Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Danh sách bài làm & chấm bài  

AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU – TRỌNG THỦY

(Truyền thuyết)

I. Tiểu dẫn

1. Thể loại truyền thuyết

- Thuộc loại hình tự sự dân gian.

- Nội dung: kể về các nhân vật, sự kiện lịch sử.

- Nghệ thuật: sử dụng các yếu tố hoang đường, kì ảo, thần kì. => tạo sức hấp dẫn.

=> Truyền thuyết chỉ có cốt lõi lịch sử chứ không phải là những văn bản thuật lại những sự kiện lịch sử.

- Môi trường sinh thành và môi trường diễn xướng của truyền thuyết:

+ Môi trường sinh thành: di tích lịch sử

+ Môi trường diễn xướng: lễ hội để tưởng nhớ lịch sử.

2. Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

- Môi trường sinh thành: quần thể di tích tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

- Xuất xứ: nằm trong Truyện Rùa Vàng (tập Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp)

- Tập trung vào hai lớp kể - bố cục 2 phần:

+ Phần 1: Quá trình An Dương Vương dời đô, xây thành Cổ Loa, chế nỏ thần, chiến thắng giặc ngoại xâm. (Từ đầu đến “bèn xin hòa”.)

+ Phần 2: An Dương Vương mất cảnh giác, mất nước vào tay Triệu Đà, đan lồng trong đó là câu chuyện tình yêu Mị Châu  - Trọng Thủy. (Còn lại)

3. Tóm tắt

- An Dương Vương nối nghiệp các vua Hùng đã dời đô từ núi Nghĩa Lĩnh về đồng bằng Cổ Loa để mở rộng giao thương về kinh tế, văn hóa. Khi chuyển về đồng bằng phải rất chú trọng đến thành trì bảo vệ đất nước nhưng ngày xây thì đêm đổ. An Dương Vương phải nhờ đến Rùa Vàng để xây thành. Trước khi từ biệt, Rùa Vàng tặng một móng vuốt, sau đó từ móng vuốt đó, Cao Lỗ làm nên nỏ thần, giúp đánh thắng Triệu Đà.

- Triệu Đà cầu hòa, cho Trọng Thủy sang cầu hôn, ở rể. Mị Châu nói bí mật nỏ thần cho Trọng Thủy. Trọng Thủy về nước, quân Triệu Đà kéo sang nhưng nỏ thần không còn hiệu nghiệm vì đã bị đánh tráo. An Dương Vương và Mị Châu chạy về phía biển, Rùa Vàng hiện lên tố cáo kẻ ngồi sau lưng chính là giặc. An Dương Vương rút kiếm chém đầu Mị Châu, cầm sừng tê bảy tấc đi xuống biển.

- Máu của Mị Châu, trai ăn phải, hóa thành ngọc trai. Trọng Thủy đuổi theo đến bờ biển, ôm xác Mị Châu mang về táng ở Loa Thành, xác nàng biến thành ngọc thạch. Trọng Thủy không thôi mong nhớ Mị Châu, khi ngồi bên giếng thạch nhìn thấy bóng dáng Mị Châu đã lao đầu xuống giếng tự vẫn.

=> Kết thúc nhuốm màu bi kịch. Nhưng kết thúc đau lòng ấy mang lại nỗi thức tỉnh cho hậu thế.

II. Tìm hiểu văn bản

1. Nhân vật An Dương Vương

a. An Dương Vương anh minh sáng suốt gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước

- Những công lao to lớn của An Dương Vương trong quá trình dựng nước và giữ nước:

+ An Dương Vương dời đô, tiếp nối sự nghiệp của các Vua Hùng. 

+ Xây thành Cổ Loa: thành xây lại đổ, nhưng rồi có Rùa Vàng tới giúp mới xây xong. Qua đó thể hiện nhà vua biết trân trọng hiền tài và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ. Đó là vị vua gần dân, đáng kính trọng.

