Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Trao duyên (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Danh sách bài làm & chấm bài  

I. Tiểu dẫn

1. Tóm tắt: Truyện Kiều có 3 phần:

Phần 1: Gặp gỡ và đính ước

Thúy Kiều là thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, là con gái đầu lòng của một gia đình trung lưu lương thiện trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che” cùng Vương ông, Vương bà, Vương Quan và Thúy Vân. Trong một buổi du xuân nhân tiết thanh minh, Thúy Kiều gặp Kim Trọng “Phong lưu tài mạo tót vời”. Giữa hai người chớm nở mối tình đẹp. Kim Trọng đến ở trọ gần nhà Thúy Kiều. Nhân trả chiếc thoa rơi, Kim Trọng đã gặp và bày tỏ tâm tình, hai người chủ động, tự do đính ước với nhau

Phần 2: Gia biến và lưu lạc

Trong khi Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều bị mắc oan. Kiều nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng còn mình thì bán mình chuộc cha. Thúy Kiều bị bọn Mã Giám Sinh lừa gạt, đẩy vào lầu xanh. Kiều được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kĩ nữ nhưng rồi lại bị vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư đánh ghen. Kiều bỏ trốn và lại rơi vào chốn lầu xanh. Ở đây, Thúy Kiều gặp Từ Hải, là anh hùng “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Từ Hải lấy Kiềum giúp nàng báo ân báo oán. Kiều khuyên Từ Hải quy phục quân triều đình, nào ngờ mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Từ Hải chết đứng. Kiều phải hầu đàn hầu rượu cho hắn. Đau đớn, tủi nhục, Kiều trẫm mình xuống sông Tiền Đường tự tử nhưng được sư Giác Duyên cứu, Kiều lần thứ 2 nương nhờ cửa Phật

Phần 3: Đoàn tụ

Kim Trọng sau nửa năm về quê chịu tang chú thì quay trở lại tìm Kiều. Hay tin gia đình Kiều gặp gia biến, nàng phải bán mình, Kim Trọng vô cùng đau khổ. Nghe lời khuyên của mọi người, Kim kết duyên cùng Thúy Vân nhưng chàng chẳng thể nào nguôi ngoai được mối tình đầu say đắm. Chàng quyết cất công lặn lội đi tìm Thúy Kiều. Nhờ gặp được sư Giác Duyên mà Kim Kiều hội ngộ, Kiều đoàn tụ với gia đình. Chiều ý mọi người, Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai cùng nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

=> Đoạn trích "Trao duyên" thuộc Phần 2 - Gia biến và lưu lạc.

2. Bố cục: 3 phần

- Phần 1: 12 câu đầu: Lời Thúy Kiều thuyết phục Thúy Vân trả nghĩa cho Kim Trọng.

- Phần 2: 12 câu tiếp: Kiều trao duyên cho em.

- Phần 3: 8 câu cuối: Kiều trở về thực tại, đau xót khi nghĩ đến Kim Trọng.

II. Tìm hiểu đoạn trích:

1. 12 câu đầu: Thúy Kiều nhờ cậy, thuyết phục Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng:

a. Hai câu đầu: Lời nhờ cậy của Thúy Kiều:

- “cậy”:

+ Là nhờ giúp đỡ, nhờ người khác làm một việc gì đó cho mình.

+ Nghĩa hàm ẩn (nét nghĩa khác):

    Sự gửi gắm, tin tưởng (tin cậy)

    Trông mong, hi vọng rất tha thiết (trông cậy)

-> Từ cậy được hiểu theo nghĩa hàm ẩn. Thúy Kiều đã thể hiện sự gửi gắm, nương nhờ rất tha thiết.

- “chịu lời”:

+ Nét nghĩa chính: tương đương với nhận lời – nhận lời một cách thoải mái, mang sắc thái chủ quan của người tiếp nhận.

+ Nét nghĩa khác: nhận lời làm việc gì đó mà không tự nguyện, miễn cưỡng chấp nhận, đồng ý.

-> Thúy Kiều rất hiểu cho tình thế, cảm xúc, nỗi lòng của Thúy Vân khi nghe lời sắp nói. Dù chưa nói ra nhưng Kiều đã đặt Vân vào tình thế khó có thể chối từ.

- “lạy, thưa”:

+ “lạy”: trang nghiêm, thái độ nghiêm túc, hệ trọng, hoàn toàn yếu thế, phải nhờ cậy.

