Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Tổng quan văn học Việt Nam

Danh sách bài làm & chấm bài  
Bài soạn Các bài giảng

Câu 1. Vẽ sơ đồ các bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam

                                   

 
   

Câu 2: Trình bày quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam

 

Văn học trung đại

Văn học hiện đại

1. Bối cảnh

- Xã hội: tồn tại chế độ phong kiến, công cuộc dựng nước và giữ nước.

- Tư tưởng: chịu ảnh hưởng của nền tư tưởng lớn, như Nho, Phật, Đạo.

- Văn hóa: Tiếp nhận và ảnh hưởng của văn hóa vùng Đông Á, Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc.

- Xã hội: phương Tây xâm lược, đất nước trong công cuộc đấu tranh, thống nhất và đổi mới.

- Tư tưởng: chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đặc biệt là Pháp.

- Văn hóa: nhiều loại hình mới ra đời, tầng lớp công chúng tiếp nhận và sáng tác đông đảo đã tạo nên đời sống văn học sôi nổi.

2. Tác giả

- Chủ yếu là các nhà nho.

- Đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp, đã hình thành nghề sáng tác.

3. Văn tự

Sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Chủ yếu sáng tác bằng chữ quốc ngữ.

4. Thi pháp

Tính ước lệ

Tính sùng cổ

Tính phi ngã

Lối viết hiện thực + đề cao cá tính sáng tạo, cái “tôi” cá nhân

5. Thể loại

- Thể loại tiếp thu từ Trung Quốc (sáng tác chữ Hán)

- Thể loại là sáng tạo riêng của dân tộc (chữ Nôm)

- Nhiều thể loại mới ra đời: thơ Mới, kịch nói, tiểu thuyết.

6. Thành tựu

- Sáng tác chữ Hán: thơ thiền Lí Trần, truyện truyền kì, kí sự, tiểu thuyết chương hồi,…

- Sáng tác chữ Nôm: thơ Nôm, truyện Nôm, ngâm khúc, hát nói,…

- Từ thế kỉ X – trước Cách mạng tháng tám 1945:

+ 1900 – 1930: văn học giao thời

+ 1930 – 1945: Thơ mới, thơ Cách Mạng, Lãng Mạn, Hiện thực phê phán.

- Từ Cách mạng tháng 8/1945 – nay:

+ 1945 – 1975: Thơ ca yêu nước

+ 1975 – nay: công cuộc đổi mới nội dung và nghệ thuật văn chương.

=> Văn học viết Việt Nam phát triển qua hai thời kì: Thời kì văn học trung đại (từ thế kỉ X – XIX) và thời kì văn học hiện đại từ (XX – nay). Trải qua quá trình phát triển lâu dài, không ngừng vận động, văn học Việt Nam đã kết tinh được những kiệt tác văn học, những tác gia văn học lớn. Nhờ đó, văn học Việt Nam có vị trí nhất định trong nền văn học nhân loại.

Câu 3: Dùng hiểu biết của mình để làm sáng tỏ nhận định: Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng.

Đời sống tư tưởng tình cảm của con người Việt Nam trong văn học được thể hiện trong nhiều mối quan hệ đa dạng: mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa con người với quốc gia, dân tộc, con người với xã hội, và con người với ý thức về bản thân.

1. Con người Việt Nam trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên.

a. Trong văn học dân gian, mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên được thể hiện ở:

- Quá trình ông cha ta nhận thức, cải tạo, chinh phục thế giới tự nhiên:

Ví dụ như giải thích sự tích hình thành núi non có Sự tích Ông Đùng, bà Đùng; giải thích hiện tượng lũ lụt và ước mơ của ông cha chế ngự và chiến thắng thiên nhiên có Sơn Tinh, Thủy Tinh; những câu ca dao, tục ngữ đúc kết kinh nghiệm về lao động sản xuất, thời tiết…

- Thể hiện tình yêu thiên nhiên, mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên. Ví dụ:

Ở đâu năm cửa chàng ơi / Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng” đó là những câu hát đối đáp của trai gái thử tài về kiến thức địa lí.

Đường vô xứ Huế quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” đó là những câu ca dao lưu dấu ấn vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. …

b. Trong văn học trung đại: mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên gắn liền với những lí tưởng về đạo đức, thẩm mĩ.

