Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đại cáo bình Ngô (tiếp theo)

Danh sách bài làm & chấm bài  
Bài soạn Phần 2 (Tác phẩm Bình Ngô đại cáo) Các bài giảng

Câu 1: Bình Ngô đại cáo có 4 đoạn:

- Đoạn 1 (từ đầu đến "chứng cớ còn ghi"): Nêu luận đề chính nghĩa: Khẳng định tư tưởng nhân nghĩa và chân lí độc lập dân tộc của Đại Việt.

- Đoạn 2 (tiếp đến "ai bảo thần dân chịu được"): Vạch rõ tội ác của giặc Minh.

- Đoạn 3 (tiếp đến "cũng là chưa thấy xưa nay"): Kể lại quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của cuộc khởi nghĩa.

- Đoạn 4 (còn lại): Tuyên bố chiến thắng, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa.

Câu 2: Trong đoạn 1:

a. Những chân lí được khẳng định để làm chỗ dựa, căn cứ xác định, triển khai nội dung bài báo cáo là:

- Tư tưởng chính nghĩa.

- Chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt ta.

b. Đoạn mở đầu có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độc lập vì: tác giả không chỉ đưa ra một chân lí về chính nghĩa mà còn khẳng định chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền vững chắc từ thực tiễn lịch sử. Tiếp nối tư tưởng khẳng định chủ quyền cương vực lãnh thổ trong Nam quốc sơn hà, Nguyễn Trãi còn bổ sung những căn cứ xác đáng hơn, ngoài việc khẳng định dựa vào "sách trời", đó là:

"Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...

Song hào kiệt đời nào cũng có."

=> Cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời, lịch sử riêng, chế độ riêng với "hào kiệt đời nào cũng có".

c. Đoạn 1 với lập luận chặt chẽ, đầy sức thuyết phục đã làm nổi bật niềm tự hào dân tộc:

- Từ ngữ khẳng định tính chất tự nhiên, vốn có, lâu đời của nước Đại Việt: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác.

- Những câu văn biền ngẫu sóng đôi giữa nước ta với Bắc Triều.

- Cách nêu ra dẫn chứng thực tiễn: chuyện Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô.

=> Cách lập luận trên làm cho lời tuyên ngôn giàu sức thuyết phục.

Câu 3: Trong đoạn 2:

a. Tác giả đã tố cáo những âm mưu, tội ác của giặc Minh:

- Âm mưu: Nguyễn Trãi vạch trần âm mưu xâm lược của giặc Minh: vạch trần luận điệu phù Trần, diệt Hồ bịp bợm của chúng. Âm mưu thôn tính nước ta vốn có từ lâu đời trong tư tưởng của "thiên triều", chúng chỉ coi nước ta như "tiểu quốc", như quận huyện của chúng.

- Tội ác:

+ Chúng hủy hoại, làm đảo lộn đời sống nhân dân bằng hành động diệt chủng, tàn sát người vô tội:

"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"

+ Chúng bóc lột, vơ vét của cải, sản vật quý, hủy hoại môi trường sống:

"Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng

Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.

Vét sản vật, bắt chim trảm chốn chốn lưới chăng

Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.

Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,

Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng...

Nặng nề những nỗi phu phen,

Tan tác cả nghề canh cửi...

Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi."

=> Trong đó, âm mưu xâm lược nước ta làm thâm độc nhất, tội ác tàn sát, giết hại dân đen con đỏ là man rợ nhất. 

b. Nghệ thuật của đoạn cáo trạng tội ác kẻ thù:

- Kết hợp những chi tiết vừa khái quát vừa cụ thể, tạo sự đối lập giữa kẻ thù với người dân vô tội, giàu tính hình tượng.

- Giọng văn, nhịp điệu thay đổi linh hoạt.

- Lời văn bộc lộ lòng uất hận trào dâng, niềm cảm thương đến nghẹn ngào của tác giả.

Câu 4: Trong đoạn 3:

a. Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa:

- Những khó khăn ở buổi đầu:

+ Thiếu lương thực, thiếu quân, thiếu nhân tài. => khó khăn thiếu thốn chồng chất.

+ Kẻ thù thì mạnh, lực lượng hùng hậu, hung bạo, được trang bị đầy đủ.

