuần phác và sâu sắc. Trong nhiều bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói về cái lẽ dại – khôn ấy:

- Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại mà hiền lành ấy dại khôn

- Người xảo ta thì vụng

Ấy vụng thế mà hay

Ta vụng người thì xảo

Ấy xảo thế mà gay

Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn cách sống đạm bạc mà thanh cao, tìm về nơi thôn dã hòa hợp với thiên nhiên để giữ tâm hồn trong sạch. Đó là sự minh triết theo lối ứng xử của nhà nho “Dùng thì tham gia hành đạo, bỏ thì lui về ẩn dật” cộng hưởng với quan niệm hòa hợp trong thế giới tự nhiên của Lão – Trang, đồng thời cũng chính là sự lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm với ý nghĩa là sản phẩm kết tụ tinh thần thời đại bấy giờ.

c. Hai câu luận: Gửi chí về nơi thôn dã, Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục cụ thể hóa bằng một đời sống tinh thần và lối sinh hoạt hòa hợp với môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên và cảnh trí thiên nhiên. Quan niệm sống nhàn của cụ Trạng thể hiện trong lối sống hòa hợp với thiên nhiên với mùa nào thức ấy:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

     Khác hẳn với lối hưởng thụ vật chất đắm mình trong vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hưởng thụ những ưu đãi của thiên nhiên hào phóng bằng một tấm lòng hòa hợp với tự nhiên. Hai câu thơ tả rất thực về cuộc sống của nông thôn ngày trước. Tuy đời sống vật chất có thể còn thiếu thốn nhiều bề nhưng “trong nghèo khó có phong lưu”. Đây là cái thú đồng quê mà những “chốn lao xao” không thể nào có được. Mà cái “có” ở đây lại rất phong phú, rất thừa dư. Nó dồi dào mùa nào thức ấy. Tuy không phải là cao lương mĩ vị nhưng cũng thơm thảo đậm đà. Giọng thơ như người nhẩm tính về của cải trong kho. Cái kho tàng rau dưa này trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm không giống với kho gió trăng trong thơ Nguyễn Công Trứ sau này “Gió trăng chở một thuyền đầy – Của kho vô tận biết ngày nào vơi”. Nó thiết thực hơn, mặn mòi hơn, mồ hôi nước mắt hơn vì măng trúc ấy, giá đỗ ấy là từ cái mai, cái cuốc làm nên. Đó là việc ăn. Riêng việc tắm cũng có nhiều điều thú vị “Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Cả ao và hồ sen đều là những nơi chốn của thiên nhiên, sẵn có. Xuân – hạ - thu – đông, một vòng quay khép kín của một năm, rồi năm nay tiếp năm khác là cả một đời người. Hai câu thơ với thủ pháp đối dựng lên bức tranh tứ bình bốn mùa, đằng sau đó là tâm thế chủ động, ung dung của tác giả khi hòa nhịp sống với sự chảy trôi của thời gian.

     Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là cuộc sống lao động vất vả nhưng lạc quan, ông nhìn cuộc sống ấy  rất thi vị. Tứ thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm thiên về vẻ đẹp đơn giản, trong lành, thuần lẽ tự nhiên. Trong sự cộng hưởng với tâm thức người xưa, cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có sắc thái khác lạ của riêng nó. Cuộc sống ấy mang dấu ấn lánh đời thoát tục, tiêu biểu cho quan niệm độc thiện kì thân của các nhà nho, đồng thời cũng có nét gần gũi với triết lí vô vi của đạo Lão, thoát tục của đạo Phật. Nhưng gạt sang một bên những triết lí siêu hình, ta nhận ra con người nghệ sĩ đích thực của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hòa hợp với thiên nhiên một cách sang trọng bằng tất cả cái hồn nhiên trong sạch của lòng mình. Không những thế, những hỉnh ảnh măng trúc, giá, hồ sen còn là biểu tượng gắn kết với phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với lòng mình. Hòa hợp với thiên nhiên là một Tuyết Giang phu tử đang sống đúng với thiên lương của mình.

d. Hai câu kết: Đến hai câu thơ cuối cùng, nhà thơ đúc kết trọn vẹn quan niệm sống nhàn là thuận theo lẽ tự nhiên.

      Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một bậc đại nho bước ra từ chốn cửa Khổng sân Trình, ông hiểu sâu sắc triết lí nhập thế giúp đời nhưng thời cuộc đảo diên, sau lần dâng sớ chém mười tám lộng thần không thành, ông hiểu rằng mình đành bất lực và từ quan là lựa chọn đúng đắn nhất, không thực hiện được hoài bão cao cả thì ít ra phải giữ được phẩm tiết. Vì thế, ông về vui thú ẩn dật, sống hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa vòng danh lợi. Tất cả đúc kết thành quan niệm sống thuận theo lẽ tự nhiên:

Rượu đến cội cây ra sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

     Người xưa làm thơ thường phải có rượu và có bạn. Nguyễn Bỉnh Khiêm có rượu nhưng không có bạn (vì cái gì cũng chỉ có “một” – như trên đã nói). Không có bạn thì tìm đến cội cây làm bạn. Uống rượu với cội cây là sự tuyệt đối hóa nỗi cô đơn. Nhưng tuyệt đối hóa nỗi cô đơn trong trường hợp này là một niềm khoái cảm. Vì được tự do, nhất là được nhìn đời (cuộc đời danh lợi) bằng con mắt trong veo, với thế đứng cao hơn phú quý. Đó là một ông tiên nơi cõi tục.

      Nguyễn Bỉnh Khiêm mượn điển tích một cách rất tự nhiên khiến ta liên tưởng đến câu chuyện Thuần Vu Phần uống rượu nằm ngủ dưới gốc cây hòe, mơ thấy mình đến nước Hòe An, được hưởng vinh hoa phú quý. Tỉnh dậy thấy chỉ là mộng và bên cạnh chỉ có một tổ kiến. Qua điển tích này, tác giả muốn gửi gắm công danh chỉ là giấc mộng phù phiếm, tỉnh giấc mọi thứ sẽ tan biến thành hư ảo. Trạng Trình quả là có sự thông tuệ anh minh khi thấu hiểu quy luật tuần hoàn của vũ trụ để nhìn mọi sự biến thiên với con mắt bình thản. Ông đã nói lên thái độ sống dứt khoát đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy vốn dĩ gắn với đạo Lão – Trang, có phần yếm thế tiêu cực nhưng đặt trong thời đại nhà thơ đang sống lại bộc lộ ý nghĩa tích cực. Cuộc sống của những kẻ chạy theo công danh phú quý vỗn dĩ ông căm ghét và lên án trong nhiều bài thơ về nhân tình thế thái của mình:

Ở thế mới hay người bạc ác

Giàu thì tìm đến, khó thì lui

(Thói đời)

      Phú quý đi với chức quyền đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của bọn người bạc ác thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau mà sống. Bởi thế, có thể hiểu thái độ nhìn phú quý tựa chiêm bao cũng là cách nhà thơ chọn lựa con đường sống gần gũi, chia sẻ với nhân dân. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của người bình dân đáng quý đáng trọng vì đem lại sự thanh thản cũng như giữ cho nhân cách không bị hoen ố vẩn đục trong xã hội chạy theo thế lực kim tiền. Cội nguồn triết lí của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với quan niệm sống lành vững tốt đẹp của nhân dân.

Kết bài

     Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc kiểu nhân cách nhà nho mang chí hướng hành đạo nhưng không gặp thời. Bài thơ “Nhàn” của ông in đậm dấu ấn tinh thần con người cá nhân trước một thời đại mất phương hướng, chao đảo, loạn lạc, nhiều đổi thay. Đặt trong tương quan với nhiều tác phẩm khác, các sáng tác của ông hàm chứa tính phức tạp của nhiều thế ứng xử văn hóa, nhiều phương án lựa chọn, nhiều cung bậc tâm trạng khác nhau. Ông đã đưa ra thật nhiều cách thức hình dung về cuộc đời, soi nhìn cuộc sống từ nhiều góc cạnh, tự đặt mình trong mỗi tình huống cụ thể mà bài thơ “Nhàn” chỉ là một cách chiêm nghiệm. Điều này đặt ra yêu cầu tiếp nhận thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm cần được xem xét trong tính tổng thể song cũng phải chú ý tới mối liên hệ giữa các đường hướng tâm trạng phù hợp với từng cảnh đời và chặng đường cụ thể.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)