Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Tổng kết phần Văn và Tập làm văn

Danh sách bài làm & chấm bài  
Bài soạn Các bài giảng

TỔNG KẾT PHẦN VĂN VÀ TẬP LÀM VĂN

Tiết 1: TỔNG KẾT PHẦN VĂN

Câu 1. Em hãy nhớ và ghi lại tất cả tên các văn bản đã được đọc – hiểu trong cả năm học. Sau đó tự kiểm tra và bổ sung những chỗ còn thiếu, điều chỉnh những chỗ sai và viết vào vở học một cách đầy đủ, chính xác danh mục các văn bản đã học.

1. Con Rồng cháu Tiên; 2. Bánh chưng bánh giầy; 3. Thánh Gióng; 4. Sơn Tinh, Thủy Tinh; 5. Sự tích Hồ Gươm; 6. Sọ Dừa; 7. Thạch Sanh; 8. Em bé thông minh; 9. Cây bút thần; 10. Ông lão đánh cá và con cá vàng; 11. Ếch ngồi đáy giếng; 12. Thầy bói xem voi; 13. Đeo nhạc cho mèo; 14. Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng; 15. Treo biển; 16. Lợn cưới, áo mới; 17. Con hổ có nghĩa; 18. Mẹ hiền dạy con; 19. Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng; 20. Bài học đường đời đầu tiên; 21. Sông nước Cà Mau; 22. Bức tranh của em gái tôi; 23. Vượt thác; 24. Buổi học cuối cùng; 25. Đêm nay Bác không ngủ; 26. Lượm; 27. Mưa; 28. Cô Tô; 29. Cây tre Việt Nam; 30. Lòng yêu nước; 31. Lao xao; 32. Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử; 33. Bức thư của thủ lĩnh da đỏ; 34. Động Phong Nha.

Câu 2. Em hãy đọc lại các chú thích có đánh dấu sao (*) ở các bài 1, 5, 10, 12, 14, 29 và trả lời các câu hỏi sau đây:

- Thế nào là truyền thuyết?

- Thế nào là truyện cổ tích?

- Thế nào là truyện ngụ ngôn?

- Thế nào là truyện cười?

- Thế nào là truyện trung đại?

- Thế nào là văn bản nhật dụng?

Thể loại

Định nghĩa

Truyền thuyết

- Loại truyện dân gian kể về nhân vật và sự kiện có liên quan tới lịch sử quá khứ, có sử dụng các yếu tố kì ảo.

- Thể hiện thái độ đánh giá của nhân dân với nhân vật, sự kiện.

Truyện cổ tích

- Loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số nhân vật quen thuộc: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật...

- Truyện cổ tích thường sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo.

Truyện ngụ ngôn

Là loại truyện kể bằng văn xuôi, hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người nhằm khuyên nhủ con người, răn dạy những bài học nào trong đó.

Truyện cười

Loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội.

Truyện trung đại

- Thể loại văn xuôi chữ Hán ra đời có nội dung phong phú, thường có tính giáo huấn, có cách viết không giống hẳn với truyện hiện đại.

- Ngôn ngữ miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ miêu tả của người kể chuyện, qua hành động, ngôn ngữ đối thoại.

Văn bản nhật dụng

Bài viết có nội dung gần gũi, bức thiết với đời sống con người, cộng đồng trong xã hội hiện đại: thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền con người, ma túy...

 Câu 3. Riêng về các văn bản là truyện, hãy lập bảng kê theo mẫu sau đây:

STT

Tên văn bản

Nhân vật chính

Tính các, vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính

1

Con Rồng cháu Tiên

Lạc Long Quân, Âu Cơ

- Niềm tự hào về nguồn gốc của cha ông.

- Tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.

2

Bánh chưng bánh giầy

Lang Liêu

- Người sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy.

- Đề cao sự giản dị và bản chất con người yêu lao động, cần cù.