+ Chuẩn bị vũ khí đánh giặc, lo xa: Thành xây xong, Rùa Vàng từ biệt ra về, vua bèn bộc lộ niềm băn khoăn: “Nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng bèn tháo móng vuốt tặng An Dương Vương, nhà vua tìm người tài là Cao Lỗ chế tạo nỏ thần.

=> trí tuệ hơn người, nhãn quan sáng suốt, tinh thần cảnh giác cao độ của người đứng đầu quốc gia.

=> Kết quả: chiến thắng Triệu Đà lần thứ nhất.

Nhận xét:

An Dương Vương anh minh, sáng suốt, có tinh thần cảnh giác cao độ và có ý chí quyết tâm đánh giặc. Đây là một vị vua lí tưởng trong quan niệm dân gian.

Mỗi khi An Dương Vương gặp khó khăn lại nhận được sự trợ giúp của thần linh (Rùa Vàng) chứng tỏ những việc làm của An Dương Vương là chính nghĩa, đúng ý trời hợp lòng dân.

b. An Dương Vương mất cảnh giác và bi kịch mất nước                

* Nguyên nhân:

- An Dương Vương mất cảnh giác:

+ Triệu Đà biết không thể chống lại vũ khí đánh xa và chín vòng thành của An Dương Vương nên tìm cách trì hoãn bằng cách cầu hòa. An Dương Vương không nhận ra mưu sâu kế hiểm ấy nên nhận lời. Hơn nữa, việc chấp nhận lời cầu hòa cũng là giải pháp của người xưa để tránh việc binh đao, gây ai oán, tang thương cho nhân dân.

+ Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thủy. => An Dương Vương cũng không mảy may nghi ngờ, nhận lời gả đứa con gái cưng duy nhất của mình cho con trai kẻ thù. An Dương Vương không hề có kế sách đối phó.

+ An Dương Vương cho Trọng Thủy sang ở rể theo tục lệ của nước Âu Lạc. Đây là cuộc hôn nhân chính trị.

=> An Dương Vương không mảy may nghi ngờ, cực kì mất cảnh giác.

- Nhận xét:

Người đứng đầu quốc gia như vậy thì con gái là Mị Châu cũng không hề nghi ngờ, để con trai kẻ thù là nội gián.

Trước đây cảnh giác bao nhiêu, An Dương Vương còn thông minh sáng suốt dời đô về đồng bằng để khẳng định chủ quyền và chủ động kế sách ứng phó đánh giặc. Ngài đã chuẩn bị chín vòng thành và vũ khí đánh xa nhưng đến đây hoàn toàn không chút cảnh giác.

+ An Dương Vương chủ quan: khi quân lính báo tin Triệu Đà xâm lược lần hai, An Dương Vương vẫn cả cười nói rằng: Đà không sợ nỏ thần của trẫm sao => vẫn tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của nỏ thần.

=> An Dương Vương đã đánh mất sự anh minh, sáng suốt của mình.

=> An Dương Vương phải đối mặt với bi kịch

* Bi kịch:

- Bi kịch thứ nhất: bi kịch mất nước

+ An Dương Vương trước đây hùng mạnh, khiến kẻ thù phải tháo chạy thì nay vì chủ quan, mất cảnh giác mà tự tay làm mất nước.

+ An Dương Vương thua trận nhưng ngay cả khi chạy trốn vẫn bị kẻ thù truy đuổi đến cùng đường. Đây là đau khổ nhất của người đứng đầu quốc gia.

- Bi kịch thứ hai: bi kịch của người cha phải tự tay chém đầu đứa con gái yêu – người thân duy nhất của mình

+ Mọi thứ không gì quý giá bằng Mị Châu. Thậm chí lúc phải bỏ nước, chạy rút lui, An Dương Vương không hề mang theo vàng lụa, gia sản, ấn tín mà chỉ mang theo đứa con gái yêu. Nhưng nào ngờ, Mị Châu lại ngây thơ, nhẹ dạ tin theo lời dặn, rắc lông ngỗng để Trọng Thủy đuổi theo.

