Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề thi năm 2016 - 2017

Các bài giảng

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THÁI BÌNH

 

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2016-2017

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

 

Phần I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

      Việt Nam đất nắng chan hoà

Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh

      Mắt đen cô gái long lanh

Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung

      Đất trăm nghề của trăm vùng

Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem

      Tay người như có phép tiên

Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.

                  (Trích Bài thơ Hắc Hải - Nguyễn Đình Thi)

Câu 1. (0,5 điểm) Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. (1,0 điểm) Chỉ ra 02 hình ảnh về con người Việt Nam trong đoạn thơ trên.

Câu 3. (1,0 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp so sánh được sử dụng trong hai câu thơ “Tay người như có phép tiên - Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ”.

Câu 4. (0,5 điểm) Từ đoạn thơ trên, em cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam? (Viết khoảng 5 - 7 dòng)

Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

    Học mà chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc thì khó đạt hiệu quả.

Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 300 từ) bày tỏ suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Cảm nhận về hình tượng người lính trong đoạn thơ sau:

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

              (Trích Đồng chí - Chính Hữu, Ngữ văn 9

              Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

                    -- HẾT ---

Câu

Ý

Nội dung

I

1

Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát

 

2

Hai hình ảnh con người là:

-         Mắt đen cô gái long lanh

Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung

-         Tay người như có phép tiên

Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.

 

3

- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ là biện pháp so sánh và nhân hóa.

- So sánh: Tay người như có phép tiên để nói về sự kì diệu của con người Việt Nam, về sức lao động của con người Việt Nam.

- Nhân hóa: Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ, tre là biểu tượng của con người Việt Nam, làm công việc của con người. Dệt nghìn bài thơ là đời sống tâm hồn phong phú, nói lên tiếng nói của tâm hồn, tình cảm.

=> Hai câu thơ ca ngợi đất nước và con người Việt Nam.

 

4

- Hình thức: đoạn văn

- Nội dung:

+ Vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam là kết tinh từ ngàn đời nay truyền lại.

+ Vẻ đẹp của thiên nhiên, của truyền thống văn hóa

+ Con người tô điểm cho vẻ đẹp của đất nước, chính vì thế phải ý thức tự phát triển bản thân, là đẹp con người để đất nước giàu đẹp hơn.

+ Tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước và con người Việt Nam. Sống học tập và rèn luyện để giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp ấy.

II

 

Làm văn

 

1

     Học mà chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc thì khó đạt hiệu quả.

 

1.1

Giải thích

- Học: công việc tích lũy kiến thức để tự nâng cao hiểu biết của bản thân.

- Ghi nhớ kiến thức một cách máy móc: học thuộc lòng một cách thụ động, không tư duy, không suy nghĩ.

- Câu nói đề cập đến một thực trạng trong vấn đề học tập hiện nay là học sinh học một cách thụ động, chỉ thuộc lòng mà không tư duy, như thế sẽ không đạt hiệu quả.

- Câu nói đưa ra vấn đề: để học tập có hiệu quả tốt nhất, phải biết suy nghĩ, tư duy, phải chủ động tiếp nhận kiến thức.

 

1.2

Bình luận, chứng minh

a. Vì sao không được ghi nhớ một cách máy móc

- Kiến thức ta cần học là những điều chưa biết, nếu chỉ ghi nhớ máy móc sẽ không hiểu bản chất, không vận dụng được, học tập không có ích gì.

- Ghi nhớ máy móc sẽ áp dụng máy móc, không có tính thực tế.

- Chỉ biết làm theo, tâm lí ăn theo, không ứng dụng được trong hoàn cảnh phù hợp, không có sáng tạo.

b. Biểu hiện của học máy móc

- Thuộc lòng sách giáo khoa, không có ý kiến riêng.

- Những bài thi giống nhau như từ một khuôn đúc ra, như sản phẩm sản xuất hàng loạt.

- Kệch cỡm, không phù hợp với hoàn cảnh ở những tình huống thực tế, gây ra tình trạng dở khóc dở cười.

- Học tập, tiếp thu văn hóa từ nước ngoài vào nhưng không đúng thuần phong mỹ tục, tiếp thu không đến nơi sẽ làm mất văn hóa dân tộc, làm mất nét đẹp văn hóa.

c. Hậu quả của việc học một cách máy móc

- Không có trang bị kiến thức cho bản thân mình.

- Không giúp ích gì cho xã hội.

- Làm gánh nặng của xã hội và những người xung quanh.

d. Giải pháp

- Học hiểu, học phải suy nghĩ, tư duy, sáng tạo.

- Những gì là kiến thức cơ bản thì bắt buộc phải ghi nhớ, từ đó hiểu và phát triển thêm để kiến thức đó thật sự trở thành của bản thân mình.