3

Thánh Gióng

Thánh Gióng

- Ước mơ của nhân dân về người anh hùng lí tưởng đứng ra giúp dân giúp nước trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

4

Sơn Tinh, Thủy Tinh

Sơn Tinh, Thủy Tinh

- Thông qua cuộc kén rể của vua Hùng đã thể hiện ước mơ được chế ngự và chinh phục thiên nhiên của cha ông.

5

Sự tích Hồ Gươm

Lê Lợi

- Ca ngợi công đức của vị anh hùng có tài lãnh đạo, đứng ra giúp giải phóng dân tộc.

- Khát vọng về đất nước thái bình thịnh trị nhờ có vua sáng, tôi hiền.

6

Sọ Dừa

Sọ Dừa

 - Nhân vật xấu xí nhưng có tài, có ý chí và khát vọng đổi đời.

7

Thạch Sanh

Thạch Sanh

 - Nhân vật gặp bất hạnh nhưng chân thật, chăm chỉ. Là hiện thân của cái thiện và tin tưởng và công lí cái thiện chiến thắng cái ác.

8

Em bé thông minh

Em bé

Đề cao người thông minh, có tài.

9

Cây bút thần

Mã Lương

Ca ngợi người vừa có tài vừa có đức.

10

Ông lão đánh cá và con cá vàng

Ông lão đánh cá, mụ vợ

Phê phán chê trách những kẻ tham lam độc ác và nhắc nhở con người về 1 chân lí, đạo lí sống đó là: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

11

Ếch ngồi đáy giếng

Ếch

Phê phán những kẻ dốt nát, hiểu biết thấp kém mà lại tưởng mình giỏi giang hơn người.

12

Thầy bói xem voi

Thầy bói

Phê phán những kẻ phiến diện, thiếu hiểu biết và có cái nhìn lệch lạc về sự vật hiện tượng, đặc biệt là những kẻ làm thầy.

13

Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Phê phán những kẻ tị nạnh, sống thiếu đoàn kết, biệt lập với tập thể.

14

Treo biển

Chủ cửa hàng

Phê phán kẻ không làm chủ được bản thân, không có chính kiến rõ ràng

15

Con hổ có nghĩa

Con hồ, bà đỡ Trần

Đề cao lòng nhân nghĩa, sống có trước có sau, biết hàm ơn, trả ơn.

16

Mẹ hiền dạy con

Mẹ của Mạnh Tử

Tình thương con của người mẹ hiền, ca ngợi cách dậy con nghiêm khắc, đúng đắn.

17

Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

Thầy Tuệ Tính

Ca ngợi người thầy thuốc có tâm, có nhân cách và trọng tín nghĩa.

18

Dế Mèn phiêu lưu kí

Dế Mèn

Thông qua truyện loài vật để nói về cuộc sống của con người: sống phải khiêm tốn, tôn trọng và biết giúp đỡ người khác.

19

Bức tranh của em gái tôi

Nhân vật tôi, Kiều Phương

Tấm lòng nhân hậu của người em đã giúp anh nhận ra những sai lầm, khiếm khuyết của bản thân để sửa chữa.

20

Buổi học cuối cùng

Phrăng

Tấm lòng yêu nước của nhân dân thông qua buổi học cuối cùng, thể hiện lòng yêu tiếng nói của dân tộc.

Câu 4. Trong các nhân vật chính – kể ở trên, hãy chọn ba nhân vật mà em thích nhất. Vì sao em lại thích các nhân vật đó?

Trả lời: Trong rất nhiều nhân vật chính trong truyện em thích nhất nhân vật Dế Mèn:

- Biết ăn uống điều độ, luyện tập khoa học.

- Ham thích phiêu lưu, khám phá.

- Biết hối lỗi, tự rút ra bài học.

Câu 5. Về phương thức biểu đạt thì truyện dân gian, truyện trung đại và truyện hiện đại có điểm gì giống nhau?