+ Lời tố cáo của Rùa Vàng giúp An Dương Vương nhận ra sự thật. Rút kiếm chém con là gạt bỏ tư cách người cha để sống trong tư cách công dân, xử phạt đứa con, người thân duy nhất của mình – rất đau đớn nhưng không thể làm khác.

Nhận xét:

An Dương Vương đánh mất mình, trở nên mất cảnh giác, chủ quan, mơ hồ với âm mưu của kẻ thù.

+ Hình ảnh An Dương Vương cầm sừng tê bảy nước rẽ nước đi xuống biển là motip nối dài sự sống của văn học dân gian dành cho những người có công. Cái chết của An Dương Vương được bất tử hóa, mĩ lệ hóa. An Dương Vương tuy có tội nhưng là vô tình nên được nối dài sự sống như một sự đền bù nào đó. Nhưng vẫn là tội nên không được tiếp tục sống trên trần gian, cũng không có cái kết huy hoàng như Thánh Gióng.

=> Thái độ của dân gian và sự sâu sắc trong việc lựa chọn chi tiết xây dựng nhân vật của tác giả dân gian.

2. Nhân vật Mị Châu

a. Là tội nhân của bi kịch mất nước

Tội mất cảnh giác:

- Nguyên nhân sâu xa: từ An Dương Vương. Vì cha không hề có sự phòng bị nên con gái cũng không hề nghi ngờ.

- Những chi tiết:

+ Khi Trọng Thủy đề nghị được xem nỏ thần, Mị Châu đồng ý ngay mà không nghi ngờ, không hỏi ý kiến cha, không cần sự cho phép của ai.

=> Trọng Thủy đánh tráo nỏ thần.

=> Tội làm lộ bí mật quốc gia. Đây lại là bí mật quan trọng nhất, là cốt lõi để bảo vệ quốc gia mình.

+ Khi Trọng Thủy thác kế về nước thăm cha với lời dặn dò đầy ẩn ý: "Nếu 2 nước chẳng may thất hòa thì lấy gì làm dấu?". Mị Châu không dùng lí trí suy đoán mà trái tim đã lấn chỗ hết.

Tôi kể người nghe chuyện Mị Châu

Trái tim lầm chỗ đặt trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”

                                    (Tố Hữu)

=> Mị Châu không để ý và không hề nhận ra ẩn ý sau lời nói của Trọng Thủy.

- Kết cục bi thảm:

+ Bị Rùa Vàng kết tội là giặc. 

+ Bị vua cha chém đầu.

=> Mị Châu đứng trên lập trường dân tộc để nhận tội nên không hề thanh minh hay cầu xin tha tội. Lúc này nàng gạt đi tư cách của một người vợ, một người con trong gia đình mà sống trong tư cách của một công dân: phạm tội thì phải nhận tội.

=> Đây là bài học cho Mị Châu và cho muôn đời sau: cảnh giác và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, lí trí và tình cảm.

b. Mị Châu là nạn nhân của bi kịch tình yêu

- Trong mối quan hệ gia đình, luật “tam tòng” thì việc vợ nghe theo chồng là điều dễ hiểu, dễ cảm thông.

- Nhưng việc mù quáng thuận theo tình cảm vợ chồng mà không suy nghĩ đến vận mệnh quốc gia dân tộc đã gây ra bi kịch. Từ bi kịch mất nước đã dẫn tới bi kịch tình yêu: gia đình li tán, vợ chồng chia lìa.

- Nhận xét:

+ Vì quá yêu Trọng Thủy, coi chàng là chồng và không hề đề cao cảnh giác. Nên khi Trọng Thủy dụ cho xem nỏ thần, và hỏi nếu đất nước có xảy ra cơn binh lửa, nàng cũng không hề ngờ vực mà hẹn là sẽ rắc lông ngỗng để làm tin.

=> Trước sau, Mị Châu vẫn là người con gái nhẹ dạ, yêu và hoàn toàn tin tưởng Trọng Thủy.