+ “thưa”: kính cẩn, trang trọng với bề trên với người mình làm ơn.

-> Cặp từ này phi lí khi được sử dụng trong quan hệ chị em của lễ giáo phong kiến.

-> Nhưng nó trở thành hợp lí trong quan hệ giữa người ban ơn với kẻ chịu ơn. -> thể hiện sự tôn trọng trước những gì Thúy Vân sẽ làm cho mình, Kiều tin là Vân sẽ không từ chối mình.

=> Cách dùng từ của Thúy Kiều đã đặt Thúy Vân vào tình thế khó có thể từ chối trước những điều éo le, nghịch cảnh sắp nói. Đồng thời qua đây ta cũng thấy được sự khéo léo, tinh tế trong việc lựa chọn từ ngữ của Kiều, lựa lời để nói với em.

b. 10 câu còn lại: Lời giãi bày và thuyết phục (Lí lẽ trao duyên)

* Lời giãi bày:

Kiều có sự giãi bày về cảnh ngộ, những kỉ niệm với chàng Kim và đưa ra giải pháp để giải quyết tình huống này.

- Giãi bày về cảnh ngộ:

+ “Đứt gánh tương tư”: mối tình dang dở, đứt quãng. -> đau khổ

+ “Sóng gió bất kì”: tai họa từ đâu ập đến gia đình nàng. (nguyên nhân khách quan, Kiều không hề mong muốn và cũng không tránh được)

+ “Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”: sự lựa chọn giữa hiếu và tình.

-> Đây là biến cố rất lớn, rất bất ngờ, đột ngột đến mức người ta không kịp trở tay, không có thời gian để mà chuẩn bị. Đó là chuyện cha và em bị vu oan: “Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. -> Nguyên nhân khiến gia đình Kiều gia đình tan nát là do thằng bán tơ vu oan. Thúy Kiều bị đặt vào mâu thuẫn “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”, “Hiếu tình khôn lẽ, hai bề vẹn hai”. Cuối cùng nàng quyết định chọn chữ hiếu – tuân thủ nguyên tắc đạo lí phong kiến. Đây là quyết định hợp lí trong hoàn cảnh này. Đặt chữ hiếu lên trên chữ tình. Nhưng đồng thời, Kiều cũng rơi vào mâu thuẫn khác: phụ lòng người yêu. Hơn nữa đây là mối tình đầu, mối tình vừa mới chớm nở. Bởi vậy mà Thúy Kiều rất đau khổ. Bởi vậy mà nàng đã gửi gắm sự áy náy, dằn vặt, hối lỗi.

- Kiều đề xuất giải pháp để giải quyết mâu thuẫn:

+ “Keo loan”: keo được làm từ huyết của con chim loan. -> dùng “keo loan” để “chắp vá”.

+ “Mối tơ thừa”: Kiều hiểu, với nàng thì mối tình Kim – Kiều là mối tình đẹp nhưng với Vân đó chỉ là mối duyên thừa, mối duyên chắp vá. Kiều vừa đau đớn khi phải trao duyên nhưng cũng hiểu sự thiệt thòi của em. 

+ “Mặc em”: (không phải nghĩa là mặc kệ) mà là phó mặc, ủy thác. Vừa thể hiện niềm trông mong, nài ép Vân vừa hàm ý sự áy náy, xót xa đối với Vân.

-> Mối duyên mình rất trân trọng, nâng niu mà lại phải lìa bỏ và trao cho người khác. Người ấy cũng không hề có tình cảm với người mình yêu. Mình đau đớn bao nhiêu thì người nhận duyên cũng đau đớn bấy nhiêu thì người phải thay mình tiếp tục mối duyên ấy cũng tội nghiệp bấy nhiêu.

=> Kiều trao duyên mà như trao toàn bộ cuộc đời hạnh phúc cho Vân, nàng tưởng như trao duyên xong là mình sẽ chết, sẽ đoạn tuyệt với cuộc đời ngoài kia. Kiều trao cái không thể traio, Vân nhận cái không dám nhận. Cùng một lúc, Kiều phải lo lắng cho hạnh phúc của cả 3 người: Lo sao cho chàng Kim sống hạnh phúc, lo sao cho em được hạnh hạnh phúc và lo sao cho bản thân không mang tiếng là kẻ bội bạc. Nhưng thực chất Kiều luôn chìm trong đau khổ, day dứt.

