Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Danh sách bài làm & chấm bài  
Bình giảng Các bài giảng

Bình giảng điểm sáng văn chương

     1. Có một lời đánh giá mà khi nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, ít ai không trích dẫn đó là "Tố Như có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời" (Đào Nguyên Phổ). Con mắt và tấm lòng ấy đã khiến Nguyễn Du am hiểu bao mối bận tâm của cuộc nhân sinh, đồng cảm được sâu sắc với mọi nông nỗi của kiếp người, kể cả bậc thượng lưu, cả những người dưới đáy, cả những kẻ vinh hoa lẫn người xấu số. Trong những kẻ xấu số thuộc thế giới nhân vật của ông phải kể đến những kĩ nữ. Thúy Kiều có lẽ là điển hình nhất. Nàng cũng từng trải người con gái tài hoa bạc mệnh này. Không ngờ những tâm sự sâu kín trong quãng đời lầu xanh của một người con gái lại được Nguyễn Du thấu tỏ đến thế và được diễn tả một cách hết sức thấm thía và tinh vi đến thế. Đoạn trích Nỗi thương mình chỉ là một trong những bằng chứng mà thôi.

     2. Đoạn trích này có thể chia thành hai phần nhỏ: Phần một (4 câu đầu) khái quát về cuộc sống của Kiều ở chốn lầu xanh. Phần còn lại (16 câu) diễn tả nỗi thương mình của Thúy Kiều. Phần này lại có thể chia thành hai đoạn nhỏ và đều nhau: Tám câu trước là nỗi xót xa cho tấm thân ngà ngọc bị phí hoài, tám câu sau là nỗi buồn sầu vì tâm hồn không được chia sẻ, cảm thông

     Đoạn một chỉ bốn câu thôi mà đã thâu tóm được khắp cả cuộc sống hoang đàng, thác loạn chốn lầu xanh:

"Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm,

Dập dìu lá gió cành chim

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh"

     Hãy chú ý đến tính điệp khúc trùm lên đoạn thơ này. Trước hết, về cách tổ chức, đoạn thơ bốn câu như do hai cặp lục bát điệp nhau mà thành. Từ nhịp thơ (ở câu lục đều 2/2/2 và câu bát đều là 4/4) đến lối nói thành ngữ ("bướm lả ong lơi", "lá gió cành chim"), từ lời thơ mang tính kể lể khái quát (biết bao - dập dìu, đầy tháng - suốt đêm, sớm đưa - tối tìm) đến lối dùng tiểu đối ở hai câu bát: Cuộc say đầy tháng - trận cười suốt đêm; Sớm đưa Tống Ngọc - tối tìm Trường Khanh... nhất nhất đều in hệt nhau. Hình thức ở cặp dưới lặp lại y nguyên cặp trên, chỉ có phần lời ở mỗi cặp thì khác nhau. Nó khiến cho đoạn thơ có dáng vẻ của một khúc thức với hai lời trong ca khúc vậy. Điều này có hiệu quả ra sao? Tính trùng điệp như thế đã giúp đoạn thơ gợi ra được một nhịp sống triền miên, ngày qua ngày lại, hôm sau cứ lặp lại hôm trước, hoan lạc, đàng điếm lại nối tiếp đàng điếm hoan lạc. Nó cũng giúp thể hiện được nỗi ê chề ngao ngán trong giọng điệu thơ. Cứ đọc lên, qua âm vang của tất cả, có lẽ sẽ thấy toát ra từ đó một không khí giao đãi phù hoa, một nhịp sống truy hoan phù phiếm tràn nhập cả thời gian không? Đó là lời của Nguyễn Du nói về cảnh sống chốn lầu xanh hay chính là lời của Thúy kiều đang nói về cuộc sống gái lầu xanh của mình? Thật khó mà tách bạch. Có lẽ Tố Như đã nhập vào nàng Kiều mà cất lên những lời ấy.

     Nỗi thương mình đã ẩn hiện đâu đó trong giọng điệu ê chề của đoạn đầu. Nhưng nó chỉ thực sự xót xa khi nước vào đoạn hai. Từ đây, lời thơ dường như chỉ còn là lời độc thoại nội tâm của Kiều. Những lời độc thoại càng lúc càng xoáy sâu vào can tràng. Lời nào cũng đay đả, dằn vặt, đầy thương thân xót phận, cất lên từ một tâm tư khôn nguôi khao khát nhân phẩn tiết sạch giá trong. Trước tiên là xót nhục bởi mưa Sở mây Tần của khách làng chơi:

"Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình, mình lại thương mình xót xa

Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?

Mặt sao dày gió dạn sương,

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!

Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì?"

     Cặp câu bắt vào đoạn thơ này thật ấn tượng.

