Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Danh sách bài làm & chấm bài  
Bài soạn Các bài giảng

NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN

(HOẶC ĐOẠN TRÍCH)

I. TÌM HIỂU BÀI NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN (HOẶC ĐOẠN TRÍCH)

      Đọc văn bản của Quỳnh Tâm (trang 62, 63 SGK) và trả lời câu hỏi.

a. Vấn đề nghị luận của văn bản này là gì? Hãy đặt một nhan đề thích hợp cho văn bản.

b. Vấn đề nghị luận được người viết triển khai qua những luận điểm nào? Tìm những câu nêu lên hoặc cô đúc luận điểm của văn bản.

c. Để khẳng định các luận điểm, người viết đã lập luận (dẫn dắt, phân tích, chứng minh) như thế nào? Nhận xét về những luận cứ được người viết đưa ra để làm sáng tỏ cho từng luận điểm. (Gợi ý: Những luận cứ đó được lấy ở đâu, gồm những điều gì?)

Trả lời

a. Vấn đề nghị luận của bài văn là: Những tác phẩm chất đáng yêu của nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng nơi Sapa. Có thể đặt tên bài văn là Sapa, nét đẹp thầm lặng đáng yêu hay Nét đẹp lặng lẽ của Sapa.

b. Những câu văn nêu lên luận điểm của bài văn:

- "Dù được miêu tả nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, nhân vật nào của Sapa cũng hiện lên với nét cao quý đáng khâm phục... Trong đó, anh thanh niên - nhân vật chính của tác phẩm - đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ" (Các câu nêu vấn đề nghị luận).

- "Trước tiên, nhân vật anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình" (Câu nêu luận điểm).

- Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước, thế nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. (Câu nêu luận điểm).

- “Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hi sinh lớn lao và thầm lặng? Những con người cần mẫn, nhiệt thành như anh thanh niên ấy thật đáng trân trọng, thật đáng tin yêu". (Câu nêu luận điểm).

c. Từng luận điểm được phân tích, chứng minh 1 cách thuyết phục bằng các dẫn chứng cụ thể trong tác phẩm. Các luận cứ được sử dụng xác đáng, sinh động rút ra từ những chi tiết, hình ảnh đặc sắc trong tác phẩm.

 Ghi nhớ

- Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, sự kiện, chủ đề hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể.

- Những nhận xét, đánh giá về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách, số phận của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát.

- Các nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) trong bài nghị luận phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận thuyết phục.

- Bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần có bố cục mạch lạc, có lời văn chuẩn xác, gợi cảm.

II. LUYỆN TẬP

Đọc đoạn văn (trang 64 SGK Ngữ văn 9 tập 2) rồi trả lời câu hỏi: Vấn đề nghị luận của đoạn văn là gì? Đoạn văn nêu lên những ý kiến chính nào? Các ý kiến ấy giúp chúng ta hiểu thêm gì về nhân vật lão Hạc?

            Từ việc miêu tả hoạt động của các nhân vật, Nam Cao đã gián tiếp đưa ra một tình thế lựa chọn đối với lão Hạc mà các dấu hiệu của nó đã được chuẩn bị ngay từ đầu. Đó là việc giải quyết cái sống và cái chết: sống liệu có giữ được mảnh vườn cho con mà vẫn có cái để mà ăn hay không (bán mất mảnh vườn sẽ là một trọng tội không thể tha thứ được trong lương tâm của lão đối với người vợ đã khuất và đứa con đang ở xa); hay là chết thì sẽ giữ được mảnh vườn, lương tâm yên ổn? Nhưng nếu chết thì phải chết như thế nào, chuẩn bị cho nó ra sao?... Cuối cùng, lão Hạc lựa chọn cái chết. Đầu tiên, lão để cho cậu Vàng chết trước. Sau đó mới đến mình. Lão âm thầm chuẩn bị, dọn dẹp chu tất một con đường sạch sẽ để bước đến nhà mồ (nhờ ông giáo giữ vườn để khỏi ai tranh chiếm, nhòm ngó, gửi cầm 30 đồng bạc để cạy bà con lo liệu ma chay nếu mình có mệnh hệ gì). Lão đã chọn cái chết trong còn hơn phải sống khổ, sống nhục. Lão đã chết một cách cao ngạo, thảm khốc. Chỉ có bằng cách này lão mới khỏi phạm vào mảnh đất thiêng dành cho con mình, mới có thể chấm dứt kiếp sống lay lắt, hép úa. Cái chết của lão Hạc khiến ta đau đớn nhận ra một tình phụ tử thiêng liêng và thăm thẳm. Tội nghiệp cho lão, chắc hẳn lão nung nấu ý định chết từ lâu rồi, từ cái ngày đầu sang nói chuyện bán cậu Vàng với ông giáo, rõ nhất là cái hôm lão sang gửi vườn và tiền. Chả thế mà câu chuyện của lão rề rà, vòng vo, nặng nhọc, nhức nhối một điều gì đó thật khó nói, tâm can lão bị đè nặng bởi ý định tự tử phải giấu. Lão đã làm tất cả những gì có thể làm được trước khi đi đến cái chết tuy lặng lẽ, âm thầm mà thật dứt khoát, quyết liệt. Để bảo toàn nhân cách của mình, lão không có con đường nào khác là phải chủ động tìm đến cái chết. Lão Hạc đã dùng cái chết của mình để cấy cái sống cho đứa con trai đang đi phu đồn điền biền biệt. Đó là một lựa chọn tột cùng đau đớn của thân phận con người. Ý định câu chuyện chủ yếu được phát sáng từ điểm then chốt này.

(Theo Văn Giá, Chiều sâu truyện “Lão Hạc”)

Trả lời

1. Lão Hạc phải giải quyết, chọn lựa giữa cái sống và cái chết:

- Sống có giữ được mảnh vườn cho con không?

- Hay là chết sẽ giữ được mảnh vườn.

2. Nếu phải chết thì nên chết như thế nào, chuẩn bị ra sao?

- Giết con Vàng trước, chuẩn bị tự tử một cách chu đáo.

       + Gửi ba mươi đồng cho ông Giáo.

        + Gửi văn tự mảnh vườn cho ông Giáo.

3. Ý nghĩa cái chết của Lão Hạc:

- Lão Hạc chết trong hơn sống nhục, chết cao ngạo và thảm khốc.

- Lão Hạc hi sinh vì tình phụ tử thiêng liêng.

- Lão Hạc dùng cái chết để bảo toàn nhân cách.

- Lão Hạc dùng cái chết để cấy cái sống cho đứa con trai.

=> Các ý kiến trên đây của Văn Giá giúp ta hiểu thêm nhân cách cao quý và sự hị sinh lớn lao của Lão Hạc, một hình tượng lão nông thà chết trong hơn sống  đục trong một giai đoạn lịch sử đen tối của đất nước ta đầu thế kỉ 20.

 

 

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)