- Phương pháp dạy học và ra đề thi, chấm bài cũng đề cao cá tính sáng tạo của học sinh, để học sinh nói lên ý kiến riêng của mình chứ không phải rập theo một khuôn khổ có sẵn, nói những lời của người khác.

 

1.3

Bài học hành động và liên hệ bản thân

- Học  tập nghiêm túc, hiểu vấn đề, có sáng tạo.

- Học lý thuyết kết hợp thực hành.

- Liên hệ bản thân

 

2

Cảm nhận về hình tượng người lính trong bài thơ Đồng chí

 

2.1

Giới thiệu chung

- Chính Hữu là nhà thơ quân đội sống và viết suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc nên những tác phẩm của ông mang đậm chất liệu của hiện thực cuộc sống.

- Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào đầu xuân năm 1948, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947.

- Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu đã khắc họa thành công hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp. Điều đó được thể hiện sâu sắc qua đoạn thơ từ “Áo anh rách vai quần tôi có vài mảnh vá” đến “Đầu súng trăng treo”.

 

2.2

Phân tích

a. Người lính với những khó khăn, thiếu thốn nơi chiến trường nhưng vẫn thắm thiết tình đồng chí, đồng đội

- Áo rách, quần vá, chân đi đất: thiếu thốn, khó khăn những ngày đầu

- Miệng cười buốt giá: trời buốt giá, miệng môi khô, nứt nẻ, nói cười khó khăn, có khi nứt ra, chảy máu nhưng người lính vẫn cười trong gian lao bởi họ có hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội.

- Cái siết tay của sự cảm thông và chia sẻ, cái siết tay truyền hơi ấm và sức mạnh.

Anh với tôi luôn luôn sóng đôi với nhau, có khi cùng nằm trong một câu thơ, có khi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau đã diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội.

=> Tình cảm gắn bó sâu nặng , sự sẻ chia của những người lính dành cho nhau. Sức mạnh của tinh thần lạc quan và hơn hết là sức mạnh của tình đồng chí giúp học vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Tình đồng chí là tình cảm chân thành, mộc mạc, đồng cảm, đồng khổ, đồng đau, đồng thương.

b. Người lính có lí tưởn cao cả, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc đầy tinh thần dũng cảm, lạc quan.

- “Rừng hoang sương muối” không chỉ là hiện thực, hơn nữa còn là điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt thử thách người lính.

- Trong điều kiện khắc nghiêt, người lính vẫn vững vàng tay súng “chờ giặc tới”. Họ sẵn sàng chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp, vì độc lập, tự do của dân tộc.

- “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” thể hiện tình đồng đội, tình đồng chí giúp họ tự tin, bình tĩnh, chủ động đối diện với kẻ thù. Người lính trở thành trung tâm của bức tranh. Họ không cô đơn vì họ đã có đồng đội và cây súng – những người bạn đồng hành tin cậy. Họ cùng nhau vượt qua cái giá buốt của rừng đêm, giữa sự căng thẳng của những phút giây “chờ giặc tới”. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp học vượt qua tất cả.

- “Đầu súng trăng treo” là một hình ảnh đặc sắc. Trước hết, đó là hình ảnh thực mà Chính Hữu đã nhận ra trong suốt những đêm phục kích chờ giặc. Nhưng đó còn là một hình ảnh giàu biểu tượng:

+ Súng là biểu tượng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt. Đồng thời là biểu tượng cho lí tượng cho lí tưởng của người lính.

+ Trăng biểu tượng cho vẻ đẹp mơ mộng, yên bình, lãng mạn.

- Kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, Chính Hữu đã vẽ nên một bức tranh đơn sơ mà đầy thi vị về người lính. Trong không gian bát ngát của rừng khuya, vầng trăng bất ngờ xuất hiện, chơi vơi trên đầu ngọn súng. Người lính nông dân hiện lên như những người nghệ sĩ đầy chất thơ, bình dị mà đẹp đẽ.

=>Hai hình ảnh súng và trăng kết hợp tạo nên một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính: chiến sĩ mà thi sĩ, thực tại mà mơ mộng. Đó là vẻ đẹp mang cả đặc điểm của thơ ca kháng chiến – một nền thơ giàu chất hiện thực và dạt dào cảm hứng lãng mạn.

=>Người lính cùng hoàn cảnh, cùng lí tưởng chiến đấu nên gắn bó, đoàn kết với nhau. Sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội giúp họ vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù.

 

2.3

Tổng kết

- Đoạn thơ thể hiện thành công vẻ đẹp người lính và tình đồng chí, đồng đội của người lính trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

- Là người lính sống và chiến đấu thật trong những năm tháng ác liệt của dân tộc nên tác giả thể hiện chân thực, cảm động về hình ảnh người lính.

- Hình tượng người lính còn mãi trog lịch sử dân tộc.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)