     Nhiều người đã nói về đặc sắc của Nguyễn Du khi thể hiện tâm trạng xót xa của Thúy Kiều qua việc dùng tới ba chữ "mình" trong câu bát. Đó quả là một nét thần tình của ngòi bút Nguyễn Du. Tuy nhiên nếu chỉ có yếu tố lặp không thôi thì chưa thành hiệu quả đến thế. Tôi muốn nói thêm về nhịp điệu ở cặp lục bát này. Đúng hơn, là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhịp điệu, thủ pháp trùng điệp, biện pháp tiểu đối với nội dung cảm xúc của nhân vật Thúy Kiều. Nếu ở đoạn đàu, tiểu đối đều nằm ở câu bát thì ở đây bất ngờ thay đổi. Tiểu đối nằm ngay ở câu lục: "Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh". Nhịp 3/3 cũng là một bất ngờ so với các câu lục trước. Vì thế, câu lục này như một cú đảo phách. Cú đảo phách bất chợt thể hiện cái giật mình đau xót của Thúy Kiều khi canh tàn rượu tỉnh. Song, điều đáng nói chưa phải ở riêng câu lục. Đáng nói hơn là sự ăn nhập lạ lùng của câu lục với câu bát. Nếu nhịp 3/3 vừa gợi cái đột nhiên sực tỉnh thì sang câu bát, nhịp 2/4/2 cùng với ngữ điệu lại gợi ra một cõi lòng không nguôi ngoai. Lời thơ cứ đay đi đay lại như nỗi vật vã, chua xót vẫn hàng ngày dằn vặt lòng Kiều: "Giật mình/ mình lại thương mình/ xót xa". Nhờ thế, cặp câu này đã cô đúc được toàn bộ đời sống tinh thần đầy đau xót suốt quãng đời lầu xanh dằng dặc của Thúy Kiều.

      Tiếp đó, cõi lòng đầy dằn vặt của nàng được hiện ra cụ thể bằng hàng loạt những lời tra tấn:

"Khi sao phong vẫn rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!"

     Nàng đối chiếu hiện tại bùn nhơ với quá khứ trinh bạch mà đau đớn, xót xa. Trước hoa tiên phong nhụy là thế, lá ngọc cành vàng là thế, mà bây giờ thì tan tác, nhục nhã. Trước gìn vàng giữ ngọc là thế, dín gió e sương là thế, mà bây giờ thì dày gió dạn sương, bướm chán ong chường. Bị cuộc đời ô trọc vây bọc lấy, giày vò. Tấm thân ngọc ngà đã nhơ nhuốc, bụi lầm. Với một người con gái biết quý trọng nhân phẩm, thiết tha với tiết sạch giá trong thì hiện tại ấy đau đớn biết nhường nào! Bốn câu thơ đều mở đầu bằng những lời như tra vấn: "Khi sao... Giờ sao... Mặt sao... Thân sao...". Có lẽ không còn là điệp khúc dai dẳng day dả nữa mà mỗi lời ấy cất lên khác nào như một lưỡi dao cứa vào tâm can trong trắng của nàng. Nỗi đau xót của Kiều càng làm ánh lên phẩm giá cao quý, sự ý thức về nhân cách trong sạch vẫn còn vẹn nguyên của nàng. Càng xót xa, càng cao quý. Càng thương thân, càng đáng trọng. Phải lăn lóc qua những cuộc truy hoan trác táng với "Biết bao bướm lả ong lơi", với những "Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm", tấm thân trắng trinh không tránh khỏi hoen ố, nhưng ô trọc không làm vẩn đục được thiên lương của nàng, bùn bả lầu xanh không vấy được tâm hồn cao khiết của nàng. Chỉ có tâm hồn ấy mới biết rõ mình: thân bị đày giữa lầu xanh mà lòng hoàn toàn chối bỏ lầu xanh. Vì thế, bị vùi trong dục lạc, Kiều vẫn chỉ dửng dưng: "Mặc người mưa Sở, mây Tần/ Những mình nào biết có xuân là gì?"

     Phải nhận rằng lời thơ ở đây đầy khuôn sáo ước lệ, rất điển hình cho thơ ca trung đại. Chất liệu ngôn ngữ ấy không phải không ít nhiều cản trở đến tiếp nhận của người đọc hiện đại. Nhưng lại phải nhận rằng: nếu không có những cụm thành ngữ, những điển tích, những lối nói ước lệ như: bướm lả ong lơi, lá gió cành chim, phong gấm rủ là, dày gió dạn sương, bướm chán ong chường, mưa Sở mây Tần thì Nguyễn Du khó mà đạt được sự tế nhị đến thế. Khi phải điễn tả những điều khó nói đến thế về cả thể xác và nhân phẩm của một người con gái để tổn thương như Thúy Kiều. Bởi vậy, việc sử dụng nhuẫn nhuyễn những chất liệu ngôn ngữ này lại cũng chính là một nét thần tình của ngòi bút Nguyễn Du.

     Không chỉ thương thân mình, Kiều còn thương cho cả chính lòng mình. Thương không chỉ bởi lòng mình chồng chất những nỗi buồn sầu mà sâu xa hơn thương vì tâm hồn mình phải lạc loài, lạc lõng, đơn côi giữa một chốn phù hoa ngỡ đầy rẫy niềm vui, giữa một trường du hí ngỡ ngập ngụa hoan lạc. Một người biết thương xót mình đến vậy là một người có ý thức cá nhân rất cao, nhất là ý thức về giá trị và nhân phẩm của mình:

"Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Đòi phen nét vẽ câu thơ

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?"