- Giãi bày bằng cách kể vắn tắt mối tình của mình với Kim Trọng:

+ Điệp từ “kể từ khi gặp chàng Kim”, “khi ngày quạt ước”, “khi đêm chén thề” -> nhấn mạnh tình yêu sâu nặng gắn bó bền chặt của mình với chàng Kim, khiến những kỉ niệm hiện lên đầy tiếc nuối.

+ Thúy Kiều đã hẹn thề với Kim Trọng:

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

Quạt ước - ngày: tặng quạt để ngỏ ý ước hẹn trăm năm

Chén thề - đêm: uống rượu để thề nguyền chung thủy

-> Đây là câu chuyện đã diễn ra giữa Thúy Kiều và Kim Trọng. Thúy Kiều tặng quạt cho Kim Trọng nhân trả ơn chàng nhặt được chiếc thoa rơi. Nhân dịp gia đình dự sinh nhật Vương viên ngoại, chỉ còn mình Kiều ở nhà, hai người uống rượu thề nguyền trong đêm tự tình:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song

Tóc tơ căn vặn tấc lòng

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”

=> Người xưa rất coi trọng lời thề. Nhưng Thúy Kiều lại vi phạm lời thề, Kiều buộc phải bội ước khi bán mình chuộc cha. Sự bội ước ấy được diễn giải qua một loạt những câu thơ.

* Kiều dùng lời lẽ thuyết phục Vân:

"Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

- Kiều đưa ra lí do thuyết phục em:

+ "Ngày xuân": tuổi trẻ, cơ hội hạnh phúc còn phơi phới, rộng mở, thênh thang trước mắt.

-> Dù 2 chị em Kiều đều “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” nhưng Kiều lại nói “Ngày xuân em hãy còn dài”. Qua đó, dường như Kiều tự cho mình là ngày xuân đã chấm dứt, tương lai của mình trước mắt trải màu u tối, mịt mờ.

+ "Tình máu mủ": Kiều nhắc tới tình chị em ruột thịt. Chị cũng vì gia đình nên mới lỡ dở mối duyên và phải nhờ đến em.

+ “thay lời nước non”: Em sẽ thay mình trả nợ duyên cho Kim Trọng.

=> Nợ tình thì không trả được vì khối tình ấy rất sâu nặng không thể mà ngày một ngày hai trả hết được nhưng có thể nhờ Thúy Vân trả nợ duyên.

- Thúy Kiều giãi bày tâm trạng của mình:

+ “Dù thịt nát xương mòn”: Luôn có dự cảm không lành. Khi bước chân ra khỏi nhà, khi phải chia tay tình yêu cũng có nghĩa là mình sẽ chết.

+ “Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”: Nhưng có điều cứu rỗi: đã phó thác duyên cho Thúy Vân. Nàng có thể ngậm cười chín suối, được an ủi, được xoa dịu nỗi đau. Sự xoa dịu ấy chỉ có thể có được khi Thúy Vân thay mình trả nợ duyên Kim Trọng. -> Đây cũng là một đoạn ra điều kiện với Thúy Vân: Chị chỉ có thể an lòng nếu như em chấp nhận thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

=> Kiều đã đặt trách nhiệm trả nghĩa cho Vân, khiến Vân không thể từ chối.

- Kiều quyết định trao duyên cho em vì:

+ Kiều có lời thề với chàng Kim, bởi vậy nàng luôn canh cánh việc giữ trọn và thực hiện lời thề.

+ Giữa tình và hiếu, Kiều đã hi sinh chữ tình để làm trọn chữ hiếu.

+ Kiều nhờ em vì Vân là người thân thích, máu mủ, chỉ có chị em ruột thịt mới dễ bề chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu cho nhau. Đây mới là lí lẽ cơ bản và duy nhất.

=> Lập luận sắc sảo, hợp lí => Sự thông minh của Thúy Kiều

=> Kiều lúc này là con người lí trí, làm chủ tình cảm.

2. Câu 13 - 26: Thúy Kiều trao kỉ vật cho Thúy Vân và dặn dò chuyện mai sau:

a. Thúy Kiều trao kỉ vật cho Thúy Vân

- Thúy Kiều gọi tên từng kỉ vật khi trao cho Thúy Vân:

+ "chiếc vành": vòng xuyến mà Kim Trọng đã trao cho Thúy Kiều trong buổi gặp gỡ ở mé vườn phía Tây: “Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông”.

+ "bức tờ mây": là tờ giấy trang trí hình mây có ghi lời thề nguyền giữa hai người. Khi gia đình Vương viên ngoại đi vắng,  Kim Trọng và Thúy Kiều đã “Tiên thề cũng thảo một chương/ Tóc mây một món, dao vàng chia đôi”.

