Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề thi năm 2016 - 2017

Các bài giảng

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT TỈNH YÊN BÁI 

NĂM HỌC 2016 - 2017

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian: 120 phút ( không kể thời gian giao đề)

Ngày thi: 02/06/2016

 

Câu 1. ( 2,0 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

“Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:

-Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?

- Là con thầy mấy lị con u.

- Thế nhà con ở đâu?

- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.

- Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?

Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:

- Có.

Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:

- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?

Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:

Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:

- Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.”

( Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2006, tr.169)

a. Đoạn trích trên được rút ra từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?

b. Xác định 2 từ láy trong đoạn trích.

c. Trong đoạn trích, những lời của nhân vật ông lão có phải chỉ nhằm trò chuyện với con hay còn với mục đích nào khác?

Câu 2. ( 3,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn theo cách diễn dịch ( khoảng 200 từ) với chủ đề: Câu tục ngữ “ Uống nước nhớ nguồn” là bài hộc về cách sống ân nghĩa, thủy chung của con người Việt Nam.

Câu 3. ( 5,0 điểm)

Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí cao quý của anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp.

Hãy phân tích đoạn thơ sau để làm sáng tỏ nhận định trên:

Anh với tôi biết từng con ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

 

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tớ

Đầu súng trăng treo.

Đồng chí – Chính Hữu, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 20016, Tr.129)

---HẾT---

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu

Ý

Nội dung

1

a

Đoạn trích được rút ra từ tác phẩm “Làng”. Tác giả là Kim Lân

 

b

Hai từ láy trong đoạn trích trên là: khe khẽ, ròng ròng.

 

c

Những lời của ông lão không chỉ để nói chuyện với con mà còn nhằm mục đích khác. Đó là mục đích nhắc nhở con nhớ về làng Dầu là quê hương của mình, đồng thời khẳng định lòng yêu nước, thủy chung với kháng chiến, với cách mạng, trung thành với lãnh tụ, sâu sắc, kiên định với lí tưởng. Trong tâm hồn ông Hai, tình yêu nước vượt lên, lớn hơn, bao trùm tình yêu làng.

2

 

Nghị luận xã hội

 

2.1

Giải thích

Uống nước nhớ nguồn: câu tục ngữ nói về lòng biết ơn của thế hệ sau đối với những hi sinh của thế hệ cha ông đời trước. Được hưởng dòng nước mát lành, ngọt ngào phải nhớ đến cội nguồn của nó.

- Ân nghĩa, thủy chung: phẩm chất đáng quý, là cách sống mọi người cần học tập và noi theo.

- Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là bài học về cách sống ân nghĩa, thủy chung của con người Việt Nam. Lối sống này cần được phát huy, làm nên nhân cách con người.

 

2.2

Chứng minh, bình luận

a. Vì sao phải sống ân nghĩa, thủy chung

- Cuộc sống là một chuỗi tuần hoàn, nối tiếp, những gì ta có hôm nay không tự nhiên mà có, đó là thành quả sau bao nỗ lực, cố gắng của các thế hệ trước. Vì vậy, khi được hưởng thụ những thành quả ấy, cần phải ghi nhớ công lao của những người đã hi sinh trước đó.

- Lòng biết ơn là một lối sống, một phẩm chất đẹp của con người có nhân cách.

- Ân nghĩa, thủy chung sẽ giúp ta tạo được sợi dây gắn kết với quá khứ, cha anh, giúp ta giữ gìn và phát huy những giá trị từ truyền thống để những vẻ đẹp ấy càng phát triển hơn.

b. Biểu hiện lối sống ân nghĩa, thủy chung

- Nhớ ơn, tri ân những anh hùng đã ngã xuống, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

- Ghi nhớ công ơn những người giúp đỡ mình khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

- Biết ơn không chỉ thể hiện trong hành động mà còn trong suy nghĩ, không cần thể hiện bằng những việc làm lớn lao mà chỉ cần những điều bé nhỏ nhưng ý nghĩa.

- Có thái độ trân trọng, ngợi ca những người biết sống ân nghĩa, thủy chung, có nghĩa, có tình.

- Phê phán, lên án những kẻ vong ân, phụ nghĩa, những người sống không có trước có sau.

c. Hiệu quả của lối sống ân nghĩa, thủy chung

- Xây dựng nhân cách cao đẹp.

- Xã hội phát triển tốt đẹp, văn minh.

- Con người biết bảo toàn và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc.