+ Vì nhẹ dạ mà bị lừa gạt chứ Mị Châu không hề có lòng gian dối, nên khi chết đi, xác nàng hóa thành ngọc thạch; máu nàng chảy xuống biển, loài trai ăn phải thì hóa thành ngọc. Chi tiết này phần nào bênh vực và bộc lộ tấm lòng thương cảm của nhân dân đối với nhân vật này.

+ Đặc biệt, lời nguyện khấn và chi tiết ngọc trai – giếng nước là điểm sáng, thể hiện lối xử trí nhân hậu, sự hòa giải cho bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu. Người ta thấy đem ngọc trai rửa với nước giếng ở Cổ Loa thì ngọc càng thêm trong, thêm sáng. Chi tiết này đã chứng tỏ cho tình yêu của Mị Châu đối với Trọng Thủy và càng tô đậm bi kịch tình yêu.

3. Nhân vật Trọng Thủy

Đây là nhân vật phức tạp bậc nhất trong văn học dân gian, bị mắc kẹt trong tham vọng cướp nước và tham vọng tình yêu. Vì thế Trọng Thủy xuất hiện với hai tư cách: tội nhân và nạn nhân

a. Là tội nhân (của cả hai bi kịch: bi kịch mất nước của nước Âu Lạc và bi kịch tình yêu của chính mình)

- Trọng Thủy đã lừa dối An Dương Vương và Mị Châu để thực hiện đến cùng âm mưu của một gián điệp, âm mưu cướp nước của Triệu Đà:

+ Lừa dối An Dương Vương cầu hôn Mị Châu, sang ở rể ở Âu Lạc.

+ Lừa dối Mị Châu xem trộm nỏ thần và đánh tráo nỏ thần.

+ Lừa dối Mị Châu rải lông ngỗng để tìm Mị Châu cũng là để truy sát An Dương Vương và Mị Châu.

=> Nếu Mị Châu là tội nhân một cách vô tình thì Trọng Thủy là tội nhân một cách cố ý. Trọng Thủy có âm mưu, chuẩn bị kế hoạch từ trước đó.

=> Trọng Thủy không thể được tha thứ.

Kết cục bi thảm: lao đầu xuống giếng tự vẫn.

=> Trọng Thủy không được bất tử hóa như An Dương Vương và Mị Châu, chỉ nhắc đến sau này, nước giếng ấy mà đem sửa ngọc trai thì ngọc trai sáng đẹp hơn, trong sáng hơn. Đây là kết cục xứng đáng với những tội lỗi mà Trọng Thủy gây ra. Kết thúc đó cũng thể hiện quan điểm, thái độ của dân gian với nhân vật này.

b. Là nạn nhân của bi kịch tình yêu

- Do Trọng Thủy bị mắc kẹt giữa tham vọng cướp nước và tham vọng tình yêu, giữa chữ HIẾU và chữ TÌNH. Hai tham vọng này được thể hiện trong cả hai mối quan hệ với Triệu Đà và với Mị Châu.

* Mối quan hệ với Triệu Đà:

- Trong mối quan hệ với Triệu Đà, Trọng Thủy vừa là một bề tôi trung thành, vừa là một đứa con bất hiếu.

- Trọng Thủy là một bề tôi trung thành:

+ Trọng Thủy đã thực hiện rất xuất sắc nhiệm vụ của một gián điệp, giúp cha mình thực hiện toan tính thôn tính nước Âu Lạc.

+ Giúp thực hiện đến cùng âm mưu cướp nước của Triệu Đà.

- Trọng Thủy là một đứa con bất hiếu:

+ Sau khi đánh chiếm được nước Âu Lạc, Trọng Thủy là người có công lớn nhất. Theo lẽ thường, Trọng Thủy phải là kề cận phụng sự, thậm chí nối nghiệp cha mình nhưng Trọng Thủy lại lao đầu tự tử ở La Thành. Theo đạo hiếu, tự tử là tội bất hiếu lớn nhất vì tự tử là cướp công ơn sinh thành của ba mẹ trong bao nhiêu năm tháng.