Trả lời: Phương thức biểu đạt truyện dân gian, truyện trung đại và truyện hiện đại giống nhau: Đều kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong quá trình thuật truyện.

Câu 6. Hãy liệt kê từ Ngữ văn 6, tập hai những văn bản thể hiện truyền thống yêu nước và những văn bản thể hiện lòng nhân ái của dân tộc ta.

Trả lời

* Văn bản thể hiện lòng yêu nước:

- Sông nước Cà Mau.

- Đêm nay Bác không ngủ.

- Lượm.

- Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử.

* Văn bản thể hiện lòng nhân ái của dân tộc ta.

- Lòng yêu nước

- Đêm nay Bác không ngủ

- Cây tre Việt Nam

Câu 7. Đọc kĩ bảng tra cứu các yếu tố Hán Việt ở cuối sách Ngữ văn 6, tập hai. Ghi vào sổ tay những từ (mở rộng) khó hiểu và tra nghĩa trong từ điển.

Trả lời: Những yếu tố Hán Việt mà em có thể ghi như:

- Thám: thăm dò.

- Minh: sáng.

- Tuấn: tài giỏi hơn người.

- Trường: dài.

Tiết 2: TỔNG KẾT PHẦN TẬP LÀM VĂN

 

I. CÁC LOẠI VĂN BẢN VÀ NHỮNG PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT ĐÃ HỌC

Câu 1. Em hãy dẫn ra một số bài văn (văn bản) đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, từ đó phân loại những bài văn đã học theo các phương thức biểu đạt chính: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận....

Trả lời:

1. Phương thức tự sự có 18 văn bản:

- Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh giầy, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích Hồ Gươm, Thạch Sanh, Em bé thông minh, Cây bút thần, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Đeo nhạc cho mèo, Chân Tay Tai Mắt Miệng, Treo biển, Lợn cưới áo mới, Con hổ có nghĩa, Mẹ hiền dạy con, Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng.

2. Phương thức miêu tả có 5 văn bản:

- Bài học đường đời đầu tiên, Vượt thác, Sông nước Cà Mau, Bức tranh của em gái tôi, Mưa.

3. Phương thức biểu cảm có 4 văn bản:

- Buổi học cuối cùng, Đêm nay Bác không ngủ, Lượm, Lòng yêu nước

4. Phương thức nghị luận có 1 văn bản:

- Bức thư của thủ lĩnh da đỏ.

Câu 2. Hãy xác định và ghi ra vở phương thức biểu đạt chính trong các văn bản sau:

- Thạch Sanh

- Lượm

- Mưa

- Bài học đường đời đầu tiên

- Cây tre Việt Nam

Trả lời: Phương thức biểu đạt chính trong các văn bản như sau:

- Thạch Sanh: Tự sự

- Lượm: Biểu cảm

- Mưa: Biểu cảm

- Bài học đường đời đầu tiên: Tự sự

- Cây tre Việt Nam: Biểu cảm.

II. ĐẶC ĐIỂM VÀ CÁCH LÀM

Câu 1. Theo em, các văn bản miêu tả, tự sự (kể chuyện) và đơn từ khác nhau ở chỗ nào? So sánh mục đích, nội dung, hình thức trình bày (các phần trong một văn bản) của ba loại văn bản này.

Trả lời: So sánh các loại văn bản:

Văn bản

Mục đích

Nội dung

Hình thức

Tự sự

Thuật lại, kể ra những tình tiết, nhân vật.

- Có nhân vật, có chuỗi sự việc mở đầu và kết thúc xoay quanh các nhân vật

Văn xuôi

Miêu tả

Giúp người đọc sáng tỏ về đối tượng thông qua những chi tiết được tái hiện sinh động

Hình dáng, tính chất, đặc điểm của sự vật hiện tượng

Văn xuôi

Đơn từ

Bày tỏ nguyện vọng

Người gửi và người nhận, nguyện vọng

Văn xuôi

 

Câu 2. Mỗi bài văn miêu tả hay tự sự đều có ba phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài. Hãy nêu nội dung và những lưu ý trong cách thể hiện của từng phần.