     Sinh hoạt chốn lầu xanh kể cũng phong lưu đấy chứ! Bốn mùa lúc nào chẳng có đủ tuyết, nguyệt, phong, hoa. Thú tiêu dao lúc nào chẳng có cầm, kì, thi, họa. Một cô gái tài sắc sẽ có biết bao cơ hội mà phô sắc khoe tài thỏa lòng thỏa nguyện, cớ sao lại không vui, lúc nào cũng chỉ sầu buồn, tháng ngày chỉ có niềm vui gượng gạo? Đúng là thế giới lầu xanh có đủ tất tật mọi thứ có thể làm vui lòng những kẻ hời hợt bọt bèo. Nhưng, người con gái này lại là Thúy Kiều. Tài sắc hơn đời cũng tình nghĩa thủy chung; tình tứ tuyệt vời lại cũng đoan trang nhất mực; giàu lòng vị tha thông cảm lại cũng coi trọng phẩm giá bản thân. Một nhân cách cao khiết như vậy làm sao có thể hòa đồng thực sự với thứ hoan lạc bán mua, thứ phong lưu giả dạng thứ giao đãi làng chơi đó được. Không thể cưỡng lại, đành cầm lòng chứ không còn biết làm sao! Kiều đâu có vui vẻ gì! Vì thế, ngập giữa bao vui thú mà lòng vẫn đơn côi: "Vui là vui gượng kẻo là - Ai tri âm đó mặn mà với ai?". Giữa đám đông, Kiều cô độc. Sau bao những "Đòi phen... Đòi phen..." Kiều vẫn thèm khát một tri âm. Kiều hoàn toàn dị ứng với toàn bộ thế giới ấy. Ta hiểu vì sao, đối lập đã trở thành biện pháp nghệ thuật bao trùm, chi phối cách tổ chức toàn bộ đoạn trích đặc sắc này: xung quanh lao vào thác loạn, riêng nàng trăn trở xót xa; xung quanh mài miệt truy hoan, riêng nàng "chẳng biết có xuân là gì"; xung quanh vui - riêng nàng buồn; xung quanh thản nhiên đánh mất mình - riêng nàng da diết xót thương mình...

     Có thể nói hóa thân sâu sắc vào đời sống tinh thần Thúy Kiều, Nguyễn Du không chỉ nắm bắt được những diễn biến tinh vi thuộc về cá nhân người con gái tài hoa mà bất hạnh này. Ông còn đúc rút được nhiều những quy luật tâm lí phổ biến. Ấy là quy luật về mối tương quan giữa con người và cảnh vật:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?"

     Con người với cảnh vật xung quanh là thống nhất với nhau. Cả hai bao giờ cũng mang chung một tâm trạng. Không phải vì cảnh vật có khả năng chia sẻ với con người, trái lại, vì con người san sẻ lòng mình sang cảnh vật. Tâm lí học và mĩ học hiện đại gọi đó là hiện tượng di tình. Còn văn hóa gọi đó là hiện tượng nhân hóa. Con người bao giờ cũng đồng hóa cảnh vật xung quanh theo cảm xúc của mình. Vì thế, người vui thì cảnh cũng vui, người buồn thì cảnh cũng lây buồn. Từ thế kỉ XVIII, bằng sự tinh anh của mình, Nguyễn Du đã khái quát được một quy luật quý giá. Và ở câu cuối của đoạn thơ dường như cũng manh nha một quy luật nữa. Quy luật về mối tương quan giữa cá thể và đám đông:

"Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?"

     Nói manh nha vì câu thơ không được viết theo lối khái quát, lời thơ không phải là một nhận định mang tính tất yếu. Nhưng nó vẫn chứa đựng những phát biểu ít nhiều có màu sắc quy luật. Cái vui gượng Kiều dành cho đám đông, nỗi đơn côi riêng lòng nàng giữ kín. Giữa đám đông, con người vẫn rất cô đơn. Trong cuộc vui chung, vẫn có những nỗi buồn riêng. Tất cả đều do niềm đồng cảm, do lòng tri âm. Được đồng cảm, cảnh vật cũng thành bầu bạn. Thiếu đồng cảm thì giữa đám người cùng hội vẫn cứ thấy cô đơn. Đó chẳng phải là những quy luật nhân sinh thực sự hay sao?

     Hẳn là không quá lời khi nói rằng: Nguyễn Du đã viết những dòng thơ này không chỉ bằng ngòi bút của một nghệ sĩ tài hoa, một nhà nhân đạo lớn mà còn bằng sự quan sát tinh anh của một nhà tâm lí bậc thầy.

(Trích từ Phân tích bình giảng tác phẩm văn học lớp 10 - Nguyễn Khắc Phi)

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)