Ví dụ:

Hình tượng Tùng, cúc, trúc, mai tượng trưng cho sự chính trực, khiêm nhường, kiên cường, cao quý của người quân tử.

Đề tài Ngư, tiều, canh, mục thể hiện lí tưởng thanh cao, ẩn dật, không màng danh lợi của các nhà Nho.

c. Trong văn học hiện đại, con người trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên được thể hiện ở tình yêu quê hương, yêu nước, yêu cuộc sống, đặc biệt là tình yêu đôi lứa.

Ví dụ: Cô Tô – Nguyễn Tuân, Vượt thác – Võ Quảng, tập Truyện Tây Bắc – Tô Hoài, Sóng – Xuân Quỳnh…

2. Con người Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, dân tộc.

a. Văn học dân gian: Tình yêu làng xóm, quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn, sự căm ghét các thế lực xâm lược giày xéo quê hương.

Ví dụ: Ca dao về Hai Bà Trưng, Bà Triệu:

“Ru con con ngủ cho lành,

Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi.

Muốn coi, lên núi mà coi,

Có bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng.

Túi gấm cho lẫn túi hồng

Têm trầu cánh kiếm cho chồng ra quân”

Hay truyền thuyết Thánh Gióng, Thạch Sanh, An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy,…

b. Văn học trung đại: ý thức sâu sắc về quốc gia, dân tộc, truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc.

Ví dụ: Những tác phẩm nổi tiếng như Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn, Bình ngô đại cáo – Nguyễn Trãi, Nam quốc sơn hà, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu.

c. Văn học hiện đại: sự nghiệp đấu tranh giai cấp và lí tưởng xã hội chủ nghĩa.

Văn học hiện đại cũng ghi nhận nhiều tác gia, tác phẩm lớn như Hồ Chí Minh, Tố Hữu,… Ví dụ như: Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh, Việt Bắc – Tố Hữu, Đất nước – Nguyễn Đình Thi, Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm, Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành,… Văn học thời kì này đã góp phần kiện toàn hệ thống nội dung của chủ nghĩa yêu nước.

3. Con người Việt Nam trong mối quan hệ với xã hội

* Ước mơ về xã hội công bằng, khẳng định niềm tin vào tương lai.

* Tố cáo các thế lực chuyên quyền, chà đạp lên quyền sống và thân phận con người; bày tỏ niềm cảm thông với những số phận, kiếp người bất hạnh.

* Ca ngợi con người biết đấu tranh, cải tạo xã hội.

=> Cảm hứng xã hội đã tạo tiền đề hình thành chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học xã hội.

Ví dụ:

- Văn học dân gian:

“Con quan thì lại làm quan

Con sãi ở chùa thì quét lá đa

Bao giờ dân nổi cam qua

Con vua thất thế lại ra quét chùa.”

(Ca dao)

Hoặc câu:

“Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”

(Mười cái trứng)

- Văn học trung đại: Thơ của Hồ Xuân Hương, thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Thơ Nguyễn Du…

- Văn học hiện đại: Tắt đèn – Ngô Tất Tố, Lão Hạc – Nam Cao, Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài,…

4. Con người Việt Nam và ý thức về bản thân

- Con người ý thức sâu sắc về bản thân. Thực chất yếu tố, ý thức cá nhân đã được manh nha từ thời trung đại nhưng do tính phi ngã, ước lệ nên tính cá nhân cá thể thường được ẩn giấu sau những vần thơ. Còn trong văn học hiện đại lại không ngại bộc lộ cá tính, cái tôi của mình.

- Con người còn được đặt trong ý thức cộng đồng. Đặt trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, phải đấu tranh cải tạo thiên nhiên hay đấu tranh chống ngoại xâm thì con người lại đứng trong một cộng đồng, góp sức để cải tạo và thay đổi xã hội.

- Nhờ có sự đan cài giữa con người cá nhân và con người cộng đồng mà cũng góp phần xây dựng nên những tư tưởng đạo lí làm người với nhiều phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần tập thể, nhân ái, khoan hòa,…

=> Văn học Việt Nam đã thể hiện chân thực sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)