Trả lời: Các phần của văn bản tự sự và miêu tả:

Các phần

Tự sự

Miêu tả

Mở bài

Giới thiệu về đối tượng, cốt truyện định kể.

Giới thiệu về đối tượng định miêu tả.

Thân bài

- Kể các chuỗi sự kiện liên quan tới nhân vật.

- Có thể kể theo trình tự thời gian hoặc đảo ngược trình tự kể để tạo sự hấp dẫn.

- Miêu tả khái quát về đối tượng.

- Tả cụ thể hơn về đặc điểm, tính chất của đối tượng.

- Công dụng hoặc chức năng.

Kết bài

Nêu kết quả, suy nghĩ, tình cảm với nhân vật hoặc với câu chuyện vừa kể.

Nhận xét, nêu cảm nghĩ.

 Câu 3. Em hãy nêu mối quan hệ giữa sự việc, nhân vật và chủ đề trong văn bản tự sự. Cho ví dụ cụ thể.

Trả lời: Mối quan hệ giữa nhân vật, sự kiện, chủ đề:

- Nhân vật với hành động, suy nghĩ, sự tương tác lẫn nhau sẽ nêu bật được chủ đề.

- Chủ đề là vấn đề cốt lõi được biểu hiện thông qua nhân vật, sự kiện.

- Sự kiện sắp xếp theo trình tự, nối kết các nhân vật với nhau, thể hiện chủ đề của tác phẩm.

- Ví dụ : Trong Thánh Gióng, nhân vật chính là cậu bé làng Gióng đã tạo ra sự việc là nghe tiếng gọi, ăn khỏe, lớn bổng lên, đánh giặc, … Các sự việc đó được thực hiện bởi nhân vật Gióng. Sự việc và nhân vật cùng nhau làm nổi bật chủ đề truyền thống chống ngoại xâm.

Câu 4. Nhân vật trong tự sự thường được kể và miêu tả qua những yếu tố nào? Hãy nêu dẫn chứng về một nhân vật trong truyện mà em đã học.

Trả lời

* Nhân vật trong các tác phẩm tự sự được miêu tả và kể qua các yếu tố:

- Tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, hoạt động, suy nghĩ, lời nói…

- Nhân vật Dế Mèn được kể: là chàng dế mới lớn mang vẻ đẹp khỏe khoắn, cường tráng nhưng tính tình sốc nổi, tự phụ.

* Dẫn chứng: Tác giả miêu tả chi tiết nhân vật Dế Mèn qua: hình dáng ( đầu, mình, cánh, râu, chân…), lời nói ( ngôn ngữ đối thoại với Dế Choắt và chị Cốc), suy nghĩ (sự ân hận, nhận ra bài học của Mèn.

Câu 5. Thứ tự kể và ngôi kể có tác dụng làm cho cách kể thêm linh hoạt như thế nào? Em hãy cho một ví dụ.

Trả lời

* Ngôi kể trong văn tự sự:

- Ngôi kể thứ : người kể giấu mình, có thể kể tự do, linh hoạt những gì diễn ra.

- Ngôi kể thứ nhất: người kể xưng “tôi” trực tiếp kể những điều mình trông thấy và trải qua, có thể trực tiếp nói cảm nghĩ, ý tưởng của mình.

* Về thứ tự kể (trình tự kể chuyện).

- Người kể có thể kể câu chuyện theo trình tự tuyến tính của dòng thời gian, từ sự kiện tới kết quả, cũng có thể kể sự việc, kết quả hiện tại trước, rồi mới bổ sung hoặc kể kế tiếp các sự việc xảy ra trước đó.