- Người anh hùng Lê Lợi tiêu biểu cho cuộc khởi nghĩa có ý chí, quyết tâm cao độ, được bộc lộ qua hàng loạt các từ: ngẫm, căm, đau lòng nhức óc, quên ăn, suy xét, đắn đo, trằn trọc, vẫn đăm đăm, dốc lòng, gắng chí.

=> Những từ ngữ ấy đã khẳng định tâm và tầm của người lãnh tụ: Có lòng căm thù giặc sâu sắc, có hoài bão lớn, có ý chí quyết tâm thực hiện hoài bão lí tưởng, tiêu diệt kẻ thù để cứu nước cứu dân.

- Sức mạnh giúp quân ta chiến thắng gồm:

+ Sức mạnh của người lãnh đạo (mưu kế quân sự, tài thao lược,...)

+ Sức mạnh của tướng sĩ một lòng (Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào)

+ Sức mạnh của nhân dân (Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới)

=> Sự đoàn kết, đồng lòng, vận dụng những mưu kế tài giỏi, dùng lối đánh bất ngờ, nhanh gọn đã đem lại sự toàn thắng, vẻ vang của dân tộc.

b. Trong giai đoạn phản công thắng lợi, bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được miêu tả:

* Các trận đánh:

- Những trận tiến quân ra Bắc: Trận Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động.

- Chiến dịch diệt chi viện: Trận Chi Lăng, Xương Giang, Mã Yên.

* Nghệ thuật miêu tả trận đánh:

- Sử dụng nhiều động từ mạnh, hình ảnh phóng đại, hình ảnh so sánh với những hình tượng thiên nhiên lớn lao kì vĩ.

- Lối liệt kê liên tiếp nhiều dẫn chứng cụ thể, câu văn dài ngắn đan xen, linh hoạt; giọng điệu mạnh mẽ, dồn dập, giàu cảm hứng anh hùng ca.

- Nghệ thuật miêu tả kết cục bi thảm của kẻ thù: sự ham sống sợ chết, hèn nhát, giẫm đạp lên nhau mà tháo chạy,...

Câu 5: Trong đoạn 4:

- Đoạn này chuyển từ giọng văn hào hùng, đanh thép (nhằm kết tội kẻ thù) sang giọng trầm lắng, tự hào (nhằm đưa ra những tổng kết lịch sử)

- Những bài học lịch sử đã được rút ra qua lời tuyên bố:

+ "Kiền khôn bĩ rồi lại thái / Nhật nguyệt hối rồi lại minh": trời đất có lúc bế tắc rồi cũng có lúc thông suốt, đó cũng là quy luật suy vong, hưng thịnh tất yếu của mỗi quốc gia.

+ "Âu cũng nhờ trời đất tổ tông thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy...": kết hợp sức mạnh truyền thống và sức mạnh thời đại, nền tảng là những chiến công hiển hách của cha ông.

=> Luôn tin tưởng, lạc quan và xây dựng cơ sở để phục hưng đất nước.

Câu 6:

a. Về nội dung:

Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập, đồng thời cũng là tuyên ngôn về quyền sống của con người vì: Đây là bản tuyên ngôn về quyền sống của con người, về chủ quyền dân tộc, là bản cáo trạng tố cáo tội ác của kẻ thù, là bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chiến thắng của dân tộc.

- Tác phẩm thông qua việc tố cáo tội ác của địch cũng nêu ra quyền sống cơ bản, tất yếu mà nhân dân đáng được hưởng. Đồng thời tác phẩm cũng bày tỏ niềm căm phẫn trước tội ác của kẻ thù và niềm cảm thương với nỗi đau của nhân dân.

=> Vì vậy Bình Ngô đại cáo vừa là bản tuyên ngôn độc lập, vừa là tuyên ngôn về nhân quyền.

b. Về nghệ thuật:

- Kết cấu, lập luận: bài cáo có kết cấu 4 phần, lập luận chặt chẽ, xây dựng dựa trên tư tưởng nhân nghĩa.

- Giọng điệu: hùng hồn, đanh thép, lúc căm phẫn, khi tự hào, lúc lại trầm lắng.

- Thể hiện qua việc xây dựng từ ngữ, hình tượng: hình tượng người anh hùng Lê Lợi, nghĩa quân, hình tượng kẻ địch thảm bại.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)