+ "Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa": Thúy Kiều và Kim Trọng đã có chung đôi, có những kỉ niệm bên nhau. Kiều: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Kim: “Lò đào thêm hương”. Hai người đã cùng đánh đàn, làm thơ, thưởng trà dưới trăng. Bây giờ là lúc Thúy Kiều trao lại hết cho Vân. Trao kỉ vật cũng đồng nghĩa là trao duyên.

b. Kiều dặn dò em:

* Lời dặn dò 1:

- Khi trao kỉ vật, ở Kiều có sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm:

+ Lí trí: trao hết kỉ vật, không giữ lại gì hết -> trao duyên cho em. Cùng với sự trao duyên ấy là mong muốn “dù em nên vợ nên chồng” với Kim Trọng. Kiều mong muốn em sẽ có cuộc sống hạnh phúc và êm ấm bên Kim Trọng: “Đốt lò hương ấy so tơ phím này”.

+ Tình cảm: Rõ ràng trao duyên là phải chấm dứt nhưng tình cảm lại phức tạp, không cho phép Kiều đoạn tuyệt: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Những kỉ vật thì trao cho Vân nhưng những kỉ niệm, kí ức về kỉ vật ấy thì không thể trao, vì vậy Kiều xin em được giữ lại những kỉ niệm ấy trong lòng, làm vật sở hữu của riêng mình.

-> Từ quá khứ đến hiện tại, nó là sở hữu của Kim – Kiều.

-> Hiện tại đến tương lai nó là sở hữu của Kim – Vân.

=> Kiều muốn đồng sở hữu những tình cảm, kỉ niệm ấy.

+ Dặn lòng: “Mất người còn chút của tin” -> người không còn nhưng còn để lại kỉ vật. Kiều mong muốn mọi người không bao giờ quên mình. 

=> Sự mâu thuẫn, đau đớn giằng xé trong tâm can Thúy Kiều.

* Lời dặn dò 2:

- Mai sau, mỗi khi đốt hương đánh đàn, linh hồn của Thúy Kiều sẽ trở về. Mong Thúy Vân hãy rưới giọt nước làm phép để giải oan cho chị.

+ Từ ngữ giả định : "mai sau", "dù có" -> Kiều tưởng tượng về cảnh ngộ của mình trong tương lai.

+ Hình ảnh "ngọn cỏ lá cây", "hiu hiu gió", "hồn", "thân bồ liễu", "đền nghì trúc mai" -> gợi ra cuộc sống nơi cõi âm buồn thảm, rợn ngợp.

+ Nhịp điệu thơ chậm rãi, tức tưởi, nghẹn ngào. Dường như Kiều đang cố nén để không bật tiếng khóc thành lời.

- Một lần nữa Thúy Kiều mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm.

+ Lí trí: Kiều mong muốn Kim Trọng và Thúy Vân có cuộc sống gia đình, cuộc hôn nhân êm đềm, hạnh phúc: "Đốt lò hương ấy so tơ phím này". Kiều tưởng tượng những giây phút hạnh phúc ấy sẽ tiếp tục, vẫn là cảnh tượng ấy nhưng là với người thì khác, với Thúy Vân.

+ Tình cảm: muốn sum họp, chung hưởng hạnh phúc với Kim và Vân:

"Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai"

-> Dù có bị vùi dập ra sao, dù thịt nát xương mòn, dù không còn trên cõi đời này nữa nhưng linh hồn Thúy Kiều vẫn mang nặng lời thề “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Vì nợ tình và mang nặng lời thề nên linh hồn không thể siêu thoát. Nên mỗi khi Kim Trọng và Thúy Vân có những giây phút hạnh phúc bên nhau thì Thúy Kiều sẽ trở về để chung hưởng hạnh phúc qua ngọn gió hiu hiu trên ngọn cỏ lá cây.

=> Dù âm dương cách trở thì Thúy Kiều sẽ trở về bằng oan hồn, linh hồn bất tử, sẽ được chung hưởng với hạnh phúc của em. => Mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm.

- Từ mâu thuẫn trên cho thấy:

+ Sự tiếc nuối, đau khổ và cả sự than thân trách phận của Thúy Kiều.

+ Tình cảm sâu nặng của Kiều dành cho chàng Kim.