- Ví dụ: Chuyện Dế Mèn phiêu lưu kí, tác giả kể hiện tại rồi nhắc về chuyện quá khứ của Dế Mèn. Kể kết quả trước, rồi mới kể diễn biến truyện.

Câu 6. Vì sao miêu tả đòi hỏi phải quan sát sự vật, hiện tượng và con người?

Trả lời

- Khi miêu tả cần quan sát sự vật, hiện tượng, con người vì nhờ quan sát kĩ mới có thể nắm được những đặc điểm, tính chất của đối tượng. Từ quan sát mới có thể nêu nhận xét, liên tưởng, tưởng tượng, ví von, so sánh… để nêu bật những đặc điểm riêng biệt của đối tượng.

Câu 7. Hãy nêu lại các phương pháp miêu tả đã học.

Trả lời:

* Phương pháp tả cảnh và tả người:

- Xác định đối tượng cần miêu tả

- Quan sát đối tượng, lựa chọn đặc điểm, hình ảnh tiêu biểu

- Trình bày những điều quan sát theo một trật tự nhất định.

* Dàn ý chung:

- Mở bài: Giới thiệu về đối tượng được tả.

- Thân bài: Tập trung tả khái quát và chi tiết.

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ về đối tượng miêu tả.

III. LUYỆN TẬP

Câu 1. Từ bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, em hãy tưởng tượng mình là anh bộ đội đã được chứng kiến câu chuyện cảm động đó và kể lại bằng một bài văn.

Trả lời: Đây là một bài văn kể chuyện, các bạn có thể làm theo dàn ý sau:

- Nhân vật: Bác Hồ và anh đội viên (người kể chuyện, có thể xưng tôi)

- Câu chuyện: Trên đường đi chiến dịch, vào một đêm khuya trời mưa và lạnh, ở một mái lều tranh, ba lần anh đội viên thức dậy vẫn thấy Bác chưa ngủ. Anh đội viên cảm động trước tình cảm của Bác đối với các chiến sĩ, anh thức luôn cùng Bác. Nên kể câu chuyện theo diễn biến của các lần anh đội viên thức giấc.

- Tình cảm cần thể hiện: Câu chuyện được kể bằng tình cảm của anh đội viên. Anh đội viên chứng kiến và kể lại, mọi sự việc đều được tái hiện qua con mắt của nhân vật này. Chú ý diễn tả được tình cảm xúc động, gần gũi mà kính phục của anh đội viên với Bác Hồ.

Câu 2. Từ bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa, em hãy viết bài văn miêu tả lại trận mưa theo quan sát và tưởng tượng của em.

Trả lời

          Mặt trời đang chói chang bỗng chốc mây đen từ đâu ùn ùn kéo tới, che kín cả bầu trời. Gió ngày càng mạnh hơn làm cây cối nghiêng ngả, đu đưa, bụi bay mù mịt. Mấy chú chim vội vã tìm nơi trú ngụ, mọi người cũng như khẩn trương hơn trước cơn mưa sắp tới gần… Lộp bộp… lộp bộp. Những hạt mưa bắt đầu nặng hạt hơn, bầu trời giờ bị chắn bởi những lớp nước trắng xóa, chớp sáng loáng rạch ngang trời, để lại tiếng sấm rền rĩ, ồn ào. Cây cối lúc này nhảy múa hào hứng với màn nước nước mưa mát lành trời ban tặng…

Câu 3. Trong các nội dung của tờ đơn nêu sau đây còn thiếu mục nào? Mục đó có thể thiếu được không?

- Quốc hiệu và tiêu ngữ

- Nơi làm đơn và ngày … tháng … năm …

- Tên đơn

- Nơi gửi

- Họ tên, nơi công tác hoặc nơi ở của người viết đơn.

- Cam đoan và cảm ơn.

- Kí tên.

Trả lời: Dàn ý của đơn trên chưa có mục trình bày lí do và nguyện vọng đề nghị được giải quyết. Phần này là phần không thể thiếu và cần phải bổ sung.

 

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)