-> Khi sống trọn vẹn với tình yêu, Trọng Thủy lại trở thành một người con bất hiếu.

* Trong mối quan hệ với Mị Châu:

- Ban đầu, khi sang cầu hôn Mị Châu: hoàn toàn không có tình yêu, mà chỉ là nghĩa vụ của bề tôi.

- Trong quá trình chung sống, tình yêu trong sáng, chân thành, tha thiết của Mị Châu đã cảm hóa Trong Thủy nhưng nhiệm vụ của bề tôi cao hơn nên vẫn thác kế về nước thăm cha. Nhưng khi thác kế về nước vẫn có lời căn vặn. -> Tình yêu nảy nở nhưng ý thức trách nhiệm của một bề tôi vẫn mạnh hơn. Cho nên mới có lời căn vặn.

- Khi đuổi theo dấu lông ngỗng mà Mị Châu rắc dọc đường, vừa là để đuổi theo Mị Châu vừa để truy sát An Dương Vương -> tình yêu và nghĩa vụ song hành.

- Khi hoàn thành nghĩa vụ của bề tôi thì Trọng Thủy chỉ còn lại tình yêu, vô cùng dằn vặt, day dứt, ân hận với Mị Châu nên tìm đến cái chết.

=> Trọng Thủy cũng giống Mị Châu, rơi vào nghịch cảnh: khi Mị Châu yêu thương mình hết lòng thì Trọng Thủy đã rất tàn nhẫn dối lừa Mị Châu, đến khi Trọng Thủy cũng lại hết lòng yêu Mị Châu thì trong nàng bấy giờ chỉ còn lại duy nhất là nỗi hận thù. Đó chính là bi kịch của Trọng Thủy. Bi kịch đó là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa: không chỉ phía thua mà cả phía thắng cũng đau đớn như nhau.

=> Kết lại ở chi tiết ngọc trai – nước giếng: là biểu hiện của sự tha thứ, tha thứ cho Trọng Thủy và cũng là biểu tượng của sự minh oan cho Mị Châu. Đó là sự chứng thực cho sự ngây thơ của nàng, vì nhẹ dạ cả tin nên mới gây nên lỗi lầm. Tất cả chỉ có thể là sự tha thứ sau khi Trọng Thủy đã phải đền tội.

III. Tổng kết

1. Giá trị nội dung

- Sự lí giải nguyên nhân mất nước Âu Lạc.

- Là một bài học lịch sử sâu sắc gửi gắm cho các thế hệ muôn đời: bài học về tinh thần cảnh giác và bài học về cách xử lí đúng đắn giữa việc chung và việc riêng, giữa tình nhà và việc nước, giữa cá nhân và cộng đồng.

2. Đặc sắc nghệ thuật

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa cốt lõi lịch sử và các yếu tố kì ảo, hoang đường tạo nên sự hấp dẫn, li kì; thể hiện thái độ, quan niệm, tình cảm của dân gian với các nhân vật lịch sử.

Ví dụ: Thần Kim Quy xuất hiện giúp An Dương Vương xây thành và đánh thắng giặc thể hiện sự ủng hộ của nhân dân, thần linh với An Dương Vương.

- Sử dụng các chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng:

+ An Dương Vương cầm sừng tê bẩy tấc rẽ nước xuống biển: bất tử hóa và mĩ lệ hóa cái chết của người anh hùng có công với dân tộc.

+ Ngọc trai – nước giếng: tha thứ của Mị Châu dành cho Trọng Thủy, sự hóa giải bi kịch tình yêu.

+ Hóa thân không trọn vẹn của Mị Châu.

- Xây dựng các hình tượng nhân vật rất phức tạp - Trọng Thủy. Đây là hình tượng đặc biệt trong các câu chuyện dân gian của Việt Nam.

 

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)