Lỗi: Trang web OLM.VN không tải hết được tài nguyên, xem cách sửa tại đây.

Đề thi năm 2016 - 2017

Các bài giảng

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TÂY NINH

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2016-2017

Ngày thi: 3/6/2016

Môn thi: Ngữ văn (chuyên)

Thời gian: 150 phút

I.PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu ở câu 1, 2:

Cô tôi vẫn cứ tươi cười kể chuyện cho tôi nghe. Có một bà họ nội xa vào trong ấy cân gạo về bán. Bà ta một hôm đi qua chợ thấy mẹ tôi ngồi cho con bú ở bên rổ bóng đèn. Mẹ tôi ăn vận rách ruwosi, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi, thấy thế bà ta thương tình toan gọi hỏi xem sao thì mẹ tôi vội quay đi, lấy nón che…

Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiễn cho kì nát vụn mới thôi.

(Trích Trong lòng mẹ, Ngữ văn 8, tập 1, NXBGD, trang 16)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt của văn bản.

Câu 2: Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiễn cho kì nát vụn mới thôi. Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng các biện pháp tu từ đó.

II. PHẦN LÀM VĂN (8 ĐIỂM)

Câu 1: (3 điểm)

Người xưa thường nói: Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm.

Anh chị hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ củ mình về lời nói trên.

Câu 2: (5 điểm)

Truyện ngắn Bến quê – Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh sự trân trọng giá trị của cuộc sống gia đình và những vẻ đẹp bình dị của quê hương.

Anh chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Câu

Ý

Nội dung

I

 

Đọc hiểu

 

1

Các phương thức biểu đạt của văn bản là tự sự kết hợp biểu cảm, miêu tả

 

2

- Biện pháp so sánh và điệp ngữ.

- Tác dụng: thể hiện sự căm ghét của nhân vật đối với những hủ tục đã đày đọa người mẹ, qua đó thể hiện tình yêu thương mẹ sâu sắc dù không được sống cùng mẹ, lại luôn phải nghe những lời nói xấu mẹ từ những người họ hàng.

II

 

Làm văn

 

1

Nghị luận xã hội

 

1.1

Giải thích

- Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm: chớ nghĩ rằng những việc tốt nhỏ không có giá trị, không làm.

- Đừng thấy những việc ác nhỏ mà làm: việc ác dù nhỏ vẫn là điều ác nên không được làm điều ác dù đó là việc nhỏ như thế nào.

- Với cách tạo ra hai vế đối, câu nói muốn đưa đến cho chúng ta một bài học: đó là làm việc thiện kể cho những việc thiện nhỏ nhất, tránh xa điều ác, dù đó là điều ác bé nhất. Chúng ta phải và chỉ được nghĩ đến làm những điều thiện.

 

1.2

Bình luận, chứng minh

a.Vì sao

-Những việc thiện dù nhỏ bé thế nào cũng sẽ làm ấm lòng những người được giúp đỡ, sẽ có ý nghĩa với những người được nhận.

- Những việc ác dù nhỏ thế nào cũng ảnh hưởng không tốt đến người khác.

- Một lần làm điều ác thì sẽ có thể có lần thứ hai nên phải tuyệt đối tránh xa điều ác.

- Điều thiện sẽ giúp chúng ta sống có ý nghĩa hơn, tâm hồn trong sáng, cao đẹp.

b. Biểu hiện

- Giúp đỡ người khác từ những việc làm nhỏ nhất.

- Tránh xa điều ác dù ta nghĩ nó không ảnh hưởng đến ai.

- Phê phán những cái ác, cái xấu trong xã hội.

- Ngợi ca những con người làm điều tốt đẹp điểm tô cho cuộc sống.

c. Mở rộng

- Điều thiện phải không được vụ lợi.

- Làm việc tốt xuất phát từ trái tim chân thành

 

1.3

Bài học hành động và liên hệ bản thân

-Tích cực làm việc tốt, tránh xa cái ác, cái xấu.

- Liên hệ bản thân.

 

2

Nghị luận văn học

 

2.1

Giới thiệu chung

-Tác giả là cây bút xuất sắc của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Nếu như trước năm 1975, các tác phẩm của ông như “Cửa sông”, “Dấu chân người lính”, “Mảnh trăng cuối rừng” mang khuynh hướng sử thi  với những con người trẻ trung, lãng mạn thì sau 1975, khi chiến tranh qua đi, Nguyễn Minh Châu tìm hiểu con người trong những tình huống đầy mâu thuẫn và nghịch lí.

- Tác phẩm: Bến quê – Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh sự trân trọng giá trị của cuộc sống gia đình và những vẻ đẹp bình dị của quê hương. Ý nghĩa này được thể hiện qua tình huống truyện và hệ thống những hình ảnh biểu tượng.

 

2.2

Phân tích

a.Thể hiện qua tình huống truyện

- Nhĩ, nhân vật chính của truyện được đặt trong tình huống đặc biệt: căn bệnh hiểm nghèo khiến Nhĩ bị liệt toàn thân, không thể tự mình di chuyển được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người khác mà chủ yếu là Liên – vợ anh. Nhưng trí tuệ Nhĩ còn hoàn toàn tỉnh táo và còn nhiều khát khao.