 

2.3

Mở rộng, nâng cao

- Giá trị truyền thống tốt đẹp ấy còn được thể hiện trong những câu tục ngữ khác như: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,…

- Ân nghĩa, thủy chung phải là phẩm chất tự thân, không nhằm tô vẽ hay khoa trương bản thân. Chỉ có thực chất trái tim mới đi đến trái tim, tâm hồn mới bắt gặp những tâm hồn đồng điệu.

3

 

Nghị luận văn học

 

3.1

Giới thiệu chung

- Chính Hữu là nhà thơ quân đội sống và viết suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc nên những tác phẩm của ông mang đậm chất liệu của hiện thực cuộc sống.

- Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào đầu xuân năm 1948, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947.

Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí cao quý của anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp.

Điều đó được thể hiện sâu sắc qua đoạn thơ từ “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh” đến “Đầu súng trăng treo”.

 

3.2

Phân tích, chứng minh

a. Tình đồng chí, đồng đội giúp người lính vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt trong những ngày đầu chống Pháp

- Hiện thực sốt rét rừng hành hạ.

- Áo rách, quần vá, chân đi đất: thiếu thốn, khó khăn những ngày đầu

Miệng cười buốt giá: trời buốt giá, miệng môi khô, nứt nẻ, nói cười khó khăn, có khi nứt ra, chảy máu nhưng người lính vẫn cười trong gian lao bởi họ có hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội.

- Cái siết tay của sự cảm thông và chia sẻ, cái siết tay truyền hơi ấm và sức mạnh. Anh với tôi luôn luôn sóng đôi với nhau, có khi cùng nằm trong một câu thơ, có khi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau đã diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội.

=> Tình cảm gắn bó sâu nặng , sự sẻ chia của những người lính dành cho nhau. Sức mạnh của tinh thần lạc quan và hơn hết là sức mạnh của tình đồng chí giúp học vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Tình đồng chí là tình cảm chân thành, mộc mạc, đồng cảm, đồng khổ, đồng đau, đồng thương.

b. Tình đồng chí, đồng đội gặp nhau ở lí tưởng sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc đầy tinh thần dũng cảm, lạc quan.

“Rừng hoang sương muối” không chỉ là hiện thực, hơn nữa còn là điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt thử thách người lính.

- Trong điều kiện khắc nghiêt, người lính vẫn vững vàng tay súng“chờ giặc tới”. Họ sẵn sàng chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp, vì độc lập, tự do của dân tộc.

“Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” thể hiện tình đồng đội, tình đồng chí giúp họ tự tin, bình tĩnh, chủ động đối diện với kẻ thù. Người lính trở thành trung tâm của bức tranh. Họ không cô đơn vì họ đã có đồng đội và cây súng – những người bạn đồng hành tin cậy. Họ cùng nhau vượt qua cái giá buốt của rừng đêm, giữa sự căng thẳng của những phút giây “chờ giặc tới”. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp học vượt qua tất cả.

“Đầu súng trăng treo” là một hình ảnh đặc sắc. Trước hết, đó là hình ảnh thực mà Chính Hữu đã nhận ra trong suốt những đêm phục kích chờ giặc. Nhưng đó còn là một hình ảnh giàu biểu tượng:

+ Súng là biểu tượng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt. Đồng thời là biểu tượng cho lí tượng cho lí tưởng của người lính.

+ Trăng biểu tượng cho vẻ đẹp mơ mộng, yên bình, lãng mạn.

Kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, Chính Hữu đã vẽ nên một bức tranh đơn sơ mà đầy thi vị về người lính. Trong không gian bát ngát của rừng khuya, vầng trăng bất ngờ xuất hiện, chơi vơi trên đầu ngọn súng. Người lính nông dân hiện lên như những người nghệ sĩ đầy chất thơ, bình dị mà đẹp đẽ.

=>Hai hình ảnh súng và trăng kết hợp tạo nên một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính: chiến sĩ mà thi sĩ, thực tại mà mơ mộng. Đó là vẻ đẹp mang cả đặc điểm của thơ ca kháng chiến – một nền thơ giàu chất hiện thực và dạt dào cảm hứng lãng mạn.

=>Người lính cùng hoàn cảnh, cùng lí tưởng chiến đấu nên gắn bó, đoàn kết với nhau. Sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội giúp họ vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù.

 

3.3

Tổng kết

- Đoạn thơ thể hiện thành công vẻ đẹp người lính và tình đồng chí, đồng đội của người lính trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

- Là người lính sống và chiến đấu thật trong những năm tháng ác liệt của dân tộc nên tác giả thể hiện chân thực, cảm động về hình ảnh người lính.

- Hình tượng người lính còn mãi trog lịch sử dân tộc.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)