=> Đang nói với Vân và dặn dò em mà Kiều dường như đang quên dần sự hiện diện của em. Nàng rơi vào trạng thái cô độc, chỉ còn một mình, đang tưởng tượng ra viễn cảnh ghê rợn ám ảnh của bản thân trong tương lai. Nỗi đau đớn giằng xé đươc đẩy lên đến đỉnh điểm.

3. Tám câu cuối: Thúy Kiều trở về với thực tại đau xót

* Thúy Kiều buộc phải quay về đối mặt và chấp nhận thực tế: Tình yêu tan vỡ, không thể hàn gắn.

Bây giờ trâm gãy gương tan

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

- “Bây giờ”: nàng luôn ý thức về thực tại đau xót.

- Thành ngữ “Trâm gãy gương tan”: là sự tan vỡ của tình yêu, cũng là sự tan nát trong cõi lòng Thúy Kiều.

- “Tơ duyên ngắn ngủi”: Đến đây không thể níu kéo được nữa.

* Kiều thức tỉnh nỗi đau thân phận:

Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

- Hai thành ngữ “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi”: đã gợi ra nỗi đau khổ cùng cực của Thúy Kiều. Thân phận bị lệ thuộc, số phận bó buộc không được quyền tự quyết. Sự tan vỡ, dở dang, bạc bẽo, nổi trôi của tình duyên, của thân phận con người.

* Thúy Kiều hướng đến để đối với Kim Trọng trong tâm tưởng:

“Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”

“Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

- Động từ “lạy”: cái khấu đầu tạ lỗi (trong tâm tưởng) -> đau đớn dằn vặt.

- Dùng hai thán từ “ôi, hỡi” trong một câu thơ 6 chữ + dấu chấm than. “Ôi, hỡi”-> Lời gọi tha thiết.

- Điệp từ “Kim Lang” – Kim Trọng. Đoạn đầu: Kiều gọi Kim là “chàng”. Đến đây: Kiều gọi Kim là “Kim lang” – chàng Kim, là chồng. -> sự thay đổi cách xưng hô cho thấy Kiều hoàn toàn như mất đi lí trí, coi Kim Trọng là người chồng duy nhất, cuối cùng của mình.

- Nhịp ngắt phá cách 3/3, khiến câu thơ giống như một tiếng nấc nghẹn ngào.

=> Câu thơ giống như một tiếng nấc nghẹn đau đớn, nỗi đau lên đến cùng cực của Thúy Kiều.

- Câu kết là lời nhận tội, tự trách của Thúy Kiều “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”.

+ Nhìn bề mặt, Thúy Kiều không có lỗi dù rằng nàng đã bội ước, đã lỗi thề. Vì đó là do hoàn cảnh khách quan và nàng cũng đã nhờ em gái trả nghĩa cho chàng Kim rồi.

+ Nhưng sâu xa, Thúy Kiều rất thấu hiểu lỗi từ phía mình: bởi Kiều chỉ có thể nhờ Vân trả nợ duyên chứ tình thì không trả được. Nợ tình mới là mqh cốt lõi giữa Kim – Kiều.

=> Đầu đoạn: Kiều trong là người con hiếu thảo, con người nghĩa vụ, con người lí trí.

     Đoạn cuối: Kiều là con người cá nhân, con người của tình cảm, mong có được hạnh phúc cho riêng mình.

=> Trích đoạn cho thấy cái tâm và cái tài của người cầm bút khi thấu hiểu tâm lí người phụ nữ và bày tỏ niềm cảm thông trước số phận bất hạnh của nàng Kiều. Nguyễn Du đã rất tài năng khi đi sâu khai thác và diễn tả thành công diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tác giả để cho nàng Kiều vượt lên mọi lề thói và khuôn phép của lễ giáo phong kiến để bộc lộ tâm tư tình cảm riêng.

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Giá trị hiện thực: Phơi bày, thể hiện sự đồng cảm, xót thương với bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh của Thúy Kiều – điển hình của người phụ nữ, kiếp hồng nhan bạc mệnh trong XHPK.

- Giá trị nhân đạo: Trân trọng, ngợi ca nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều.

2. Nghệ thuật

- Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật: tác giả rất tài tình khi làm hiện hình những cung bậc cảm xúc của nhân vật.

- Ngôn ngữ miêu tả nội tâm:

+ Sử dụng nhiều hình thức ngôn ngữ: đối thoại, độc thoại, độc thoại nửa trực tiếp.

+ Kết hợp ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ dân gian một cách điêu luyện.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)