- Tình huống trớ trêu này đã nảy sinh tâm trạng dằn vặt đầy mâu thuẫn, không tự lí giải được.

- Từ nghịch lí này đưa ra chiêm nghiệm về con người và cuộc đời. Tình huống nghịch lí ở chỗ Nhĩ đã từng đi khắp mọi nơi trên thế giới “Suốt đời Nhĩ đã từng đi không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Nhưng cuối đời lại bị căn bệnh quái ác buộc chặt anh vào giường bệnh và hành hạ anh hàng nửa năm trời. Khi muốn nhích từ giữa đến mép giường bên cửa sổ mà anh cũng thấy khó khăn, như phải đi hết nửa vòng trái đất và phải nhờ bọn trẻ trong xóm trợ giúp.

- Tình huống nghịch lí ấy lại dẫn đến tình huống nghịch lí thứ hai. Khi phát hiện ra vẻ đẹp lạ lùng, quyến rũ của bãi bồi bên kia sông nhưng anh biết rằng sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên mảnh đất ấy. Dù nó ở rất gần nhưng giờ đây đều trở nên xa lắc. Anh đã nhờ con trai thực hiện cái điều khao khát ấy nhưng lại không toại nguyện vì cậu ta sa vào đám chơi phá cờ thế trên hè phố, để lỡ chuyễn đò ngang duy nhất trong ngày.

- Những tình huống nghịch lí ấy đã lưu ý người đọc một nhận thức về cuộc đời: Cuộc sống và số phận con người chứa đựng những điều bất thường, những nghịch lí ngẫu nhiên vượt ra ngoài dự định và ước muốn, cả những hiểu biết, toan tính của người ta. Như nhân vật Nhĩ, gót chân anh đã từng in dấu lên khắp các xó xỉnh trên mặt đất nhưng cuối đời lại đành nằm yên một chỗ, mọi dự định tốt đẹp hay bình thường nhất đều bị lỡ dở. Đến cả cậu con trai cũng không hiểu bố, giữa hai thế hệ dù là ruột thịt, rất yêu thương nhau nhưng không có sự đồng cảm. Chính vì vậy, khát vọng cuối cùng của Nhĩ trở thành vô vọng.

- Nhân vật Nhĩ nằm trên giường bệnh trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy để tự sám hối và nhận ra những điều không có gì là xa lạ nhưng lại rất mới mẻ, như đang khám phá từng ý nghĩa của cuộc đời. Qua cảnh ngộ của nhân vật Nhĩ, chúng ta cảm nhận được những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, của quê hương.

b. Thể hiện qua những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng

- Cảnh đất trời vào thu như đang thay áo mới hiện ra từ gần đến xa, trong cái nhìn chăm chú và tuyệt vọng của Nhĩ.

+ Màu sắc của những bông hoa bằng lăng “nhợt nhạt” khi mới nở, “đậm sắc hơn” khi đã sắp hết mùa, “thẫm màu hơn, một màu tím thẫm như bóng tối”. Tất cả gợi lên sắc màu của sự tàn phai, vẻ tàn phai ấy như gấp rút hơn trong cái nhìn của một con người sắp từ giã cõi đời.

+ Hình ảnh của bãi bồi, bến sông, con đò vừa là cảnh thực, vừa là biểu tượng cho vẻ đẹp của đời sống, của quê hương xứ sở gần gũi và bình dị mà trong đời người thường lãng quên bởi chính những điều vòng vèo, chùng chình hay mắc phải. Nhan đề “Bến quê” cũng có ý nghĩa khẳng định gia đình, quê hương là bến quê neo đậu của mỗi người.

+ Hình ảnh những tảng đất lở bên bờ sông đổ òa vào trong giấc ngủ của Nhĩ. Đó là quy luật tự nhiên, dòng sông có bên lở bên bồi cũng như đời người có sinh có tử. Nhưng trong suy nghĩ của Nhĩ, nó như một sự dự báo sự sống sắp lụi tàn.

-Anh con trai sa vào đám chơi phá cờ thế tượng trưng cho những điều vòng vèo, chùng chình mà cuộc đời con người hay mắc phải.

- Con đò ngang chỉ có một chuyến duy nhất trong ngày tượng trưng cho cơ hội trong cuộc đời nếu không nắm bắt sẽ mất đi hoặc bỏ qua.

- Hành động kì quặc của Nhĩ ở cuối truyện như một sự thức tỉnh mọi người hãy thoát khỏi những cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời để hướng tới những giá trị vốn giản dị, gần gũi mà bền vững.

 

2.3

Tổng kết

- Thành công của tác giả khi kết hợp hình thức để thể hiện nội dung.

- Bến quê thể hiện những trăn trở của nhà văn nặng lòng với cộc sống mới sau chiến tranh, là minh chứng cho sự đổi thay của một thời kì văn học mới.

Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học kèm trực tuyến với giáo viên OLM xem tại đây, hoặc liên hệ: 0966 971 996 (cô Quyên)